Xế chiều, bà khó nhọc leo lên sân thượng chăm sóc liếp rau, cắt mấy trái mướp; khi trở xuống, bà thở hổn hển, tay dính đất cát lấm lem thì bất ngờ gặp ông la nạt. Ông cho là bà đi tám chuyện với hàng xóm. Bất kể lý do là ông hiểu lầm hay do ông “trông quá hóa giận”, bà vẫn cười nói, giả lả để ông nguôi.

“Đã xác định từ đầu, tình nguyện lấy thương binh nặng làm chồng thì có bất kỳ khó khăn, vất vả hay tính khí chồng thế nào cũng không được nửa lời mặc cả, than trách”. Tâm nguyện này của bà đã giúp gắn chặt vợ chồng suốt nửa thế kỷ qua.

Một sáng vào năm 1973, cô công nhân Ứng Thị Doanh (Công ty Xây lắp cơ khí Sơn Tây) tình cờ gặp lại người bạn cùng làng cũ ở xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Trong câu chuyện dông dài, với tâm trạng xót xa, người bạn nhắc đến anh Nguyễn Trung Tính cũng ở cùng làng giờ bị thương quá nặng.

Nghe tin, cô Doanh ngỡ ngàng vì khi còn là Bí thư Đoàn Thanh niên, Xã đội phó dân quân và làm công tác chính sách ở xã Vạn Kim, cô nhận được tin anh Tính đã hy sinh. Khi ấy, cô rất sốc, mãi không cất được nỗi lòng đối với anh trai làng từng lấy máu mình để viết đơn tình nguyện đi bộ đội vào năm 1966, ở tuổi 18. 

“Bị thương à? Anh Tính vẫn còn sống à?”. Cô Doanh hỏi đi hỏi lại, vẫn ngỡ là mơ dù người bạn đã đoan chắc. Sự đoan chắc ấy đã thành chắc chắn khi cô Doanh theo chân bạn vào Bệnh viện Quân y 105 (Sơn Tây) thăm anh Tính.

Khi đó, anh Tính đang ngồi trên chiếc ghế khoét ở giữa. Sau lớp áo mỏng, những vết thương xuyên người lần lượt hiện ra buốt lòng. Anh bị vỡ cột sống, vỡ 2 khung xương chậu… Chỗ vết thương ở hông phải khoét sâu đến đặt vừa cái chén, tươm máu mủ, thường xuyên hành sốt đến 39-42 độ C. Viên đạn vẫn còn ở xương cùng khiến anh tiểu tiện mất kiểm soát. Bệnh viện đang “vỗ béo” để anh đủ sức khỏe đáp ứng ca phẫu thuật.

Ấy là lần bị thương thứ sáu, cũng là lần bị thương chí tử khi anh tham gia chiến đấu ở chiến trường Đường 9, Nam Lào. Anh trở thành thương binh hạng đặc biệt, mất 95% sức lao động ở tuổi 24, cái tuổi mà anh chưa từng có người yêu. Mỗi khi đến thăm anh, người thân duy nhất là cô anh cứ than khóc: “Mày làm gì còn tương lai hả con? Dòng họ mình đến đây là hết rồi”.

Nhưng ngay khi hầu như toàn bộ cơ thể đã tê liệt thì trái tim lại được dịp trỗi lên bản nhạc du dương của riêng nó. Ở bệnh viện, người ta thấy lạ khi gần đây, anh Tính lại cứ chống 2 nạng “tập đi” từ giường ra cổng rồi từ cổng vào giường.

“Cứ sáng Chủ nhật là tôi bắt đầu ngóng người đẹp đến thăm. Rồi tôi tỏ rõ lòng mình, mạnh dạn nói lên ý muốn tiến tới xây dựng gia đình. Tôi cũng sợ lỡ người ta không muốn đến với mình thì mình sẽ buồn lắm, tủi thân lắm” - ông Tính - ở tuổi 75, bồi hồi kể lại tâm trạng thuở chớm yêu.

10 người thì hết 9 ngăn cản, người còn lại e dè: “Tùy cô thôi, chứ lấy anh thương binh nặng như vậy là sẽ khổ lắm đấy”. Nhưng cô Doanh đã quyết: “Thấy là thương quá, thấy là thương liền. Không thể tả nổi lòng mình khi anh hy sinh một phần xương thịt nơi chiến trường. Anh đã vì nước vì dân, trong đó có mình; mà gia đình anh không còn ai; ba, chị rồi mẹ anh cũng đã mất thì sao mình không thể tạo cho anh hơi ấm của gia đình?”. 

Do từ đầu đã khẳng định chọn anh thương binh nặng đồng nghĩa với không nhờ được gì, cô Doanh chẳng hề lăn tăn so sánh với những người vợ khác. Ngày cưới vào tháng 3/1975, cô dâu giản dị trong chiếc áo kiểu màu xanh bên cạnh chú rể chống 2 nạng to kềnh, nụ cười không vì thế mà kém rạng rỡ. Đám cưới chỉ có bánh kẹo, thuốc lá nhưng không vì thế mà vơi lời chúc phúc của anh em công nhân đồng nghiệp, đồng đội. 

Trong căn nhà khang trang ở quận 10, TPHCM, ông Tính, bà Doanh hồi tưởng lại những khúc quanh đầy thử thách của cuộc mưu sinh. Năm 1990, cả nhà từ Bắc dọn vào TPHCM sinh sống, buổi đầu phải ở nhờ nhà người đồng đội. Tích cóp mãi, ông bà mới mua được căn nhà nhỏ, hẻm sâu, không có số nhà. 

Bà trải qua nhiều nghề, nhặt đậu, nhặt tỏi thuê rồi đi bán rau, giữ xe. Hằng đêm, ông bà vẫn luôn canh cánh câu hỏi: “Làm sao để mai có gạo ăn, làm sao để các con không đứa nào phải bỏ dở việc học”. Hè đến, các con phụ mẹ đi nhặt đậu, dành dụm tiền mua tập, mua viết cho năm học mới.

Bộ sách giáo khoa được chuyền tay từ chị Hồng Nhung, chị Mai Anh rồi tới em Trung Dũng, Trung Kiên. Vậy mà 4 chị em đều học rất giỏi, có chí cầu tiến, hiện là những cán bộ, công chức hay làm việc ở lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung là Đại biểu HĐND TPHCM, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy phường Phước Bình, TP Thủ Đức; em út Nguyễn Trung Kiên công tác tại Trung tâm Chính trị TP Thủ Đức. 

Ông Tính là người trực tiếp trông giữ, chăm sóc các con để bà Doanh an tâm ra ngoài kiếm tiền. Lúc mới cưới, còn ở Bắc, ông thường đi nhặt củi về nấu cơm. Phải đi qua một đoạn đường dài, băng qua đường tàu xe lửa, rất gian lao, khó nhọc.

Về sau, có thời gian ông còn đi giữ xe đạp, làm bảo vệ. Lao động giúp ông vui, bà lại cản vì sợ ông đổ bệnh hoặc té ngã. Với 5% sức khỏe còn lại, phải chống nạng, nhưng ông Tính vẫn tích cực tham gia công tác mặt trận, cựu chiến binh ở địa phương.

Năm 1985, trong một lần đi tắm, chợt phát hiện viên đạn trồi ra ngoài da, ông gỡ đi, từ ấy ông đỡ sốt. Cách đây hơn tháng, tự dưng bà thấy quần ông dính đầy máu, thì ra thêm một mảnh đạn nữa “khắc xuất” khỏi cơ thể ông sau hơn 50 năm xâm nhập.

Càng về già, chân ông càng teo lại, đi đứng rất khó khăn; trái gió trở trời càng nhức buốt, bà phải xoa bóp, thoa dầu. “Mình đứt tay còn đau, huống chi ông nhà tôi bị vết thương hoành hành như thế. Nên ông có nổi nóng, bực dọc, tôi vẫn bỏ qua, không giận và càng thương ông hơn, càng chăm sóc để ông vơi bớt đau đớn, căng thẳng” - bà Doanh chân thành chia sẻ. 

Chia sẻ bài viết: