Khoảnh khắc ngồi dưới bóng cây, bên bờ ao, nghe thanh âm của lá được chuyển tần số thành những giai điệu trong vắt, tôi bất giác mỉm cười. Và khi cùng đoàn người thiền hành “từng bước nở hoa sen” dưới tán rừng xanh biếc, tôi đã rơi nước mắt…

1.

 Buổi chiều, chúng tôi ngồi với nhau bên hồ sen trong vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình). Mùi cỏ cây thoảng vào trong gió. Trường (Lê Nhật Trường, sinh năm 1989, Founder của Lạc Healing - một đơn vị hoạt động chữa lành bằng Gong và chuông xoay, với tần số 432Hz) chọn một chiếc lá đang rung rinh, kết nối với thiết bị công nghệ có khả năng chuyển đổi tần số rung động của cây thành giai điệu chữa lành. Một thanh âm thuần khiết vang lên, reo vui, trong vắt. Thiết bị gồm những cảm biến kết nối với điện thoại, giúp con người nghe được “lời của lá”.

Mỗi rung động của cây, của lá, của cỏ… trong những môi trường sống khác nhau sẽ cho ra những giai điệu rất khác nhau. Nhưng đều mang đến cảm xúc chung cho người tiếp nhận: những giai điệu thật trong trẻo, bình an. Trường nói, giai điệu của cỏ cây trong trẻo bởi cỏ cây hồn nhiên, không có nỗi đau như con người. Những giai điệu của thiên nhiên cứ du dương, nhẹ nhàng, trong vắt và trở thành thanh âm có giá trị chữa lành. Tôi tựa vào gốc cây, nhìn ra bờ ao có đôi vịt trắng đang tung tăng bơi lội, nghe tiếng nước róc rách từ những khe suối ngầm. Chợt thấy lòng thật bình yên khi được ủ mình giữa thiên nhiên hiền lành, xanh biếc này.

Buổi thiền chữa lành đã diễn ra trong không gian thuần an như thế. Chúng tôi ngồi yên lặng bên nhau, nhắm mắt, thở sâu và cùng nghe thanh âm của lá, của chuông xoay, sáo trúc. Những ngày về trú ẩn với rừng, tâm hồn tôi được dẫn lối bởi những thanh âm huyền diệu đó, và ánh sáng màu nhiệm của sự chuyển hóa. Khi thiền hành “từng bước nở hoa sen”, nhìn xuống đôi chân trần của mình và bao người đang cùng nhau chậm rãi đi qua lối mòn, trong rừng, không dưng tôi rơi nước mắt. Người đi tìm sự an trú bằng những liệu pháp phục hồi thân - tâm - trí đã nhận ra rằng: con người luôn có sức mạnh và trí tuệ để làm được mọi điều lớn lao, có khả năng lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu; nhưng cuối cùng, trước những nỗi khổ niềm đau của bản thân, chính là phải tựa vào cỏ cây, vào thiên nhiên để được chữa lành. 

2.

Du lịch chữa lành (wellness retreat) trở thành xu hướng chỉ vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Mọi người bước vào giai đoạn “bình thường mới” đã lâu, nhưng những tổn thương hậu đại dịch còn kéo dài. Trở về kết nối với thiên nhiên để được chữa lành trở thành một nhu cầu của cộng đồng. 

Trong những chuyến đi của mình, tôi từng gặp nhiều người đã hoặc đang phải đối diện với những vấn đề của bản thân. Có người kể với tôi rằng, anh từng 3 lần đứng ngoài ban công chung cư, nhìn xuống bên dưới và nghĩ mọi thứ sẽ kết thúc. Có người em gái phải đi chữa lành khắp nơi để vượt qua những cú sốc tinh thần quá lớn trong cuộc đời. Một người bạn kể đã có thời điểm bạn mất tất cả, gia đình tan vỡ, công ty phá sản, tinh thần kiệt quệ, không còn sức sống. Và bạn quyết định bỏ lại mọi thứ, chạy đến nơi thiên nhiên có thể bao bọc, chở che và nâng đỡ tinh thần bạn bằng năng lượng yêu thương, an lành. 

Cuộc sống càng nhiều tổn thương, mỗi người càng cần thêm sức mạnh, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, biến cố. Vì nếu không, bản thân sẽ là một cá thể bị mắc kẹt lại phía sau. Khi chúng tôi ngồi trò chuyện cùng nhau trong đêm trăng, lắng nghe những hàn huyên, chia sẻ, chợt thấy lòng dâng lên một nỗi thương vô cùng: yêu thương dành cho con người. Trong mỗi cuộc đời mà chúng ta cưu mang, tận đáy tim mỗi người đều có một viên ngọc lấp lánh, được kết tinh từ nỗi đau, mất mát và sức mạnh của tỉnh thức, nhận diện. Tất cả giá trị ấy làm nên cuộc đời ta. Chúng ta cùng hiện sinh trong cuộc đời này bằng vẻ đẹp của cả hạnh phúc và nỗi đau, hy vọng và tuyệt vọng, yêu thương và tổn thương; của những thành - bại, được - mất, hợp - tan…

Thiền sư Minh Niệm từng nói rằng: “Món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho nhau: năng lượng bình yên, phương cách làm sao để có được sự bình yên. Và chúng ta đang rất cần những con người có được sự bình yên trong cuộc đời này. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi chúng ta phải thực tập rất nhiều, phải quay về bản thân, để trau dồi, sửa đổi và để vượt lên những giới hạn tầm thường của mình”. Hành trình đi tìm sự bình yên đó cũng chính là hành trình quay về với bản thể của mỗi người, kết nối với thiên nhiên và “chữa lành đứa trẻ bên trong”. Đó cũng là hành trình tuyệt diệu nhất mà mỗi người đều có thể trao tặng cho chính mình.

Tôi đã nghe đến những khái niệm “tắm trăng”, “tắm rừng”, “phục hồi thân - tâm - trí”… từ nhiều năm trước. Nhưng thời điểm này, tôi mới cảm nhận mọi thứ đang trở nên rất phổ biến. Như một cách “thuận tự nhiên”, những hoạt động chữa lành ngày càng được cộng đồng tìm đến, lan tỏa giá trị. Điểm đến cho các hoạt động “retreat” (nghĩa gốc là: sự trú ẩn, từ dùng để nói về hoạt động chữa lành) là những nơi có thể tạo sự kết nối sâu sắc với thiên nhiên: trên núi, ở rừng, trong hang động, về bên suối/thác… Người tham gia không chỉ có những người trẻ mà còn có người lớn tuổi, cả nam giới lẫn nữ giới. Điều đó cho thấy, con người trong thời đại mới ngày càng chịu nhiều tổn thương và muốn quay về bên trong, kết nối với chính mình. Và ngày càng có nhiều người trẻ tham gia hoạt động chữa lành cho cộng đồng, ở vai trò là nhà trị liệu. Lê Nhật Trường chia sẻ, anh đã phát nguyện cả đời chăm sóc sức khỏe cho người khác thông qua các liệu pháp thuận tự nhiên. Bản thân anh cũng từng là người “được chữa lành” và hiểu sâu sắc giá trị mà các liệu pháp chữa lành có thể mang đến cho cộng đồng. 

Lạc Healing của Trường không phải có khả năng huyền nhiệm rằng sẽ “chữa lành” ngay lập tức, mà là giúp mỗi người tìm thấy, khai mở sức mạnh tiềm thức để có thể vượt qua những vấn đề của bản thân, tiếp tục đi từng bước bình an trên con đường của chính mình. Cũng như với tổ chức Crăng Crắc: Chuyển động với trái tim trần của Dương Huyền Thanh (sinh năm 1996) và Bản Yên Retreat của Trần Nguyễn Vũ Hoàng (sinh năm 1988), giá trị mà cộng đồng được nhận chính là sự tỉnh thức, chánh niệm, kết nối sâu sắc với thiên nhiên, sự thấu hiểu bản thân và biết ơn mọi điều mà chúng ta có được trong cuộc đời.

3.

Tôi đến Bản Yên (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) vào đúng mùa hồng. Thung lũng như chìm trong sương mây. Tôi đi trên con đường mòn mà 2 bên là những vườn cà chua chín mọng đang vào mùa thu hoạch. Nhìn ngắm cỏ hồng phơn phớt trong nắng mai, nghe chim hót và tiếng ve như bản hòa ca của núi đồi, bàn tay thoảng mùi hương thảo trong vườn, cảm giác mọi giác quan như được đánh thức. Tất cả những điều xốn xang thương nhớ ấy đều là món quà an lành mà đất trời và vạn vật trao tặng. Nơi này đã đón rất nhiều người từ khắp mọi miền, đến để được hòa nhịp cùng thiên nhiên, để được chữa lành.

Bản Yên có những ngôi nhà gỗ đơn sơ và một gian bếp xinh xắn nằm giữa vườn cây, có chó, mèo và thỏ. Trần Nguyễn Vũ Hoàng (cùng gia đình sống tại đây và tổ chức các hoạt động chữa lành) nói rằng, Bản Yên không hướng đến những tiện ích vật chất, mà là sẻ chia những giá trị cùng nhau. Khách phương xa đến có thể cùng sống, cùng nấu ăn, làm vườn, uống trà, trò chuyện; được lắng nghe, được yêu thương, khơi mở và giải phóng cảm xúc, được là chính mình… Các hoạt động chữa lành của Vũ Hoàng hướng đến chiều sâu nội tâm. Trong những buổi thiền với yoga nidra, Hoàng dẫn lối cho mỗi người khám phá những tầng sâu tâm thức với nhiều chiều kích: cảm giác xúc chạm, nặng - nhẹ, nóng - lạnh, trong - ngoài…; lắng nghe cơ thể, trở về với bản thể thuần khiết.

Còn Dương Huyền Thanh chọn Chuyển động biểu đạt và Nia (tạm hiểu là: hoạt động tích hợp thần kinh cơ) làm phương thức chữa lành. Hoạt động giúp khơi mở cảm xúc, cho mỗi người tự do cảm nhận cơ thể và nhận diện cảm xúc bản thân một cách rõ ràng nhất. So với các bộ môn khác, Nia là bộ môn còn mới mẻ mà Dương Huyền Thanh là người tiên phong đưa về Việt Nam. Cô giải thích, tinh thần của Nia kết hợp từ nhiều bộ môn khác: sự chú tâm từ võ thuật, sự biểu đạt từ nhảy múa, sự toàn diện từ yoga và các phương pháp chăm sóc, rèn luyện cơ thể khác cho sức khỏe thân - tâm - trí, dựa trên nền tảng chuyển động và chánh niệm. Còn Chuyển động biểu đạt là phương thức sử dụng âm nhạc, chuyển động, tạo ra âm thanh… để tự do khám phá những góc cạnh khác nhau của bản thân, giải phóng năng lượng tiêu cực tích tụ, khơi thông sáng tạo…

“Khi cảm thấy thân thương hơn trong cơ thể chính mình, mọi người tương tác với nhau trong niềm vui và sự nâng đỡ, tin tưởng hoàn toàn. Khoảnh khắc khiến tôi “thăng hoa” nhất là khi thấy mọi người cảm nhận được cơ thể, cảm nhận âm nhạc, thoải mái hơn trong việc thể hiện nó ra ngoài, và nhận được sự trân trọng từ những người tham gia. Cảm xúc tuôn trào từ trái tim, quyện với nhau tạo thành dòng chảy nuôi dưỡng những rung động đơn sơ, thuần khiết nhất” - cảm nhận của Huyền Thanh sau buổi dẫn dắt thực hành Chuyển động biểu đạt tại Bản Yên, trong đêm trăng. Trong những khoảnh khắc dẫu ngắn ngủi, mỗi người có thể nhận về năng lượng bình an - dù bằng phương thức chữa lành nào - cũng là giá trị tinh thần quý giá có sức mạnh vỗ về, nâng đỡ.

Cuộc đời của mỗi người có những con đường riêng, với bao lối rẽ. Những hành trình lớn lao về sông, ra biển, kiến tạo thành tựu, để lại những giá trị cho đời. Nhưng rồi sẽ có lúc, người ta nhận ra rằng, còn có hành trình quan trọng và sâu sắc nhất là quay về với chính mình. Tựa vào hương đất, tựa vào cây, ủ mình giữa thiên nhiên và đất trời để trái tim được nhận về năng lượng yêu thương lớn lao. Và để hiểu rằng, người nhận được sự bảo vệ thiêng liêng ấy, cũng có nghĩa là phải học cách đối đãi tử tế với thiên nhiên. Để biết trân trọng từng lá cỏ, từng khoảnh rừng, những dòng suối mát… Khi người quay về kết nối với đất trời, cỏ cây thì cũng cần hiểu rằng, hành tinh xanh cũng như chúng ta, rất cần được bảo vệ, chữa lành.

Mùa xuân này, chúng ta đã thấy lòng mình thật bình yên, 
“để thương được tất cả” chưa?

Chia sẻ bài viết: