Chiến tranh đã lùi xa gần 5 thập kỷ, nhưng những dấu ấn hào hùng và đau thương của cuộc chiến vẫn còn đậm nét trên mảnh đất Quảng Trị. 50 năm sau ngày thống nhất đất nước (1/5/1972 - 1/5/2022), những viên gạch thấm máu bao người ở thành cổ Quảng Trị ngày nào, giờ hoa đã mọc trên đó và in dấu mặt người, những người giản dị mà kiên trung trong suốt cuộc trường chinh lịch sử. Và thời gian không phủ bụi được lên được ký ức, dẫu có nhuộm phai sương mái tóc của các o du kích tuổi đôi mươi ngày nào…

Trên con đường rộng thênh thang nối QL1A vào Nhà thờ La Vang, đi chừng hơn 1km, nhìn sang trái với cánh đồng xanh lúa cò trắng dập dờn bay là xóm Phường Sắn thôn Long Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị) con đường băng qua cánh đồng nay đã được rải nhựa thẳng tắp vào tận xóm, đến với những ngôi nhà khang trang chính là đường Dũng Sĩ Phường Sắn. Tại đây, ngoài tấm bia tưởng niệm các dũng sĩ với khuôn viên được chăm sóc sạch đẹp, còn có Anh hùng LLVT Văn Thị Xuân (sinh năm 1948).

  “Con biết không, lúc 15 tuổi mẹ đã giác ngộ cách mạng. Lúc đang chăn trâu ở xóm Phường Sắn, mẹ được mấy anh em xã đội nhờ nấu cơm vắt rồi bí mật mang đến cho bộ đội. Dần dần sau đó cán bộ huyện về tổ chức cuộc mít-tinh ngay trong lòng địch để vạch tội ác của kẻ thù và kêu gọi nhân dân đứng lên giải phóng quê hương. Từ đó mẹ đi theo làm du kích hoạt động ở địa bàn Phường Sắn…”, bà Xuân nhớ lại.

Trải qua 15 lần bị địch bắt và 7 lần bị tra trấn dã man nhưng bà Xuân không hề khai báo. Ký ức hiện về buốt nhức khi một mình bà phải đối diện với 8 tên cảnh sát do trưởng ty cảnh sát lúc đó cử xuống cùng mật thám tham gia thẩm vấn, rồi tra trấn, mục đích bắt mẹ chỉ điểm các cơ sở nuôi giấu cán bộ của ta dưới hầm bí mật. Giọng bà sang sảng: “Đến giờ mẹ vẫn nhớ như y hình ảnh này, trải qua 5 tiếng tra khảo cực hình, lúc đầu bọn ác ôn dùng dùng 40 lít nước hòa cùng xà phòng với ớt cay liên tục đổ vào mắt, mũi rồi bóp miệng rồi đổ vào họng, vừa đổ nước vừa đánh đập. Sau hơn hai tiếng mẹ ngất lịm, ngã gục xuống đất. Bọn địch tạt nước vào mặt sau đó cởi bỏ quần áo tiếp tục tra khảo, lúc đó mẹ mới 19 tuổi”.

 

Không lấy lời khai được ở thôn, bọn chúng đưa bà về một trạm đóng quân gần khu vực thánh địa La Vang, tiếp tục ép cung bằng cách treo ngược bà lên cột nhà. Bà Xuân nhớ, vào thời điểm đó có một người đàn ông trẻ mặc bộ áo đen đứng cạnh bà, hét lớn: “O (cô) có thấy xấu hổ trước mọi người không ?”. Bà nói to: “Chính các  ông bắt con gái dân thường, cháu nội của cụ ông bị bệnh điên rồi lột hết áo quần trước mọi người để làm nhục. Tôi trần tuồng, chỉ xấu bọn ông, chứ không xấu tôi”. Bà vừa dứt lời thì bị mấy tay lính trẻ dùng báng súng đánh vào miệng. Bị đánh đến ngất đi ngất lại nhiều lần nhưng bà vẫn khẳng khái: “Tau (tôi) không biết, tau không khai”. 

Không thuyết phục được ý chí quật cường của mẹ, tên cảnh sát đến lau sạch người, mặc áo quần cho bà rồi dẫn bà ra phòng riêng dùng chiêu trò “tâm lý” đưa tiền dụ dỗ và nói rõ nếu khai sẽ tha tội, đồng thời hứa tặng thêm tiền thưởng. Tuy nhiên, bà Xuân thẳng thừng: “Tôi không biết, tôi không có chi để khai”.

50 năm trước, nhà báo Đoàn Công Tính - nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân - chụp bức ảnh cụ già chèo thuyền cùng cô con dâu sắp cưới cầm chắc tay súng với nụ cười hào sảng. Bức ảnh đó giờ đang được đặt bên góc Bảo tàng Thành cổ và nhanh chóng nổi tiếng trên khắp thế giới. Bởi lẽ, giữa mưa bom bão đạn trong 81 ngày đêm chiến đấu giữ gìn, bảo vệ thành cổ, nụ cười của hai bố con ông lái đò như tiếp thêm sức mạnh để quân dân ta giành chiến thắng trong trận đánh lịch sử này.

Cô gái đó chính là o Thu (Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1954) ở làng Giang Hến, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Hơn 70 tuổi rồi, nhưng o vẫn cần mẫn mưu sinh với việc bán bắp cho khách qua đường. Giọng o đặc quánh như tính cách quen thuộc của người dân sinh ra ở đôi bờ Thạch Hãn. “Con đợi o chút nghe, mấy bữa chừ (giờ) lũ trái vụ cuối tháng 3 làm lúa, bắp sắp đến mùa thu hoạch đều chết hết. Còn được ít bắp o trồng trên vùng cao không bị hư, nay o chọn được vài chục quả ngon để bán. Tiếc đứt ruột vì ông trời không cho ăn con ơi”. 

Tôi mua hết rổ bắp ủng hộ để o về nhà sớm kẻo trời tối nhưng o nằng nặc khước từ: “Thôi hôm ni kiếm đủ 50 nghìn ri là vui rồi, vô thôi, mời hai con vào nhà chơi uống nước nói chuyện, rồi nghe o kể chuyện xưa. Số bắp ni (này) còn lại mai ra đường o bán tiếp. Kệ lo chi con. Trời cũng tối rồi, ngồi lâu muỗi cắn sợ bán thêm nữa cũng không ai mua”…

Nhìn lên bức ảnh treo ở phía đầu chiếc giường cũ kỹ, chú Nguyễn Câu (chồng o Thu) nói lớn: “Đó là kỷ vật quý giá mà nhà báo lão thành Đoàn Công Tính gửi tặng gia đình tui khi ông có dịp trở lại thăm Quảng Trị”. Ri ông bâng quơ: “Thấm thoát, bức ảnh ba với vợ tui chèo đò đưa quân trên sông Thạch Hãn đến hết tháng 4 ni nữa là được 50 năm. Chú dốc sức đi tìm, rồi hỏi kỹ anh em bạn bè, người quen thì được biết trong bức hình này các chiến sĩ đã hy sinh nay không còn ai còn sống sót cả. Chú nghĩ nếu ai còn đó, khi đi ngang Quảng Trị rồi ghé vô thành cổ Quảng Trị thắp một nén nhang gửi đến đồng đội chắc chắn các anh cũng về thăm hỏi thăm vợ chú còn sống hay đã hy sinh…”. 

Mùa hè đỏ lửa ở chiến trường thành cổ năm 1972, nữ du kích Nguyễn Thị Thu được phân công vào đội vận chuyển cùng bố chồng tương lai (thuyền trưởng Nguyễn Con) phục vụ chiến đấu. Nhiệm vụ chủ yếu của o Thu cùng ông Nguyễn Con là lái đò đưa quân lương, quân dụng từ hậu phương vào mặt trận thành cổ Quảng Trị, đồng thời chuyển thương bệnh binh về tuyến sau. O nói: “Lúc đó đò đi ngày không được thì đi đêm, trời nắng không chèo được thì tăng chuyến lúc trời mưa. Có những lần bị địch phục kích nã đạn pháo, các chiến sĩ giục tui và bố chồng nhảy xuống sông vào trú chỗ an toàn… Nhưng làm răng (sao) mà bỏ lại được chú, nhiệm vụ mà”. Có lần đang làm nhiệm vụ cùng đồng đội, bất ngờ có một quả bom quân địch thả xuống làm hai chiến sĩ bộ đội hy sinh, 4 trong 6 cô du kích bị thương nặng - trong đó có o Thu.

Chiến tranh kết thúc. Năm 1976, o Thu kết hôn với ông Nguyễn Câu (con trai cụ Nguyễn Con). Từ đó vợ chồng o gắn bó với công việc cào hến dưới sông Thạch Hãn đem ra chợ để đổi lấy cái ăn, nhưng cuộc sống ngày mỗi vất vả hơn vì tuổi già, sức yếu tay chân không còn nhanh nhẹn như xưa.  

Khi chúng tôi hỏi vì sao có bức hình này đặc biệt này, o vui vẻ: “Nói thiệt với hai con, lúc đầu o không hề biết tấm ảnh có hình mình và cha chồng được in trên các báo. Sau này, qua một người cùng làng thì mới biết tấm hình đó được in lớn trên báo và cả sách, được treo trang trọng trong Bảo tàng Thành cổ. Gia đình biết cả việc chủ nhân bức ảnh đi tìm mình và những người trong hình nhưng hai vợ chồng không dám đến nhận, bởi lẽ nhận mình là người trong ảnh để làm chi?”. Mãi đến năm 2007, khi nhà báo Đoàn Công Tính tìm gặp lại, hai người mới nhận ra nhau. Bức hình được ông Tính sang lớn rồi tặng cho gia đình.

Tôi hỏi giờ o có ước mơ gì không, o Thu cho biết: “Bây giờ o mong muốn có chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với người có công để vài năm nữa già đi không trở thành gánh nặng cho con cháu”. Hơn 20 năm nay đã nhiều lần o Thu cùng người thân trong gia đình làm đơn gửi chính quyền địa phương nhưng được trả lời rằng o không thuộc đối tượng để hưởng các chế độ dành cho người có công.   

 Thoáng trầm tư, o nghẹn ngào: “Cuộc sống của o tuy còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn không thể nào so sánh được với những hy sinh, mất mát của các chiến sĩ đã ngã xuống vì đất nước. O vẫn còn sống được đến ngày hôm nay đã là một điều may mắn rồi...”.

Hồi đó anh em bộ đội hay gọi o Trần Thị Ngọc Diệp là người đẹp “xã đội”. O Diệp (sinh năm 1954, trú tại kiệt 33 đường Đặng Dung TP. Đông Hà, Quảng Trị), được biết đến là nữ xã đội phó trẻ nhất huyện Triệu Phong thời bấy giờ

Năm 18 tuổi, o Diệp gia nhập lực lượng du kích và trở thành xã đội phó xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) từ năm 1972 - 1975. Đây là một trong những địa phương quan trọng và diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trong chiến dịch 81 ngày đêm giải phóng thành cổ. Khi ấy, sự nguy hiểm luôn rình rập bởi suốt dải Như Lệ, Tích Tường, Nhan Biều, Xuân An dọc bờ Bắc sông Thạch Hãn luôn bị các máy bay trinh sát OV10, L19 của quân địch bay lượn quần thảo. Nghi chỗ nào có hoạt động của quân ta là chúng bắn pháo khói gọi ngay phản lực F4 đến và không đầy 5 phút sau, bom sẽ cày nát khu vực pháo khói vừa nổ. 

Trong bút ký của một cựu chiến binh từng là sinh viên văn khoa, trường Tổng hợp Hà Nội và từng “say nắng” o Diệp - nay là nhà báo Phùng Huy Thịnh - có đoạn miêu tả: “Diệp nhỏ nhắn với khuôn mặt không đẹp một cách sắc sảo nhưng xinh xắn. Thực tình, ưu thế của cô không phải ở đôi mắt đen to hay cái miệng nhỏ nhắn có duyên, mà lại ở nước da trắng hồng hiếm thấy. Cô vừa là xã đội phó vừa kiêm cả chức đại đội trưởng đại đội du kích huyện. Đơn vị này từng được phong anh hùng trước đó và luôn luôn sát cánh với bộ đội chủ lực chốt giữ vùng tây Quảng Trị cho tới khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973”. Không chỉ xinh xắn, o Diệp còn có khả năng ca hát tuyệt vời: “Khi ngày nào không phải lâm trận, chúng tôi thường tụ tập đàn hát trong hầm. Những lần ấy, cả tôi lẫn Diệp đều là ngôi sao. Tôi thì những ca khúc trữ tình Nga và dân ca quan họ, còn Diệp hò Huế và một số bài hát ướt át phố biển trong Nam lúc bấy giờ”.

Năm 1980, o có chồng - là con trai duy nhất của liệt sĩ Hà Ngọc Ngoãn đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Tây Ninh ác liệt. Bản thân o Diệp khi tham gia chiến đấu, bảo vệ quê hương cũng bị thương và hiện nay đang nhận chế độ ưu đãi thương binh hạng 3/4. 

 Đang nói chuyện, bỗng o Diệp kể về Hoài, đứa con trai o nhận về nuôi lúc em đang học lớp 10 (cách đây 22 năm) với một tình cảm hết sức đặc biệt. Vào khoảng tháng 3/2000, Hà Lan Anh con gái o Diệp sau khi dự đám tang gia đình cha mẹ một người bạn cùng lớp về, luôn trăn trở, thao thức trước hoàn cảnh bi đát của gia đình bạn. Đó là Lê Văn Hoài (SN 1983, quê Gio Việt, Gio Linh). Trong một chuyến ra khơi đánh cá, cha mẹ Hoài bị lật thuyền qua đời, để lại 8 người con (Hoài là con thứ 6). Là một học sinh khá nhưng cha mẹ chết, không còn nơi nương tựa, Hoài quyết định nghỉ học. “Bạn ấy học giỏi mà định bỏ học, tội quá, nhà mình có thể nuôi bạn được không?”, Lan Anh tâm sự với mẹ.

Sau nhiều đêm trăn trở bởi lẽ gia đình gặp không ít khó khăn, lương thương binh 3/4 của o vào thời điểm đó lương tháng chỉ 170.000 đồng/tháng, mọi khoản chi tiêu sinh hoạt gia đình phải trông cậy vào người chồng đang làm việc tại công ty thạch cao Quảng Trị, o quyết định nhận nuôi Hoài. O nuôi Hoài đi học hết lớp 10, rồi 11, 12 rồi đại học và sau đó là dựng vợ cho Hoài. 

  “Đời o nghèo mà được giúp đỡ một người như làm thêm được một việc thiện, để lòng thanh thản nhẹ nhàng hơn”, o Hoài tâm sự. O cũng nhắn nhủ: “Giá trị của độc lập tự do trả bằng xương, bằng máu. Nên thế hệ sau phải sống thật sự xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông đi trước”.

Bài và ảnh:Thuận Hóa

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: