Trên người phủ hình xăm, trang phục ngổ ngáo và sự phản kháng luôn thường trực, như thể trong những rapper gai góc chỉ có cái tôi cá nhân, mà bất cần tất cả. Nhưng không, có một vùng yếu đuối nhất vẫn ở đó, mang tên mẹ, neo họ lại trước những bất trắc hay những sa ngã có thể.

Trong bối cảnh gần như cả xã hội đều kỳ thị với những thanh niên miệng cứ “lẩm nhẩm những điều lạ lùng, hát không phải hát mà nói không ra nói” những năm đầu 2000, trái tim người mẹ dường như đứng khựng khi con mình là một trong những thanh niên ấy. Ngôn từ ngông cuồng, đi cùng “trang sức” là hình xăm, thuốc lá, quần áo chất chơi... đặc trưng của nhạc rap. Thế nên, khi những đứa con thỏa thích với đam mê của mình, cũng là lúc những người mẹ tan nát. Cái tan nát đến từ sự giằng xé giữa yêu con và định kiến của xã hội, thậm chí định kiến của chính mình. 

Rapper Dế Choắt (Châu Hải Minh) nhớ lại những ngày đầu tập rap và phủ lên mình hình xăm đầu tiên, chẳng ai - trong đó có ba mẹ, hiểu anh đang làm gì. Ba mẹ ly hôn năm Dế Choắt lên 5. Rap đến với Dế Choắt tự như vô thức, là một cách thể hiện sự phản kháng trước những bất ý. Anh chọn rap để “trút” mọi tâm tư của một đứa trẻ nhiều niềm đau, nhưng gia đình anh lại chẳng ai hiểu rap là gì để chấp nhận nó.

Sự ngỗ ngược, bất cần của Dế Choắt không đơn độc trong thế giới rap. Người thầy của Dế Choắt - rapper Wowy (Nguyễn Ngọc Minh Huy) cũng tự nhận bản thân bất trị. Anh kể, anh lớn lên ở con hẻm thuộc quận 5 - nơi mà trước đây, từ đêm tới ngày, bạo lực, sự nghèo đói, tiếng chửi ra rả không ngừng. Đời sống tiêu cực ấy dội vào bên trong một đứa trẻ tâm lý muốn nổi loạn. Wowy mượn nhạc rap để giãi bày tâm tư, người ngoài - tức cộng đồng underground - ủng hộ nhiệt tình, còn gia đình thì toàn những âu lo, thở dài. Dù cởi mở hơn, nhưng ban đầu, má Năm (tên thật Nguyễn Kiều Phương) cũng không biết thứ nhạc mà con mình - rapper Đạt Maniac - theo đuổi là gì. Không ngăn cấm có lẽ là sự thấu hiểu nhất mà người mẹ này dành cho con, còn lại, bà không thể lại gần thế giới âm nhạc “của lũ trẻ” đó, vì “nhạc gì mà chửi nhau dữ quá”.

Ngay cả khi không lo lắng vì con rơi vào vùng kỳ thị của xã hội, những người mẹ cũng không tránh khỏi muộn phiền khi nhìn con cái của những nhà khác lớn lên, có công việc đàng hoàng, còn tương lai của con mình thì không rõ hình hài. “Khó có gia đình nào giơ 2 tay lên đồng ý cho con mình theo đuổi dòng nhạc này. Họ không sai đâu, trong bối cảnh đó, họ có nhiều lý do để nghĩ không tốt về nhạc rap” - Karik (tên thật Phạm Hoàng Khoa) nói. Trước khi trở thành rapper “đời đầu” với không ít thành tựu, Karik đi qua nhiều trải nghiệm không mấy dễ chịu, mà một trong những điều khó khăn nhất chính là “ải” gia đình! 
Thế nhưng, dù có ngác ngơ trước thứ giai điệu kỳ lạ và những hình xăm trên tay con mình đến mức nào, thì tự trong sâu thẳm, họ vẫn là vùng an toàn cuối cùng của chúng - những đứa trẻ cất tiếng lòng bằng rap. 

“Tất cả bài nhạc của tôi, mẹ tôi không thuộc câu nào/ Sao mày không giống người ta mà cứ lẩm bẩm kêu gào” - một câu rap trong bài Hát cho đời và hát cho em của Đen Vâu nói lên tất cả về mẹ anh khi bà đứng trước cậu con trai suốt ngày đeo tai nghe, lẩm bẩm những câu rap. Nhưng, vẫn người mẹ ấy, trong bối cảnh bữa cơm nhà hôm có thịt hôm chỉ rau luộc, khi vừa gom đủ tiền, liền mua cho anh bộ máy tính để bàn. Để con làm nhạc - bà nói thế khi có người hỏi, dù bà chẳng biết “làm nhạc” là làm sao và để chi, sẽ như thế nào. Trước đó, bà chưa từng có lời than phiền, cũng không trách đam mê của con là viển vông. Trong những lời dạy của người mẹ quê, bà căn dặn anh nên làm điều tốt, không được hại ai, ra đường nói chuyện phải lịch sự, ăn mặc đàng hoàng, giữ sức khỏe, tránh phung phí... Cũng như người khác, bà đứng trước mâu thuẫn giữa ủng hộ con và định kiến trong lòng về “thứ âm nhạc kỳ dị”, nhưng cuối cùng, bà chọn đứng bên cạnh, nói “con cứ làm đi”. 

Giờ thì, thỉnh thoảng, Đen Vâu lại… hốt hoảng khi nghe âm thanh vọng lên từ chiếc ti vi dưới nhà, là giọng hát của anh. Nghe chương trình nào có anh tham gia là bà lại mở. Dù có thể đến giờ bà vẫn chưa hiểu rap là gì, nhưng ở đâu có con trai, ở đó có ánh mắt của bà.

 

Hành trình của Karik dài hơn, nhẫn nại hơn, với việc đối thoại. Những cuộc trò chuyện giữa 2 thế hệ giúp ba mẹ hiểu anh hơn, nhưng mãi đến năm 2012, khi Karik là rapper đầu tiên nhận giải MTV Việt Nam bên cạnh ca sĩ Mỹ Tâm, sự hồ nghi từ gia đình mới dừng lại. Nỗi lo trong mẹ anh như được trút xuống, vì rap được thừa nhận, con trai được thừa nhận. Người mẹ ấy cũng hiểu ra Karik đến với rap không để chơi đùa. Từ đó, với mỗi sáng tác mới của Karik, bà là khán giả đầu tiên. Bà chăm chỉ đọc những bình luận và “cày view” bất kể ngày đêm. Có lần, phát hiện mẹ cứ tua đi tua lại bài hát anh vừa phát hành, Karik không nén được sự thắc mắc, bà đành “khai thiệt” là muốn bài hát nhận được nhiều lượt xem, để con vui! “Mẹ là người cho tôi động lực khi xung quanh tôi không nhiều người ủng hộ. Ngay cả những lúc tôi thất bại và chỉ tôi mới định nghĩa được điều này, mẹ cho tôi sức mạnh tinh thần. Khán giả có người đến, người đi thì mẹ nói với tôi rằng, mẹ vẫn luôn ở đó!” - Karik chia sẻ.

Không hề ngẫu nhiên khi hiện tại trong mắt rất nhiều chàng trai, cô gái của cộng đồng âm nhạc underground, má Năm của Đạt Maniac là người má “quốc dân”. Mọi chuyện bắt đầu trong một lần Đạt năn nỉ mẹ đến xem anh diễn và bà từ chối. “Thì mẹ đến xem con thôi, mẹ đừng quan tâm đến xung quanh là được rồi, tại vì có mẹ thì vui hơn. Mẹ nghĩ đi, mỗi lần con đang vui, con đang hát hò hứng khởi, rồi con nhớ đến việc mẹ ở nhà có một mình buồn hiu, con mất hứng, không chơi vui được nữa” - má Năm kể lại lời nài nỉ của Đạt. Người mẹ miễn cưỡng đi cùng con, để rồi từ đó đến nay hơn 10 năm, ở đâu có Đạt biểu diễn, ở đó có má Năm. Bà không chỉ hòa nhập vào thế giới của con trẻ, tháo gỡ giúp con hay bạn bè của con những vấn đề mà chúng gặp phải, mà còn gặp không ít phụ huynh của các rapper để mong mọi người có cái nhìn cởi mở hơn với rap.

 

Một tối diễn ở địa điểm cách nhà 170km, rời ánh đèn sân khấu và những âm thanh vang vọng, rapper Đen Vâu về nhà ăn cơm mẹ để phần. Hôm ấy, cơm trắng ăn cùng trứng chiên, nhưng cảm giác ngon miệng của anh như thể đã rất lâu mới tìm thấy.

Trên mạng xã hội, Đen không nhiều khi kể về gia đình. Thi thoảng anh đăng vài tấm ảnh chụp mâm cơm quê ngoại, khoe vườn rau hay chuồng heo của mẹ để lấy cớ tương tác với Đồng âm (tên Đen gọi những người yêu âm nhạc của mình). Duy nhất lần viết bản rap Mang tiền về cho mẹ, người nghe mới thấy anh nhắc nhiều đến mẹ - người vẫn chỉ gọi Đen bằng cái tên thuở bé, Nguyễn Đức Cường. Bài hát đó cũng là lời thổ lộ đầy ngượng nghịu mà nhờ có âm nhạc, anh mới có cớ để phơi bày ra. “Những đứa trẻ sẽ phải đi xa nhà”, và lời mẹ dặn khi ấy vẫn là “Nếu có gì gọi điện ngay cho mẹ” - như Đen đã viết trong bài hát. Đen không kể anh có từng “gọi ngay cho mẹ” lần nào trong hành trình trưởng thành của mình không, nhưng trong một lần tham gia chương trình truyền hình, khi vừa nghe giọng mẹ cất lên trong điện thoại mà chương trình kết nối, người ta thấy anh khóc. Với chàng rapper gai góc và phần nào đã thành danh, mẹ là tầng sâu yếu đuối nhất mà đứa con là anh chưa từng bộc lộ cùng ai. “Cường à? Mẹ đây… Con ăn uống và giữ gìn sức khỏe nhá”, chỉ thế thôi, Đen khóc.

 

Khoảnh khắc Đen đưa tay quệt nước mắt, nếu không chứng kiến thì thật khó hình dung. Cũng như, làm sao có thể hình dung được chàng thanh niên ngoại hình ngổ ngáo, gắn khoen đầy mũi, miệng, tai như rapper MCK (Nghiêm Vũ Hoàng Long) lại khóc không khác đứa trẻ khi hát Gửi mẹ. “Con nhớ mẹ nhiều nhưng mà con không dám nói/ Cô đơn sẽ bay theo gió nếu con thả vào trong đám khói/ Vì con biết, mẹ đã có quá đủ chuyện để đau đầu/ Vật lộn với khoản nợ, những dự định và cách để mau giàu” - MCK đã viết như thế, và khóc như thế. Lời rap cất lên, người ta thấy một phiên bản hoàn toàn khác của anh - chàng trai đôi mươi yếu đuối khi rời khỏi vòng tay mẹ, luôn nhớ những lời dạy từ mẹ, nhớ những món ăn mẹ làm và tự hứa sẽ tốt hơn để không làm mẹ buồn.

Một hình ảnh thật khác cũng là điều khiến nhiều người bất ngờ, về Double2T (Bùi Xuân Trường) ngay sau khi anh trở thành quán quân Rap Việt 2023. Đêm đó, dòng cảm xúc đầu tiên anh bộc lộ trên trang cá nhân sau khoảnh khắc đăng quang, là về mẹ: “Cảm ơn mẹ đã luôn hỏi thăm con có đói không? Có cần tiền ăn không? Từ nay mẹ sẽ không cần phải lo cho con nhiều nữa…”. Đứng trước một cột mốc nào đó trong đời, dù là thành tựu hay bế tắc, mỏi mệt, người đầu tiên trái tim họ tìm về vẫn là mẹ. Double2T bảo, anh nhớ ba mẹ vô cùng, nhớ ngôi nhà nhỏ nằm ngay chân con dốc thoai thoải ở Lâm Bình, Tuyên Quang, nơi anh vẫn mãi là thằng Cò của ba mẹ… Nhưng những ngày sau Rap Việt 2023 của Double2T vẫn là miệt mài kiếm tiền, vì anh muốn báo đáp mẹ bằng thu nhập do chính sức lao động của anh, để bà không còn những ngày canh cánh trong lòng câu hỏi rằng ở ngoài kia, con bà có đói không...

 

Có thể sống cùng dưới một mái nhà, cũng có thể cách xa nhau vạn dặm nhưng với những gã rapper thấm đẫm bụi đời, họ “đi thật xa” đến mấy cũng chỉ đợi đến “ngày trở về”, cuộn tròn trong lòng mẹ, mặc kệ bộn bề bên ngoài cánh cửa. Chỉ khi đứng trước lòng mẹ, họ mới biết mình phải sống tốt hơn qua từng ngày.

“Tôi tiết kiệm lời hứa vì sợ hứa mà không làm được còn đau hơn là im lặng. Tôi không hứa với mẹ mình sẽ luôn sống vui, mà hứa dù có gì xảy ra, tôi cũng không bỏ cuộc. Đến giờ phút này, người phụ nữ tôi yêu quý và kính trọng nhất trong cuộc đời là mẹ. Và điều mà tôi muốn nói với mẹ là mẹ hãy yên tâm, đừng lo lắng cho thằng Khoa nhiều nữa” - Karik nói.

Chia sẻ bài viết: