MÓN NỢ TỪ CUỐN NHẬT KÝ
NGUYỄN THÁI BÌNH

Thật ra, mục đích lớn nhất của chuyến đi Mỹ ấy, ngoài việc dự lễ tốt nghiệp của con trai, là tôi phải đến Seattle, phải đặt chân vào Trường đại học Washington, nơi liệt sĩ Nguyễn Thái Bình du học từ 1969 -1972. 

Tôi quyết đến bằng được nơi này vì một lời hứa trong tim. Con gái Kỳ Nam của tôi cũng rất háo hức vì muốn đến thăm Trường đại học Washington, ngôi trường người anh hùng theo học, nơi anh đã tranh đấu, đã cất cao tiếng nói phản chiến. 

Năm 2010, tôi gặp bà Lê Thị Anh - mẹ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thái Bình - để viết Nguyễn Thái Bình và lời ru của mẹ. Tôi được nghe bà kể chuyện với những chi tiết về người con trai của bà thời thơ ấu cho đến khi anh ngã xuống thật sống động. 

Ngay lúc ấy, tôi bày tỏ ý định viết một quyển sách về anh từ ký ức những người đang sống, ngay trong gia đình, bạn bè anh. Bà Lê Thị Anh trầm ngâm trao cho tôi nhật ký của con trai, với mong muốn tôi đọc kỹ để hiểu và viết đúng về Nguyễn Thái Bình. Bà hy vọng tôi sẽ có cách chuyển tải quyển nhật ký này thành tác phẩm văn học để đến với nhiều người. Tôi xúc động đọc kỹ từng trang, nhận ra việc viết đúng về anh Nguyễn Thái Bình không dễ. Năm tháng trôi qua, quyển nhật ký vẫn nằm trong ngăn kéo bàn làm việc của tôi, luôn nhắc tôi còn một lời hứa chưa thực hiện. 

Tôi kết nối với nhiều người bạn Nguyễn Thái Bình nhắc trong nhật ký, như giáo sư Ngô Vĩnh Long, anh Côn, Huy Du… Năm 2022, tôi dự định sang Mỹ gặp anh Ngô Vĩnh Long thì nghe tin anh mất vì bạo bệnh. Thật tình cờ, đầu năm 2023, nhà văn Michael Robert Dedrick sang Việt Nam ra mắt quyển sách về cuộc thẩm vấn một số biệt động Sài Gòn năm 1968, ông nói với tôi rằng Trường đại học Washington còn giữ được nhiều tư liệu quý về Nguyễn Thái Bình. 

Ông kết nối tôi với tiến sĩ Judith Henchy - Trưởng khoa Đông Nam Á, trợ lý đặc biệt của chủ nhiệm thư viện, chương trình quốc tế giảng viên liên kết trường Jackson về nghiên cứu quốc tế (Trường đại học Washington). Đó cũng là điều thôi thúc tôi bay đến Seattle để gặp người phụ trách tư liệu về Nguyễn Thái Bình, dù đó là chuyến đi tốn kém, đắt đỏ nhất của cuộc đời cầm bút của mình.

 

LÁ THƯ MẸ VIỆT
GỬI TỔNG THỐNG MỸ

Tôi đã xúc cảm mãnh liệt khi chạm đến từng trang tư liệu về Nguyễn Thái Bình được thư viện trường gìn giữ cẩn trọng, nâng niu. Chị Judith Henchy cẩn thận mở từng hồ sơ. Tôi kinh ngạc vì ngoài những hình ảnh tranh đấu, sinh hoạt của anh, những người bạn, những lá thư, những bản nhạc Nguyễn Thái Bình sáng tác, giọng nói của anh trong cuộc biểu tình được lưu trữ… Chưa kể, ở đây còn có những bài tập sinh vật thời anh học Trường Nông Lâm Súc ở Sài Gòn. 

Và đặc biệt, lá thư bà Lê Thị Anh gửi Tổng thống Nixon đề ngày 17/7/1972 (tức sau 15 ngày anh Nguyễn Thái Bình bị sát hại) khiến tôi không kìm được nước mắt. Từng gặp bà ở Việt Nam, nghe bà kể chuyện "Tôi đặt tên con là Nguyễn Thái Bình, với niềm kỳ vọng con trai mình sẽ có một tấm lòng nhân hậu, một tương lai tươi sáng", tôi hiểu nỗi đau xé lòng của người mẹ khi mất đi đứa con.

"Thưa tổng thống đáng kính,

Tôi, Lê Thị Anh - 50 tuổi, ký tên số 02082927, cấp tại quận 4 ngày 18/6/1969, hiện đang cư trú tại số 4, khu nhà ở dịch vụ cảng Sài Gòn, là mẹ của sinh viên Nguyễn Thái Bình, sinh ngày 14/1/1948, sinh viên Việt Nam, nhận học bổng danh dự của Tổ quốc từ năm 1968.

Sau 4 năm du học tại Mỹ, con trai tôi nhận bằng và được Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra lệnh trở về nước để phục vụ quê hương. Tôi chân thành cảm ơn chính phủ và nhân dân Mỹ đã hậu đãi con trai tôi và đã tạo cơ hội cho nó hoàn thành việc học, đặc biệt là những giáo sư đã đào tạo con trai tôi trở thành một kỹ sư rất hữu ích cho nước Việt Nam nghèo khổ và xấu số của chúng tôi.

Nhưng, khi chưa kịp mừng con trai chúng tôi tốt nghiệp, chúng tôi đã phải khóc thương cho cái chết của nó! Ngày rời Việt Nam, nó ra đi với thân hình khỏe mạnh. Nó ra đi với quyết tâm tìm kiếm sự tiến bộ với hy vọng hiểu được nền văn minh của đất nước đáng kính của nước Mỹ để trở về và giúp đỡ những người Việt Nam khốn khổ của chúng tôi. Nhưng, ngày trở về, con trai tôi chỉ là một xác chết không có linh hồn, với 5 lỗ đạn trên ngực và bị gán cho tội "không tặc"…

Bằng lý trí và tình yêu thương, bà Lê Thị Anh không tin con trai mình là không tặc: 

"Thưa tổng thống đáng kính,

Con trai tôi bị sát hại, bị phi công Vaughn và một hành khách Mỹ trên chiếc B.747 bắn 5 phát trước khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Theo phi công và cảnh sát Việt Nam, con trai tôi đã bị giết vì nó muốn ép máy bay đến Hà Nội! Tôi không thể tưởng tượng nổi điều đó.

Đánh cắp một chiếc máy bay với một con dao bỏ túi và một quả bom là điều thậm chí còn khó tin hơn. Nếu con tôi cầm một quả bom trong tay, tại sao khi phi công Vaughn túm cổ nó, con trai tôi không cho nổ quả bom, mà thay vào đó, nó còn để cho một hành khách người Mỹ (một cựu đặc vụ FBI) bắn 5 phát vào ngực!

Đối với tôi, việc viên phi công bắn con trai tôi rất nguy hiểm nếu như con tôi thực sự mang theo một trái bom, vì một vụ nổ như thế sẽ giết chết nhiều hành khách trên máy bay ngay lập tức. Hơn nữa, khi con trai tôi bị khống chế, tại sao viên phi công không giao việc giết nó cho cảnh sát Việt Nam?”.

Với lời lẽ mềm mỏng nhưng không kém phần quyết liệt, bà Lê Thị Anh khẩn cầu:

"Thưa tổng thống đáng kính,

Ở vị thế của một quốc gia hùng mạnh và là nhà lãnh đạo của thế giới tự do, công lý ở Mỹ đã là ngọn đuốc cho các quốc gia khác noi theo. Chúng tôi hết lòng và kính cẩn yêu cầu ngài, thưa ngài tổng thống, hãy mở một cuộc điều tra để làm rõ vụ việc và hy vọng xóa bỏ tội danh “không tặc” đã bôi nhọ con trai tôi.

Trong khi chờ đợi sự cân nhắc chính đáng của ngài, thưa ngài tổng thống, xin hãy chấp nhận sự chân thành và lòng biết ơn của một người mẹ của một công dân Việt Nam".

 

ĐỂ NGƯỜI MỸ HIỂU ĐÚNG
VỀ NGUYỄN THÁI BÌNH

Hôm ấy, tiến sĩ Judith Henchy mời thêm một số nghiên cứu sinh lịch sử. Gia Quân - một người Mỹ gốc Việt đang theo học Khoa Lịch sử Trường đại học Washington - xếp lại nhiều việc để đến thư viện gặp chúng tôi. 

Sự xuất hiện của Gia Quân gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ khi tôi biết anh đang làm luận án tiến sĩ về Nguyễn Thái Bình. Tôi hỏi vì sao chọn đề tài này, Gia Quân bộc bạch: "Tôi sinh ra trong một gia đình chống cộng, vào học Khoa Lịch sử Trường Washington. Học sử thì tiếp cận nhiều tài liệu lịch sử. Tôi kinh ngạc vì những việc anh Nguyễn Thái Bình đã làm. Anh rất nổi tiếng. Trên thế giới, nhiều nước biết đến anh, nhưng ngay cả sinh viên người Việt tại trường đại học này cũng không biết anh, hoặc biết theo cách rất lệch lạc. Tôi chọn đề tài này làm luận án tiến sĩ để mọi người hiểu đúng về Nguyễn Thái Bình".

Tôi nhìn sững Gia Quân, xúc động tự hỏi: "Ôi, có phải linh hồn mẹ Lê Thị Anh đã xui khiến tôi gặp Gia Quân. Những người còn sống đang chạm đến những trang tư liệu của anh và đang mặc nhiên nhận lấy một công việc không dễ dàng mà người mẹ đã kỳ vọng: “đọc kỹ để hiểu và viết đúng về Nguyễn Thái Bình”. 

Rời Seattle, tôi bay về Việt Nam và ám ảnh mãi. Nếu ngày ấy, những hoạt động phản chiến của Nguyễn Thái Bình trên nước Mỹ được Nhà Trắng lắng nghe, có một thái độ đúng mực, thì kết cuộc đã khác. Trong buổi lễ trao học vị lần thứ 97 (năm 1972) của Trường đại học Washington, Nguyễn Thái Bình nói: “Hôm nay, để đạt được mảnh bằng tốt nghiệp, nhiều bạn phải nợ trường hàng ngàn đô la; còn đối với tôi, tôi lại phải chịu món nợ máu xương của hàng triệu người Việt Nam…”. Ngày 10/2/1972, Nguyễn Thái Bình cùng 9 sinh viên Việt Nam khác chiếm văn phòng Tòa lãnh sự chính quyền Sài Gòn ở số 886 Quảng trường Liên hiệp quốc, TP New York, phát đi những bản tuyên bố lên án cuộc chiến tranh. Cảnh sát Mỹ dùng vũ lực bắt giam Nguyễn Thái Bình cùng những người bạn, khiến những tiếng nói đòi hòa bình tắc nghẹn.

 

TÁC PHẨM ÂM NHẠC
CHO ''NHỮNG TIẾNG NÓI BỊ TẮC NGHẸN"

Rời Seattle vào đầu tháng Sáu, Kỳ Nam chia tay tôi để trở về Đại học Florida States, tiếp tục chương trình tiến sĩ ngành sáng tác âm nhạc. Xúc cảm từ chuyến đi tìm dấu chân Nguyễn Thái Bình ở Trường đại học Washington (Seattle) thôi thúc con gái tôi sáng tác tác phẩm âm nhạc về người anh hùng. Và đây là chia sẻ của Kỳ Nam: "Đối với nhiều người, anh là một anh hùng. Nhiều người khác gán cho anh tội danh “không tặc”. Nhưng đối với gia đình và bạn bè của tôi, anh mãi mãi là một người ủng hộ nhiệt thành cho hòa bình, anh đã chết vì lý tưởng của mình. Tên anh là Nguyễn Thái Bình, có nghĩa là hòa bình. Ngày anh được sinh ra, Việt Nam vẫn còn chiến tranh, vì vậy cha mẹ anh đặt tên anh là “Thái Bình”, với hy vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc. Cậu bé lớn lên, trở thành một sinh viên miền Nam Việt Nam xuất sắc, giành được học bổng tại Trường đại học Washington.

Trong thời gian ở Mỹ, anh tìm hiểu thêm về sự tàn phá của chiến tranh trên quê hương của mình, và thực tế khắc nghiệt này biến anh thành một lãnh đạo nổi bật của phong trào phản chiến ở Seattle cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, góp phần làm nên làn sóng phản chiến của sinh viên nước Mỹ, lan tỏa đến công chúng. Vì những phong trào của người Mỹ vẫn có hiếm hoi những tiếng nói từ Việt Nam, di sản của Nguyễn Thái Bình trở nên vô cùng quan trọng.

Vì tầm ảnh hưởng của mình trong phong trào phản chiến đòi hòa bình, anh bị trục xuất sau khi tốt nghiệp hạng danh dự ở Trường đại học Washington vào năm 1972. Trên chuyến bay định mệnh trở về Việt Nam, anh bị giết với 5 viên đạn vào ngực khi bị cáo buộc là "không tặc". Sau đó, người ta phát hiện ra rằng những "quả bom" mà anh cầm không gì khác hơn là những quả chanh được bọc trong giấy thiếc.

Cái chết bi thảm của anh châm ngòi ngọn lửa đau khổ bùng cháy trong nhiều người yêu chuộng hòa bình ở Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, không ai đau lòng hơn người mẹ của anh. Bạn hãy tưởng tượng mình đã gửi đứa con đầy hứa hẹn đến một quốc gia được xem là "nhà lãnh đạo của thế giới tự do", để rồi nhận lại một xác chết bị ném ra khỏi máy bay!

Không lâu sau khi anh qua đời, mẹ anh - bà Lê Thị Anh - đã viết một lá thư cho Tổng thống Nixon để cầu xin điều tra thêm về cái chết của con trai bà. Thật đáng tiếc, lá thư của bà không được trả lời. Tuy nhiên, sức mạnh của trái tim người mẹ và sự im lặng đè nén bấy lâu đã vang vọng ra ngoài giới hạn của lịch sử, và bây giờ những điều đó đã tìm thấy một giọng nói mới trong tác phẩm âm nhạc của tôi: Thư của một người mẹ Việt Nam gửi Nixon.

Lời hát trong tác phẩm này là toàn bộ bức thư của bà Lê Thị Anh, tôi đã tạo ra nhiều âm thanh khác nhau để diễn tả nỗi đau mất mát của một người mẹ và sự theo đuổi kiên trì, quyết liệt của bà đối với sự thật và công lý. Đối với tôi, tác phẩm này là một bước đệm để hoàn thành một mục tiêu lớn hơn trong tương lai: sáng tác một tác phẩm opera, Tên anh có nghĩa là Hòa Bình - tôi hình dung tác phẩm này sẽ vinh danh cuộc đời và di sản của Nguyễn Thái Bình, một biểu tượng cho hoạt động ủng hộ hòa bình của sinh viên Việt Nam và châu Á tại Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm này sẽ không chỉ đại diện cho một ký ức về quá khứ mà còn là một sự cống hiến cho những người đang tiếp tục đánh đổi mạng sống của họ cho hòa bình trong thế giới hiện tại của chúng ta”.

Tác phẩm âm nhạc này được biểu diễn tại Đại học Florida States, vào tháng 11/2023. Trước đó, từ Mỹ, Kỳ Nam gọi về cho tôi: "Con đang chạy đua với thời gian để hoàn tất tác phẩm. Cái khó nhất là tìm ca sĩ thể hiện giọng người mẹ liệt sĩ Nguyễn Thái Bình trong lá thư bà gửi Tổng thống Nixon! May quá, đã có ca sĩ nhận lời!". 

Với nỗ lực âm nhạc cho "Những tiếng nói không bị tắc nghẹn" của con, tôi hiểu những ngày đắt đỏ ở Seattle thật đáng giá. Và thật đắt - giá của hòa bình!

Chia sẻ bài viết: