Sáng tháng Bảy, bà Nguyễn Thị Phương Lân - 73 tuổi, thương binh 2/4, nhà ở trong một hẻm nhỏ đường Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Thuận Đông, Q.7, TPHCM - lui cui lau bàn thờ, thắp nén nhang. Gian chính của căn nhà là nơi đặt bàn thờ ông bà, cha mẹ, anh chị của vợ chồng bà. Từ mấy mươi năm nay, bà bắt đầu một ngày mới ở gian chính này, bên những tấm di ảnh, thủ thỉ chuyện trò. 

“Hồi này, hai khớp gối đau quá, em đi vài bước là phải ngồi xuống nghỉ mệt, anh Bảy à” - nhìn bức ảnh đen trắng chụp người trai trẻ, bà Lân bùi ngùi. “Anh Bảy” của bà là liệt sĩ Nguyễn Sơn Hà, hy sinh ngày 5/5/1968 khi mới 25 tuổi. Cứ mỗi lần nhắc đến anh trai, bà Lân lại chực khóc: “Ngày 4/5/1968, tôi mang tới cho anh bộ quân phục mà anh gửi về nhờ chồng chị Hai may thêm nhiều túi bên trong. Lúc đó, tôi thắc mắc may chi nhiều vậy, anh không nói. Mãi sau này, đồng đội anh kể lại, trong những túi đó là lựu đạn để chiến đấu. Rạng sáng hôm sau, anh hy sinh ở Bàn Cờ”. 

Sinh ra ở xã Thạnh Mỹ Tây, Q.Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là Q.Bình Thạnh, TPHCM) giữa thời bom đạn, được sống gần những người anh trai, anh rể có lý tưởng cách mạng, năm 1965, người con gái Nguyễn Thị Phương Lân theo anh trai vào căn cứ Thành đoàn ở Bến Cát, Bình Dương học tập, sau đó trở lại nội thành Sài Gòn, rải truyền đơn kêu gọi học sinh, sinh viên và quần chúng nổi dậy. Năm 1968, bà chuyển sang hoạt động quân báo, bị bắt vào tháng 11 cùng năm, khi tròn 20 tuổi.  

Bà Phương Lân bị giam ở nhiều nơi: bốt Ngô Quyền, Tổng nha Cảnh sát, khám Chí Hòa, nhà tù Thủ Đức, nhà lao Tân Hiệp (tỉnh Đồng Nai), hai lần bị đày ra Côn Đảo (1969-1970 và 1972-1973) với chín tháng ròng bị nhốt trong Chuồng Cọp, chịu nhiều hình thức tra tấn. Bà xúc động: “Qua nhà tù nào, tôi cũng thuộc thành phần chống đối. Thời gian ở Tân Hiệp, chúng tôi bị đàn áp bằng lựu đạn a-xít, có người mất, có người bị thương nặng, tôi bị bỏng toàn thân. Lúc đó, chúng tôi không sợ chết, chỉ sợ làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung của cách mạng”. 

Được trao trả tại H.Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vào tháng 3/1973, bà Phương Lân ở lại rừng, dạy múa hát. Sau ngày 30/4/1975, bà cùng đoàn cán bộ về tiếp quản, dạy học ở Trường Thiếu sinh quân, TP.Vũng Tàu. Giai đoạn 1976-1978, bà làm cán bộ Ban Tổ chức Quận ủy, Trưởng ban Tổ chức chính quyền Q.10, Hội trưởng Hội Phụ nữ Q.10. Sau hai năm đi học ở Hà Nội về, bà gắn bó với công tác Hội Phụ nữ ở Q.10. 

Bà nhớ lại thời đó: “Chúng tôi đi xin từng cái bàn, chiếc ghế cho chị em ngồi họp. Chúng tôi mở các lớp dạy nấu ăn, làm bánh, may vá cho phụ nữ. Chúng tôi làm đại lý bán gạo cho Công ty Lương thực TPHCM và còn phân phối bia hơi cho một công ty để có kinh phí chăm lo cho hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn”. 

Về hưu năm 2003, bà Phương Lân tham gia đội văn nghệ của Ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM. Hiện bà là Bí thư chi bộ ô khu vực 4, P.Tân Thuận Đông, Q.7. Tuổi cao, sức yếu, nhưng bà vẫn đầy nhiệt huyết. Sát bên gian thờ chính trong nhà bà là một buồng gạo, có túi 5kg, có túi 10kg. Bà để sẵn đó, ai cần thì cho. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhà bà là nơi tập kết mấy chục tấn gạo, rau củ quả để từ đó chia ra từng phần, hỗ trợ bà con trong các khu vực bị cách ly hoặc công nhân trong các khu nhà trọ. 

Vừa trở về từ chuyến đi Côn Đảo với những hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa lại bận rộn với những hoạt động vận động cho Quỹ vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu và Quỹ học bổng Vừ A Dính. Bà nói, những việc bà đang làm là làm thay cho những đồng đội đã nằm xuống trên con đường đi đến thống nhất, tự do. 

Bà kể về chuyến đi Côn Đảo: “Khi ra Côn Đảo, cô vẫn nhắc các bạn rằng, không giới thiệu chức vụ gì của cô cũng được, nhưng phải nhớ nói cô là cựu tù chính trị Côn Đảo”. Bà Trương Mỹ Hoa từng là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch nước. “Nhưng cựu tù chính trị là lựa chọn thuộc về cô, là những ngày gian khổ trong lao tù, không ai chia sẻ được, không ai có thể tô thêm, cũng không thể đánh mất” - bà nói.

 

19 tuổi, hoạt động phong trào phản đối bắt lính của Hội Liên hiệp Thanh niên, học sinh, sinh viên khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, bà bị bắt từ tháng 4/1964 và trải qua nhiều nhà lao, đến năm 1975 mới được giải thoát khi Côn Đảo được giải phóng. Trong 11 năm là nữ tù chính trị, bà có gần bốn năm bị đày ra Côn Đảo, bị giam giữ trong Chuồng Cọp do bị liệt vào thành phần “bất trị, cứng đầu”. Chính những ngày chiến đấu ở Côn Đảo để lại dấu ấn sâu sắc, dai dẳng nhất đối với bà bởi đó không chỉ là chiến trường xa đất liền mà còn là chiến trường khắc nghiệt nhất mà bà và các nữ đồng đội chưa từng hình dung trước đó.

Chế độ giam cầm khắc nghiệt là thứ vũ khí mà kẻ thù dùng để áp chế tinh thần của những nữ cựu tù chính trị Côn Đảo. “Ai cũng hiểu và tin rằng chiến thắng chắc chắn sẽ đến, nhưng ngày chiến thắng chưa chắc đã có mình. Mạng sống người ta còn không tính đến thì những vật chất tầm thường có ý nghĩa gì” - bà Trương Mỹ Hoa nhớ lại. Nhớ về Côn Đảo, bà nhớ về cuộc đấu tranh thật sự của những cô gái tuổi mười chín, đôi mươi, tay không vũ khí, chỉ có tinh thần và ý chí để bảo vệ lập trường, khí tiết, bảo vệ lý tưởng mà họ đã chọn: “Chị Xuân, Thanh, Cúc, bé Sáu… là những người đồng đội đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ do hoàn cảnh giam cầm khắc nghiệt, không có thuốc men. Họ nằm lại Côn Đảo khi những mong muốn, hoài bão, khát vọng tự do chưa thành hiện thực” - bà điểm từng cái tên, từng gương mặt đồng đội vẫn rõ nét trong ký ức của mình dù đã 50 năm trôi qua. 

Nhớ về những người đồng đội đã nằm xuống, bà Trương Mỹ Hoa luôn tự nhắc mình “làm được gì thì làm, không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ, góp phần dù là nhỏ nhất cho đất nước này, khó khăn bao nhiêu cũng không từ bỏ”. Theo bà, đó là bản chất của những người từng trải qua gian khổ, bây giờ không thể ngồi yên.

Bài: Thu Lê - Mẫn Nhi

Ảnh: Tuyết Dân

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: