Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, trong số cán bộ, phóng viên làm Báo Hải Phòng, có năm người quê miền Nam; đặc biệt, có một nữ Ủy viên Ban Biên tập. Đó là nhà báo Nguyễn Thụy Nga (tên thật là Nguyễn Thùy Mai), phu nhân Tổng Bí thư Lê Duẩn. 

Hồi ấy, Báo Hải Phòng thiếu thốn cơ sở vật chất, đời sống người làm báo khó khăn. Phần lớn cán bộ, phóng viên đều ăn, nghỉ tại cơ quan. Hầu hết bản thảo của phóng viên, biên tập viên đều viết tay; phóng viên nhiếp ảnh tráng phim, rửa ảnh đen trắng bằng tay; công nhân sắp chữ chì cũng bằng tay; in báo bằng máy in typo lạc hậu. Việc đi lại của nhà báo chủ yếu bằng xe đạp. 

Nhà báo Thụy Nga sống tại khu tập thể Văn phòng Thành ủy Hải Phòng, cách tòa báo chừng hơn một cây số. Nuôi ba đứa con đang ở tuổi quàng khăn đỏ, việc nhà và việc cơ quan bận rộn, nhưng chị vẫn giữ vững nếp làm việc đúng giờ. 

Từng học đại học báo chí 5 năm ở nước ngoài, về công tác tại Báo Hải Phòng từ năm 1962, chị Thụy Nga làm việc rất nhiệt tình và nghiêm túc. Được phân công phụ trách vấn đề công - thương nghiệp, chị không chỉ tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch tuyên truyền, tích cực góp phần điều hành công việc cơ quan mà còn dành nhiều thời gian cùng phóng viên đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thành phố nắm tình hình và viết bài.

Năm ấy, tôi là phóng viên chuyên viết về ngoại thành và biển - đảo. Tuy không cùng bộ phận nhưng mỗi lần đọc bài của tôi, chị thường khích lệ tôi cố gắng, nhất là những bài viết về phong trào kết nghĩa Bắc - Nam, các công trình lao động sản xuất “Vì miền Nam ruột thịt”, tình cảm của quân và dân Hải Phòng hướng về đồng bào, chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Năm 1964, cuộc đấu tranh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam chống Mỹ - ngụy diễn ra ngày càng ác liệt. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều cán bộ, chiến sĩ, trong đó có không ít người là con em của miền Nam tình nguyện trở về quê hương. Chị Thụy Nga tha thiết nêu nguyện vọng và được cấp trên chấp thuận trở lại Nam bộ. 

Do sức khỏe hạn chế, chị Thụy Nga không thể đi bộ mang vác nặng và trèo núi, vượt sông, lội suối, băng rừng nhiều tháng trên đường Trường Sơn, cấp trên quyết định để chị đi tàu bí mật qua đường biển.

Theo hải trình, nếu trời yên biển lặng, không gặp trở ngại thì chỉ chừng 6 - 7 ngày là tàu của ta tới bến. Tạm biệt chồng và các con yêu quý, tạm biệt thành phố cảng và các đồng nghiệp thân thiết, nhà báo Thụy Nga lặng lẽ cùng đoàn công tác bí mật xuống tàu không số tại bến K15 Đồ Sơn. Tàu nhổ neo vào một đêm tháng Tám mùa thu năm 1964.

Chuyến đi ấy, tàu không thuận buồm, xuôi gió như dự định. Sau “sự kiện Vũng Rô” (tàu của ta chở vũ khí vào chi viện chiến trường miền Trung và Khu 5 bị lộ, các chiến sĩ buộc phải hủy tàu), Hạm đội 7 Mỹ cho tàu chiến, máy bay tuần tra, kiểm soát trên biển gắt gao suốt ngày đêm. Con tàu không số giả làm tàu ngư dân đánh cá, đoàn thủy thủ 26 người chở một số sĩ quan quân đội, bác sĩ, duy nhất chỉ có chị Thụy Nga là nhà báo, cùng nhiều vũ khí, đạn dược…

Đã ba lần cấp trên có điện gọi tàu tránh nguy hiểm. Tàu phải tạm lánh vào neo đậu tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) ít ngày để tiếp thêm lương thực, thực phẩm, nước ngọt, xăng dầu… rồi lại lướt sóng nhằm thẳng phương Nam. Lênh đênh trên biển, nhiều lúc con tàu nhỏ bị tàu chiến Mỹ đuổi bám, kèm sát và uy hiếp.

Có lần, máy bay Mỹ bay rất thấp, sát trên tàu không số, đánh tín hiệu hỏi: “Tàu của nước nào? Làm gì? Đi đâu?”. Các chiến sĩ ta đánh tín hiệu trả lời: “Tàu đánh cá của Philippines” và lấy cờ Philippines ra treo. Vẫn nghi ngờ, bọn Mỹ điều thêm tàu chiến đến. Trong tình thế nguy cấp, các chiến sĩ ta đang “ém quân” dưới khoang tàu đều bật dậy, lật lưới đánh cá ngụy trang, giương súng ra, sẵn sàng nhả đạn, quyết một mất một còn với tàu Mỹ. Theo phương án đã định, nếu có chiến đấu, chị Thụy Nga sẽ được đưa xuống thuyền nhỏ bơi vào bờ. Nhưng rất may, tình huống ấy không diễn ra.

Ròng rã suốt hai tháng vật lộn với sóng to, gió lớn, căng thẳng đối phó với hải quân Mỹ - ngụy, vào một đêm tháng 10/1964, con tàu không số chở đoàn cán bộ, chiến sĩ, cùng số vũ khí của miền Bắc chi viện chiến trường Nam bộ vào đến Cà Mau và cập bến Rạch Gốc an toàn.

Từ ngày ấy, chị Thụy Nga mang bí danh Bảy Vân, công tác tại miền Tây Nam bộ. Chị được phân công làm Phó ban Biên tập Báo Giải phóng miền Tây, sau đó làm Phó ban Tuyên huấn Khu 9. Năm 1972, chị là Khu ủy viên và được phân công làm Phó ban Phụ vận Khu.

Hơn mười năm hoạt động kháng chiến gian khổ, kiên cường bám trụ giữa vùng sông nước trước sự truy lùng gắt gao và đánh phá ác liệt của địch, cho đến khi miền Nam được giải phóng, nhà báo Bảy Vân mới có điều kiện gặp lại chồng con.

Hồi đó, các con của chị đã trưởng thành và đi học đại học tại Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Sau một thời gian làm Phó ban Tuyên giáo tỉnh An Giang, nhà báo Bảy Vân được phân công làm Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng.

Dù nhiều năm hoạt động báo chí và làm công tác tuyên giáo tại chiến trường ác liệt, chị Bảy Vân vẫn luôn nhớ những đồng nghiệp một thời gắn bó tại Báo Hải Phòng. Tôi và chị Bảy gặp lại nhau tại thành phố mang tên Bác sau ngày nước nhà thống nhất.

Biết tôi và chị Bảy từng làm báo tại thành phố cảng, nhà báo Bảy Lý (Võ Nhân Lý), Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Sài Gòn Giải phóng, thân mật giới thiệu thêm về tôi với chị: "Hồi chị Bảy từ Đồ Sơn vào Nam bằng đường biển, chỉ ít lâu sau, Kim Toàn cũng vượt Trường Sơn vào chiến trường. Cậu ấy là phóng viên Báo Giải phóng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, bút danh là Cao Kim, hoạt động ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Khu Sài Gòn - Gia Định. Tết Mậu Thân năm 1968, tôi và Cao Kim cùng bí mật hoạt động báo chí ở nội thành Sài Gòn. Nhiều ngày, chúng tôi cùng chiến đấu trong một chiến hào chống địch phản kích tại vùng ven đô và bên sông Vàm Cỏ Đông. Cao Kim đã có giấy báo tử, nhưng cậu ấy vẫn sống".

Chị Bảy Vân xúc động nắm tay tôi, tỏ rõ niềm vui về cuộc gặp giữa hai chị em, hai đồng chí, đồng nghiệp sau bao năm xa cách. Chị hỏi thăm từng người làm việc ở Báo Hải Phòng. Chị bảo, chị và tôi đều có nhiều kỷ niệm đẹp với thành phố cảng thân yêu và Báo Hải Phòng trước khi vào chiến trường Nam bộ.

Sau chiến tranh, Báo Hải Phòng gặp nhiều khó khăn về cơ sở in và phương tiện hoạt động nghiệp vụ của tòa soạn. Có việc gì cần, nếu làm được, chị sẽ ráng sức giúp đỡ.

Trong những năm đầu thế kỷ mới, do tuổi cao, sức khỏe kém, nhà báo Thụy Nga gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Năm 2018, trước khi qua đời tại TP.HCM ở tuổi 93, chị chỉ tiếc không thể ra thành phố cảng đang đổi mới và phát triển, để có dịp thăm lại nơi con tàu không số chở mình cùng đoàn công tác xuất phát tại bến K15 Đồ Sơn vào Nam và thăm lại tòa soạn Báo Hải Phòng, gặp lại những đồng nghiệp mến yêu một thời làm báo khó khăn, nhưng ai cũng nhiệt tình, lạc quan, vững tin về tương lai tươi sáng của đất nước. 

Bài: Kim Toàn 
(Nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng) 

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: