Buổi sáng đầu tiên thành phố “mở cửa”, nhiều người chọn Cần Giờ như một điểm đến không thể khác. Trên nhiều chuyến xe qua phà Bình Khánh, các cô cậu nhóc miệng cứ “ồ quao”. Những chuyến phà ấy chứa một tinh thần thật khác, chứa cả lời hứa với bọn trẻ về chuyến đi đặc biệt khi dịch dần lùi.

Bãi biển 30/4 đông đúc như mọi khi, dù vắng bóng những anh “cò du lịch” quen thuộc, nhưng ánh nắng lấp lánh mặt nước. Thời chưa có bóng dáng của dịch bệnh, bãi biển này là nơi cưu mang biết bao phận người, từ anh “cò du lịch” hiếu khách, các chị tiểu thương chợ hải sản đon đả đến những đứa trẻ đen nhẻm bán vé số sau giờ học… Giờ, mọi thứ tái khởi động một cách từ tốn, cẩn trọng, nhưng nhiều chỉ dấu của ngày mới.

Dọc con đường bờ biển, lều của những gia đình đi “dựng nhà” cho lũ trẻ hằn lên trời chiều. Cách đó không xa là bờ kè với vài bạn trẻ đang hướng dẫn cho những đoàn du lịch lữ hành. Họ đến tham quan rồi đi chứ không ở lại như trước, nhưng từ đây, lời hứa về một ngày không xa bãi biển này sẽ lại tấp nập, được viết lên bãi cát dài.

Sau dịch, xã đảo Thạnh An là nơi đầu tiên của TP.HCM trẻ em được quay lại trường học. Từng có một thời muốn chúng đi học, thầy cô phải cất công đến tận nhà thuyết phục. Vậy mà ở “thời Cô vít”, đến trường với bọn trẻ là mong mỏi vô giá. Để rồi ngày mới đó, chúng í ới gọi nhau, gặp thầy cô, ngồi vào chiếc bàn quen thuộc và hân hoan gặp lại biển.

 

Tối muộn 19/10, một ngày trước khi lũ trẻ được đến trường, Thạnh An sáng trưng, thứ ánh sáng hắt ra từ những hồi hộp, nôn nao, khấp khởi. Đó cũng là đêm những đứa trẻ, ông bố, bà mẹ, thầy cô giáo trên xã đảo này… mất ngủ. Trong ngôi nhà cấp bốn, cô con gái học lớp Chín của chị Phạm Ngọc Hiền tay chân cứ bối rối. Sáng mai cô bé chỉ học ba môn, thế mà soạn tập sách mãi không xong. Đứa em gái học lớp Bốn tiếp tục học trực tuyến, nhưng nằng nặc đòi mẹ cho mặc đồng phục như chị Hai. Chiều con, chị Hiền cố vuốt cho phẳng phiu chiếc áo mới của con bằng đôi tay gầy nhom, gân guốc của người vừa làm mẹ vừa làm cha, vì nhà đến chiếc bàn ủi cũng không có. Suốt đêm, ba mẹ con nằm huyên thuyên về buổi học sáng mai, như thể đó là cả một giấc mơ lớn lao chẳng dễ có được.

Sáng hôm ấy, khắp những con đường ngoằn ngoèo của xã đảo, niềm hân hoan nhuốm cả cỏ cây, như đang ngày tết sớm. Loa phát thanh vang rền bài ca cổ động đưa trẻ đến trường, dặn dò giải pháp an toàn. “Lâu rồi đường sá ở nơi này mới có sinh khí, có âm thanh của cuộc sống. Già như tui còn bồi hồi huống hồ sắp nhỏ” - bà Lê Thị Thơm (63 tuổi) ngước nhìn nắng nhảy nhót trên đường, nói. Bà tranh thủ ghé cửa hàng tạp hóa mua gói bánh để đứa cháu ngoại học lớp Một có quà ăn giờ ra chơi. Bà bảo, nhiều đứa trong xóm này ngày thường ba mẹ gọi dậy đi học như gọi đò, nay tự động để đồng hồ báo thức từ 5-6 giờ sáng, mới tinh mơ đã rộn rã hối thúc. 

 

Sự hồi sinh, với người dân của vùng biển phía đông nam thành phố, không phải là được trở lại với những tiện nghi hay ồn ã. Hớp nhẹ ngụm trà, xoay vần ly nước bằng bàn tay đậm màu nắng do nắng biển, ông Văn Năm (xã Lý Nhơn) chỉ về hướng những con sóng đang đua nhau đánh bờ, nói, may mà người bạn của dân xã đảo vẫn ở đó. Từng đi qua nhiều trận gió bão của biển khơi, nhưng cơn bão COVID-19 làm ông thấm sự khắc nghiệt mang tính đời người. Ông bảo, giờ thì với cuộc sống này, chỉ cần được ngồi ăn chung một bữa cơm với người thân, uống tách trà sáng với hàng xóm, nhìn thấy mấy quầy chạp phô buôn buôn bán bán và bà con có thể ra khơi kiếm con cá con tôm, là đủ. 

May mà có biển ở đó. Ngày tái khởi, người dân giũ lưới, ra khơi. Xứ này, biển và người chưa bao giờ phụ nhau, dù cái nghèo bủa vây năm này qua năm khác. Cần Giờ là huyện giáp biển duy nhất của TP.HCM, bà con cứ theo con nước mà “kiếm cơm”. Từ làm muối, nuôi ốc, nuôi hàu đến làm du lịch biển… công việc nào cũng phải nhìn trời mà đoán. Làm muối, sợ nhất mưa giông bất thình lình vào chiều, vì mỗi bận mưa giông là một lần đối diện với nguy cơ bao công sức tan thành nước. Người lênh đênh mặt biển thì sợ hãi những con sóng trắng. Bọt nước tung cao thành sóng nghiệt, đánh tan tác ghe tàu - hình thành từ số vốn vay mượn và mồ hôi mặn chát. Ghe mất, nợ thì còn, nhưng rồi sau trận bể dâu, ngư dân vẫn làm lại từ đầu, cùng biển. Phải tự kiếm cái cớ mà đứng lên, bụng bảo dạ thôi kệ, còn người là còn của… Thế rồi qua bao phen vẫn sống được. Cái cốt hào sảng mà lạc quan của dân biển càng dày thêm theo thời cuộc.

 

Cần Giờ thành nơi bắt đầu lại của thành phố lớn nhất phương Nam sau dịch, như một sự bù đắp của vị trí địa lý. Sự tách biệt của huyện đảo khiến Cần Giờ gặp nhiều thiệt thòi để phát triển, nhưng lại là yếu tố then chốt để đánh bại COVID-19, bên cạnh sự kiên cường của con người. Một ngày của giai đoạn mới, khi bình minh vừa ló dạng, cũng là lúc bến cảng ngờm ngợp tàu cá trở về sau một cuộc chinh phục. Những cụ ông, cụ bà lớn tuổi đi tập thể dục rồi ới nhau tấp vào quán nước cạnh bến tàu, câu chuyện kéo từ đông sang tây. Mặt trời lên cao một chút, nhiều nhóm thanh niên bắt đầu thu lưới, kết thúc một chuyến ra khơi; những người đàn bà tranh thủ mặc cả với thương lái để bán số cá tôm vừa bắt được… Dấu tích của trận dịch dường như chỉ sót lại ở những chiếc khẩu trang trên mặt người. 

Chỉ tay vào những chỗ cần vá trên tấm lưới bạn ghe đang thu, lão ngư Văn Tuân - thâm niên nhất nhì xã Thạnh An - vê điếu thuốc trong đôi tay đen nhẻm, cười lớn: “Mấy tháng trời ở nhà nhớ biển, nhớ ghe quá trời. Mười mấy tuổi đã lênh đênh, ăn cơm với sóng với gió, cũng mấy chục năm, quen rồi. Con cái thấy cực quá, kêu cha nghỉ đi nhưng ở nhà đâu chịu nổi, còn sức là còn ôm ghe mà đi. Mai mốt già quá thì cũng giải nghệ thôi, nhưng tui hy vọng ngày đó còn xa”. Cũng như ông, những người con của biển chỉ mong được kéo dài những khoảnh khắc gắn mình với sóng nước, ghe câu. Đó không chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn là thứ họ thuộc về.

Nhìn tàu ghe san sát, ông Đặng Hoàng Sơn -Phó Chủ tịch UBND xã đảo Thạnh An - phấn khởi: “Bãi ghe giờ tấp nập, hàng quán cũng mở cửa xôm tụ rồi. Lúc giãn cách, ai ở nhà nấy, khó khăn nhiều nhưng giờ nhịp sống cũ đã quay lại. Hoạt động đánh bắt hay nuôi trồng thủy sản, làm muối… đều không khác xưa là mấy”. Bản thân ông mang một niềm tự hào không tên, về một gia tộc đã bốn đời bám đảo. Ông nội ông Sơn đến đây kiếm sống rồi chọn ở lại. Tới đời cha ông, đời ông đều bám trụ đất quê mà lớn lên, lập nghiệp. Với con cái, từ bé ông đã truyền tình yêu với vùng đất khô cằn nước mặn, nên chúng rời đảo đi học, đi làm rồi vẫn muốn quay về. Trên đảo này là vậy, cách dạy của người thế hệ trước là lấy chính đời mình làm sách giáo khoa.

Không sinh trưởng trong gia đình cố cựu trên mảnh đất này, “chú” bộ đội Lê Thành An thuộc thế hệ 2K, cái tuổi lẽ ra phải theo đuổi sự sôi nổi của thành thị, từng có cơ hội ra đi, nhưng vẫn chọn trở về. Thời niên thiếu của An, xã đảo Thạnh An chưa có trường cấp II, cấp III. Học sinh phổ thông trên đảo phải đón đò vào đất liền học, lớn chút nữa thì vào trung tâm thành phố học nghề, đi làm. Đi thì đi, vẫn cứ nhớ cái bình yên của chốn này. An nói, có lẽ “chất đảo” đã ngấm vào máu nên thấy cái náo nhiệt thị thành, thích đó nhưng không mê. Cậu cười, mắt ánh lên sự tươi rói: “Ngay khi địa phương gọi về nhập ngũ là em về ngay. Hiện thực hóa ước mơ đâu có nghĩa là phải đi xa. Lứa của tụi em, được đi học đàng hoàng và ấp ủ nhiều thứ thuộc về tương lai, nhưng cho đảo và từ đảo”.

 

Không chỉ “giữ người” của đảo, Cần Giờ còn có sợi duyên tình níu kéo người lạ xa. Năm 2018, cô giáo Đinh Thị Thu Hiền (quê Quảng Bình) đến đảo, dạy ở Trường THCS-THPT Thạnh An. Ngày đi, cô được nghe điểm đến là TP.HCM, đâu ngờ nơi đó xa thị thành đến thế. Mất hơn ba giờ đồng hồ, qua phà Bình Khánh rồi chạy hết con đường Rừng Sác dài tít tắp, rồi qua thị trấn Cần Thạnh, thêm một chuyến đò băng qua cửa sông Lòng Tàu… càng đi ánh phồn hoa càng lùi về sau. Ngày đó cô không định ở lâu. Chẳng hiểu sao rồi rời đi không được. Thương con người, thương ngọn sóng, thương mái tóc đẫm mồ hôi lẫn mùi biển của bọn trẻ như thương chính mình. Đâu chỉ cô, nhiều giáo viên, trí thức, lao động từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… đến như điều bất đắc dĩ, cuối cùng lại chọn xã đảo làm nơi xây dựng ước mơ.

Đâu phải tự nhiên nhiều người trẻ gọi Cần Giờ là “mũi Hảo Vọng” - vùng đất chứa nhiều hy vọng, ước mơ. Cần Giờ có nhiều thứ, không chỉ nằm ở các định danh như vùng dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam do UNESCO công nhận; là nơi vừa có sông, có biển, lại có rừng…

Cần Giờ không phải lần đầu đi qua khó khăn. Quá khứ chằng chịt vết thương đã được vá bằng sức mạnh nội sinh của con người và thiên nhiên. Có một nguồn sống mãnh liệt nơi đây, vô hình vô lượng, nhưng bền bỉ như những con sóng ngày đêm không nghỉ. 

Cần Giờ từng được mệnh danh “vùng đất chết”. Trong những năm tháng chiến tranh, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ bị phá hoại bởi chất diệt cỏ và các chất hóa học khác. Những cánh rừng bạt ngàn biến thành vùng sình lầy xám xịt; nguồn tài nguyên động, thực vật rừng và thủy hải sản bị hủy diệt… Không ít người đinh ninh rằng, nơi đây, vài chục năm nữa cũng chưa chắc có sự sống của sinh vật. Vậy nhưng, nhờ bàn tay trồng rừng của lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, rừng Cần Giờ sống lại, trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, thành “lá phổi xanh” quý báu của thành phố.

 
Chia sẻ bài viết: