Những chuyến tàu định mệnh

23/05/2015 - 06:54

PNO - PN - Chỉ sau khi Thái Lan mạnh tay trấn áp các đường dây buôn người quy mô lớn liên quan đến nước này và một số quốc gia trong khu vực, quốc tế mới có cái nhìn tường tận về hành vi phi nhân tính của những kẻ trục lợi trên tính...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mới đây, ngoại trưởng các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã có cuộc họp khẩn để bàn cách đối phó với nạn buôn người và tìm giải pháp hỗ trợ những số phận trên những con tàu cũ kỹ, tạm bợ lênh đênh trên biển, chưa biết sống chết thế nào. Sau khi Thái Lan mạnh tay truy quét, nhiều tên đầu sỏ đã “bỏ của chạy lấy người”, gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng, đánh động cả thế giới. Quốc tế nhận định, đây là bài học thực tế để các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chung tay giải quyết khủng hoảng nhân đạo trong phạm vi khu vực. Philippines sẵn sàng nhận khoảng 3.000 người. Myanmar đồng ý cứu trợ nhân đạo. Malaysia và Indonesia sẽ ngừng đuổi tàu chở người tị nạn và cung cấp nơi tạm trú. Đây không phải là quyết định dễ dàng với các quốc gia vì việc hỗ trợ sẽ đồng nghĩa với gia tăng gánh nặng cho ngân sách trong nước, ảnh hưởng đến đời sống người dân bản xứ.

Nhung chuyen tau dinh menh

Người tị nạn trên chuyến tàu chui đến Thái Lan - Ảnh: AFP

Hàng ngàn người Bangladesh đã chấp nhận đánh cược với số phận, gom góp số tiền trị giá cả gia tài với họ để đeo đuổi ước mơ tìm được công ăn việc làm ở vùng đất mới. Sự thật phũ phàng mà họ chưa từng nghĩ đến là họ tự biến mình thành món mồi béo bở cho những kẻ nhẫn tâm bắt cóc, đưa họ vào rừng rồi đánh đập, bỏ đói cho đến khi thân nhân nộp đủ tiền chuộc. Cơn ác mộng có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm trời. Hoặc là họ sẽ bị giết như vụ phát hiện hàng chục ngôi mộ tại Thái Lan mới đây. Còn không, họ sẽ bị bán để làm nô lệ tình dục hoặc lao động chui, không giấy phép cho những nhà máy và bị bóc lột sức lao động cho đến khi kiệt quệ. Saidul Islam (19 tuổi), người di cư bất hợp pháp từ Bangladesh ngậm ngùi kể lại: “Chúng tôi không được đứng lên, phải chui rúc, chen chúc trong không gian bó hẹp. Bất cứ ai than khát nước sẽ bị thuyền trưởng quất bằng roi. Có người đói quá, không kiềm chế được, phản ứng thì bị ném xuống biển”.

Saidul là một trong số ít những người may mắn sống sót. Chiếc tàu chở Saidul được tìm thấy trong cảnh tượng tan hoang, bê bết máu trên sàn khi nhóm người Bangladesh và nhóm người tị nạn thuộc sắc tộc Rohingya ở Myanmar (chạy trốn vì muốn thoát khỏi xung đột trong nước) tấn công nhau để tranh những phần ăn hiếm hoi vì quá đói khát. Sobika Begom (17 tuổi), người Bangladesh kể lại trải nghiệm kinh hoàng của cuộc đời trong những tiếng nấc nghẹn. Cô gái trẻ tuổi này đã chứng kiến cảnh những người trên cùng chuyến tàu đánh chết cả gia đình người chú của cô, trong đó có những đứa trẻ vô tội chỉ vì giành nước uống. Họ ném xác người thân của Sobika xuống biển. Khi chiếc tàu trên được tìm thấy thì đang có những đứa trẻ bơi quanh tàu cùng người thân để chờ được trực thăng cứu hộ vớt lên. Tên thuyền trưởng thì đã “cao chạy xa bay”.

Nhung chuyen tau dinh menh

Ông Abdur Rahman đang trông chờ tin tức của con trai - Muhammad Shorif - Ảnh: AFP

Chris Lewa, nhân viên thuộc dự án Arakan - chuyên giám sát những chuyến hải trình của người Rohingya mới đây đành phải báo tin cho hàng loạt gia đình của những người Rohingya trên một chuyến tàu đến Thái Lan rằng phần lớn người thân của họ là phụ nữ và trẻ em có mặt trong hành trình đã thiệt mạng vì bị bỏ mặc nhiều ngày trên biển. Trước đó, nhóm buôn người tắt động cơ tàu rồi trốn thoát. Dù may mắn thoát chết, không ít người phải chấp nhận cảnh gia đình tan tác. Trong đó có trường hợp của Muhammad Shorif (16 tuổi). Cả nhà tưởng chừng đã tìm được nơi an toàn để lánh nạn ở trại tập trung Nayapara Rohingya thuộc thành phố Teknaf của Bangladesh. Thế nhưng, Shorif quyết tìm đường lên tàu đến Indonesia. Bố của Shorif, ông Abdur Rahman giờ đang mòn mỏi trông tin con trong lo lắng.

Trung bình, mỗi chiếc tàu chở 400 thuyền nhân mang về cho đường dây xã hội đen 800.000 USD. Theo ước tính, ít nhất 250.000 người Bangladesh và sắc tộc Rohingya (Myanmar) đã rơi vào đường dây nô lệ từ năm 2007 đến nay. Khi nạn buôn người âm thầm diễn ra, họ như con thiêu thân tranh nhau tìm một chỗ trống trên tàu với hi vọng sẽ được đổi đời, đâu ngờ kết cục đau thương đang chờ đợi mình.

THIÊN NHƯ 
(Theo CNA, Guardian, Jakarta Post)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtulieuvi /strCate=tulieu

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioilakyvi /strCate=thegioilaky
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthegioivi /strCate=thegioi