Người đàn bà Sài Gòn thế hệ 7x hay có vài đoạn ký ức cứ lặp đi lặp lại như những thước phim cũ. 

 


 

Đó là chuyện những quán rượu thuốc đầu xóm. Xóm nào thuở ấy ở Sài Gòn cũng có. Chủ quán là ông thầy thuốc người Hoa, bán rượu bao giờ cũng kèm theo câu “Nị uống cho khỏe chứ đừng để uống cho say”. Có cô bé lẫm chẫm ngày đó, theo chân ông, chiều nào cũng đến quán rượu để nghe ông và chủ quán đàm đạo. Chuyện chừng như dừng lại ở câu “ông uống thử coi  rượu hôm nay có gì mới không nghen”... Tất cả những dáng ngồi chiều muộn ở đường phố hay bữa cơm tối, với ông già nhâm nhi ly rượu một mình, như mạch dẫn tiền kiếp, như... đày đọa cô bé đó để bây giờ tôi được... uống - một - ly - rượu - sen - giữa - Sài - Gòn.

Ở một Sài Gòn cái gì cũng có, nhưng tôi cá cược rằng, ly rượu này là hàng độc, không tin cứ truy gia phả của rượu sen đi. Miền Nam xưa không có rượu sen. Hồi đó trong các cuộc đàm đạo văn hóa ở Sài Gòn tôi hay nghe người ta thao thức: “Hoa sen mọc từ miền Nam trải lên miền Bắc, nhưng rượu sen thì chảy từ miền Bắc xuống miền Nam, rồi mắc lại ở Huế không chảy nữa”. Xứ Bắc từ thời xa lắc đã lừng danh loại rượu sen Tây Hồ. Chính sự có mặt của nó, đột ngột, nhưng nghĩ lại là không hề, bởi mọi thứ đều có thể, nếu đi từ tình yêu.

Tôi vừa đưa ly rượu lên môi, chủ nhân của món rượu đã cẩn thận dặn dò: “Nếu mình uống rượu sen này bằng kinh nghiệm cũ thì sẽ không chịu nó là rượu sen Việt. Phải uống như nó là một loại rượu mới!”. Tôi chợt bần thần dừng lại. Rồi chắc là cái tự tin của một kẻ biết mình sắp được quyền say đã khiến tôi mạnh dạn tuyên bố “duyệt, vậy mình uống thử cái hiện sinh này đi”.
“Cái hiện sinh” chạm vào lưỡi trước nhất là một mùi vị thuần hậu của rượu nếp Bến Tre. Cảm giác thân thuộc lan tỏa khi cái lưỡi nhạy bén đã kịp bắt mùi nếp Bến Tre thì hương sen đã dâng đến và xông đầy xoang mũi. Nhẹ bẫng. Cảm giác tức thời mà rõ rệt là một thứ hương thơm rất “tơi”, bung tràn.

Hương vị rượu nếp quen thuộc đã là đà chìm xuống trong cuống họng, đẩy mùi sen lên cao và bồi hương không ngừng trên tầng cao nào đó của khứu giác. Gọi là “hương” vẫn chưa thỏa cái cảm giác nhẹ nhõm. Phải gọi là hơi của hương. Nếu từng được uống trà sen thứ thiệt, hẳn bạn đã được biết cái man mác kiêu kỳ của hương sen. Mà với rượu sen, cái man mác đó càng cao vời khi cộng hưởng với cái chuyển động chỉ thiên ngàn đời của men rượu. Sâu lắng hẳn phải là một phẩm hạnh mà nàng sen khước từ trước nhất. Hương sen trong rượu không chịu là thứ hương chìm lắng. Nên chi, khi vị rượu đang dần chìm thật sâu, thì hương sen thanh khiết lại dìu dịu dâng lên. Cảm giác lan tràn nhưng không thể nắm bắt. Cảm thấy hơi thở nào của mình cũng lùa khẽ trong hơi sen. Nhưng hơi sen thì không lúc nào rõ rệt. Không buồn. Không vui. Như đang quá giang khứu giác của tôi một chặng, rồi sẽ thoát qua không tăm tích. 

Trong thứ rượu hương tôi vừa uống, nếu không vì quá quen với rượu nếp Bến Tre thì người ta sẽ chỉ nghe duy nhất một mùi sen. Nó rõ rệt là rượu sen. Nhưng lại… không phải rượu sen. Thứ rượu sen Việt Nam huyền thoại nọ dù chỉ được uống qua… lời kể, nhưng khó mà lãng phai hay nhầm lẫn được trong tôi. Trong “huyền thoại” đó, rượu sen Tây Hồ - mà cũng là rượu sen nói chung thường được ngâm từ rượu nếp trắng thượng hạng với hạt sen tươi, tim sen sao vàng và gạo sen đã phơi qua một nắng. Thành phẩm từ đó hẳn không thể là thứ rượu thơm thuần khiết tôi vừa thử. Không thể thuần túy một ngụm hương sen.

Vừa toan bật ra một biểu cảm kiểu vậy, tôi chợt giật mình khi thấy cái phong thái tự tại, ung dung của chủ nhân cuộc rượu cũng vừa cùng tôi nhấp một ngụm sen. Hóa ra, cái-đã-biết khiến mình lẩm cẩm và hạn hẹp quá thể. Sao phải giống y chang rượu sen Thụy Khuê hay bất kỳ loại rượu sen nào đã được kể trước đó - thì - mới - đúng - là - rượu - sen? Làm gì có một thứ rượu sen đầy… chấp trước như thế. Đúng là phải uống nó như uống một ngụm hiện sinh. Phép nói chữ cho vui hóa ra lại linh ứng không ngờ. Ly rượu sen tôi vừa uống là một thứ rượu vừa được sinh ra từ một người yêu sen, yêu rượu còn hơn yêu những phiên bản rượu sen huyền thoại bất kỳ. 

“Người làm rượu sen Sài Gòn” của tôi cũng từng lấy gạo sen trộn nếp để nấu rượu. Nhưng khi thủy phân, hương sen bay mất. Trộn thêm hoa sen trong gạo cho ra một loại rượu có vị đắng. Ngâm rượu nếp thượng hạng với hạt sen, tim sen, gạo sen thì cho ra một loại rượu thuốc. Cũng phải. Hầu như các loại rượu xưa kia của người Việt dù ướp với hoa trái gì cũng không đi khỏi cái lề lối của một dược liệu. Rượu sen xưa được miêu tả là có thể hỗ trợ tỳ vị, giúp tiêu thức ăn, êm dịu thần kinh, sảng khoái tâm hồn. Còn cái cách thức đã làm nên ly rượu tôi đang uống thì dùng tất cả sự kỳ công chỉ để tách hương sen mà phả vào rượu. Nghe đã thấy một trời cầu kỳ, tinh tế.

Hành trình đi đến xứ sở hương đó, gọi tên chính xác là chuỗi dài thất bại. Rồi nó cũng… động lòng, không phụ tình chị. Rượu nền dùng làm rượu sen phải là rượu nếp ủ lâu ngày, độ ba năm là đủ ngon. Rượu đựng trong một cái chum cũ và sạch. Trên miệng chum đậy một tấm liếp tre, rồi úp chừng 50 bông sen hàm tiếu lên liếp, đậy kín lại. Lúc đó phải là nửa đêm. Đến rạng sáng, sen nở ra chen chúc đến mức không bung hết cánh được. Từ những khoảng không vừa hé ra đó, hương sen tỏa ra ngào ngạt, thấm hết vào rượu. Mỗi lần ướp hương vào rượu chừng một ngày đêm. Mỗi mẻ rượu ướp chừng ba mẻ hương. Đến sau lần ướp thứ ba thì đã có một loại rượu sen màu trắng, thơm lừng.

Nhưng chưa hết. Lứa bông sen dùng ướp hương vừa xong sẽ được gỡ hết cánh, nhụy. Khi chỉ còn đài sen, phải lấy cật tre thật bén, cạo hết phần da vàng và hơi xanh bên ngoài cho đến khi lộ gương sen bên trong thì cho hết vào bình rượu. Ngâm hỗn hợp đó chừng một ngày một đêm thì vớt ra. Loại rượu trong suốt trước đó giờ đã có màu vàng của nắng, được gia thêm mùi sen từ đài hoa - một mùi thơm kín đáo không lẫn tạp chất. Chính chất diệp lục tố có trong đài sen đã làm nên màu vàng của rượu. Thứ rượu thành phẩm rót ra ly như rót từng sợi tơ của nắng, thơm như một cơn gió mùa hạ vừa thổi qua xứ Đồng Tháp Mười.

Tôi đang cầm trên tay một cái ly rỗng. Nắng sớm từ ban-công hắt vô, khúc xạ qua thủy tinh, thành thứ màu vàng nhạt hơn một lần nữa. Cái nắng không mùi. Mọi thứ rỗng không. Lẽ vô thường từ sen, không chấp trách từ… hiện sinh, nhưng cái nắng kia, gợi cho tôi ý nghĩ, rằng giá như mọi ồn ào ngoài kia, ngay cả những ý nghĩ đang ủ kín, đều có màu của nắng, như màu rượu sen, như hơi sen tôi đã uống, một thức uống nồng nàn mà thanh thoát, khiến người ta sẽ cúi xuống, rằng mình sinh ra từ bùn đất như sen như rượu nếp, phải thanh lọc từng phút giây sống để không ngập vào những cơn say phiền trược, tạp nhiễm. 

Thanh Tân
Chia sẻ bài viết: