Ông là Briu Pố, ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Lên Tây Giang, hỏi về ông, người lớn, cán bộ đều biết. Còn vì sao biết, chuyện dài. Ông hay lên ti vi nói về đại đoàn kết, dân cần chi, cán bộ ra sao, trồng cây ba kích, luật tục rồi nghệ thuật điêu khắc người Cơ Tu. Tôi từng nghe một cán bộ ở tỉnh thốt lên: “Ông già lý luận không bẻ được, chữ nghĩa theo kịp xu hướng mới”. Tôi biết nhiều vị cán bộ huyện… né ông vì bệnh nói thẳng như cây chò, lại xuất thân là thầy giáo người Cơ Tu đầu tiên có bằng đại học, kiến thức về rừng đủ để người ta không qua mặt được.

"Anh bao nhiêu tuổi rồi?”. “Bảy mấy đó, không biết” - ông cười hề hề - “Hồi đó có khai sinh đâu”. Ừ. Mà có thì người ở núi, người già thôi, cũng chỉ tính tuổi theo mùa rẫy. Mỗi năm một mùa rẫy. Rẫy là rừng đó. Vì thế rừng là không gian, là thời gian, là lịch pháp, là đồng hồ sinh học đời người. Với người Cơ Tu, rừng như trường ca, thăm thẳm, mịt mùng, mờ ảo, gần gũi, gắn bó, xa vời, mê hoặc, sợ hãi. Nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes đã từng có một tác phẩm về Tây Nguyên là Rừng, đàn bà, điên loạn. Rừng như người đàn bà đẹp, tài năng, dữ dội, dịu dàng, bảo bọc, như một tác phẩm kinh dị, lại như một bài thơ mềm như mưa thu, như mê cung của thần thoại… gom tất cả lại là tính thiêng, người ta cuộn trong lòng nó, thờ cúng nó, như mẹ. Rừng là mẹ.

Với người Cơ Tu ở Đông Trường Sơn, họ như người ở Tây Nguyên, rừng là vậy đó.

Ông Pố đẩy ly rượu ngâm ba kích: “Em uống đi. Nếu đúng phong tục, thì anh phải uống trước để khách biết rượu không có lá ngón”. “Còn chi nữa không?”. “Còn, đây, mồi nhắm, anh và em uống và ăn liền, là có tội với mẹ rừng. Người Cơ Tu khi ăn uống có rượu, đúng lẽ phải vảy rượu và mồi lên trời một ít để tạ ơn Giàng, rừng, vì có rừng có Giàng, mình mới được sinh ra, mới có cái để sống”. Chơi với ông đã lâu, đủ thân để tôi cà khịa: “Cả ông Pố mà cũng bỏ qua phong tục, thì hỏi sao rừng không bị tàn sát”. Ông thở dài: “Tây Giang còn giữ được rừng khá, sạt lở năm ni may chưa có ai chết, mừng lắm, nhưng mà…”.

Trên diễn đàn Quốc hội giữa bão lụt bời bời miền Trung, người ta nói đến mô hình tái định cư hiệu quả mười năm qua ở Tây Giang - Quảng Nam, không có người chết do sạt lở đất. Câu chuyện rừng ở xứ núi này, đi từ việc quản lý rừng hiệu quả với hơn 65% diện tích tự nhiên có độ che phủ của tán rừng nguyên sinh, trong đó có hơn 500 cây lim xanh độ tuổi hơn 1.000 năm ở dọc sông Lăng, xã Lăng, 2.011 cây pơ mu có tuổi từ 300-1.000 năm, hơn 100 héc-ta cây hoa đỗ quyên cổ và nhiều loại động thực vật quý hiếm khác. Những cái cây, con thú khiến nơi đây được xướng danh liên tục trong tự hào. Rừng pơ mu đó được mệnh danh là "vương quốc pơ mu" vì đây là rừng thiêng, không ai dám bén mảng, lại được bà con giữ rừng theo luật tục nghiêm ngặt. Người nào săn bắn, chặt cây không đúng quy định có thể bị phạt nặng, hoặc bị đuổi ra khỏi làng. Năm ngoái, có một người liều chặt một cây pơ mu, đã bị xử án nghiêm. Tôi đọc một tài liệu của Unesco đã biết tri thức bản địa là loại di sản không thể hiểu nổi của nhân loại, ở đó là bản tổng phổ các hiểu biết, triết lý lẫn hành xử giữa rừng và con người, thiên nhiên và văn hóa. Tri thức bản địa là thứ duy nhất trong một cộng đồng có sự ràng buộc đơn giản mà khó hiểu, sâu thẳm mà nhẹ nhàng, khiến kẻ ở trong đó không chạy trật đường ray.

“Ừ”, ông Pố đưa tay về phía bàn thờ, đổi giọng - “Tau thờ mẹ rừng đó. Người Cơ Tu có chuyện cổ rằng, hồi đó ở núi A Dương có cha con ông đó, tung tin lên là rừng ma nhiều lắm nên không ai dám vào săn bắn, lượm củi, chặt cây. Đêm đêm, cha con ông lẻn vào rừng để thu lợi. Một bữa mưa gió, cha làm biếng nên nói con vô gỡ bẫy. Nó không muốn đi nhưng sợ cha la, bèn vừa đi vừa chửi. Không có bẫy nào kẹp được thú, mà cần bẫy thì đã bị giật lên. Đến cái bẫy cuối cùng, thấy một bà già bị mắc tay ở đó. Nó nghĩ lạ, bà này không phải người làng, cũng chưa gặp bao giờ. Nó gỡ ra giúp, bà liền chỉ vào cái giỏ mang theo, ở đó rất nhiều chim thú. Nó hiểu bà đã gỡ hết bẫy của mình. Nhưng rất lạ, tóc bà xanh như lá, chân thì như rễ cây. Nó vụt chạy, thì nghe tiếng bà quát: “Mày chạy đi đâu, bẫy đầy chim, tới đây mà lấy chứ. Mày chửi trời đất, thần linh, bà con, cha mẹ không ra gì mà…”. Nghe vậy, nó biết đó là thần linh rồi, bèn quay lại quỳ xuống lạy bà. Bà nói: “Ta là mẹ rừng đây, rừng là của ta, muốn lấy gì, phải được ta cho phép”. Gần đó có cây dương xỉ đầy gai, bà bắt anh ta chà xát vào đó cho người tươm máu rồi thả về. Tới làng, anh ta kể lại hết sự tình, kể xong lăn ra chết. Từ đó người ta tin có mẹ rừng linh thiêng nên ai cũng sợ. Muốn làm chi ở rừng, phải cúng phải xin, già làng gật đầu mới được”.

Tôi nghe và nhớ một lần vượt núi về làng Aur xã A Vương cũng ở huyện này, được dân báo chí gọi là một Singapore giữa rừng, thấy mà ngỡ ngàng. Sạch bong. Không có chuyện dưới nhà sàn, trâu, bò, heo, cư ngụ, gây ô uế. Bà con Cơ Tu ở đây có khu chăn nuôi riêng, hai con suối hai bên làng được chia ra từng đoạn, nhà ai bắt cá nhà nấy, nó chạy qua nhà kia thì không được qua đòi; muốn chặt cây làm nhà, già làng không cho phép thì đố! Củi nấu ăn, chỉ lấy cây nhỏ… Khách đến, nhà ai có gì mang nấy đến chung góp đãi khách. Họ sống hiền hòa, đoàn kết, tụm lại bên khói chiều vương trên cây cổ thụ, nhưng, đôi mắt của dân làng nhìn khách như vừa đi ra khỏi một lễ cúng Giàng. Huyền hoặc. Mơ màng. Pha trộn sắc màu bái vật giáo khi nghe khi nhìn chuyện lạ mình chưa từng thấy, lúc như thân hữu vốn dĩ là đặc tính quý khách của người miền núi, lúc lại như hồ nghi giữ mình như xa lạ như buông bỏ, tách biệt, như dùng dằng nửa đi nửa ở, tựa con suối của làng vừa lách mình ra cái chật chội để về biển lớn, vừa như lặng lẽ ngồi im với tâm thế của kẻ minh triết - biết rằng đã đủ hoát ngộ trời đất. Không ai biết họ ở đây khi nào. Những tạp nham từ văn minh đến hủ tục, không có mặt. Một làng Cơ Tu nguyên thủy hiếm hoi sót lại ở Đông Trường Sơn. Kêu họ ra đường lớn, họ lắc đầu, quen rồi. Hú hồn, mong họ đừng đi cũng đừng ép họ đi, rừng che chở cho tổ tiên họ đến con cháu bây giờ, bình yên, xin đừng phá rừng, bỏ làng mà rước họa.

Bữa trước tôi hỏi ông Đỗ Tài, bí thư huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, về chuyện rừng, ông lắc đầu rằng: “Nói đi nói lại miết mà chẳng tới đâu. Không có ngân sách để trồng rừng hả? Đây, mỗi năm thủy điện góp ngân sách cho Quảng Nam 900 tỷ đồng, lấy tiền đó mà hỗ trợ dân trồng rừng. Mỗi năm dân nhận 400.000 đồng/ha để giữ rừng, mua đôi dép đi rừng không đủ, thì giữ cái gì? Dân miền núi, chỉ có rừng, giao cho họ mới giữ được rừng, đừng bắt họ làm lúa nước, cũng đừng ép họ làm du lịch, càng không mở nhiều đường giao thông, phá nát hết địa hình, mất rừng, nước chảy lung tung gây lũ quét. Người miền núi Tây Nguyên và Đông Trường Sơn, họ là nghệ sĩ. Còn nghệ sĩ là chi, không cần định nghĩa, chỉ biết không được ép họ. Họ sống nhờ rừng, sinh ra, và chết ở đó, phá rừng là giết họ, giết cả mình khi mình ở dưới họng nước”.

Khi thần linh quay lưng, mẹ rừng không hù được ai nữa, nếu còn chăng là nước mắt của những ai đăm đắm về lẽ tử sinh của cây cỏ, của rừng sâu núi cao, đồng loại - khi trái tim lìa xa sự sống. Tôi hay nghĩ, bây giờ hay đàn ca sáo thổi về bản sắc miền núi đậm đà. Mà rừng thì có còn đâu, nhiều nơi vào hội phải mượn chỗ khác áo quần dân tộc mình mà mặc, bởi họ đã bị bứng hay tự bứng ra khỏi rừng lâu rồi, còn chăng chỉ có họ tên là không giống người Kinh.

Ông Pố định nói gì đó nhưng bỏ lửng câu nói, uống cạn ly rượu. Thảm họa suốt một dải miền Trung, Tây Nguyên mùa mưa bão trong năm 2020, khiến mọi con mắt chú mục về rừng. Ai đó nói, khi chết người thì người ta mới nhớ ở rừng còn có người. Đi đến tận cùng của lời nói đó, lạnh người xót xa và chua chát, khi nghĩ người ở rừng quá cô đơn. Kẻ không ở rừng, không cần biết đến rừng, coi rừng là mâm sơn hào hải vị cho kẻ háu đói, đã đành, mà chính rừng cũng quay lưng với người ở rừng, thì lúc đó bầu trời trong mắt người đã sụp đổ.

Người ta nói đất chảy, núi nổ, rừng trôi, khiến nhà cửa, con người bị vùi trong đất đá. Tôi thì nghĩ tới những cơn vặn mình của rừng, khi quá ngưỡng kêu gào rên xiết, rừng đành phải tự hành mình để cảnh báo, tự cứu mình. Ông A Lăng Bưng, một người ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang, cười mỉa: “Làm sao mà trồng rừng nguyên sinh được? Loại rừng này, tự nó là tự nhiên, mọc hàng trăm hàng nghìn năm, không ai trồng được. Nếu có chăng là trồng rừng phòng hộ. Những lấp liếm về con số, dự báo tin tưởng, cũng chỉ nói cho qua chuyện mà thôi”.

Đừng nói chuyện buồn nữa, giọng ông Pố từ bếp vọng lên, người ta sẽ phải giật mình, bởi nếu không, chính con cháu sẽ trả giá cùng chúng ta. “Tượng mẹ rừng đang ở trên tay tôi. Ngực mẹ một bên teo tóp, da thịt bị cào xước trầy trụa”. Ông tượng cái to ở nhà Gươl xã Lăng, một cái ở xã Hòa Bắc khi họ mời ông xuống tạc tượng, dựng nhà Gươl. Ông có bài thơ sáng tác về tượng này, đoạn cuối là “Mẹ mất trái đất còn gì - Mẹ mất, mất sạch, huống chi là người - Hãy mau cứu mẹ, người ơi - Để cho trái đất đời đời xanh tươi”. 

“Có cách nào cứu rừng không?”. “Có” - ông thốt lên - “Anh có làm một tượng mẹ rừng nữa, mà là mẹ ác, đó là phù thủy hại dân, giá mà đem triển lãm, may ra con người biết sợ…”.

Mưa to quá. Tôi ngó lại, rừng thẳm xanh đen trong màn nước mịt mờ. Bài học cả nước phải trả vì rừng bị tàn phá điên loạn, Tây Giang đã tránh được, mong rằng đừng quên. 

Bài: Trung Việt

Ảnh: Pơ Long Lênh, Alăng Ngước

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: