Sân khấu cải lương, sau cột mốc 100 năm hình thành và phát triển, hầu như không thấy một chuyển động mang tính chiến lược lẫn chiến thuật nào đáng kể, dù thời điểm “dựa cậy” 100 năm, bao nhiêu tuyên bố, hứa hẹn đã được đưa ra, sân khấu vẫn không thể… sáng nổi đèn! 

Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội cùng các nền tảng ứng dụng tương thích đã gần như phá hủy các kênh hoạt động nghệ thuật mang tính truyền thống, thay đổi toàn bộ cách thức, thói quen, sở thích của công chúng. Sân khấu không nằm ngoài cuộc khủng hoảng xu thế tất yếu này. Nhưng rõ ràng, ngoài nguyên nhân khách quan ấy, tự thân giới ngành cũng không cho thấy một sự bức bối sống còn, hoặc nếu có, chỉ là cầm cự để… kiếm sống chứ không hề là cuộc quẫy đạp, vẫy vùng để tồn sinh, ngoại trừ một, hai điểm diễn sân khấu kịch nói tại TP.HCM. 

Một nghịch lý đang diễn ra trước mắt: ở lĩnh vực sân khấu cải lương, nghệ sĩ hầu hết đều có khả năng tồn tại độc lập, nghĩa là họ có giọng ca và một chút sắc vóc, nếu lận lưng đôi ba thứ bậc “lọt vào top 3” của giải thưởng này, liên hoan nọ thì cũng là lợi thế, đủ để chạy show, để xây dựng và phát triển kênh YouTube của riêng mình. Trong khi nghệ sĩ kịch nói lại khó khăn hơn nhiều, nhất là lãnh địa phim truyền hình đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, sức quy tụ đối với nghệ sĩ cải lương lại không dễ. Phía kịch nói, về mặt tập hợp, tổ chức lại duy trì bền vững và bài bản hơn. Nếu cho rằng vì tự thân nghệ sĩ cải lương “rộng xài”, thì ở hiện trạng manh mún, xé lẻ như hiện nay là một thất bại của nhà quản lý và của chính giới cải lương. 

Ở đây, một lần nữa, đặt ra vai trò cầm trịch cuộc quy tụ nhân lực và tìm cho ra lời giải của sự tồn tại, hoạt động của giới sân khấu, chính là Hội sân khấu TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố và sự đồng thuận thực chất của nghệ sĩ và bệ đỡ là UBND thành phố. Có mục tiêu, ý tưởng, đề xuất lộ trình, giải pháp cụ thể nào cho cuộc phục sinh sân khấu - tính từ năm 2020, lấy “văn hóa” làm một thực thể trung tâm của năm hay không? Chỉ riêng nội dung giám sát chuyên đề về thiết chế biểu diễn văn hóa tại TP.HCM trong nhiều năm qua, vai trò Hội đồng nhân dân thành phố đã thể hiện rốt ráo, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đã có báo cáo giải pháp tuy nhiên đến nay, các đề án nhà hát, đề án sửa chữa, khắc phục vẫn chưa vận hành. Một nhà hát khang trang, chuyên nghiệp cho nghệ sĩ cải lương, thành phố vẫn còn… mắc nợ! 

Chưa kể, để phục vụ khán giả, ngay tại đô thị lớn nhất của cả nước, ngay trong năm văn hóa, các sân khấu kịch vẫn đùm đề, chạy vạy thuê mướn điểm diễn - vốn chỉ là những trung tâm văn hóa quận. 

Xin lưu ý: xã hội hóa hoạt động sân khấu là huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có tư nhân, nhưng không có nghĩa là phó thác, thậm chí phó mặc sự sống còn cho các nghệ sĩ mà còn cần vai trò bảo trợ của Nhà nước, hoặc hỗ trợ một phần nhất định. 

Đến hẹn lại lên, ngày 12 tháng Tám âm lịch, nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, người mẫu… lại tề tựu về các điểm giỗ Tổ. Dĩ nhiên, không thể thiếu lãnh đạo ngành văn hóa. Họ xuất hiện cực kỳ nghiêm cẩn, chu đáo, ân cần. Nhưng cái cần hơn hết, chính là một tầm nhìn, lộ trình bước đi để khơi dậy, giữ gìn và chuyển động một đời sống văn hóa sáng tác - biểu diễn - thưởng thức - phê bình, nó cần được vận hành xuyên suốt, cụ thể, sống động.

Trong nghi lễ tổ chức lễ tang NSND Phùng Há, sau đêm nằm ở Nhà tang lễ thành phố, trước khi về lại chùa Nghệ sĩ và nhập quan ngay trong khuôn viên chùa, xe tang đưa thi hài bà ngang qua Nhà truyền thống sân khấu ở 133 Cô Bắc, Q.1, lạy tạ “ngôi nhà thiêng” của giới sân khấu mà tiền thân là Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế ra đời năm 1948 - nơi một thời là trụ sở hoạt động công khai hợp pháp của các cơ sở cách mạng nội thành. 

Cùng với Nhà truyền thống Sân khấu, Nghĩa trang nghệ sĩ thành phố, Khu dưỡng lão nghệ sĩ thành phố đã hợp thành một “quần thể văn hóa” có giá trị văn hóa đặc sắc. Năm 1998, trong một cuộc thăm và giao lưu với Hội sân khấu thành phố, đại diện đoàn văn hóa kinh kịch Trung Quốc đã có phát biểu, chúng tôi có thể tự hào về nền sân khấu lâu đời của chúng tôi, nhưng lại ngưỡng mộ nền văn hóa của các bạn, khi đã tạo dựng được một cụm công trình dành cho sân khấu - nghệ sĩ hết sức cao quý như vậy. 

Tôi không bàn đến thực trạng của ba cơ sở nói trên, chỉ riêng về công tác giữ gìn, cách thức bảo vệ và phát triển một cách bài bản, hiệu quả, phục vụ cho nhu cầu tinh thần văn hóa nhân dân thành phố là hầu như… thất bát. 

Ngày Sân khấu Việt Nam là một sự kiện văn hóa. Nhìn rộng ra, sâu hơn, ngoài các hoạt động tưởng niệm, tri ân mang tính tự giác của từng nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, của mỗi đơn vị sân khấu; còn liên kết, tương tác giữa giới sân khấu, ngành văn hóa với ngành du lịch, tạo dựng một “con đường di sản vật thể phi vật thể - truyền khẩu” thông qua lễ hội Giỗ Tổ Sân khấu Việt Nam, để từ đó, vai trò bảo trợ của Nhà nước sẽ được lượng hóa qua các danh mục đầu tư có mục đích, tính nghiệm thu cũng có chủ đích, không tiền mất mà… tai tiếng cứ mang; tiềm lực xã hội được đánh thức khi có cơ hội chọn lựa đầu tư vào các loại hình, mô hình văn hóa bản địa; ngành văn hóa - du lịch phải thật sự ngồi cùng, ngồi trên một con thuyền để tìm ra cửa biển. Nếu không, mọi cuộc hội thảo, liên hoan, tưởng niệm, thi thố chỉ là vẫy vùng trong… ao, tiền (ngân sách) vẫn đổ mà tiền đồ sân khấu văn hóa của thành phố cứ mịt mờ, hiu hắt. 

Xin hỏi, bấy nhiêu đấy ý niệm hay chỉ mới là một gợi ý đề xuất có thể xuất hiện một lần trong những người có trách nhiệm ở các ngành chức năng? 

Bởi rốt cùng, một sân khấu thì cần có tác phẩm (biểu diễn). Một tác phẩm thì cần có công chúng để thưởng thức. Thưởng thức của công chúng ngày nay, lại không chỉ trông chờ vào từng tác phẩm mà còn phải tạo dựng một không gian văn hoá, một hệ sinh thái di sản bản địa. Thành phố này đang thiếu, và vì thiếu nên đang rất cần một "nhạc trưởng" văn hóa đúng nghĩa. 

Ngày 27/9, Google vừa kỷ niệm chặng đường 22 năm bằng biểu tượng chữ “G” hoạt hình đội mũ sinh nhật, ăn bánh và duyệt internet trên Google Doodles. Một ngày sau đó, ngày 28/9, ở một đất nước mà nó được truy cập nhiều nhất, Google tiếng Việt chọn nghệ thuật cải lương để vinh danh trên Google Doodles đúng ngày giỗ Tổ nghề sân khấu.

Hai sự kiện, hai câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan gì tới nhau, nhưng lại rất liên quan nếu cùng đặt chúng trong một khía cạnh mà lâu nay, biết bao người thao thao bất tuyệt về nó, nhưng không phải ai cũng làm được, đó là: triết lý kinh doanh lấy văn hóa làm nền tảng. 

Thông qua hoạt động ở những thị trường mà nó đặt “bàn chân rết” của mình tới, dù chính thức (có chi nhánh, trụ sở trực thuộc) hay không chính thức, Google - “gã khổng lồ” công nghệ đình đám nhất thế giới, đã từng bước hiện thực hóa triết lý (tưởng chừng sáo rỗng) đó một cách rất cụ thể, sinh động, rành rọt, nhưng cũng hết sức hấp dẫn và thông minh. 

Cần nhắc lại, Google Doodle đầu tiên mà Google sáng tạo ra, mục đích kỷ niệm một lễ hội (Burning Man - lễ hội đốt hình nộm bằng gỗ, được tổ chức thường niên ở Mỹ) vào tháng 8/1998. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, dù đạt đến vị trí “anh cả” của giới công nghệ như ngày nay, thông điệp đầu tiên mà Google Doodles để lại, lại là một câu chuyện văn hóa trong những năm đầu đời mới thành lập (dù rằng, cái ý tưởng khởi đi của nó chẳng phải sâu sắc gì, mà chỉ là một “trò đùa” hài hước mà thôi).

Kể từ đó đến nay, Doodle trở thành “chữ ký nhận diện” của “gã khổng lồ” công nghệ Google; được sử dụng để kỷ niệm các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, cũng như tưởng nhớ các nghệ sĩ, nhà tư tưởng và nhà khoa học tiên phong, nổi tiếng trên khắp thế giới. Tới nay, đã có hơn 4.000 logo được vẽ ra trên các trang chủ khắp thế giới đổ về. Và kho dữ liệu văn hóa mang tính biểu tượng này, vẫn đang được cập nhật mỗi ngày.

Mỗi lần Doodle thay đổi, là mỗi lần một sự kiện, một câu chuyện văn hóa được gợi nhắc. Trong chiếc “bẫy” thông tin mà chủ nghĩa dữ liệu đang quản trị thói quen cũng như cách tiếp cận, ứng xử của người dùng với thế giới quanh họ, sự gợi nhắc về văn hóa - được xem là cội rễ của mọi ngọn nguồn văn minh, của tồn tại hay xóa sổ, giống như một thỏa ước của hiện đại, để đi tới tương lai.

Trước cải lương, từ năm 2003 đến nay, Google tiếng Việt đã có nhiều Doodle tôn vinh nét văn hóa đặc trưng tại Việt Nam cũng như kỷ niệm những ngày lễ truyền thống như ngày Nhà giáo Việt Nam, tết Trung thu, tết Nguyên đán, ngày Quốc khánh, các nhân vật đặc biệt như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Xuân Quỳnh, họa sĩ Bùi Xuân Phái, các loại hình nghệ thuật đặc biệt như ca trù… Và mỗi lần Doodle thay đổi, không khó để ta biết, truyền thông và dư luận trở nên quan tâm và “sốt sắng” đến thế nào.

Cũng như ngày hôm nay, từ khóa trên khắp các mặt báo, chắc chắn là “cải lương” - điều mà có khi, những đề án văn hóa, những chiến lược quốc gia, những chương trình kỷ niệm rình rang, hoành tráng ngốn nhiều ngân sách nhà nước - cũng không làm được. Để thấy, triết lý kinh doanh của Google - một doanh nghiệp quốc tế, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, thoạt nghe chỉ có số má và máy móc khô khan, lại “ăn rơ” và hấp dẫn cộng đồng này (và cả những cộng đồng khác) đến vậy.

Còn lý do nào khác cho hấp lực đó, nếu không phải thông qua thuật toán của mình, Google đã chia sẻ một thứ ký ức tập thể có ý nghĩa đối với cả cộng đồng. Chúng đề cập đến các chủ đề và những câu chuyện khác nhau, nhưng mang tính phổ quát, mối quan tâm chung của người dân trong cùng một đất nước, hay con người trong cùng một thời đại.

Nhắc chúng ta về những điểm gặp gỡ, ngay cả khi không cùng ngôn ngữ, tôn giáo, màu da, sắc tộc, hay lãnh thổ… Vì thế, chỉ với một Google Doodle, tính địa phương và tính toàn cầu trong triết lý kinh doanh của “gã khổng lồ” đều được biểu đạt một cách gọn ghẽ, không cần bất cứ tuyên ngôn đao to búa lớn gì mà vẫn đi thẳng vào lòng người. Triết lý ấy dựa vào văn hóa, lấy văn hóa làm gốc, để rồi tỏa ra và “vươn vòi” ảnh hưởng đi khắp thế giới.

Trên trang Google tiếng Việt và trong ngày giỗ Tổ nghề hôm nay, cải lương không còn là một phạm trù chỉ được nhắc đến trong giới làm nghề với nhau. Những công dân của thời @, đặc biệt những người trẻ, lại có thêm một cơ hội nhìn nó - một câu chuyện rất truyền thống, rất bản sắc - bằng một góc nhìn tươi mới hơn, toàn cầu hơn. Xem cách Google kinh doanh dựa trên tài sản vốn có của ta, ngẫm cách ta làm văn hóa của chính ta suốt thời gian qua, mà chỉ biết thở dài! 

Bạn tôi, tác giả Lê Duy Hạnh từng nói, nghệ sĩ dân tộc luôn cần cho mình ba “tổ”: Tổ quốc, Tổ nghề và Tổ chức. Tôi tâm đắc về điều ông nói.

Đừng vội nghĩ “tổ chức” chỉ dành riêng cho một đơn vị nhà hát, đoàn hát nào đó, hoặc ngay cả khi muốn mà không thể có thì vẫn tồn tại một nhóm nghệ sĩ hay một cộng đồng nghệ sĩ - khán giả để cộng sinh bởi tình yêu nghệ thuật. 

Trong ngày giỗ Tổ thiêng liêng, tôi muốn thành kính trước ban thờ Tổ quốc và Tổ nghiệp. Là hai nhưng cũng là một. Một nghệ sĩ dân tộc, chẳng thể nào đứng ngoài một tư cách công dân. Đã là công dân - nghệ sĩ, không ai khước từ trách nhiệm xã hội, tiếng nói cộng đồng, tất cả vì lợi ích và tiến bộ chung. 

Trong một lần gặp nhau ở hậu trường, bắt gặp ánh mắt say sưa ngắm nhìn không giấu giếm của tôi, nghệ sĩ Thanh Nga cười hiền bảo, trót sinh ra làm nghệ sĩ, chị ước mình được ra đi ngay trên sàn diễn, để khán giả vẫn thấy mình đẹp. 

Cái đẹp mà chị nhắc đến, không chỉ nhan sắc mà còn là sự lẫm liệt như hình tượng Trưng Trắc - vai diễn cuối cùng của người nghệ sĩ tài danh, vai diễn khắc ghi vào lịch sử sân khấu cải lương một thời vàng son, vang dội.

Đất nước những năm 1979 đến năm 1984, có thể mỗi nghệ sĩ đều có cách lựa chọn của riêng mình nhưng nghệ sĩ cải lương, trong thời điểm nóng bỏng ấy đã tự nguyện khoác lên vai thử thách và niềm tự hào của những nghệ sĩ - công dân đồng loạt “ra trận” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sang châu Âu, mang theo tiếng hát của một Việt Nam hòa bình, thống nhất.

Tôi vẫn nhớ, trong biến cố tôi và NSND Ngọc Giàu bị bắt cóc, khi đoàn xe của chúng tôi bị theo dõi, đeo bám, các anh chị em nghệ sĩ dù lo sợ vẫn bảo nhau, có khó khăn gì cũng ráng hát phục vụ bà con, Lệ Thủy nhắc lời chú Sáu Thảo, mấy đứa cứ lo hát cho tốt, về nhà có mấy chú đón…

Cái tình khiến con người ta gần lại, thâm cảm. Cái nghĩa, sự trách nhiệm khiến chúng ta lớn lên, vững vàng, gánh vác, san sẻ. Tôi vẫn phải nhắc lại rằng, khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong đời làm nghệ thuật của tôi đó chính là được biểu diễn trước một trăm chiến sĩ vừa trở về từ mặt trận biên giới năm 1979. Ngay sau câu vọng cổ xuống hò, tôi dừng lại, cùng toàn bộ nghệ sĩ có mặt trên sân khấu, khu vực cánh gà và tất cả khán giả trong khán phòng hướng về những người lính, vỗ tay. Khoảnh khắc “gián cách” ấy, khi tôi thoát khỏi nhân vật thái hậu Dương Vân Nga, duy nhất một lần trong hàng triệu suất diễn, nơi mà nghệ thuật đã “vị nhân sinh” tối thượng. 

Đêm tôi diễn ra mắt Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp Hưng Đạo, khuya, nghệ sĩ Hùng Cường gọi cho tôi, anh khóc, chúc mừng tôi trở lại sân khấu với một vai diễn đẹp. Tôi quặn lòng vì hiểu những nhớ nhung, quay quắt ở một người nghệ sĩ như anh, chỉ cần một vai diễn như thế là đủ để ra đi trong lòng khán giả. Nghệ sĩ biểu diễn vốn thiên về… hướng ngoại nhưng có những nỗi niềm sâu kín, đâu dễ mấy ai thấu hiểu và… tin! 

Mới đây, tôi đi xem Tiên Nga của sân khấu IDECAF. Tôi đi xem không phải tò mò, để so sánh hai bản dựng, bản diễn về Kiều Nguyệt Nga trên sân khấu cải lương và kịch nói. Tôi đi tìm một cảm thức về nguồn sáng tạo đến từ một tác phẩm kinh điển mà điểm chung, không gì khác ngoài lòng ái quốc trong nỗi niềm ưu tư thời thế. Thành Lộc - trong vai trò dẫn chuyện, là cụ Đồ Chiểu, bấy nhiêu chất chứa, xúc cảm, nhìn và nghe Lộc lẫy Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc mà thương kính đến trào nước mắt. 

Tôi chợt nhớ Nguyệt Nga của tôi - qua bản dựng của đạo diễn Lưu Chi Lăng, cảnh trên thuyền sang Phiên, trước giờ tuẫn tiết, vẫn chọn được chết ở dòng nước quê nhà, “hỡi vầng trăng cao, hỡi dòng nước bạc, xin hãy chỉ cho ta con đường trọn nghĩa tròn trinh”. 

Nhân vật thức tỉnh chính con người nghệ sĩ. Hay chính tư cách công dân trong vai người nghệ sĩ sẽ khiến chúng ta ưu tư nhiều hơn, tự nhận về mình cái trách nhiệm dự cảm và cất tiếng nói, cho mình, cho người. 

Bao năm rồi, kể từ ngày thầy tôi - NSND Phùng Há ra đi, ngày giỗ Tổ, sáng 12 tháng Tám âm lịch, tôi lại về quẩn quanh bên mộ phần của bà, giữ cái thói quen tặng quà cho bà con nghèo của má từ thuở sinh thời. Bà chưa bao giờ nói những điều cao siêu, to tát. Nhưng cách bà sống, những gì bà dạy và truyền nghề cho các thế hệ nghệ sĩ, tôi khắc ghi. 

Giỗ Tổ năm nay, tôi lại về ngồi dưới chân mộ phần thầy tôi, ca mấy câu trong bài thơ Hai chữ nước nhà, trích từ tập Bút quan hoài của Á Nam Trần Tuấn Khải: “…Thời thế có anh hùng là thế/ Chữ vinh hoa xá kể làm chi/ Mấy trang hào kiệt xưa kia/ Hy sinh thân thế cũng vì nước non…”. 

Một đời ca kỹ, ngày nằm xuống, gia tài bà để lại không ngoài những vai diễn lừng danh, đâu chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”, mà thức tỉnh bao lớp hậu thế, mấy ai nghe ra lời nhắn nhủ: 

“Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
Con ơi, hai chữ nước nhà” 

(Á Nam Trần Tuấn Khải)

Tôi biết ơn Tổ quốc, Tổ nghề đã chở che, cưu mang một đời ca kỹ. 

________________

Tác giả: Huyền Tuyến, Đậu Dung, NSND Bạch Tuyết

Thiết kế: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: