ôi từng bật cười và nghe lòng mình thật ấm áp khi đọc bài Sài Gòn tánh kỳ của một bạn trẻ. Ừa, Sài Gòn là vậy, luôn có rất nhiều người tánh bao đồng dễ thương. Món đặc sản xuất phát từ trái tim bao đời nay đã trở thành nét văn hóa rất riêng. Món đặc sản lạ kỳ có sức mạnh kết nối để trong cuộc sống bộn bề những lo toan vẫn có những người dưng bỗng trở thành người thân, yêu thương, gắn bó và cùng trao yêu thương cho mọi người.

Bao nhiêu năm làm công tác từ thiện xã hội, điều tôi luôn lo lắng là mình không đủ sức khỏe để tiếp tục gắn bó với công việc chứ chưa bao giờ phải lo lắng chạy đâu ra tiền để chăm lo, giúp đỡ người nghèo. Ðó là động lực, là hạnh phúc để những người làm công tác thiện nguyện luôn tự nhủ phải gắng hết sức, làm hết mình để không phụ những tấm lòng vàng, những ân nhân của người nghèo.

Mô hình

Mô hình "Trao yêu thương" chủ đề "Người có giúp người khó" nhằm chia sẻ quần áo cũ (còn sử dụng được) cho người già, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của phường Phú Trung, quận Tân Phú.

Sài Gòn giờ đổi thay nhiều lắm so với thời tôi còn là cô bé mỗi tuần được về nhà từ trường nội trú lại “canh me” để được ngồi phía sau xe ngựa, đung đưa hai chân lơ đễnh ngắm phố xá và đếm tiếng vó ngựa lọc cọc gõ trên mặt đường. Bao nhiêu thứ đã đổi thay. Khó có thể đo đếm bằng những con số cụ thể, nhưng có một điều dường như bất biến với thời gian, đó là một Sài Gòn ấm áp, thân thương và bao dung đến lạ. Lòng nhân hậu, trái tim biết yêu thương, chia sẻ, với tôi đó là tài sản quý giá nhất của con người và mảnh đất Sài Gòn. Theo thời gian, lòng nhân ái, bao dung của người Sài Gòn có thể đổi thay dưới tác động của đời sống xã hội, nhưng về cốt lõi thì vẫn vẹn nguyên.

Người lao động nghèo, người bán vé số thoải mái lựa chọn quần áo tại quầy quần áo miễn phí tại góc đường Nguyễn Hoàng quận 2 TP.HCM

Người lao động nghèo, người bán vé số thoải mái lựa chọn quần áo tại quầy quần áo miễn phí tại góc đường Nguyễn Hoàng quận 2 TP.HCM

Người Sài Gòn xưa hồn nhiên cưu mang một cậu học trò nhỏ không máu mủ, ruột rà cũng chẳng thân quen. Chỉ cần cậu học trò chăm chỉ học hành, gia chủ lo cho từng bữa ăn, tấm áo, hệt như một thành viên trong đàn con của mình. Ðâu cứ phải giàu mới giúp được người nghèo. Người Sài Gòn có thể chia phần cơm bình dân của mình cho người không đủ tiền mua cơm theo cách riêng. Sớt nửa dĩa cơm chia cho người lỡ đường, giọng người Sài Gòn tỉnh rụi: “Ăn bớt giùm tui chớ nhiều quá, tui ăn một mình hổng hết!”. Không có tiền, người Sài Gòn vẫn giúp được người khác bằng cách giúp phương  tiện. Sốt sắng chỉ chỗ này, chỗ khác để người nghèo hơn mình có cơm ăn, áo mặc, có được chỗ ngủ ấm êm…

Người Sài Gòn cứ vậy, giúp người khó khăn không mảy may tính toán, đắn đo. Không mảy may suy nghĩ người được giúp sẽ phải biết ơn mình, mà chỉ mong sao nếu một ngày có duyên gặp lại, sẽ thấy người từng được giúp đỡ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bây giờ, người Sài Gòn vẫn vậy. Tôi thấy lòng mình lâng lâng hạnh phúc khi bắt gặp những bình trà đá bên lề đường với dòng chữ: “trà đá miễn phí”. Có thử hóa thân thành chị bán vé số, mua ve chai, anh đạp ba gác bán rau giữa trưa nắng Sài Gòn, mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của bình trà đá miễn phí dọc đường. Từ bình trà đá, ngoài phố giờ có thêm tủ bánh mì miễn phí, rồi kệ áo quần “ai dư đến cho, ai cần đến lấy”… Bản tính nhân ái, bao dung của người Sài Gòn lây lan tới cả dân nhập cư rồi cũng trở thành dân Sài Gòn, sống, làm việc và đóng góp cho vùng đất họ coi là quê hương thứ hai của mình.

Vui đó mà cũng chạnh buồn đó. Ðường sá Sài Gòn giờ rộng hơn nhưng có lúc lòng người dường như nhỏ lại; lòng tin, lòng nhân ái tự nhiên “nhỏ mọn”, dè dặt hơn. Cái bình trà đá miễn phí lủng lẳng sợi xích sắt với cái khóa vì sợ kẻ gian bưng luôn thùng. Người Sài Gòn vẫn giàu lòng nhân ái, tương thân tương trợ bỗng dưng bị đặt vô tình thế đắn đo, suy tính khi muốn mở vòng tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cũng không còn mấy ai dám vô tư mở cửa cho người lỡ bước dọc đường tá túc qua đêm. Có người Sài Gòn he hé cửa ngó cụ già mệt lả bước trên đường, rồi… đóng cửa quay bước vào trong. Có người Sài Gòn tần ngần đứng bên vỉa hè ngó người cha cõng đứa con mắt nhắm nghiền, ông van nài xin người qua đường giúp con ông ít tiền đóng viện phí… Người Sài Gòn đứng như tượng, nhìn theo hai cha con cho tới khi khuất ở góc đường… Sự nghi ngờ đang mài mòn lòng từ tâm của con người.

Ừ thì trong số những ánh mắt lạnh lùng lướt qua những hoàn cảnh khó khăn, những chuyện chướng tai gai mắt trên phố… không loại trừ có những người vô tâm, vô cảm, mặc kệ người xung quanh. Nhưng cũng có cả những người quay đi và đem theo nỗi day dứt suốt nhiều ngày. Họ tự chất vấn mình: “Mình đã sai, hay đúng? Liệu có phải vì không đủ niềm tin, vì luôn nghi ngờ mà mình đã lướt qua một hoàn cảnh đang rất cần sự giúp đỡ? Cụ già đó, hai cha con kia… giờ ra sao?”. Giá trị vật chất nếu bị gạt có thể sẽ không đáng là bao, điều họ băn khoăn là liệu mình có tiếp tay cho những kẻ “đánh tráo” niềm tin, tiếp tục làm tổn thương lòng tin của nhiều người khác trong xã hội? 

May mắn thay, sự nghi ngờ, những đổ vỡ niềm tin trong cách ứng xử của con người thời hiện đại không làm mất bản chất nhân ái, tinh thần tương thân, tương trợ của người Sài Gòn. Tôi luôn nghĩ mình chưa làm được gì, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa khi nhìn thấy những Mạnh Thường Quân là những người lao động chân tay, buôn gánh, bán bưng… vội vàng tạt ngang gửi chút tiền vào quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Có những nhà hảo tâm coi việc chia sẻ, giúp đỡ người nghèo là lẽ đương nhiên. Họ gửi rất nhiều tiền, đều đặn làm từ thiện nhưng tuyệt nhiên không bao giờ muốn nhắc tên và cũng chẳng yêu cầu bất kỳ quyền lợi nào cho cá nhân mình hay doanh nghiệp.

 

Người ta hay nói, người lớn tuổi thường hoài cổ. Tôi không phải là trường hợp ngoại lệ. Phố xá, nhà cửa Sài Gòn giờ đã đổi thay nhiều lắm, nhưng đôi khi đi qua một nơi quen thuộc, nhìn thấy một hình ảnh gợi nhớ, Sài Gòn xưa lại trở về trong ký ức tôi như những thước phim thật chậm. Có những âm thanh của Sài Gòn mà tôi không bao giờ quên - những âm thanh gợi hình ảnh đẹp mơ màng về thời gia đình là điều quan trọng nhất trong trái tim của mỗi con người. Tôi vẫn nhớ, trong ánh nắng chiều của mỗi ngày, tiếng gõ chày, băm thớt, tiếng chén dĩa lách cách, tiếng gọi các con về ăn cơm… “len lỏi” trong hương thơm ai cũng muốn hít hà của đủ loại món ăn bay ra từ những gian bếp gia đình trong con phố nhỏ. Không thể lý giải một cách rõ ràng vì sao những âm thanh đó, những mùi vị đó lại luôn dẫn dắt con người đến với những hình ảnh ấm áp và đong đầy yêu thương.

Nụ cười ngày cuối năm

Nụ cười ngày cuối năm

Mỗi năm, khi xuân về, không khí tết rõ nhất vào chiều ba mươi. Người ta dọn chợ sớm, phố vắng hoe, ai cũng vội vàng về nhà để kịp quây quần bên người thân, làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên chiều cuối năm. Tết sum họp, tết đoàn viên bắt đầu từ lúc đó. Mấy ngày tết đến nhà này nhà kia, chúc tết, nói cười rôm rả… Ừa thì nhiêu khê đó, nhưng nó thể hiện tình nghĩa, sự đoàn kết, tính lễ nghi và bản sắc dân tộc rất riêng của người Việt Nam một cách rõ ràng.

Cuộc sống của các gia đình giờ tiện nghi hơn, đời sống cao hơn nhưng tình cảm gia đình thì thiếu thốn, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình cũng xa hơn. Chẳng còn mấy gia đình quây quần bên nhau trong bữa cơm chiều. Chiều Sài Gòn giờ đây là dòng người hối hả, chật ken trên đường. Người ta chỉ còn nghe âm thanh của xe cộ, của những tiếng còi inh ỏi, giận dữ vì muốn chạy nhanh hơn dòng người. Những bữa cơm thiếu vắng người lớn bởi cha mẹ còn bận lao đi kiếm tiền “lo tương lai” cho con cái. Những đứa trẻ vội vàng ăn cho xong bữa cơm vì còn phải học hành để đạt được kỳ vọng của cha mẹ.

Mâm cơm ngày tết của người miền Nam

Mâm cơm ngày tết của người miền Nam

Ðêm ba mươi tết, phố xá chật cứng. Người ta đổ hết ra đường, đi ăn, đi chơi, chờ ngắm pháo bông… Mà cũng không chờ đến tết, gần như những ngày nghỉ lễ là dịp để mọi người ra đường, đi chơi, quán xá nhộn nhịp, không còn là dịp để đại gia đình quây quần, sum họp bên nhau. Phố xá lộng lẫy, tiện nghi hiện đại kết nối con người với cả thế giới, nhưng nó cũng kéo các thành viên ra xa khỏi mối quan hệ, sự ràng buộc của gia đình.

Tất nhiên, tôi vẫn rất thích sự phát triển. Nhờ sự phát triển mà thế hệ trẻ, trong đó có con tôi, cháu tôi năng động hơn, hiểu biết rộng hơn. Nhưng đi qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, tôi vẫn trân quý những giá trị của gia đình. Tôi quan niệm mọi thứ đều xuất phát từ gia đình. Con trẻ phải được giáo dục tình yêu, sự đoàn kết, gắn bó và lòng nhân ái từ gia đình. Từng gia đình nếu giữ được sự gắn bó, yêu thương giữa thành viên các thế hệ thì yêu thương sẽ lan tỏa và mãi mãi sẽ là “đặc sản” đầy tự hào của Sài Gòn. 

________________

NSND Kim Cương

Ảnh: Phùng Huy, Minh Thanh, Diễm Trang, Huỳnh Mỹ Thuận, chanhtuoi.com

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: