Quay trở về thời tuổi thơ, ông có bao giờ nghĩ một ngày mình trở thành họa sĩ không?
Ngày xưa, tôi không nghĩ mình trở thành họa sĩ. Lúc nhỏ tôi cũng như bao người khác, chỉ đơn giản thích vẽ và khám phá màu sắc. Nhưng dần dần, cuộc sống và những khoảnh khắc, vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, những góc phố, con ngõ, hay những phút cảm xúc khiến tôi muốn vẽ và lưu giữ trên những toan mảng màu sống động ấy. Nói một cách khác là tôi muốn thể hiện tâm trí của mình lúc đó bằng hội họa, muốn đem cả thiên nhiên và cuộc sống bằng những nét họa trên toan. Cứ thế cho tới giờ, có lẽ là cả cuộc đời rồi.
Là một họa sĩ có những năm tháng phục vụ trong quân đội và rất nỗ lực để đạt được học bổng ở Trường ĐH Mỹ Thuật Slovakia - Tiệp Khắc, phải chăng đó là một bước ngoặt lớn trong đời ông?
Thời gian học tại Đại học Mỹ Thuật Việt Nam đã mở ra cho tôi nhiều kiến thức quý, được học hỏi từ các bậc thầy và họa sĩ danh tiếng. Khi phục vụ trong quân đội, tôi làm công việc chuyên môn của mình góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Việc được cử đi học mỹ thuật tại Tiệp Khắc là một cơ duyên đặc biệt, vì lúc đó hầu hết mọi người đều sang Cộng hòa Dân chủ Đức, Nga, Rumani, nhưng tôi là một trong số ít người được sang Tiệp Khắc.
Tôi học tại Đại học Mỹ Thuật Slovakia 6 năm, tập trung hoàn toàn vào việc tiếp nhận tinh hoa của nền hội họa Tiệp Khắc và châu Âu. Tôi được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật sơn dầu, màu sắc, hình họa, cách khơi gợi sự sáng tạo thông qua liên tưởng biểu hiện.
Khi trở về Việt Nam ông cảm nhận được không khí sáng tác lúc đó thế nào?
Khi trở về từ Tiệp Khắc, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, xã hội mở cửa và nền kinh tế phát triển, con người thay đổi tư duy và lối sống. Hội họa cũng chuyển mình mạnh mẽ, hoạ sĩ thời kỳ đổi mới may mắn được sáng tác tự do và cởi mở. Lúc đó các họa sĩ trẻ nhiều năng lượng và sáng tác khá mạnh, tạo nên một thời kỳ phát triển rực rỡ cho nền hội họa thời đổi mới. Họa sĩ lúc đó như cá gặp nước. Tôi tiếp nhận và hòa mình trong dòng chung đó, sáng tác rất nhiều tác phẩm kết hợp giữa phong cách nghệ thuật châu Âu kinh điển và chất liệu truyền thống Việt Nam.
Vì sao ông lại có niềm đam mê với giấy dó tới và việc sử dụng chất liệu truyền thống kết hợp với hiện đại có điều gì thú vị hay không?
Tôi rất mê giấy dó. Đó là chất liệu bản địa của một số nước châu Á và Việt Nam nói riêng. Từ những năm 90, tôi đã luôn thích sử dụng mực nho trên giấy dó để vẽ ký họa chân dung và tranh nude, như những bức thư pháp bằng hình. Hàng trăm tác phẩm ra đời được người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế yêu mến sưu tập khiến các tác phẩm cứ vẫy chào ra đi và tôi cố gắng giữ lại vài bức như một dấu ấn trong hành trình sáng tác của mình. Cũng có lúc tôi say mê vẽ hoa, nhất là các loài hoa theo mùa của Hà Nội như: loa kèn, cúc, hồng, sen, dơn… Đôi khi tôi trải qua những ngày chỉ cần ngồi trong xưởng của mình, tỉ mẩn tỉa từng cánh cúc nhỏ và cả trăm bông cúc chi trong một khuôn tranh giấy dó khổ lớn – điều này giống như một sự thử thách tính kiên nhẫn của bản thân và tôi thấy đó cũng là tôi tồn tại.
Cũng có khi tôi miệt mài làm việc cùng người mẫu với mực nho và giấy dó, vẽ hàng trăm bức ký họa, nude đen trắng chỉ bằng chiếc bút lông và thỏi mực nho. Từ những đường nét đầu tiên – chân dung, bờ vai, mái tóc – vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ Việt như một thế giới hấp dẫn để tôi phác thảo. Kho tư liệu quý giá ấy đã trở thành nền tảng cho rất nhiều tác phẩm về phụ nữ mà tôi sáng tác đến nay.
Ông có thể chia sẻ về sự khác biệt giữa vẽ trên giấy dó nguyên bản, và giấy dó được bồi theo phong cách của ông?
Người Trung Quốc và Việt Nam thường vẽ theo lối thủy mặc trên giấy xuyến chi hoặc giấy dó, với lối vẽ loang màu, nét thanh đậm và nhoè điểm xuyết. Còn tôi lại yêu thích vẽ trên giấy dó đã bóc tách. Tôi không vẽ trực tiếp trên một lớp giấy dó, mà bóc tách từng lớp rồi mới vẽ. Cách làm này tạo hiệu ứng không gian và bố cục đặc biệt cho tác phẩm. Vẽ trên giấy dó đã bóc tách là một thử thách, giống như ta đi trên sợi dây mỏng, đòi hỏi sự thăng bằng trong cả tâm trí lẫn nét bút. Mỗi một ngày sáng tác, là một ngày tự mày mò học hỏi, thử nghiệm nhiều, và nhận ra mỗi thử thách là một bài học thú vị. Nếu thiếu kỹ thuật hoặc lơ đãng, tờ giấy dó có thể thủng ngay khi nhấc lên, mọi việc sẽ hỏng. Tôi cứ vẽ mà như chơi, chơi mà như vẽ. Việc bồi giấy dó cũng là một công đoạn thú vị. Ngày xưa, các cụ làm hồ nếp để bồi giấy dó: gạo ngâm nhiều ngày, mỗi ngày thay nước cho đến khi trong veo, rồi quấy thành hồ, giúp tranh bền, không bị mốc.
Nhắc tới họa sĩ Đào Thành Dzuy, người ta thường nhắc tới những tác phẩm về sen, dường như ông rất “say” sáng tạo với lá sen nhiều hơn là hoa sen, vì sao vậy?
Tôi vẽ nhiều loài hoa, nhưng hoa sen luôn có một sức hút đặc biệt. Sau năm 2000, cảm hứng của tôi dồn vào sen, đặc biệt là sen hồ Tây. Lá sen Hồ Tây có đường diềm quyến rũ, các búp sen có vẻ đẹp riêng mà chúng đã in vào tâm trí tôi. Tuy nhiên, không chỉ là vẽ, mà việc thưởng sen cũng là một thói quen khó bỏ. Mỗi mùa sen, tôi thường lên đầm sen vẽ ký họa, cảm nhận vẻ đẹp của hoa qua từng thời khắc: lúc e ấp, lúc nở rộ và lúc tàn – như một biểu tượng của thời gian, mang đến cho tôi nguồn năng lượng sáng tạo bất tận. Nhiều người thắc mắc sao tôi vẽ những bức tranh khổ lớn chỉ có lá sen đơn độc… Có lẽ do tôi mê những lát cắt đầy lá sen tràn vào tác phẩm- cũng như một biểu tượng trí tuệ của sự có có không - không đầy tịch mịch của cõi sen. Từng chiếc lá sen gợn lên như những làn sóng nhỏ - những sự chuyển động rất nhẹ, rất khẽ, và rất thơ tạo nên hiệu ứng thị giác khiến bức tranh trở nên sống động và có hồn. Thế là đủ đối với tôi!
Hình như các đầm sen quanh Hà Nội, đã quá quen thuộc với một ông họa sĩ mùa sen nào cũng không vắng mặt?
Hoa sen Hồ Tây đã đẹp, có khi một mùa bạn cắm hoa sen khác không nở, nhưng nếu đúng là hoa sen Hồ Tây thật, thì đó sẽ là một bình hoa sen nở bung tràn rồi rụng để lại đài sen và những hạt sen bên trong. Tôi vẽ nhiều về sen, kể khó hết, từ sen mới e ấp búp non, tới lúc khai hoa viễn mãn, tới khi sen mãn khai, sen rụng, sen tàn, các hình tướng từ vẻ đẹp cũng như sự tàn lụi của sen luôn gợi cho tôi thấy quy luật tự nhiên và con người: Có sinh ra, có thành, có trụ, và có hoại. Từ đóa hoa hàm tiếu trong sương sớm cho tới khi lụi tàn, hoa sen vẫn có một vẻ đẹp riêng của mình. Một đầm sen tàn lụi gây hiệu ứng thị giác rất mạnh bởi vẻ đẹp của sự tàn lụi trong sen là biểu tượng của không bao giờ là kết thúc, nó chỉ là một sự chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ vật thể này sang vật thể khác. Trong sự tàn úa của đài sen, đó là những hạt sen đã được bao bọc nuôi dưỡng bởi vẻ ngoài khô kiệt ấy, lại bọc trong mình những hạt mầm sẵn sàng cho một mùa sinh sôi mới. Chính vì thế, chưa bao giờ tôi chán vẽ sen!
Một mảng rất mạnh nữa của ông, khiến cho bạn bè mỗi khi nhắc tới lại thốt lên, à, Thành Dzuy “thành lưng” chứ gì? Vì sao vậy?
Có lẽ đó là do cách tạo hình trong các tác phẩm khi vẽ về những cô gái. Tôi không thích dùng các biểu hiện quá sỗ sàng hay gai góc để biểu thị cái đẹp, mà ngược lại, tôi thích sự e ấp, gợi cảm, đôi khi là ngập ngừng nhưng tinh tế. Tôi rất yêu vẻ đẹp của người phụ nữ, đôi khi chỉ cần thoáng qua một bờ vai, một chiếc gáy nghiêng nghiêng, một cổ cao ba ngấn, một thấp thoáng khẽ hững hờ qua thôi, đó đã đủ để tôi vẽ những bức nude theo cách của mình. Thế nên nhiều người đã quen thuộc với phong cách vẽ của tôi, chỉ cần ngắm bức tranh vẽ một cô gái quay lưng, hoặc một chiếc cổ ba ngấn, một bờ vai nuột nà là họ có lẽ đã “phát hiện” đây đích thị tranh của Thành Dzuy.
Nhiều người e ngại việc sáng tác một tác phẩm cô gái bên cạnh hoa sen sẽ là khó nếu không thật tế nhị và tinh tế, anh nghĩ sao?
Có lẽ do tôi đã được học mỹ thuật phương Tây và lại là người sinh ra ở một đất nước Á Đông, thế nên cái mà tôi biểu hiện trên tranh như thế nào cũng phải tùy người cảm nhận và thưởng thức. Hoa sen vốn được coi là biểu tượng thanh tịch, và tôi muốn thể hiện hai vẻ đẹp của tạo hóa tràn đầy năng lượng, trong sáng trong một không gian hài hòa, nhã nhặn, thư thái và bình yên. Tôi rất tâm đắc một câu nói của nhà văn Dostoevsky: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Thế giới của hoa sen không chỉ trong đạo Phật mà còn cả trong đời thường, hai vẻ đẹp trong sáng trong mắt của người cảm nhận, tùy vào mỗi người.
Còn về tranh trừu tượng thì sao?
Tôi thường vẽ tranh trừu tượng khi dừng các chủ đề khác, như một cách quan sát tâm trí mình, muốn thể hiện những suy tư, cảm xúc, hay khoảnh khắc đang diễn ra. Đó có thể là một phố, một khái niệm, một đời sống, hay một khoảnh khắc mà không cần tả thực rõ ràng. Tôi thích cảm giác về những khoảng trống sâu thẳm, như hố đen, không phải không gian thật mà là ẩn dụ. Tôi không lạm dụng nhiều hình khối, nhưng tôi đặc biệt thích ánh sáng và muốn vẽ chúng theo cách riêng của mình – không phải ánh sáng của bình minh hay hoàng hôn, mà là ánh sáng do chính người sáng tạo ra. Là họa sĩ, ai cũng có lúc "chơi đùa" với màu sắc. Đôi khi, tôi vẽ bức tranh chỉ với gam màu như màu trắng. Nhìn có vẻ đơn sắc, nhưng thực ra là sự biến đổi của nhiều sắc độ, ánh sáng, và bóng tối của màu trắng. Cũng giống như cuộc sống, trong cái đơn điệu lại chứa đựng sự đa dạng, và trong sự đa dạng lại có sự duy nhất.
Bạn bè còn bảo ông là một kẻ mộng mơ duy mỹ - điều này trong đời sống sôi động quay cuồng thì cũng là hiếm đấy nhỉ?
Có lẽ do các gam màu mà tôi sử dụng trong hội họa, đa phần màu khá nhã, không… “nóng”, không… “rực”. Tôi thích những gam màu mang sự an lạc, có lẽ chúng đã ngấm vào tôi một cách tự nhiên nhất, bởi đó là những gam màu của sự bình yên, nhẹ nhõm. Bạn đừng nói tôi có một đời sống “no đủ” không “lo nghĩ”! Tôi cũng như mọi người, ai chẳng có đủ những niềm vui, nỗi buồn, đôi khi cả sự bế tắc nữa. Tuy nhiên, khi bế tắc, tôi không vẽ. Nếu cố vẽ, tác phẩm sẽ không có nội lực. Và tôi không mang sự tiêu cực vào tranh của mình. Có năm tôi không xem tivi, không liên lạc ra ngoài, bạn bè cũng hạn chế, tôi chỉ ở trong phòng sáng tác, vẽ những bức tranh khổ lớn cần đòi hỏi thời gian, công sức, và sự tập trung cao độ, đó là lúc mạch đang vào… guồng”. Khi bạn thấy mọi thứ xung quanh đều nhàn nhạt và chỉ có lúc một mình đối diện với giá vẽ, nó vừa có áp lực kinh khủng nhưng cũng là một bài toán khó mà mình phải giải quyết và nếu không xong, thì có còn gì để nói. Hội họa là mạch sống của đời một họa sĩ. Chỉ có hội họa mới làm tôi thấy bình yên, và tôi muốn đem sự bình yên ấy vào tác phẩm của mình.
Xin cảm ơn hoạ sĩ. Chúc ông luôn có nhiều sáng tác mới!
Họa sĩ Đào Thành Dzuy, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, trải qua 6 năm học tại Đại học Mỹ Thuật Slovakia, đã tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo từ sự hòa quyện giữa mỹ thuật Châu Âu và Á Đông. Với kinh nghiệm dày dặn và kỹ thuật tinh tế, các tác phẩm của ông mang đậm sự an nhiên hiếm có. Trải qua 50 năm sáng tác và cống hiến, những sáng tạo của ông đã được công nhận và đánh giá cao bởi đồng nghiệp và công chúng, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật Việt Nam.