Phóng viên: Nếu nói mỗi triển lãm là một cột mốc ý nghĩa trong đời hoạ sĩ, thì triển lãm “Nghệ thuật hoang dã - Thiên nhiên qua mắt một họa sĩ” có ý nghĩa thế nào với anh?

Hoạ sĩ Đào Văn Hoàng: Đây là lần đầu tôi có một triển lãm nghệ thuật đúng nghĩa. Và cũng là lần đầu tôi xem mình là hoạ sĩ. Áp lực rất cao, tôi có chút căng thẳng.

Tôi đam mê vẽ từ nhỏ nhưng với khoảng thời gian này, tôi không gọi đó là sự nghiệp. Năm 1980, tôi qua Pháp. Đến năm 1996, tôi về Việt Nam và bắt đầu khám phá thiên nhiên. Niềm đam mê bảo tồn đưa tôi đến công việc vẽ minh hoạ để giáo dục cho công chúng. Tôi có nhiều đơn đặt hàng từ các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường... đặt vẽ bìa sách, tranh, hình minh hoạ. Tôi vẽ rất nhiều nhưng không gọi mình là hoạ sĩ.

Năm 2014, tôi nghỉ việc ở ngành quảng cáo để theo đuổi công việc vẽ động vật hoang dã và tham gia các hoạt động bảo tồn. Mức lương của tôi trong ngành quảng cáo khi đó khá cao. Lúc này, vợ chồng cũng có 1 bé nên áp lực tài chính là có. Tôi hứa với vợ nếu sau 5 năm tôi vẫn thất bại, tôi tình nguyện đi bán bánh mì, bánh cuốn hay bất kể công việc nào. Vợ tôi đồng ý.

Từ 2014 đến nay, những triển lãm tranh của tôi vẫn diễn ra nhưng đa phần là hoạt động phụ bên cạnh một cuộc hội thảo khoa học. Đối với tôi, đó chưa phải là sự kiện nghệ thuật thuần tuý. Đây là lần đầu tiên, tôi ra mắt công chúng với danh xưng hoạ sĩ. Bước ngoặt này khá lớn.

Hoạ sĩ Đào Văn Hoàng tại triển lãm cá nhân đầu tiên của mình

Hoạ sĩ Đào Văn Hoàng tại triển lãm cá nhân đầu tiên của mình

Những gì anh chia sẻ gợi hình ảnh như anh đang từ bóng tối bước ra ánh sáng. Anh đã chuẩn bị ra sao cho màn ra mắt chính thức với danh xưng hoạ sĩ?

Cụm từ “bước ra ánh sáng”, tôi thấy đúng, đúng cả cho những con vật mà tôi vẽ. Chúng cần bước ra sân khấu, dưới những ánh đèn để mọi người biết đến nhiều hơn.

Tôi quan niệm nếu là hoạ sĩ thì việc của mình là miệt mài vẽ. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của bà xã, bạn Mai Thuỵ truyền thông cùng một số cộng sự thì tôi không thể có triển lãm lần này.

Nửa năm qua, tôi dành đến 90% thời gian để vẽ cũng vì không gian triển lãm lần này khá lớn. Số tranh mà tôi tích luỹ qua nhiều năm không đủ để bao quát. Tôi tập trung vẽ thêm từ cuối 2014 đến nay với cường độ rất cao, vẽ xuyên ngày, xuyên đêm. Tôi có nói vui rằng minh đang sản xuất, chứ không phải sáng tạo. Lần này, tôi trưng bày tổng cộng hơn 160 bức, tác phẩm mới chiếm khoảng 1/3.

Đến với bảo tồn không chỉ cần tình yêu, việc bổ sung kiến thức là cực kỳ quan trọng. Anh bồi đắp thế nào để “chiếc túi” hiểu biết không rỗng?

Trong 16 năm ở Pháp, tôi đã say mê khám phá thiên nhiên, thường cầm ống nhòm đi xem các loài chim, biết cơ bản về thiên nhiên Âu châu. Về Việt Nam năm 1996, tôi không biết cây nào là cây xoài, cây nhãn. Giờ bạn thấy tôi chú thích tên các loài động vật, thực vật kỹ như vậy, là bạn biết đó là nỗ lực của tôi lớn thế nào (cười).

Giới khoa học khi nghiên cứu, họ tập trung về 1 nhóm nhất định như nhóm chuyên nghiên cứu hoa lan, nhóm chuyên về dơi, linh trưởng, nấm... Họ chỉ tập trung lĩnh vực của mình và thường không chuyên sâu các nhóm còn lại. Còn tôi nghiên cứu chung nên cần dành thời gian tìm hiểu rất nhiều.

Tôi đi theo các chuyên gia, đi những chuyến thực địa. Họ bắt được con gì, tôi hỏi tên ngay, lật qua lại quan sát thật kỹ, ghi vào cuốn sổ những điểm đặc biệt. Mọi thứ xuất phát đơn thuần từ sự tò mò, hoàn toàn không cố ý phải học, phải ghi chép. Theo thời gian, quá trình nghiên cứu bồi đắp kiến thức.

 

Đã đi rất nhiều chuyến thực địa, liệu anh có còn cảm giác vỡ oà trước thiên nhiên kỳ thú như những ngày đầu tiên, những chuyến đầu tiên?

Công việc của tôi là những chuyến đi nối nhau nhưng luôn có điều mới để học hỏi, những loài mới để mình ngạc nhiên. Như lần đi đến khu bảo tồn giữa rừng Quốc gia Cúc Phương và rừng Ngổ Luông, trên đường đi xuyên qua dãy núi, nhóm của tôi phát hiện 1 con nhện treo lơ lửng trên lá khô, chân co lại, bụng màu xanh trông như một nụ lá. Đến khi nó phát hiện bị quấy rầy, thò chân ra thì cả nhóm mới biết đó là con nhện, thuộc nhóm đặc biệt.

Hoặc có lần, tôi đi Tà Đùng gặp loài ốc sên nhỏ. Cứ tưởng ốc sên chỉ bò, đặc tính chậm chạp nên khi thấy con ốc sên đó nhảy, tôi rất ngạc nhiên, vỡ oà trước thiên nhiên Việt Nam. Nói thật, tôi hãnh diện với hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam, gần như không nước nào có. Dưới những cánh rừng già, những rừng nhiệt đới hay hệ sinh thái ở những quần đảo xa xôi vô cùng thú vị. Tôi ước mọi người cũng có thể vỡ ra như tôi đã vỡ. Dù không đặt kỳ vọng lớn nhưng mong mọi người xem triển lãm có nhận thức nào đó về giá trị đa dạng sinh học.

Dạo quanh triển lãm, tôi thấy có nhiều chấm đỏ được dán, tức tranh đã được mua. Những chấm đỏ ấy ý nghĩa với anh thế nào?

Trong những hội thảo, sự kiện về công tác bảo tồn, tranh tôi bán rất chạy. Mọi người hỏi mua rất nhiều, thậm chí tranh nhau. Thường ở những triển lãm đó, tôi mang đến 14 – 15 tranh. Có một cô người Singapore là khách hàng quen, mua hầu hết tranh ở các triển lãm của tôi. Nhưng một lần nữa, với triển lãm này, tôi mong tiếp cận được công chúng rộng hơn, bên ngoài ngành. Nếu đạt được điều đó, tôi xem đây là động lực cho mình. Còn không, tôi vẫn chấp nhận thực tế, không đòi hỏi hơn.

Có nhiều bức anh vẽ trông rất thực, sinh động như một bức ảnh chụp. Anh có xem đây là lời khen?

Nếu ai nhận xét tranh tôi giống như ảnh chụp, thì đó là một sự miệt thị, không phải lời khen. Vì khi tôi đã cố gắng thể hiện ở mảng hội hoạ nhưng lại giống nhiếp ảnh thì đó là thất bại. Có một nhà phê bình vừa đến triển lãm và nói tranh của tôi thật quá. Điều đó hơi khiến tôi suy nghĩ, phải chăng mình cần thêm nét cọ?

Cách vẽ này được tôi giữ ngay từ những ngày vẽ minh hoạ khoa học, cần phải chính xác tuyệt đối. Như loài dơi phải thật chi tiết tới từng cọng lông. Còn lần này là triển lãm nghệ thuật, cho nên, nếu ai đó nói giống nghệ thuật nhiếp ảnh thì tôi phải xem lại mình.

Nghĩa là anh vẫn đang luyện tập mỗi ngày với hội hoạ?

Vẽ động vật hoang dã bây giờ không khó. Thời tôi không có internet, không có dụng cụ chụp ảnh thì việc lưu giữ hình ảnh hay tìm kiếm trên mạng mới khó. Còn ngày nay ngồi ở nhà cũng có thể nghiên cứu, nhìn và vẽ theo. Khó ở thời điểm bây giờ là thể hiện cảm xúc trên tranh. Tôi tìm cách vẽ làm sao để người xem thấy được trên tranh không khí, niềm vui sướng khi tôi nhìn thấy con vật đó bằng mắt.

Trong mỗi giai đoạn, qua mỗi bức tranh, tôi thường phát hiện ra một kỹ thuật, tư duy thể hiện mới. Tôi không sử dụng một cách vẽ cho tất cả mà khi vẽ từng loài vật, với mỗi bộ da, bộ lông khác nhau, tôi vẽ theo cách khác biệt. Đương nhiên, 10 năm với hội hoạ tưởng dài mà vẫn còn ngắn. Cứ vừa đi vừa học, tôi nghĩ học cả đời cũng không thừa.

 

Đâu là những thử thách lớn nhất khi anh quyết theo đuổi công việc bảo tồn và vẽ động vật hoang dã?

Thử thách lớn nhất là thời gian tôi dành cho gia đình. Vợ chồng tôi có 2 đứa con. 1 đứa sang năm lên lớp 8, 1 đứa sắp lên lớp 3. Nửa năm qua, khi tập trung vẽ cho triển lãm, tôi không có đủ thời gian cho con. Cái cảm giác tội lỗi là thử thách cao nhất. Tôi nghĩ tôi đã không công bằng với con. Những năm sau, khi con lớn, khoảng thời gian đã qua của con gần như không lấy lại được. Có thể tôi đã bỏ lỡ vào những lúc mà con cần mình. Điều đó không dễ dàng đối diện.

Thứ hai là thử thách cơm áo gạo tiền. Nhưng thử thách này không nhiều vì nhu cầu sống của vợ chồng tôi không cao, không mưu cầu mua nhà đất hay tiêu xài sang xịn. Tôi chạy chiếc Dream Thái 30 năm nay không có nhu cầu thay đổi. Chúng tôi không thiếu ăn, thiếu uống thì nghĩa là đầy đủ rồi. Cho nên, có áp lực cơm áo nhưng không nhiều.

Ngoài ra, chúng tôi có mở một trung tâm để dạy thêm cho trẻ về thiên nhiên. Ban đầu tôi tham gia rất nhiều khâu nhưng sau này không có thời gian, vợ phụ trách chính. Tôi khá tiếc vì nếu thân mình “chia 5 xẻ 7” được thì tôi muốn đồng hành sát sao, chuyên chú làm về giáo dục.

Còn về sự an toàn cho mỗi chuyến đi, anh không xem đó là thử thách sao?

Tôi không gọi đó là thử thách, mà là sự trả giá. Bạn biết đó, rừng nhiệt đới không chào đón con người. Ở rừng có muỗi, vắt và bao nhiêu loài động thực vật không thân thiện với con người. Chúng như những tín hiệu xua đuổi loài người, nhưng chúng ta vẫn cứ cố tình đi vào thì sẽ phải trả giá.

Có chuyến đi xem vượn ở thôn Trùng Khánh trong thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng. Tôi đi với nhóm của Tổ chức Động thực vật thế giới (FFI), phải đi trên núi đá vôi. Thời điểm này chân tôi bị thương phải chống gậy đi giữa 1 bên núi, bên là vực. Tôi chống gậy sai 1 vị trí và rơi xuống vực sâu 3,4 mét. Không một tiếng la hay kêu cứu từ tôi vì may thay, tôi không bị sao cả. Lồm cồm bò lên, tôi tiếp tục đi hành trình với dáng đi cà nhắc. 4 tiếng sau tôi vào đến láng trại nhưng càng vào sâu càng hiểm trở. Tôi phải lếch bằng mông vì chân vừa đau, đường vừa trơn trợt, nếu để gãy chân thì chắc sẽ rất kinh khủng. Cuối cùng cũng vào đến nơi và thấy được con vượn. Tôi sướng như tiên, quên hết mình đã trải qua chuyện gì.

Tôi cũng rất thích nghiên cứu nhóm bò sát, thường đi cùng các chuyên gia vào rừng và rất nhiều lần bị rắn cắn. Như loài rắn Kukri – Kukri là tên 1 loại dao của Malaysia rất bén. Rắn này thuộc chi rắn khiếm, không độc nhưng răng bén hơn những loại khác. Tôi bị rắn Kukri cắn, máu chảy lênh láng. Mình bắt chúng, cầm trên tay xem thì phải trả giá. Nhưng đương nhiên, tôi không liều với rắn độc. Tôi nhìn vào biết được loài nào độc hay không độc trước khi cầm.

Anh có thường kể về những chuyến đi của mình cho 2 con?

2 bé còn nhỏ, vẫn chưa biết gì nhiều nên tôi không thường kể. Nhưng có vẻ con gái của tôi không sợ rắn. Tôi có nuôi 2 con rắn ở nhà. Từ nhỏ, con gái thường chơi với rắn. Lâu lâu rắn xổng chuồng bò vô nhà tắm thì tôi bắt ra, nhốt lại. Hồi con gái 5 tuổi, con xin được ngủ với rắn vì thấy rắn dễ thương. Tôi cứ để các con lớn lên tự nhiên với tình yêu thiên nhiên như vậy.

Nếu các bé yêu thiên nhiên, tôi có thể hiểu là tình yêu ấy được truyền một phần từ anh. Vậy còn anh, tình yêu thiên nhiên của anh được bồi đắp thế nào?

Tôi nghĩ một phần là do phản xạ tự nhiên. Tôi sinh năm 1962, lớn lên khi Sài Gòn vẫn còn nhiều khoảng trống cho thiên nhiên. Đi ra đầu ngõ thấy bụi tre, cây đa, lâu lâu thấy bọ cạp, rắn rết vào nhà. Tôi bắt chuồn chuồn, bắt bướm quanh sân. Thời đó, xe đạp vẫn còn đa số, ít xe máy và chưa có xe hơi nên đường vắng. Trẻ con thời tôi sinh ra, không cần phải giáo dục thì chúng cũng luôn tò mò với thế giới xung quanh. Và sự tò mò cứ thế lớn lên theo những đứa trẻ. Mẹ cũng gieo cho tôi tình yêu thiên nhiên khi bà thường dẫn tôi đi Thảo cầm viên xem động vật. Ngày nay thì khác, con người ít kết nối với thiên nhiên. Chúng ta phải tìm về, phải “gieo mình” vào thì mới thấy.  

Về người phụ nữ đồng hành cùng anh từ những ngày đầu, anh có điều gì muốn nói với chị?

Bà xã tôi từng làm trong một tổ chức phi chính phủ, liên quan đến các hoạt động xã hội, hỗ trợ người khuyết tật và các hoạt động giao thông. Khi gặp nhau, tôi kéo vợ tham gia hoạt động bảo tồn thiên nhiên để nhìn hình ảnh cây cối, con vật cho nhẹ nhàng hơn. Cô ấy rất thích. Và vì thích nên đồng ý để tôi thoả sức với hoạt động bảo tồn và hội hoạ.

Khi tôi có những chuyến đi xa, vợ vào tình thế bắt buộc một mình chăm sóc con. 5 năm mà tôi xin vợ bỏ công việc quảng cáo để theo đuổi hội hoạ là 5 năm có nhiều khó khăn. Con cái còn nhỏ, kinh tế không có nhưng cô ấy vẫn vượt qua. Đó là sự hi sinh lớn không chỉ cho con mà còn cho chồng.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Chia sẻ bài viết: