4 ngày sau, Băng hé hé mắt trong căn phòng hồi sức chỉ một màu trắng toát. Âm thanh duy nhất chị nghe được là những tiếng “bíp bíp” đều đặn, vô hồn. Băng cử động. Chị muốn giơ tay, nhưng 2 tay chị bị trói chặt vào giường. Chị nhấc chân, chân trái vẫn còn cảm giác mà chân phải nhẹ bẫng. Trong miền ý thức vẫn nửa hư nửa thực khi đó, giọng nói của bác sĩ vang lên như lời tuyên án: “Chân phải buộc phải cắt bỏ hoàn toàn. Hy vọng sống chỉ 5%…”. Thế nhưng, bác sĩ chưa nói hết câu, chị đã nghe giọng của cha mình, ông đanh gọn: “Nó sẽ không chết đâu”.

“Các bác sĩ không thể giữ chân phải cho em. Nhưng chỉ có 5% hy vọng sống mà em được như thế này đã là phép màu rồi”, người hộ lý khẽ khàng thông báo khi nhận ra chị đã tỉnh. Sau phút giây chết lặng, hình ảnh người cha khắc khổ cùng giọng nói kiên cường của ông lại dội về. “Mình có đủ 10 ngón tay. Mình có cha mẹ, có 2 đứa em. Mình mới tốt nghiệp bác sĩ nha khoa năm ngoái. Đầu óc mình vẫn hoàn toàn bình thường - thì chắc là mình sống được”, dòng suy nghĩ chạy ngang Băng lúc ấy. 

Tưởng đã thoát cơn thập tử là có thể kiên cường sống, nhưng chị lại đối mặt với những nguy hiểm tiếp theo: Chân trái bị hoại tử, bụng cũng vậy. Đáng sợ đến mức lần nào y tá thay băng, rửa vết thương cho chị cũng phải quay mặt đi mấy bận. Đau đớn cùng cực, nhưng trên giường bệnh, khi nghe các bản tin giao thông trên radio, hình ảnh những người bị nạn bỏ mạng trên đường lại hiện lên trong tâm trí chị. “Mình đã thoát chết, thì phải cố mà sống”, chị kiên quyết.

Mỗi lần nhắc đến, là một lần nụ cười của Băng nhuốm nước mắt. “Tôi tuyệt vọng lắm chứ. Nhưng tôi không muốn bị xem là gánh nặng của bất cứ ai, cũng không muốn ai thấy tôi khóc, thấy tình trạng thê thảm khi tôi tập đứng, tập ngồi. Tôi muốn một mình vượt qua sợ hãi mà đứng dậy. Một mình, để không phải đối mặt với sự thương hại của người khác” - Băng tâm sự.

Chị từ chối ngồi xe lăn, từ chối về Hòa An (Cao Bằng) với gia đình sau gần 1 tháng nằm viện, kiên quyết xin cha mẹ ở lại Hà Nội, thuê phòng trọ. Sau mấy ngày vợ người lái xe gây tai nạn đến chăm sóc, chị cũng từ chối cả sự có mặt này. Chị chỉ đồng ý để em gái từ Thái Nguyên xuống thăm vào cuối tuần. Cứ thế, Băng vịn thành giường bò dậy trong nước mắt. Cuối cùng, sau những cú ngã đau đến chết đi sống lại, nằm lịm trên sàn nhà, chân chị cũng đặt được xuống đất, dù chỉ khoảng 20 giây. Tay vẫn phải bấu lấy bờ tường làm điểm tựa, trong giàn giụa nước mắt, chị nhắn tin cho người tài xế gây tai nạn. Đó là lần duy nhất chị muốn người ta làm điều gì đó cho mình: nhờ anh mang cho chị đôi nạng gỗ.

Cứ thế, Băng miệt mài tập đứng, tập làm quen với nạng, tập di chuyển quanh phòng trọ, tập đi lên cầu thang… 2 tháng sau biến cố kinh hoàng, chị xin bác sĩ bỏ hậu môn nhân tạo. Điều đó đồng nghĩa với một lần nữa chị đối mặt với những rủi ro của ca phẫu thuật. Chị giấu gia đình, tự ký cam kết với bệnh viện. 

“Những ngày đầu tâm lý của tôi nặng nề lắm, lúc nào cũng thấy phía trước mịt mù. Rồi một lần nói chuyện với mẹ qua điện thoại, mẹ tôi vô tình nói: “Mẹ rất sợ, ra đường mà không dám ngẩng nhìn ai”. Nghe mẹ nói vậy, tôi đau lắm. Nhưng tôi biết, lòng mẹ còn đau hơn tôi gấp vạn lần. Nên tôi quyết tâm thay đổi, quyết tâm sống cả phần đời của mẹ, để mẹ có thể vì tôi mà ngẩng cao đầu”, Băng nghèn nghẹn kể khi được hỏi điều gì đã khiến chị như rút hết sinh lực, tâm can để bước qua những ngày đó.

Năm 2019, hình ảnh Bế Thị Băng 1 chân tự tin trên sân khấu Vẻ đẹp vầng trăng khuyết đã chinh phục cả hội trường. Những đặc trưng của vũ điệu Tây Ban Nha, Ấn Độ, Ba Tư được chị kết hợp đầy quyến rũ cùng nụ cười rạng rỡ, căng nhựa sống. Cuối năm 2022, Bế Thị Băng lại khiến sân khấu chương trình truyền hình thực tế Nhảy đi ngại chi thêm náo động, ngập tràn sắc màu và cảm xúc. Ban giám khảo và khán giả đi từ ngạc nhiên đến rưng rưng cảm phục. Hôm ấy, Băng nhảy trên giày cao gót, chị hòa mình vào vũ điệu rộn rã, vui tươi. Trước sự lo lắng và lời đề nghị nhảy chân trần của giám khảo, chị cười rạng rỡ: “Thú thực là nhờ chiếc giày cao gót này mà Băng lấy lại được sự tự tin. Băng muốn ở một góc nào đó, mình vẫn hoàn hảo nhất”.

Khó có thể diễn tả 6 năm để có một Bế Thị Băng của hiện tại, là như thế nào. Hành trình để chân chị đặt được xuống sàn nhà sau tai nạn đau đớn bao nhiêu, thì quá trình để chị bước ra ngoài cánh cửa, đối diện với định kiến của người khác cũng khốc lạnh bấy nhiêu. Ngày đó, khi làm chủ được đôi nạng gỗ, chị mặc cho mình chiếc đầm dài. Ngắm mình trong gương, nét mặt vẫn sáng bừng, vóc người vẫn duyên dáng, nhưng... Cái ngày “tái hòa nhập cộng đồng” ấy, sự ám ảnh có lẽ chỉ thua ngày chị bị tai nạn kinh hoàng. Đứng ở nhà chờ xe buýt, đã hít căng lồng ngực, nhưng rồi vẫn thấy nhói đau khi nghe có tiếng xì xào: “Nhìn xinh gái thế kia mà cụt chân. Tiếc thật!”.

Chữ “tiếc” đó kéo dài từ đêm này qua đêm khác, sắc như cật nứa, nhọn như gai cào vào vết thương vừa mới chớm ngủ yên. Chị quyết định xin đi làm trở lại để không còn thời gian cho những ý nghĩ tiêu cực. Thế nhưng phòng khám nào cũng từ chối, không ai tin người mất 1 chân có thể làm tốt được công việc của một bác sĩ nha khoa. Băng về Hòa An, như con thú trọng thương tìm về hang ổ để liếm láp, tự chữa lành vết thương.

Một buổi sáng mùa xuân. Băng đang ngủ vùi trên gác thì mẹ chị nhẹ nhàng đẩy cửa sổ, những tia nắng mơ màng ùa vào gian phòng nhỏ. Băng giật mình nhận ra đã lâu lắm rồi mình không đón bình minh. Chị chống nạng đi ra ban công, tựa vào lan can và nhìn bóng mình trong nắng sớm. Hình ảnh cô bé Bế Thị Băng trong chiếc gương ở lớp học múa năm nào ùa về. Cô gái nhỏ mặc đầm trắng xòe, kiễng chân tập đứng trên 10 đầu ngón chân, cánh tay non mềm mại giơ cao. Như vô thức, chị giơ tay cùng cô bé trong ký ức, chợt thốt lên: “Cái bóng duyên dáng quá”. Và chị bắt đầu luyện đứng bằng 1 chân, để học múa. Từ vài phút lên vài chục phút. Khi đứng được lâu, chị mở các video nhảy múa trên mạng và học cách giữ thăng bằng, học cách lắc hông, nhảy, xoay người. Mỗi động tác thành thục là vô số lần rơi ngã.

Những video chị chia sẻ lên mạng được rất nhiều người chia sẻ, động viên; đặc biệt là lời cảm ơn xúc động của một số người khuyết tật - chị đã truyền cảm hứng để họ vượt qua mặc cảm mà đứng dậy. Bế Thị Băng hiện là đại sứ của Mottainai - quỹ học bổng ủng hộ trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông. Chị làm mẫu ảnh, làm video nhảy múa đăng lên YouTube để truyền cảm hứng cho người khuyết tật. Không dừng lại ở đó, chị còn đặt ra cho mình những kỹ năng cần chinh phục, những giới hạn cần vượt qua. Chị học cưỡi ngựa, bắn cung, tham gia khóa huấn luyện gắt gao như dành cho lính đặc nhiệm… 

Hôm nay, chị đứng trên sân khấu, đắm mình trong vũ điệu tự biên. Có khi ngày mai chị đã cuốc đất, trồng cây ở Hòa An. 10 năm, chị vẫn một mình tự lập ở Hà Nội. Vừa cùng bạn mở phòng khám nha khoa, vừa làm dịch vụ lưu trú nhà dân (homestay), lại vừa bán hàng qua mạng xã hội, chị mỉm cười: “10 năm của một hành trình mới, một con người mới. Tôi cảm ơn cả sự nghiệt ngã của số phận, vì những khổ đau ấy đã là động lực để tôi sống trọn vẹn đến từng phút giây”.

Bài: Minh Tuệ

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: