Vào đến Sài Gòn, bố tôi khi ấy là phóng viên của báo Người Giáo viên Nhân dân, được cấp một căn hộ trên đường Điện Biên Phủ, nhưng bố mẹ từ chối vì bà nội tôi đã quen sống bao năm ở căn nhà nhỏ cùng với họ hàng bên ngoại và không chịu chuyển đi đâu cả.

Căn nhà đó nằm trên đường Mai Ngọc Khuê, quận Tân Bình - con hẻm nhỏ nối giữa chợ Lăng Cha Cả và chợ Phạm Văn Hai bây giờ - đã là nơi chứa cả tuổi thơ tôi suốt hơn hai mươi năm. Khi lên mười tuổi, nghe câu chuyện bố mẹ kể, tôi hiểu với bà nội tôi, nơi nào có con cái, nơi ấy là quê hương. Tôi cũng hiểu nơi nào có mẹ, nơi ấy bố tôi chọn làm nhà. Dù là nhà ở trung tâm, mặt tiền cao giá, thì cũng chỉ là thứ vật chất lạnh lẽo, làm sao có thể trở thành tổ ấm nếu không có mẹ, có gia đình. 

Ngày thơ bé ấy, một trong những cuốn truyện tôi đọc đi đọc lại là cuốn Vô gia đình (Sans Famille) của Hector Malot. Câu chuyện một cậu bé bị bỏ rơi rồi sau đó phải lang thang phiêu bạt với một gánh diễn trò rong qua các vùng đất của Anh, Pháp. Tôi khi ấy thường ra ban-công nho nhỏ ngồi đọc truyện. Ban-công nhỏ xíu ấy với tôi là “nhà” trong nhà, là cái tổ nhỏ nơi thế giới rộng lớn mở ra qua những trang sách màu vàng, cho tôi phiêu bạt cùng các nhân vật trong truyện. Tôi nâng niu cuốn truyện thời ấu thơ tới tận bây giờ.

Cuốn truyện Vô gia đình và cái góc phòng thời ấu thơ (ảnh trên) ấy là một phần hồn làm nên ngôi nhà rộng lớn và ấm áp nhất với tác giả - nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly.

Cuốn truyện Vô gia đình và cái góc phòng thời ấu thơ (ảnh trên) ấy là một phần hồn làm nên ngôi nhà rộng lớn và ấm áp nhất với tác giả - nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly.

Cuốn truyện Vô gia đình và cái góc phòng thời ấu thơ (ảnh trên) ấy là một phần hồn làm nên ngôi nhà rộng lớn và ấm áp nhất với tác giả - nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly.

Qua bao lần chuyển nhà, những trang sách ố vàng vẫn ráng lành lặn nhất có thể, nằm một góc trên giá sách của tôi. Vô gia đình đã cho tôi hiểu về tình người quan trọng ra sao, ngay cả khi ta không có nhà cố định, không có cha mẹ, thì tấm lòng của những người tử tế ta gặp trên hành trình cuộc đời, sẽ trở thành mái ấm cho ta trú ngụ. 

Thuở thơ ấu của con gái tôi có phần may mắn hơn tôi. Vì con được trải nghiệm, chu du qua một xứ sở khác, được tận mắt chứng kiến cảnh “vô gia đình” của những người mà con gặp trên đường, khi mới 6 tuổi. Đó là năm 2011, khi hai mẹ con tôi qua Chicago - thành phố gió gần như buốt giá quanh năm của xứ cờ hoa - sống và học tập. Mỗi ngày, trên đường đi học về trên phố Broadway, ngang qua những người vô gia cư quấn chăn nằm ngủ co ro bên vỉa hè lạnh giá, thì dường như ý thức về “nhà” trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong tâm thức của một đứa bé.

Khi con gái hỏi: “Mẹ ơi, mình sao đi mãi mà chưa về nhà, con lạnh quá không chịu nổi nữa!”, tôi luôn nắm chặt tay con: “Mình sắp về nhà rồi, mình thật may mắn phải không con, mình còn có nhà để trú lạnh. Cố lên con nhé. Những người này không có nhà để vào trú rét, thương ha con”. Sự vô gia cư của một người lớn có thể là niềm khích lệ cho một đứa bé 6 tuổi tê cóng có thêm năng lượng, sức mạnh để đi bộ hết quãng đường về nhà trong giá rét. Hình ảnh tương phản về “nhà” và “vô gia cư” giúp đứa trẻ thấu thị về sự trắc ẩn, về tấm lòng.

Sau đó, khi trở về Việt Nam ấm áp, trong bức thư gửi ông già Tuyết xin quà trong dịp Giáng sinh, tôi thật bất ngờ khi con gái 10 tuổi của tôi không xin quà gì cho mình nữa mà chỉ xin hai điều: thứ nhất, xin ông già Tuyết cho những người vô gia cư ở Chicago mùa đông có áo ấm mặc, có nhà ở; thứ hai, con xin cho trẻ em ở Syria có thức ăn. 

Ở phương Tây, khi đến nhà một người bạn quý, thông thường chủ nhà sẽ nói: “Please come in and make yourself at home”, nghĩa là xin mời bạn vào và hãy cảm thấy thoải mái tự nhiên như bạn đang ở nhà mình vậy. Con người ta sẽ cảm thấy được về nhà khi đi đến đâu, mình được đón chào. Tôi vui khi cảm thấy trái tim con mình là căn nhà bé nhỏ ấm áp chứa những mong ước, đón chào những cảnh ngộ kém may mắn hơn mình, trên khắp thế giới. 

Trong hành trình sống, sẽ có ít nhất đôi lần chúng ta hoang mang, tự hỏi: “Mình đang ở đâu? Vì sao mình lại ở chốn này?”. Tháng 11 vừa qua, tại triển lãm Nghệ thuật đương đại châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ba năm một lần, chủ đề này cũng được đem ra thảo luận với tiêu đề giản dị Ý niệm về nhà. Khi được hỏi bạn định nghĩa thế nào về home - nhà, nghệ sĩ người Campuchia, Lyno Vuth đã đáp: “Nơi nào tôi cảm thấy hữu ích, nơi ấy là nhà của tôi”.

Từ quan điểm phụ thuộc vào việc được đối xử tốt để cảm thấy đây là nhà mình, Lyno Vuth đã chuyển hẳn sang một thái độ sống chủ động, lạc quan, không phụ thuộc, vướng mắc. Tôi rất tâm đắc với cách nghĩ này của anh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng thường giảng về hiện pháp lạc trú, tức là bản thân mỗi người chính là ngôi nhà trú ẩn hạnh phúc của mình nếu biết sống trong chánh niệm, ngay bây giờ và ở đây. 

Tôi thường nghĩ: loài người luôn dập dềnh lênh đênh, không có căn nhà thực thể nào có thể chứa được niềm hạnh phúc an ổn của con người lâu bền, ngoài trái tim bình an rộng mở. Nhà hiện diện khi mình luôn có chánh niệm trong từng phút giây của cõi biến chuyển vô thường này. 

Tôi làm một tác phẩm nghệ thuật công cộng tên Thuyền nhà thuyền, với ý niệm hình ngôi nhà khi lật ngược cũng là hình chiếc thuyền. Mái nhà trở thành thân thuyền. Nhà ở giữa, thuyền ở hai đầu, luôn mở ra những hướng đi vượt mọi biên giới. Giữa biển khơi, dưới bão giông, con thuyền chở ta đi dù có tả tơi đến mấy, cũng là căn nhà duy nhất mà ta có thể bám víu. Nhưng ngay trong căn nhà thực thể của mình trên đất liền, thì không ai là không từng trải qua những cơn bão chao đảo bấp bênh trong tinh thần, như đang trên con thuyền giữa biển khơi dậy sóng.

Với tác phẩm nghệ thuật công cộng này, khán giả sẽ bước vào một không gian điêu khắc lớn, có hình vừa là nhà vừa là thuyền, có thể chứa các sinh hoạt cộng đồng; nơi mọi người có thể ngồi, nằm, đọc sách, uống nước, nhảy múa, ca hát, chơi nhạc, trải câu chuyện của mình trong im lặng, hoặc qua những hoạt động thường ngày, hay qua các tác phẩm nghệ thuật diễn ra trong lòng Thuyền nhà thuyền.

Thuyền nhà thuyền - một tác phẩm điêu khắc của Ly Hoàng Ly

Thuyền nhà thuyền - một tác phẩm điêu khắc của Ly Hoàng Ly

Thuyền nhà thuyền - một tác phẩm điêu khắc của Ly Hoàng Ly

Hình thức thuần khiết nhất của nhà chính là sự tận hiến. Tôi thường thủ thỉ với con gái: trái tim và tấm lòng là ngôi nhà rộng lớn và ấm áp nhất con ạ. Mọi người thường tìm kiếm yêu thương từ người khác, từ ngoại cảnh, nhưng nếu ta luôn yêu thương mọi người, sống một cuộc sống cống hiến, có ý nghĩa, luôn biết lui mình vì nghĩa lớn, hoặc tuy sợ hãi bội phần nhưng vẫn dấn mình vì nghĩa lớn, biết nghĩ cho mọi người chứ không chỉ chăm chăm cho bản thân, biết cho đi mà không đòi hỏi, thì khi ấy trái tim chính là ngôi nhà lớn bất diệt của mình, để dù mình có lưu lạc đến đâu, dù biến cố nào xảy ra, mình vẫn thấy “nhà - home” ấm áp trong lòng, thấy mình đứng - nằm bình an thanh thản trên mặt đất, trên cao là bầu trời xanh biếc. 

Dù đang ở bất cứ chốn nào trong cuộc sống này, tôi biết rõ mình là ngôi nhà vĩnh cửu của con gái và con mãi mãi là tổ ấm của tôi. 

Ly Hoàng Ly
Chia sẻ bài viết:
BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM