7g sáng 13/9, anh công an giao thông đang làm nhiệm vụ ở một ngã ba đường. Nhìn thấy một người mẹ chạy xe máy chở cô con gái trong đồng phục học sinh lóng ngóng xin qua đường, anh yêu cầu dừng lại. Người mẹ chìa ra một giấy mời, nói bị lạc đường, muốn đến địa chỉ ghi trong đây nhưng không biết ở đâu. Mở giấy mời ra xem, anh vui vẻ: “À, chương trình trao học bổng của Báo Phụ Nữ TPHCM” rồi tận tình hướng dẫn hai mẹ con đến báo.

Bà Thoa nấu ăn cho một gia đình. Con đường xa nhất, thân thuộc nhất với bà chính là khoảng cách từ nhà đến chợ rồi từ chợ đến thẳng nhà chủ. Bà không dám nghỉ ngày nào, bởi ngày nào, người ta cũng phải ăn nhưng trên hết, ý thức tận tâm công việc của bà bắt đầu từ nỗi sợ: không tiền lo cho các con ăn học, kể từ ngày chồng mất cách đây 10 năm. Căn nhà ẩm dột bên mép sông của bà nhiều đêm bị nước triều tràn vào khi mấy mẹ con đang ngon giấc trên nền nhà.

Sự nhọc nhằn của mẹ đã sớm tạo ý thức cho hai chị em Đặng Kim Ngọc và Đặng Kim Hằng. Ngọc hiện học lớp Chín, là gương mặt rất thương quen của chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó”, với sáu lần liên tiếp được báo trao học bổng cho thành tích học tập nổi bật.

Nhà cách tòa soạn Báo Phụ Nữ TPHCM chưa đầy 2km, thuộc phường 12, quận 10, nhưng từ hôm qua, bà Hương - bà ngoại của Trương Phạm Gia Hân (nữ sinh lớp Bảy) cũng hỏi tôi về lộ trình đến báo.

Buổi chiều trước ngày trao học bổng tại báo, tôi đến thăm bà Hương khi hay tin căn bệnh của chồng bà trở nặng. Hân ngồi đó, khóc trong suốt cuộc trò chuyện giữa tôi với bà ngoại em, hỏi gì cũng im lặng. Mãi sau, cô bé mạnh dạn: “Con rất nhớ mẹ. Con buồn vì hoàn cảnh gia đình. Con nghĩ phải học giỏi để đỡ đần bà ngoại, không để mẹ phải vất vả bên ngoài”.

Hơn 300 nữ sinh nhận học bổng của đợt 1 chương trình học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần thứ 30 này là chừng ấy hoàn cảnh khó khăn riêng, với những nỗi niềm riêng, cũng là chừng ấy học sinh chung nhau một khao khát: “Học thật giỏi, sau này đi làm phụ giúp cho gia đình”. Cái trách nhiệm tự đặt như một người lớn này, theo bà Lê Huyền Ái Mỹ - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM - thể hiện được sự “thành nhân” của các em, khi thành công đưa đến. 

Hội trường của tòa soạn khá nhỏ, không có chỗ cho phụ huynh tham dự. Qua đó, báo không giấu giếm một “nỗi niềm” rằng, trong tình hình khó khăn, nhiều năm qua, tòa soạn phải thu xếp lại không gian làm việc. Căn phòng của người đứng đầu tòa soạn chỉ hơn mười mét vuông. Nhưng, như bà Ái Mỹ khẳng định: “Chúng tôi xác định rằng, chỗ ngồi hay diện tích chỗ ngồi không quan trọng mà là tư thế ngồi như thế nào, điều gì chúng ta làm được trong không gian nhỏ đó”.

Cũng trong không gian tự thu xếp đó, xuyên suốt trong hành trình tồn tại của mình, Báo Phụ Nữ TPHCM đã nói lên tiếng nói của sự trung thực, bảo vệ lẽ phải, sự thật, mang đến những thông tin mà bạn đọc đáng được đón nhận. Đó là thông điệp mà bà Ái Mỹ gửi gắm đến các em, đặc biệt các nữ sinh đang chuẩn bị bước chân vào đại học, với những giấc mơ đã tượng hình, rõ nét.

Chuyện của Bảo Phi một lần nữa minh chứng cho điều này. Được ẵm lên giữa khán phòng, Bảo Phi gửi lời cảm ơn đến báo đã cho em cơ hội được xuất hiện, kết nối thêm bạn bè, tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp.

Lo sợ cho cảm xúc của con, bậc phụ huynh đã bảo vệ em trong ngần ấy thời gian, tránh những chới với, suy nghĩ tiêu cực nếu nhiều người biết về tình cảnh của mình. Chúng tôi thuyết phục cha mẹ của Bảo Phi, rằng đó là tấm gương của sự hiếu học, vượt khó, truyền tải sự tích cực cho xã hội và sau nhiều đắn đo, họ đồng ý. 

Ông Toàn - cha của Bảo Phi - chia sẻ, khi bài viết được đăng, gia đình ông đã đón rất nhiều người đến thăm. Họ động viên, chia sẻ và chúc mừng một đóa hướng dương vươn lên đón ánh sáng mặt trời. “Có cả người lạ rồi những người lớn tuổi hơn tôi rất nhiều nhưng từng học dưới mái trường của tôi ngày xưa, cũng nhân danh cựu học sinh đến thăm” - ông Toàn hân hoan.

Nhiều người ngỏ ý giúp đỡ, ông không nhận bởi cho rằng có nhiều người cần giúp hơn. Hay tin diễn viên Kim Khánh đọc bài viết, đề nghị trao cho Bảo Phi suất học bổng trọn gói 15 triệu đồng cho 3 năm học ở Trường trung học phổ thông Năng khiếu TPHCM, ông đắn đo rồi nhận.  Ông thổ lộ: “Với chúng tôi, học bổng như một điều gì đẹp đẽ, tích cực, sẽ là kỷ niệm cho Bảo Phi sau này”. 

“Dịch bệnh đặc biệt ảnh hưởng đến ngành bất động sản, nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova hay các thương hiệu khác vẫn dành một khoản hỗ trợ để gửi đến nữ sinh. Ngoài tình cảm mà các doanh nghiệp dành riêng cho chương trình học bổng, chúng tôi cảm nhận được sự san sẻ mà các anh chị dành cho cả tờ báo” - tri ân đến các nhà tài trợ, bà Ái Mỹ trải lòng.

Bà Ái Mỹ chia sẻ thêm sự khó khăn của báo, ở phương diện phải đối diện với nhiều sức ép, nhưng những loạt bài lên tiếng bảo vệ môi trường, thể hiện sự công chính vẫn là con đường mà báo chọn tiếp tục, bất luận phải trả giá.

Theo bà Ái Mỹ, có “ngược dòng” như thế mới chính là sự tử tế với nghề, với bạn đọc, cũng là lòng kiên định vào “công lý của riêng mình”. Bà dẫn chứng bằng một câu chuyện riêng. Năm học lớp Chín tại Huế, bà cùng một người bạn được chọn vào đội tuyển văn của Trường chuyên Nguyễn Du. Không giống những nhân tố giỏi văn khác ở trường, bà và người bạn đã nói không với việc đi học thêm môn văn. “Văn là cảm thụ, quan sát, tâm hồn mỗi người. Tôi nghĩ rằng, mình không cần phải sao chép tâm hồn của ai cả” - bà nói. 

Cùng được xếp vào đội dự bị thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh, nhưng ngày đi thi, xe chỉ đưa đón các thí sinh chính thức. “Ba phải chở tôi đến điểm thi trong một ngày mưa. Tôi ngồi sau lưng ba, khóc vì cảm nhận sự tủi thân lẫn bất công. Kết quả, cuộc thi đó, cả hai chúng tôi, người đoạt giải nhất, người đoạt giải nhì và vào đội tuyển dự thi quốc gia” - bà Mỹ kể và khẳng định với các nữ sinh rằng, khó khăn chỉ như một phép thử để công lý của riêng mình - tức sự tin tưởng vào chính mình - được lên tiếng.

Hôm tôi đến thăm, Vũ Mai An - quận Tân Bình, sắp sửa thành sinh viên - đang xếp cất những cuốn tập năm học vừa qua, cạnh đó là 11 thùng giấy đã phong kín. An chia sẻ: “Năm nào, em cũng xếp cất sách vở để sau này giấc mơ có thành sự thật, em còn dùng làm tư liệu, đối chiếu để giảng dạy”.

Giấc mơ trở thành giáo viên đã có trong An từ khi còn là cô nữ sinh lớp Năm. Khi ấy, rảnh giờ nào là An chạy khắp xóm, rủ rê những đứa trẻ nhỏ hơn mình sang nhà, bắt làm học trò cho An được giảng dạy. Cái lớp học “như chơi” đó duy trì đến bây giờ. An chia sẻ, cũng được lợi khi năm nào cũng là học sinh giỏi nhất lớp. 

Trừ năm lớp Một chưa có thành tích để được nhận học bổng, An liên tiếp 11 lần nhận học bổng của Báo Phụ Nữ TPHCM. Gia đình em vẫn nhiều năm “kiên trì” với danh hiệu hộ nghèo có mã số. Lắm lúc, An tưởng không theo nổi đường học. Nhà An hầu như trống hoác tài sản, đến nỗi chiếc bàn thờ của cha em cũng được cho. Thu nhập từ nghề lau dọn thuê của mẹ không đủ sống. Mới đây, bà gặp tai nạn gãy tay, càng khiến giấc mơ giảng đường của An thêm phập phù. “Em sợ nếu đậu đại học mà không có tiền đi học” - An nói.

An tiếp: “Thế rồi em hay tin mình được báo trao học bổng lần nữa. Năm nào cũng vậy, hễ em mang những lo lắng không tiền đi học thì báo lại đến”. An tâm sự, học bổng đã cho em một cơ hội được “bước ra xã hội”. Rành rọt kể lại những câu chuyện nghị lực của các nữ sinh hiếu học, vượt khó được nghe, An quả quyết, sẽ có một ngày em quay lại với báo để góp sức cho học bổng, tiếp nghị lực và mang sắc màu đẹp đẽ đến với các em thế hệ sau mình.

Tinh thần của An cũng chính là một trong những tinh thần cốt lõi mà bà Ái Mỹ trao truyền tại chương trình trao học bổng hôm qua. Bà nhắc về nỗi nhớ, tin tưởng, hy vọng và đầy tự hào về một Phương Ngân mang trong mình mầm bệnh HIV. Ngân cũng là gương mặt nhận học bổng nhiều năm liền của báo.

Mơ trở thành nhà thiết kế nhưng lo ngại điều kiện kinh tế, Ngân dường như đã chạm đến một nửa sự thành công khi ngay năm đầu học đại học, thông qua báo, em được nhà thiết kế Quỳnh Paris tài trợ gói học bổng toàn phần. Hay như chuyện một nữ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa, được các sư cưu mang để một ngày, được báo chọn trao học bổng cho thành tích học tập xuất sắc, em mong ước vào môi trường quân đội để trở thành người phụ nữ mạnh mẽ bảo vệ trẻ em, bảo vệ đất nước… 

Bà Ái Mỹ minh chứng bằng câu chuyện về nhà báo Thu Trang của Báo Phụ Nữ TPHCM với hàng loạt phóng sự điều tra tạo nên thương hiệu và diện mạo rất riêng của báo. Ở góc khác cuộc sống, Thu Trang đã âm thầm cùng với những người bạn của mình kêu gọi, đóng góp hằng năm để xây dựng những mái ấm, trường học trên vùng cao. Chị bao lần ngược lên các tỉnh miền núi phía Bắc, “nhặt” những đứa trẻ là con em có bố mẹ nghiện ma túy, ăn lá ngón tự tử và vứt bừa con mình. Sau đó, chị đưa những đứa trẻ về các mái ấm nuôi dạy, tiếp tục tìm học bổng cho các em. 

Bài: Tuyết Dân

Ảnh: Phùng Huy

Thiết kế: Hoàng Triết

 

Chia sẻ bài viết: