Câu nói đó gần như là “đồng dao” của nhiều đứa trẻ Sài Gòn trong các lớp tiếng Anh vào giai đoạn thành phố của mình trở về với nhịp điệu thị trường. Thật sự lúc đó, món nem bên hông chợ Thủ Đức chỉ còn “ngon nhức nhối” trong hoài tưởng của các bậc phụ huynh. Và dù luôn miệng “Mai nem Thủ Đức”, nhưng rất ít đứa nhỏ thị thành thập niên 1980 được một lần thưởng thức cái món đặc sản này.

Cùng món ngon, cái tên Thủ Đức còn được người lớn nhắc đến vì có làng đại học, làng báo chí… Những cái tên đầy kỷ niệm bắt đầu bằng đơn vị tụ cư cổ truyền “làng” trong đô thị, đi kèm với những ý niệm chỉ có trong thế giới văn minh “đại học”, “báo chí”. Đó cũng chính là những mô hình tích hợp viện-trường-dân cư đầu tiên được quy hoạch tương đối bài bản cho tầm nhìn vùng đô thị (metropolitan) của cả nước.

Sau gần nửa thế kỷ, những dự phóng của tiền nhân cho Sài Gòn và vùng phụ cận đang từng bước được kế thừa. Cuối năm 2020, báo đài liên tục thông tin về việc “thành lập thành phố Thủ Đức”. Thông tin này vừa lạ, vừa quen. Trước hết, việc Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 cho TP.HCM tổ chức “một thành phố trong thành phố” là mô hình mới, thực hiện theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu theo dõi sát tiến trình thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm giúp TP.HCM tiếp tục bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, sẽ thấy việc thành lập thành phố Thủ Đức gần như là một cách khai triển đề án Chính quyền đô thị mà nhân dân thành phố đã kỳ vọng ngay từ thập niên đầu của thế kỷ XXI.

Vào tháng 8/2013, sau nhiều năm chuẩn bị, HĐND TP.HCM đã tổ chức phiên trình bày và lấy ý kiến cho đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM. Đề án được xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị đặc biệt, gồm hai cấp chính quyền TP.HCM và chính quyền cơ sở. Cấp chính quyền thành phố gồm 13 quận nội thành hiện hữu, là đô thị hoàn chỉnh, đóng vai trò trung tâm. Cấp chính quyền cơ sở gồm bốn đô thị vệ tinh được thành lập mới, tạm gọi thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc và ba thị trấn… Tôi còn nhớ nội dung quan trọng được dư luận hết sức quan tâm lúc bấy giờ không gì khác hơn là việc tổ chức bốn thành phố trực thuộc TP.HCM. Đây là các đô thị được thành lập dựa trên điều kiện địa lý và tính chất của vùng đang đô thị hóa. Thông tin này được chia sẻ chóng mặt bởi các trang bất động sản cũng như thu hút giới đầu tư đất đai lớn, bé…

Theo ông Trần Du Lịch, do thẩm quyền khác nhau, nên trong lần trình Quốc hội này, lãnh đạo TP.HCM đã tách thành hai đề án khác nhau: đề án Chính quyền đô thị tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền và đề án tổ chức thành phố Thủ Đức. Mục tiêu lớn nhất trước đây cũng như bây giờ của việc tổ chức thành phố Thủ Đức là để thống nhất và quy hoạch một đô thị hiện đại nằm dọc sông Đồng Nai và sông Sài Gòn dựa vào tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, gồm ba quận hiện hữu là quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2. Đây là địa bàn trước năm 1997 mang tên huyện Thủ Đức, đang đô thị hóa nên cần tổ chức, xây dựng thành một thành phố hoàn chỉnh, hiện đại ở cửa ngõ phía đông.

Năm 2007, tham gia một khóa học làm phim tài liệu tại Philippines, tôi có cơ hội hít thở mô hình metropolitan (vùng đô thị), thường được thế giới gọi là Metro Manila gồm thủ đô Manila và 16 thành phố xung quanh. Cũng như Sài Gòn xưa có cổ thành Gia Định, Manila có Intramuros và khóa học của chúng tôi được tổ chức ở thành phố Quezon thuộc Metro Manila. Chiều cuối tuần được nghỉ, đón jeepnee từ đó vào khu trung tâm hay ngoặt qua thành phố “tài chính” Makati, nhóm Việt Nam luôn có cảm giác đang ngồi trên xe lô (xe đò “location”) từ Thủ Đức vô quận 1 rồi rẽ sang Thủ Thiêm hay Chợ Lớn. Không khác gì xe lô tung hoành khắp Sài Gòn và vùng phụ cận xưa, jeepnee của Manila không bán vé. Thấy xe nào trống cứ trèo lên, đủ khách là bác tài rồ máy phóng. Giống, giống hệt xứ mình khi đã được quy hoạch khoa học.

Đã bước vào thập niên thứ ba của thiên niên kỷ mới, nay có chút chạnh lòng khi nghe về thành phố Thủ Đức “trong” TP.HCM để thấp thoáng bóng dáng của một “Metro Saigon”. Thế nhưng, ngoài các phương tiện công cộng mà hiện Sài Gòn còn đang phải vật lộn để hoàn thiện, “Metro Manila” đã có đến ba, bốn hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai kết nối giao thông cho thủ đô và các thành phố “vệ tinh” từ hồi tôi qua bển.

Phút bùi ngùi cho thành phố quê hương sẽ chóng qua nếu hiểu rằng những cái thiếu hiện nay của TP.HCM sẽ mau chóng được giải quyết tận căn, khi chúng ta giữ được tinh thần cốt lõi của chính quyền đô thị. “Xin nhớ rằng thuộc tính căn bản của chính quyền đô thị là xây dựng sự tự chủ, nhất là vấn đề ngân sách, phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng. Tôi nghĩ sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương với thành phố, giữa thành phố với các đô thị trực thuộc… Tôi nói lại, chính quyền đô thị có nhiều nội dung, nhưng trong đó cốt lõi vẫn là phân cấp, phân quyền chứ không phải chỉ đi bàn mỗi chuyện có tổ chức HĐND ở cấp phường, quận hay không” - ông Trần Du Lịch nóng ruột.

Ở điểm này, có một vấn đề cần được tiếp tục minh định. Khả năng phân cấp, phân quyền càng sâu, càng phải tăng vai trò cá nhân, đồng thời, tăng cường cơ chế giám sát thực sự có hiệu quả của cơ quan dân cử. Trước mắt, để thành phố đầu tiên trực thuộc TP.HCM phát triển với đầy đủ kỳ vọng tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội địa phương, là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân, dự kiến đóng góp 30% GDP của TP.HCM và 7% GDP cả nước - thì dấu ấn của cá nhân “dám làm, dám chịu trách nhiệm” nên giống thời kháng chiến hay đổi mới? Ông Nguyễn Minh Trí - bí danh Mười Thắng (Lực lượng An ninh T4) - tán thành quan điểm này.

Nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo chiến lược A10 trầm tư: “Suy nghĩ về tương lai là điều khó, rất khó. Nếu chỉ vẽ ra như bức tranh thì đó là việc của nhà văn, thi sĩ, họa sĩ. Bày ra như bản thiết kế thì đó là việc của các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… Nhưng nếu dựa trên những thông số khoa học kỹ thuật, sẽ thấy một Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn hay miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long cũng như các mối quan hệ quốc tế còn gặp quá nhiều trở ngại. Chủ yếu là bởi chậm trễ không theo kịp tư duy cách mạng đầu thế kỷ XXI”.

Tôi đang thấy sự đau đáu về cơ hội thay đổi của một thành phố nơi những con người từ trong máu lửa đấu tranh như ông Mười Thắng, hay một chuyên gia hoạch định chính sách như tiến sĩ Trần Du Lịch. Tiền đề thứ nhất cho thành phố Thủ Đức có đề án Chính quyền đô thị TP.HCM. Tiền đề thứ hai tiếp nối khi tháng 6/2018, Chính phủ công bố chủ trương chuyển 26.000ha đất nông nghiệp của thành phố thành đất ở, phi nông nghiệp. Trong 5 năm sắp tới, để có thể chuyển đổi diện tích 260km2 đó thành vùng đô thị hiện đại, cần tới hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư. Trong kế hoạch của chính quyền thành phố, đã có những định hướng kêu gọi đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại, hệ sinh thái khởi nghiệp, tài chính… từ Nhật Bản, Hà Lan hay Israel. Bên cạnh đó, việc tổ chức các “ốc đảo văn minh” dựa trên dư địa và mật độ đô thị hóa nhằm tạo ra “vùng đô thị TP.HCM” với các thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc và lõi trung tâm cũng sẽ là tất yếu.

Theo ông Mười Thắng, Việt Nam giờ đây hẳn đã khác 25 năm trước. Hòn ngọc Viễn Đông qua bao nhiêu tai ương binh biến, xáo trộn kinh tế, xã hội, phải chăng chưa bao giờ có được cơ hội hóa ngọc thật sự như hôm nay. Chỉ cần con đường kế tiếp được minh bạch và trong sạch hóa toàn hệ thống. “Ý chí chính trị, phương cách chuyên chế, chiến tranh cùng các tác nhân khác trong 150 năm qua không nhấn chìm được nét xã hội truyền thống của Sài Gòn - TP.HCM” - ông nói. Lợi thế đó kèm với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các chính sách vĩ mô cởi mở, đang mang về cơ hội cho những cá nhân vì cộng đồng.

Trở lại với ký ức ấu thơ của thế hệ chúng tôi, mỗi khi xa Sài Gòn quay về lại, dù có thấm mệt bao nhiêu vì chuyến đi, đoàn lữ khách đều đếm từng nhịp, nhịp cửa ngõ. Đến Dầu Giây rồi! Đến xa lộ Biên Hòa rồi nha! - Ngã tư Thủ Đức! Cầu Sài Gòn! Trông qua cửa sổ xe đò, nơi có ánh bình minh bên kia sông với những kiến trúc cổ kính lấp xấp bên dưới những tòa nhà hiện đại, có nghĩa là về đến nhà. Từ nay, cảm giác đặc biệt ở cửa ngõ phía đông sẽ được thay thế bằng hò reo mới: “Tới thành phố Thủ Đức rồi nha”, nơi người Sài thành xuất phát và kết thúc hành trình bởi cặp động từ “đi” - “về” của họ. Và giờ đây, không chỉ dừng lại nơi ký ức, thành phố Thủ Đức mở ra lối đi mới về phía tương lai, và là biểu tượng của sự tự chủ. 

Bài: Quốc Ngọc

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: