Sự khao khát lãnh thổ của Bắc Kinh thể hiện rõ ràng trong lịch sử Biển Đông. Không lâu sau khi Nhật Bản bị đánh bại vào Thế chiến II, giới lãnh đạo Trung Quốc công bố bản đồ 9 đoạn vào năm 1947. Lúc ấy, dường như Trung Quốc đã nhìn thấy khoảng trống quyền lực trong vùng nước giàu có với kích thước xấp xỉ Ấn Độ và ấp ủ mưu đồ gom lấy tất cả.

Kể từ đó, Bắc Kinh sử dụng mọi cơ hội để mở rộng hoặc đánh dấu chủ quyền, bao gồm cả các trận chiến chống lại Việt Nam năm 1974 để chiếm Hoàng Sa, tiếp theo là cuộc tấn công vào đảo Gạc Ma.

Theo Andes Corr - nhà sáng lập công ty tư vấn chiến lược Corr Analytics INC. - Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách rất nhanh so với Mỹ. Từ năm 2015, Trung Quốc đã có động thái đối đầu các tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông. Tên lửa chống hạm Trung Quốc vượt xa tên lửa chống hạm của Mỹ do không nằm trong thỏa thuận chống phát triển vũ khí tầm trung Nga - Mỹ. Trung Quốc cũng đang đóng thêm các tàu hải quân mới với tốc độ gấp bội so với các nhà máy đóng tàu của Mỹ.

Mỗi tàu mặt nước của hải quân Mỹ ở Biển Đông đều bị hải quân Trung Quốc và lực lượng tên lửa đạn đạo Trung Quốc theo dõi. Tên lửa chống mẫu hạm với đầu đạn siêu thanh được phóng từ đại lục có thể triệt hạ mọi tàu chiến Mỹ ở Biển Đông. Theo trang The Diplomat, đơn cử như hai tàu sân bay của Mỹ tập trận tại Biển Đông vào đầu tháng Bảy có thể đã bị phá hủy chỉ bằng hai tên lửa DF-21D - vốn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày 30/12/2019, Indonesia lên tiếng cáo buộc tàu hải cảnh và hàng chục tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ngoài khơi quần đảo Natuna ở nam Biển Đông. Chính phủ Indonesia ngay sau đó đã có một loạt biện pháp ứng phó trên mặt trận ngoại giao, thực địa và truyền thông, như triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối, gửi công hàm khẳng định Trung Quốc đã vi phạm EEZ của Indonesia được thiết lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và đưa 8 tàu chiến cùng 4 chiến đấu cơ tới vùng biển phía bắc Natuna. Thời điểm đó, Trung Quốc cũng vừa xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính trong suốt gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 tới 10/2019).

Sang năm 2020, khi hàng loạt quốc gia trên thế giới phải áp đặt tình trạng phong tỏa vì đại dịch COVID-19, và lực lượng hải quân Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương mỏng đi, Trung Quốc càng gia tăng cường độ và mức độ các hoạt động quấy rối ở Biển Đông.

Ngày 2/4, một tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi, với 8 ngư dân Việt Nam, đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm khi hoạt động tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước vấn đề này, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh rằng các ngư dân nước này cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc vào tháng 6/2019 và sẽ mãi ghi nhớ hành động nhân đạo của Việt Nam khi cứu vớt các ngư dân Philippines.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/4 cũng ra thông cáo bày tỏ quan ngại về sự việc. Người phát ngôn cơ quan này - bà Morgan Ortagus - nhận định: “Thật đáng sợ khi Trung Quốc lợi dụng sự tập trung của thế giới vào đại dịch toàn cầu để áp đặt các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông".

Ngày 10/4, Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, khẳng định mọi yêu sách biển trái với quy định UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam là không có giá trị. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho việc tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam.

Dù vậy, đến 14/4, tàu khảo sát địa chấn Haiyang Dizhi 08 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc lại xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo sau đó là vấn đề căng thẳng xung quanh West Capella - tàu khoan thăm dò do hãng Seadrill điều hành và ký hợp đồng với NOC Petronas của Malaysia.

Tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 và đoàn tàu hộ tống của nó đến quấy rối  khu vực nơi West Capella đang hoạt động, gần rìa ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Malaysia vào giữa tháng 4/2020.  Thậm chí tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 còn tích cực khảo sát một dải của thềm lục địa Malaysia. Chỉ đến khi ba tàu chiến Mỹ và một tàu khu trục Úc tổ chức cuộc tập trận chung ở Biển Đông gần nơi tàu West Capella hoạt động thì nhóm tàu Trung Quốc mới rút đi.

Ngày 18-19/4, Trung Quốc công bố thành lập đơn vị hành chính “quận Tây Sa” (khu vực Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (khu vực Trường Sa của Việt Nam), đồng thời ngang nhiên đặt tên cho 80 thực thể ở Biển Đông, vi phạm luật quốc tế và chủ quyền của Việt Nam.

Đến cuối tháng 4/2020, Bắc Kinh tiếp tục đơn phương tuyên bố lệnh cấm các hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển phía trên vĩ tuyến 12, bao gồm các khu vực gần bãi cạn Scarborough, quần đảo Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ từ trưa ngày 1/5 cho đến ngày 16/8, với lý do bảo tồn dự trữ nguồn cá. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn mọi hoạt động đánh bắt cá tại đây.

Về phía Indonesia, ngày 12/6, Jakarta đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc tái khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Biển Đông - theo đúng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển  năm 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 - nhằm đáp lại công hàm ngày 2/6 của Trung Quốc mạo nhận rằng Indonesia và Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Trước đó vào ngày 26/5, Indonesia gửi thư cho Liên Hợp Quốc, nói rằng "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông thiếu cơ sở luật pháp quốc tế - trích dẫn quyết định năm 2016 của Tòa trọng tài Thường trực ở Hague, và bác bỏ các yêu sách lịch sử phi lý của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Gần đây nhất, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố cấm tàu thuyền qua lại khu vực Biển Đông để tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào đầu tháng 7. Ngay lập tức, Mỹ nói rằng điều này đã vi phạm các cam kết của Trung Quốc trong việc tránh các hoạt động làm trầm trọng thêm các tranh chấp và triển khai hai tàu sân bay - USS Nimitz và USS Ronald Reagan - đến thực hiện cuộc tập trận trong khu vực với nhiều máy bay chiến đấu của hải quân, máy bay tuần tra hàng hải P8-Poseidon vượt biển, và máy bay ném bom chiến lược B-52.

Hôm 2/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phản đối những hoạt động sai phạm của Trung Quốc tại Biển Đông và đã trao công hàm phản đối cuộc tập trận của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời liên quan thông tin tàu khảo sát Haiyang dizhi 4 của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bà Hằng cũng nhấn mạnh: "Các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.

Tại Washington, Ngoại trưởng  Mỹ Mike Pompeo cho biết việc Trung Quốc theo đuổi các nguồn lực ngoài khơi nước này là hoàn toàn bất hợp pháp và cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch “bắt nạt” để kiểm soát các vùng biển giàu tài nguyên và năng lượng tại Biển Đông. Đến hôm 13/7, chính quyền Mỹ chính thức đưa ra thông báo, bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Hôm 13/7, Nhật Bản cũng công bố Sách trắng quốc phòng năm 2020, trong đó cáo buộc Trung Quốc đã đẩy mạnh các yêu sách lãnh thổ của mình dưới bức màn COVID-19 và tuyên truyền, thông tin sai lệch khi cung cấp viện trợ y tế cho các quốc gia chiến đấu chống đại dịch. Văn bản khẳng định Trung Quốc "đang tiếp tục cố gắng thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông", bao gồm sự xâm nhập "không ngừng" ở vùng biển xung quanh một nhóm đảo nhỏ trên Biển Hoa Đông - gọi là Senkaku ở Nhật Bản và Điếu Ngư ở Trung Quốc. Ở Biển Đông, Nhật Bản lên án việc Bắc Kinh khẳng định các yêu sách lãnh thổ bằng cách thiết lập các khu hành chính.

Ngày 23/7, Úc cũng đã gửi công hàm ngoại giao đến Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc đối với Biển Đông. Cụ thể, Úc bác bỏ việc Trung Quốc khăng khăng đòi giữ “quyền lịch sử” đối với Biển Đông, vẽ thêm “đường cơ sở” kết nối các đảo đá trong chuỗi đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đoạt của Việt Nam, tuyên bố các khu vực hàng hải của Trung Quốc xung quanh các thực thể chìm hoàn toàn dưới mặt nước cũng như các thực thể chỉ thấy được khi thủy triều thấp.

Ở thế trung lập hơn, Bộ ngoại giao Cộng hòa Nam Phi đưa ra ý kiến trên trang web chính thức, thể hiện sự lưu ý về xu hướng “chính trị hóa tình hình liên quan đến Biển Đông”. Theo đó, Nam Phi ủng hộ lập trường rằng các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp nên giải quyết các tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán trực tiếp, trên cơ sở tôn trọng các sự kiện lịch sử và theo luật pháp quốc tế, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Theo giới quan sát, đầu tiên, các nước cần quyết định loại bỏ ảnh hưởng chính trị và ngoại giao của Trung Quốc trong nội bộ quốc gia. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thể hiện quan điểm thân Bắc Kinh đến mức liên minh quốc phòng giữa Mỹ và Philippines đang lung lay. Ánh sáng duy nhất hiện tại là Philippines cũng yêu cầu Trung Quốc tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA năm 2016, bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

Malaysia và Brunei chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc vì hải quân không đáng kể và khó bảo vệ lãnh thổ hàng hải, đồng thời phần lớn dầu và khí mà hai nước khai thác đều được bán cho Trung Quốc. Khách hàng luôn luôn đúng, và khách hàng là Bắc Kinh. Indonesia đã có một bước ngoặt chính trị lớn đối với Trung Quốc ở cấp độ ngoại giao trong vài năm qua, nhưng khả năng hiện đại hóa quân sự của nước này đang chậm lại, đặc biệt do tác động của dịch COVID-19.

Tại Mỹ, ứng cử viên Dân chủ cho chức tổng thống - ông Joe Biden, tỏ ra gần gũi với Trung Quốc hơn nhiều so với Tổng thống Donald Trump. Nếu ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, các chuyên gia dự đoán những cuộc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông sẽ giảm bớt, vì ngân sách quân sự được chuyển hướng sang các dịch vụ xã hội.

 Các quốc gia cần tự xây dựng hải quân mạnh để bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế của mình, chống lại sự xâm phạm từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Cộng đồng quốc tế cần liên minh chặt hơn không chỉ về mặt quân sự, mà cả về kinh tế. Thế giới có thể cần xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh nhìn nhận luật pháp quốc tế, UNCLOS, tôn trọng các điều ước quốc tế mà Trung Quốc đã ký.

 

Chia sẻ bài viết: