45 năm trước, tháng Tư, cũng là những ngày rát bỏng nhất của lịch sử. Bánh xe thời gian, bằng một cách nào đó đã trở lại trong những ngày cả nước căng thẳng chống dịch, như diễn dịch, như nhắc nhớ thêm một lần nữa về nơi cuộc chiến (hình như) chưa bao giờ đi qua. Và vẫn là họ ở đó, những chiến binh sao vàng của một thời lẫm liệt. Tôi không biết, lịch sử chọn lựa họ hay họ chọn lịch sử để đi cho bằng hết sinh mệnh của mình; nhưng rõ ràng, họ đang kể tiếp “kỷ niệm đầu tiên, của một lớp người chiến đấu”.

Ngó trước, ngó sau, chỉ thấy một vùng bạt ngàn màu nâu của đất. Khu vực biên giới Tà Peng (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) đang bước vào những ngày cuối mùa khô, đầu mùa mưa, những đường chân ruộng cạn trơ trốc. Đi dọc con đường tuần tra biên giới dài 17,9km do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài quản lý, thỉnh thoảng, lại bắt gặp một bầy trâu khoảng vài chục con nhởn nhơ gặm cỏ. Ngoài tiếng gió thổi ràn rạt và tiếng động cơ xe máy thỉnh thoảng từ xa vọng lại, hầu như là một vẻ vắng lặng đến giật mình. Thế nhưng, trái ngược cái vỏ bình yên ban ngày, đêm xuống, có khi là những cuộc “đua ma-ra-tông” máu lửa ngay ở điểm lằn ranh nhập nhoạng tối - sáng. 

 

Đại úy Phạm Văn Hoàn, chính trị viên phó của đồn nói với tôi, tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia và người Khmer trên địa bàn tỉnh (diễn ra giữa tháng Tư) và đợt lễ dài 30/4 - 1/5 sắp tới thường là dịp mà hàng chục ngàn người dân ở cả hai nước kéo nhau qua lại để vui chơi. Nếu công tác kiểm dịch ở 240km đường biên giới không gắt, nguy cơ Việt Nam “toang” vì dịch COVID-19 là rất cao. 

Men theo đường tuần tra chạy dọc biên giữa hai nước thuộc địa phận xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, ngó bên ni, bên tê đều là một vùng đồng không mông quạnh rộng lớn. Ở biên giới nước ta là các trạm, chốt, điểm cảnh giới dã chiến được dựng lên, tùy địa hình mà cách nhau 500m, 1km hoặc hơn. Giữa các khoảng đó, lại được lấp bằng những “cột mốc sống” tuần tra, cứ vài chục mét sẽ có một người của ta, cắt cử túc trực đêm ngày; vô hình trung, tạo thành một tấm khiên thép chống dịch ngay tuyến đầu.

Tôi nghe một chiến sĩ kể lại, hồi tháng Hai, dịch bùng phát, người Việt lẫn người nước ngoài đổ ào qua biên giới về/vào Việt Nam. Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài qua mấy phen thở gấp. Ngoài những người về bằng đường chính, khai báo y tế rồi được đi cách ly theo quy định, có một số người chọn cách “né” cách ly bằng cách bỏ tiền thuê “cò” - là những người làm nghề xe ôm địa phương chở qua biên giới; khiến cho đường biên Tây Nam trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Tôi cũng nghe kể, đó là những ngày mất ngủ của biên phòng Tây Ninh.

Rất nhanh sau đó, 121 trạm, chốt, điểm cảnh giới dã chiến được lập ra, “cắm” dọc 240km đường biên, đi qua 5 huyện với sự điều động tham gia của khoảng 1.000 bộ đội biên phòng; chưa kể lực lượng tăng cường gồm công an huyện/tỉnh, lực lượng dân quân tự vệ địa phương.

Khi Tây Ninh phát hiện hai ca dương tính đầu tiên hồi cuối tháng Ba, rồi thêm một ca nhiễm đầu tháng Tư, hoạt động kiểm dịch tại các cửa khẩu, chốt chặn dã chiến càng trở nên gắt gao hơn. Ngay cả ngày hôm nay, khi 14 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã qua đi, thì thượng tá Nguyễn Công Tuân chủ nhiệm Phòng Chính trị, Bộ đội biên phòng Tây Ninh - vẫn nói với tôi, ở nhiều nơi, nhiều tỉnh/thành, người dân có thể hồ hởi, nhẹ nhõm; thế nhưng, ở đường biên, anh em chiến sĩ không có giờ G, hay nói chính xác hơn, lúc nào cũng là giờ G.

Nghĩa là lúc nào cũng trong tình trạng lên giây cót, lúc nào cũng sẵn sàng cho một cuộc chiến! Trước bảo vệ chủ quyền, bảo toàn lãnh thổ, chống lậu… nay thêm cả chống dịch.  

Chốt 12 thuộc sự quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nằm ngay cạnh con đường tuần tra biên giới, trước đó vốn là chốt chống buôn lậu. Lúc chúng tôi ghé vào, “anh Hải trẻ” (tên tôi gọi Thiếu tá Trần Đình Hải, Đội phó Đội Trinh sát thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, để phân biệt với “anh Hải già” ở chốt 11), da bánh mật rám nắng, tóc hoa râm, cười rất tươi. Cuộc di cư từ Quảng Bình vào TPHCM rồi công tác biền biệt ở đây, cũng không “đánh cắp” nổi cái chất giọng nằng nặng, ấm ấm miền Trung của anh. 

Sau khi lắp đặt đèn và pin năng lượng, các bạn cẩn thận kiểm tra kỷ từng con ốc và cân chỉnh tấm pin về hướng có nhiều ánh sáng để dễ hấp thụ năng lượng mặt trời Sau khi lắp đặt đèn và pin năng lượng, các bạn cẩn thận kiểm tra kỷ từng con ốc và cân chỉnh tấm pin về hướng có nhiều ánh sáng để dễ hấp thụ năng lượng mặt trời

Quê choa phải không? Anh cất tiếng rủ vào chơi cái chốt mà anh gọi là “căn nhà” giữa bốn bề đồng không mông quạnh. Chỉ có vài chiếc ghế nhựa, chiếc giường nhỏ vừa một người nằm, một số vật dụng vệ sinh cá nhân, và một ít trà, cà phê, bánh kẹo, xúc xích mà một số tổ chức xã hội trao quà mang lên 
hôm trước. 

Chốt 12 có 4 người. Ngoài “anh Hải trẻ”, còn có một trinh sát, một công an, một dân quân tự vệ được tăng cường. Các anh phụ trách 800m đường biên, từ cột mốc 170/2 đến 170/4. Từ chốt này, sang đến biên giới Campuchia chừng 60m. Ban ngày, các anh cắt cử nhau nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn uống; tối đến, lại tập trung đội hình đầy đủ để đi tuần.  

“Nhìn ban ngày có vẻ yên bình anh hè” - tôi hỏi anh Hải. Thế mà, cứ tối đến, vài chục mét phải có một người canh đó em. Thức trắng đêm. Cứ thế, đèn pha soi sáng rực một vùng. Đây là thời điểm “vàng” mà những người “né” cách ly, hoặc những người Trung Quốc trốn vào làm ăn thường chọn. Chưa kể, còn các đối tượng chở hàng lậu nữa. “Nếu chểnh mảng một chút, người ta “lọt” khe biên giới vào nước mình ngay”, anh Hải kết luận. Vì thế, lắm khi, thiếu ngủ, mắt cứ nhíu lại, lại phải chống to mắt ra để nhìn. Thế mà cũng “chống” được mấy tháng rồi.

Nghe anh nói, tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh rất đẹp trong thơ Quang Dũng: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Ở đây cũng “mắt trừng” nhưng chắc cú, không phải “gửi mộng” gì sất, mà để “soi” những người sai luật khi đặt chân vào vùng biên nước ta. 

Ở những điểm chốt cách xa Đồn được ưu tiến lắp đặt hệ thống pin năng lượng vừa chiếu sáng vừa có thể xạc được điện thoại Ở những điểm chốt cách xa Đồn được ưu tiến lắp đặt hệ thống pin năng lượng vừa chiếu sáng vừa có thể xạc được điện thoại

Cách chốt 12 chừng 900m, là chốt 11, quản lý 500m từ cột mốc 170/1 đến cột mốc 170/2. Muốn xuống chốt 11, phải đi qua lối mòn nhỏ đầy cỏ úa (do những đối tượng vượt biên trái phép đi nhiều mà thành). Sau khi các đối tượng kia bị phát hiện, một chốt dã chiến do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cũng được lập ra ở đây để ngăn chặn dịch. Dấu vết cắt để chui tọt qua bờ rào thép gai vẫn còn đó, nay đã được rào chắn cẩn thận. Nghe các anh nói, từ ngày có dịch, không chỉ ở chốt 11, mà ở các đường mòn lối mở khác, các chốt chặn của lực lượng biên phòng cũng được dựng lên.

Theo lệnh điều động, Đại úy Lê Văn Tân (Công an tỉnh Tây Ninh) xuống đây tăng cường được hai tuần. Lúc chúng tôi ghé, chỉ có anh và thiếu tá Nguyễn Văn Hải (hay gọi là “anh Hải già”, thuộc Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài) đang trực, hai người khác về chợp mắt chút.

Lúc anh Hải kể chuyện “mặt đối mặt” với đối tượng vượt biên trái phép, anh Tân mở ngay điện thoại đưa tôi xem hình anh chụp hôm đó. Bức hình được chụp với khoảng cách hàng chục mét, phải “zoom” vô mới thấy rõ mặt người. Một bên muốn tiến nhưng vì thấy bộ đội, công an nên rụt lại; một bên, chỉ cần bên kia nhích thêm một bước chân, sẽ “mời anh quay lại” hoặc “nếu sang, chấp nhận nộp phạt hành chính và đi cách ly”. Cứ thế, cuộc đấu trí “nhây” đi “nhây” lại mãi, cho tới khi, đối tượng kia nản quá mà quay lại.     

Từ ngày bùng phát dịch, trừ dân địa phương quen mặt biết tên ra, đi lại khu vực biên giới chỉ có các lực lượng chức năng và các đối tượng có ý định trốn cách ly hoặc buôn lậu. “Thằng buôn lậu nó đi qua được mình cũng tài, chứ không phải tự nhiên và đơn giản đâu. Mình phải tính toán rất kỹ mới bắt được nó chứ chẳng đùa”, anh Nguyễn Văn Hải vừa nói, vừa phóng mắt về phía bên kia. Tối nay có lẽ có mưa, lại phải mặc áo mưa, lội đồng bì bõm đi tuần rồi.

Đồng hành cùng các chiến sỹ trẻ trên biên giới còn có các chị em phụ nữ ở Tỉnh đoàn và Huyện đoàn ra tiếp nước cho anh em
Đồng hành cùng các chiến sỹ trẻ trên biên giới còn có các chị em phụ nữ ở Tỉnh đoàn và Huyện đoàn ra tiếp nước cho anh em

Theo quy định, cứ vài tuần, các anh sẽ được nghỉ phép 1-2 ngày về thăm nhà. Nhà “anh Hải già” cách chốt dã chiến chỉ 5km nhưng kể từ lệnh trực 24/24, hơn một tháng rồi, anh chưa về thăm nhà. Nhà “anh Hải trẻ” ở TPHCM, lại càng khó. Tôi nghe anh kể, từ trước Tết tới giờ, anh trực liên tục, hết án buôn lậu, sau đó án “Tuấn khỉ”, ra Tết thì “án cô Vy”. Bây giờ, anh chỉ mong sớm hết dịch, về ngủ một giấc cho đã đời.

“Anh Hải trẻ” chậc lưỡi củn lủn: “Lính vùng biên mà em”. Ba chữ “lính vùng biên” đã “chốt hạ” cuộc đời anh, in lên trán, lên nước da, màu mắt vùng biên viễn. Tôi gọi anh là “anh Hải trẻ” cũng oan cho anh quá. Sinh năm 1973, anh đã đi dọc biên giới Tây Nam này gần 30 năm; từ ngày 20 tuổi, đến nay, tóc đã lấm chấm bạc. Anh nói với tôi, đồng đội của anh cũng lâu lắm rồi không ai về thăm nhà. Tất cả họ đang sống trong những ngày tâm thức rất “lính”.

Và các trạm, chốt, điểm cảnh giới dã chiến “bọc thép” ý chí không chỉ của một người, mà cả một tập thể, cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho vùng đất mà các anh đã đổ mồ hôi, nước mắt, đánh đổi cả một thời tuổi trẻ mê mải, thậm chí là sinh mạng để bảo vệ, giữ gìn nó.

Lúc chúng tôi rời Tà Peng để đi Phước Chỉ, trên chiếc loa phát thanh của xóm Dọc, ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận vẫn đang phát đi phát lại ca khúc Việt Nam ơi! Đánh bay COVID, nối sau đó là những thông tin tình hình dịch bệnh. Tôi nhớ, chiều hôm đó, có một đoàn kiểm tra từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng về tận xóm làm công tác tuyên truyền. Một cái loa di động được kéo từ đầu xóm tới cuối xóm, phát những nội dung mà loa phát thanh không đến được. Những đứa nhỏ vùng biên, thấy người lạ đến, nhìn trộm qua khe cửa rồi bẽn lẽn cười. Còn cha mẹ chúng, đang tự tay đặt bút ký cam kết sẽ chấp hành nghiêm túc các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.

Ngoài tuyên truyền qua loa phát thanh, các chiến sĩ còn kéo loa di động vào những vùng sâu vùng xa để chống dịch

Ngoài tuyên truyền qua loa phát thanh, các chiến sĩ còn kéo loa di động vào những vùng sâu vùng xa để chống dịch

Khi đặt chân vào khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Phước Chỉ quản lý, một chiếc barie chắn ngang hiện ra. Cũng là lúc đồng hồ hiện ra 20g30. Từ cột mốc của ta nhìn sang hơn 100m là địa phận Campuchia. Một phần con đường tuần tra biên giới quánh đặc bùn đất sau trận mưa lớn tối hôm trước. Trời tối om. Nghe Trung úy Trương Văn Thanh dẫn đường, giới thiệu xe đang đi vào đúng đoạn đường 30% đèn năng lượng mặt trời - dự án do Tỉnh đoàn Tây Ninh cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp, đang khẩn trương được lắp đặt trên tuyến đường biên giới trọng điểm - nay mai mới xong.

Hai bên đường đi, vẫn thấy các tốp lính biên phòng, công an, dân quân tự vệ đang đi tuần. Vẫn thấy đó, những chốt dã chiến hai bên đường, hình ảnh chiến sĩ mắc võng chợp mắt trong bóng tối.

Tôi nhìn mãi hình ảnh một người lính trẻ bước đi dưới ánh sáng chiếc đèn năng lượng mặt trời hắt xuống, bên trên là đám côn trùng vùng biên quần tụ. Trước khi bóng anh chìm khuất dần trong bóng tối tuyến đường tuần tra, hình ảnh bộ trang phục màu xanh thấp thoáng như một dư ảnh sót lại sau một “mảnh mặt trời gay gắt” của tháng Tư. 

Lúc vào thăm chốt của “anh Hải trẻ”, tôi thấy một đôi giày thể thao, bên cạnh đôi giày bộ đội. Tôi hỏi, buổi sáng các anh có đi tập thể dục không. Anh giải thích với tôi, các anh đi đi lại lại thể dục cả đêm rồi, sáng thể dục làm gì nữa. Đôi giày đen kia để sẵn cho dịp hội họp nào đó. Còn đôi giày thể thao này, mới là đôi giày lội ruộng, đôi giày bì bõm trong mưa, đi “mật phục” ban đêm, để chạy đua với những đối tượng buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.

Tây Nam vào mùa mưa, tối đến, nước lình sình thấy ghét. Nhưng không sao, khi các anh xỏ vào, thắt dây xong, cuộc chiến đấu cũng đã được bắt đầu.

Theo số liệu của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến hết ngày 6/4, có 1.573 tổ chốt chặn làm nhiệm vụ phòng chống dịch trên 3 tuyến biên giới với tổng số 9.253 người tham gia (6.096 cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng và 3.157 công an, quân sự địa phương...). Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có nhiều tổ chốt nhất với 562 chốt. 

Biên phòng Tây Ninh được đánh giá là đơn vị phụ trách tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phức tạp nhất, đảm trách phần biên giới dài 240km, với 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, 25 chốt cố định tại các lối mở, 92 chốt dã chiến (chốt chặn tăng cường) trên các đường mòn trải dài trên địa bàn 20 xã giáp biên thuộc năm huyện/thị xã biên giới, ngoài quân số cố định tại 15 đồn biên phòng, đơn vị vừa được tăng thêm gần 100 quân chi viện từ các học viên tiếng Khmer của trường trung cấp biên phòng 2 (Bà Rịa  - Vũng Tàu) và chiến sĩ ở các đồn biên phòng ven biển, hiện mỗi ngày có trên 500 quân số cơ động tăng thêm nhằm đảm bảo trực chiến 24/24 để ngăn chặn các nguồn lây nhiễm Sars-CoV-2 từ phía bên kia cột mốc đang có nguy cơ tràn về. 

Một đoạn đường tuần tra biên giới tại Mộc Bài sau khi được gắn đèn

Nhiệm vụ của các tổ chốt phòng chống dịch COVID-19 trên biên giới không chỉ tuần tra kiểm soát đường mòn lối mở, ngăn chặn xuất, nhập cảnh, buôn bán trái phép, mà còn thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng quản lý biên giới của quốc gia liền kề trong phòng, chống dịch; phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân về hạn chế qua lại đường biên nhằm phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng...

Nguyễn Thiện

 

________________

Đậu Dung

Ảnh: Đậu Dung, Lê Quân

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: