“Như sự vận động, sáng tạo và hòa hợp của sáng tạo, của tinh thần Việt, nỗi hoài nhớ về một quê hương như những đám mây, những dòng sông qua rất nhiều nơi chốn, không gian, thời gian; đã hòa quyện cùng những giá trị phổ quát của tinh cầu này, để quê hương không chỉ là một khái niệm cụ thể đơn thuần, mà là một vận vặn, dịch chuyển, tiếp biến và không ngừng sáng tạo; để những gia tài của đất Mẹ được cộng hưởng những giá trị mới mẻ không ngừng…”.

“Như sự vận động, sáng tạo và hòa hợp của sáng tạo, của tinh thần Việt, nỗi hoài nhớ về một quê hương như những đám mây, những dòng sông qua rất nhiều nơi chốn, không gian, thời gian; đã hòa quyện cùng những giá trị phổ quát của tinh cầu này, để quê hương không chỉ là một khái niệm cụ thể đơn thuần, mà là một vận vặn, dịch chuyển, tiếp biến và không ngừng sáng tạo; để những gia tài của đất Mẹ được cộng hưởng những giá trị mới mẻ không ngừng…”.

“Như sự vận động, sáng tạo và hòa hợp của sáng tạo, của tinh thần Việt, nỗi hoài nhớ về một quê hương như những đám mây, những dòng sông qua rất nhiều nơi chốn, không gian, thời gian; đã hòa quyện cùng những giá trị phổ quát của tinh cầu này, để quê hương không chỉ là một khái niệm cụ thể đơn thuần, mà là một vận vặn, dịch chuyển, tiếp biến và không ngừng sáng tạo; để những gia tài của đất Mẹ được cộng hưởng những giá trị mới mẻ không ngừng…”.


Nghệ sĩ quốc tế Nguyên Lê đã viết như thế, trong lời tựa của Overseas, một dự án nghệ thuật tổ chức tại Pháp với sự tụ hội những dòng chảy sáng tạo khác biệt mang tinh thần Việt trong và ngoài quốc gia. Và trong mấy năm qua, chúng ta đang có một cộng đồng “người trở về” từ “hợp lưu” đó, mang về quê hương một tiếng nói đương thời, đầy tính thời đại mà vẫn rất Việt Nam. Có thể kể một số gương mặt như nghệ sĩ guitar Nguyên Lê, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, nghệ sĩ Thanh Bùi, đạo diễn Tuấn Lê, đạo diễn Hàm Trần, nghệ sĩ trumpet Cường Vũ, nghệ sĩ đàn dân tộc Vanessa Võ…

Trong số họ, có người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, có người ở nước ngoài. Có người nói tiếng Việt, có người chưa sõi, có người không nói được. Có người một năm về mấy bận, có người mấy chục năm mới về. Có người đang tập làm quen lại với đất và nước sau thời gian cách biệt quá lâu. Có người, mới về thôi mà như đã sống trong nước lâu lắm rồi. Có người giữ lại cái tên tiếng Việt của mình, có người tiếng Việt chỉ còn một nửa. Nhưng tất cả họ, dường như lúc nào cũng mong ngóng một cơ hội để trở về bằng nhiều cách khác nhau.

Thanh Bùi có lần chia sẻ với tôi, trong ý niệm của anh, không ai có thể thật sự kể lại được câu chuyện của một đứa trẻ nhập cư. Và anh đã bắt đầu với những năm tháng của sự trớ trêu, cảm nhận sự cô độc, nhìn thấy những nỗi lo trong ánh mắt cha mẹ và nhìn nhận được những mâu thuẫn của cuộc đời mình. Dù sinh ra và lớn lên tại Úc, ăn bơ sữa, mặc comple, nói tiếng Anh và hát nhạc Tây thì vẫn không thể xóa bỏ được cái gốc của mình: một cậu bé mang tên “Thanh Bui”, tóc đen, da vàng và có một gương mặt Á Đông. Chỉ có một mình mình khác biệt như thế giữa nơi chốn xa lạ đó.

Đó có lẽ là thứ cảm giác mà Viet Thanh Nguyen - nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer vào năm 2016 từng viết trong tác phẩm của mình - thứ “cảm giác xa lạ, luôn sống hai đời sống, một trong nền văn hóa lớn hơn mà bạn đang cố hòa nhập và một gần với bản chất hơn khi ở trong cộng đồng của mình và nói thứ tiếng của mình”.

Để rồi năm 2012, khi quyết định về nước sinh sống và làm việc, lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, có một “mùi rất Việt Nam” tỏa lên trong tâm trí anh. Mùi của TP.HCM. Mùi của cảnh người ta đưa đón - tạm biệt nhau ở sân bay. Ngay cả cái nóng nực, đông đúc, bụi bặm, tiếng xe cộ bấm còi inh ỏi… cũng trở thành một thứ mùi vị rất Việt Nam. Thanh nói, thứ mùi vị đó, hơn hai mươi năm ở nước ngoài, anh chưa từng “ngửi” thấy.

Không chỉ trở về sống và làm việc, mở trường dạy âm nhạc, mời nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế sang, Thanh còn rủ rê những người Việt khác thành công ở nước ngoài trở về biểu diễn cho người Việt Nam xem: Evan Lê - “thần đồng piano” gốc Việt, Cường Vũ - nghệ sĩ trumpet gốc Việt đầu tiên 2 lần đoạt giải Grammy, Vanessa Võ - nghệ sĩ đàn dân tộc từng đoạt giải Emmy Award và làm giám khảo Grammy…

Ngô Hồng Quang có lẽ là “của hiếm” của âm nhạc khi mang trong mình chất word music đậm đặc nhưng lại Việt Nam hơn bất cứ nghệ sĩ nào. Kẻ bôn ba ấy, tóc xoăn tít, mặc áo dài, cười phớ lớ, hát tiếng Việt, nghêu ngao xẩm, “ghẹo” quan họ, chơi đàn nhị, đàn bầu, đàn tính, thổi kèn môi… gọi “người ơi về đồi non/ ta yêu nhau” rong ruổi khắp thế giới. Kẻ bôn ba ấy, đã từng hoang mang, cô độc nhưng cũng là kẻ đã từng thăng hoa, réo rắt, đắm say rộn ràng trong âm nhạc truyền thống dân tộc.

Hỏi Ngô Hồng Quang, trong vị trí của một nghệ sĩ thời nay, mang âm nhạc Việt Nam “ra đi” và “trở về” có gì khác nhau, Quang nói, khi anh đi, mang theo âm nhạc Việt Nam 100%, nhưng khi về, mang thêm những yếu tố âm nhạc khác cộng hưởng, hòa sắc vào đó, làm phong phú thêm vốn âm nhạc của mình. Và điều thú vị nhất mà Quang cảm nhận được rõ ràng, đó là âm nhạc truyền thống không phải là một thứ bất biến, nó vẫn có thể vận động, trò chuyện và giao tiếp được với các nền âm nhạc khác nhau trên thế giới. Vì thế, không gian âm nhạc được nới rộng vô tận; mỗi chuyến đi xa, mỗi cuộc trở về là một cuộc “di thê” chẳng hề vô nghĩa.

Và càng đi ra thế giới, mới thấy âm nhạc truyền thống quý báu như thế nào. Những điều đó, có khi ở trong nước người ta cho rằng tầm phào, cũ rích, lạc hậu. Quang chọn cho mình điểm nhìn ngoài biên giới, yêu văn hóa Việt Nam, để làm công việc toàn cầu hóa trên nền tảng truyền thống bền vững, nhằm tôn vinh nó. Với Ngô Hồng Quang, bản sắc văn hóa gốc gắn với cái tôi cá nhân thành một chữ ký nhận dạng của mình. Từ chữ ký đó, người ta nhìn ra được hai thứ: một là cá tính âm nhạc Việt Nam, hai là cá tính Ngô Hồng Quang.

Một lần trò chuyện với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, anh nói, để âm nhạc Việt Nam có thể hội nhập được, phải giống kiểu “mặc quần âu, dùng bơ sữa, nhưng vẫn ăn các loại mắm”. Ngô Hồng Quang những khi không ở Việt Nam thì sao? Quang lại cười phớ lớ, vẫn nấu cơm hằng ngày, ăn mắm thường xuyên; thậm chí là mắm nặng… mùi. Quang tự nhận, nỗi hoài cảm trong mình quá lớn, sự gắn kết của con người anh với văn hóa gốc quá mạnh. Giống như trong âm nhạc, anh hoàn toàn có thể trở thành một nghệ sĩ nhạc pop, nhạc jazz… nhưng nếu một ngày từ bỏ âm nhạc dân tộc, thì chẳng khác nào mình đang ruồng rẫy, từ bỏ chính mình, không còn khuôn mặt, không còn tiếng nói.

Năm 1982, Hàm Trần lúc đó mới 8 tuổi, theo gia đình sang Mỹ định cư. Tưởng chừng, cách biệt về địa lý và văn hóa đã xóa nhòa tất cả, nhưng vẫn còn đó trong tâm trí nhà làm phim này hình ảnh cô bán mì gõ, bà nội làm cơm tấm, người cha già cất kỹ thùng băng cassette mang từ Việt Nam sang, ông vẫn thường sắc thuốc bắc mỗi khi anh ốm. Để rồi sau đó, đứa con trai út của ông, đã chuyển hết nhạc trong thùng băng cassette đó thành CD, đưa hết chất liệu hồi ức đó vào một số bộ phim của mình.

Cho tới bây giờ, dù nói tiếng Việt chưa sõi, nhưng không ít khán giả khi xem phim của Hàm Trần phải tự hỏi, không biết vì sao, một người đi xa từ bé chừng ấy năm, lớn lên trong một nền văn hóa Mỹ gần như “nuốt chửng” các nền văn hóa khác, khung cảnh Việt Nam, tâm tình Việt Nam hiện lên trong một số bộ phim nghệ thuật của anh lại rõ ràng, rành mạch đến thế. Nếu một lần xem Ngày giỗ, bộ phim được sản xuất năm 2003, từng giành được 25 giải thưởng quốc tế cho phim ngắn xuất sắc nhất, lọt vào bán kết đề cử giải Oscar 2004 của Hàm Trần, sẽ thấy không khí ấy quyện vào những bản nhạc xẹt ngang qua trí óc: là Sỹ Phú hát Điệu buồn của Đào Duy; là Khánh Ly hát Thương tình ca; là Hà Thanh hát Người về của Phạm Duy.

Năm 1999, Hàm Trần trở về nước lần đầu khi có lời mời tham gia một dự án phim tài liệu. Anh nói, lúc đó cũng không nghĩ, có một ngày nào đó, mình quyết định về ở hẳn Việt Nam. Để rồi khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó lang thang Tây Ninh, Vũng Tàu, Bình Thuận, Nha Trang, Cần Thơ… phỏng vấn người dân suốt một tháng trời để thu thập thông tin, cũng như Thanh Bùi, Hàm Trần bị ấn tượng bởi một thứ “mùi vị” rất Việt Nam.

Nước Mỹ vẫn thế, nhưng có một điều gì đó đã bắt đầu khác đi trong lòng sau vài lần trở về: cảm thấy buồn vì ở Mỹ, mới 21 giờ mà thành phố không có ai ngoài đường, trong khi ở Sài Gòn, giờ nào cũng có người, có đồ ăn; ở Mỹ, bạn bè cùng bang hẹn nhau cả tháng vẫn không thấy mặt, ở Việt Nam, lúc nào thấy nhớ, nhấc điện thoại, 15 phút sau gặp được nhau liền. Hàm Trần nói, có lẽ, trên thế giới, chẳng có thành phố nào thích hợp cho việc gặp gỡ và hẹn hò như các thành phố ở Việt Nam. Văn hóa Mỹ: sống để làm; văn hóa Việt Nam: làm để sống.

“Con sẽ sống như thế nào khi gia đình không còn một ai ở Việt Nam nữa?”, “Việt Nam có phù hợp với con?”, cha mẹ đã hỏi như thế khi anh quyết định quay về Việt Nam sống và thực hiện các giấc mơ về điện ảnh vào năm 2012. Nhưng với loạt phim (phim nghệ thuật lẫn thương mại) mà anh tham gia với các vị trí khác nhau như Đoạt hồn, Âm mưu giày gót nhọn, Bạn gái tôi là sếp, Cú và chim sẻ sẻ, Buổi sáng đầu năm, Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Để mai tính, Long ruồi… có thể thấy, sự hòa nhập đáng kinh ngạc của một người như Hàm Trần. Bây giờ, ngoại trừ gia đình đang sống bên đó, anh chẳng nhớ gì Mỹ. Hàm Trần nói, sống ở đây vui mà.

Nhưng thị trường phim của Việt Nam khá khiêm tốn, sao lại trở về, anh không sợ bị giới hạn tài năng ư? Đúng là thị trường phim ở Việt Nam còn rất khiêm tốn, những người tham gia cấu thành chưa chuyên nghiệp, họ không biết cách để kể một câu chuyện sao cho gọn; thế nhưng, đó cũng là một thị trường phim nhiều tiềm năng, một cơ hội để anh thỏa sức vẫy vùng với những sáng tạo của mình. Thời gian qua, hễ có lời mời đứng lớp dạy về diễn xuất, dựng phim… anh đều nhận lời mà không màng tới thù lao cũng vì muốn thay đổi cách làm việc của người Việt, để có một nền điện ảnh chuyên nghiệp hơn. Anh nói, đó là chút tâm tình anh gửi tới quê hương.

***

Trong tiếng Pháp, để chỉ sự trở về, đơn giản nhất có từ “retour”, nghĩa là trở lại nơi mình đã ra đi, hoàn nguyên trạng thái cũ. Song, ở bài viết này, tôi thích dùng từ “retrouvailles”, vốn là danh từ chỉ tồn tại ở số nhiều, nghĩa gốc là tìm lại, gặp lại những người, những điều, những không gian mà mình đã chia lìa. Đi xa bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu dặm đường, mà lúc đặt chân về lại chỗ ban đầu, đâu chỉ để hoàn nguyên một trạng thái cũ? “Retrouvailles”, chính là một sự tiếp nối về thời gian và không gian rõ rệt, một sự vận động tích cực, một cựa mình đầy năng lượng. Theo cách hiểu đó, khi lòng còn nhớ nhung, khi hồi ức vẫn còn son đỏ, “retrouvailles” cũng là những-cuộc-trở-về-không-thể-nào-khác.

Đậu Dung

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: