Gia đình già Hồ Văn Đề (77 tuổi, thôn 1) có tới tám người thân chết và mất tích trong đợt lũ lụt và sạt lở vừa qua. Ngày ngày, già vẫn lội bộ ra chỗ đặt bàn thờ vọng, thắp nén nhang rồi hướng mắt về phía dòng sông Leng, chờ đợi. Điếu thuốc trên tay già chưa bao giờ ngừng cháy. Khói ám vàng cả những ngón tay thô ráp. 

Nơi ở tạm của 15 hộ mất nhà trong đợt sạt lở hồi tháng 11 là điểm trường mầm non nóc Ông Lục ở thôn 1, cách ngôi làng bị cuốn trôi chừng một cây số. Ở đó, có khoảng 30 người già, trẻ, lớn, bé đang tá túc trong lúc chờ khu tái định cư (TĐC) cho đồng bào Trà Leng bị mất nhà do sạt lở được xây xong.

Đứa trẻ bốn tuổi Hồ Huệ Mịn đang loay hoay chơi với chiếc xe đồ chơi đã hư quá nửa, đợi cha về. Hằng ngày, người cha trẻ Hồ Văn Đông gửi vội nó cho hàng xóm rồi chạy ra chỗ lực lượng chức năng đang tìm kiếm, ngóng về phía xa. Vợ Đông - chị Hồ Thị Hen - vẫn đang mất tích. Cuộc sống, với người đàn ông 32 tuổi này bây giờ đọng lại và dồn hết vào đứa con trai nhỏ. Mỗi lần thấy cha về, từ đằng xa, nó chạy ù ra đón, lòng anh cũng nhẹ nhõm phần nào.

Tháng Mười qua, tháng 11 về, rồi tháng 12 lại đến. Một năm nữa sắp tới. Dù không ai bảo ai nhưng có một điều thấy rõ, họ đang cố gắng thu vén nhà cửa, vườn tược, sắp xếp lại “cuộc đời” trước mặt. Quên không được, thay vì tan nát theo, họ chọn cách chấp nhận và đối diện. Bằng nhiều cách khác nhau.

Làng Tăk Pát, nơi được chọn làm khu dân cư kiểu mẫu ở xã Trà Leng cũng bị xóa sổ hoàn toàn trong đợt lũ vừa qua. 41 ngôi nhà biến mất trong phút chốc. Không còn chỗ ở, trong lúc chờ phương án khả dĩ hơn, dân làng bảo nhau lấy ít ván gỗ, phông bạt, dựng tạm “ngôi nhà” để có chỗ đi ra đi vô. 

Anh Hồ Văn Thể (52 tuổi) tranh thủ quây mấy tấm lưới B40 lại thành nơi nuôi mấy con gà, vịt còn sót lại sau mùa lũ động, mà theo lời anh tâm sự, là để có bữa ăn cải thiện. Vợ bỏ đi từ lâu, mình anh “gà trống” nuôi năm đứa con ăn học. Nhắc đến con, đôi mắt mỏi mệt đó bất chợt sáng lên. “Đứa lớn nhất đang học Đại học Y Dược Huế. Niềm tự hào của cả làng Tăk Pát đó” - anh nói mà không giấu được niềm hãnh diện. 

Nhìn khung cảnh làng quê lùi nhùi sau biến cố, không biết những ngày tới ra sao; mà có ra sao, mình vẫn phải sống tiếp, anh tự nhủ. Giờ, cứ cố vượt qua giai đoạn này đã. Ai kêu chi làm nấy, tiền công mấy chục ngàn mỗi ngày cũng làm, cốt để nuôi con. Vừa nói, anh Thể vừa kéo chiếc áo ấm dài gần tới đầu gối lên cao.

Nghe một người Trà Leng kể lại, từng có người trong đoàn từ thiện bức xúc vì thấy một vài người dân ở Trà Leng - sau khi nhận quà cứu trợ - vội ra quầy tạp hóa, mua gà, ít bia lủng lẳng mang về. Họ giận, vì cho rằng đồng tiền của mình không được sử dụng đúng mục đích, rằng “người dân không biết tiết kiệm để chuẩn bị cho những ngày sắp tới”. Nhưng họ đâu ngờ, con gà đó được chia đều trong bữa ăn của mấy mươi người cả tháng chỉ biết cơm với cá khô đến cháy cổ. Số bia được mua về, để thay cho ly rượu tiễn người đã khuất. Thóc lúa bị cuốn trôi hết, không thể nấu thứ rượu với men lá cây rừng thơm lừng mùi quế nữa. 

Người Trà Leng sống trực quan, thiếu thứ gì thì mua thứ đó, nhưng tuyệt đối không lãng phí. “Chính quyền địa phương từ trước đã tuyên truyền cho bà con cần phải biết tiết kiệm để dành tiền cho việc dựng nhà, tái thiết cuộc sống. Họ đang làm rất tốt điều đó” - ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã, nói.

Những ngày cuối tháng 12, trời bắt đầu khô ráo. Nắng mới nhú lên một phía đỉnh đồi Nam Trà My, bàng bạc phủ lên “sấy” dần một tháng 11 ướt át, nhão nhoẹt, ủ ê trước đó. Người Trà Leng trong nhà ngoài đường, gặp nhau, nói với nhau: “Nắng rồi đó!”. 

Được khởi công từ ngày 22/12, công trường xây dựng khu TĐC cho người dân bị mất nhà do lũ lụt, sạt lở, đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để kịp giao nhà cho bà con trước tết Nguyên đán 2021. Một bãi đất có diện tích 6ha tại thôn 2, xã Trà Dơn - cách UBND xã Trà Leng khoảng 800m - được chọn làm nơi định cư mới. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Leng đến khu TĐC với mức 150 triệu đồng/hộ từ nguồn ngân sách nhà nước và từ các nguồn hỗ trợ khác. Ngay sau khi thi công xong mặt bằng, huyện sẽ tập trung đầu tư hạ tầng dân sinh như điện, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa, đường giao thông nội bộ để người dân sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Già Hồ Văn Đề cảm động khi nhận thửa đất diện tích 200m2 (gồm đất ở và vườn) tại khu TĐC mới. Có đất và được hỗ trợ dựng lại nhà ở, già rất mừng. Vẫn còn đó tâm trạng bồn chồn, mong ngóng người thân mất tích; nhưng mắt già đã bớt màu đục đỏ, hai cánh lông mày giãn ra đôi phần. Già nói trong mừng mừng tủi tủi: “Được Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ nên bà con rất yên tâm. Không bao lâu nữa, chúng tôi sẽ có nhà ở và đón tết”. 

Tự nhiên, mấy chữ “sẽ có nhà và đón tết” bật lên từ miệng già Đề - người đàn ông trải qua nhiều mất mát sau trận sạt lở đó, trở nên đặc biệt hơn, có trọng lượng hơn. Ở đó, trong cái nghiệt ngã của số phận, già vẫn không thôi hướng về những điều tốt đẹp và ngày mai. Kể cả việc, hằng ngày, già lội bộ ra chỗ đặt bàn thờ vọng, thắp nén nhang rồi hướng mắt về phía dòng sông Leng chờ đợi tin tức người thân, mà với nhiều người là vô vọng đó, thì thẳm sâu trong lòng người đàn ông đã sống qua hơn nửa đời người, vẫn chưa cạn kiệt niềm hy vọng. Điều đó trỗi dậy như một thứ bản năng sinh tồn. Hết sức tự nhiên. Để không bị vây kín trong niềm tuyệt vọng, quẫn bách. Để có điều gì đó mà hướng đến. Nếu không, sao mà bước qua? 

Sống ở núi quen rồi. Họ tự động viên nhau, bắt tay cùng các lực lượng chức năng tái thiết cuộc sống sau biến cố. Họ chia nhau từng miếng cơm, gói mì tôm. Cùng nhau dọn đống bùn đất còn lầy lội cho làng xã thông thoáng. Họ dọn dẹp trường học, để đám nhỏ tiếp tục được lên lớp. Đi ven sông, tìm lại những vật dụng, đồ đạc còn dùng được. Họ dựng lại những vách nhà xiêu vẹo, ngồi cạnh nhau bên bếp lửa bập bùng trong những tối mùa đông giá lạnh, chờ những ngày khủng khiếp qua đi. Họ xem những đứa con của mình như một chốn tựa nương, để lòng dịu lại và nghĩ tới tương lai. Họ đang-sống-lại bằng cách sống hộ cả phần những người không còn trở về sau lũ. Và trong cơn túng bấn của những ngày kinh hoàng nhất đó, họ vẫn thắp nhang cho những người thân đã mất và thực hành nghi lễ của đời người. Họ nói với nhau, nắng đang lên, và tết sắp đến rồi.

Trà Leng là một trong những xã khó khăn của huyện Nam Trà My, nhưng dân Trà Leng chưa bao giờ đói. Bởi họ có rừng quế bao phủ. Quế Trà Leng có tiếng vì hàm lượng tinh dầu lớn nhất trong các loài quế ở nước ta. Xưa kia, đây là nơi dừng chân của những đoàn “buôn gánh” nghỉ ngơi, giao thương. Vào mùa thu hoạch quế, có thời điểm cả hàng trăm người đổ về đây. 

Ở đây, cha truyền con nối, cây quế là của để dành. Đời cha bao giờ cũng có một khoảnh rừng trồng quế để dành cho đời con. Cứ thế tiếp nối, không ít thì nhiều, ai rồi cũng có cho riêng mình một khoảnh, đủ để trang trải vào những lúc khó khăn nhất.

Đợt bão lũ vừa rồi, có hơn 40ha cây quế bị ngã đổ, hư hỏng. Cả 150.000 cây giống quế gốc của hợp tác xã gieo ươm cũng bị mất trắng. Ông Phan Quốc Cường nói, sinh kế chủ yếu của người dân Trà Leng bao đời vẫn gắn với cây quế, giờ đây, cũng phải bám vào đây mà vực dậy. Việc đầu tiên là tái thiết và cố gắng đẩy mạnh lợi thế của vùng. Theo ông chủ tịch xã, đầu ra của loại cây thương phẩm này đang có, người dân vẫn còn một ít vườn quế “đủ để lấy ngắn nuôi dài”.

Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng Giêng đến tháng Hai âm lịch, khắp các nóc, các thôn bản Trà Leng lại rộn ràng vào mùa thu hoạch quế. Năm nay, không khí ấy có lẽ trầm hơn, lắng hơn, thọc sâu vào từng nóc nhà, trong từng thớ ruột mỗi người. Cái tết mới, cũng nhiều dư vị hơn, mặn mòi hơn. Họ vẫn đang học cách để quên đi, để đương đầu và sống tiếp.

Sau hơn một tuần khởi công, khu mặt bằng xây dựng nhà TĐC cho người dân mất nhà ở Trà Leng về cơ bản đã hoàn thành. Ngày cuối cùng của tháng 12, những móng nhà đầu tiên bắt đầu được động thổ và xây những phần tiếp theo. Ở đó, trong một chiều cuối năm, những bóng nắng in lên nền đất đã khô, đảo qua đảo lại, chẳng ai bảo ai, tất cả đều khẩn trương, luôn tay chuyển vật liệu xây dựng, rồi xây xây trát trát, đặng còn kịp có nhà cho bà con Trà Leng đón tết. 

 

 

Bài: Nguyễn Dương

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: