Đối với vi-rút COVID-19, chấp nhận rằng ta chưa hiểu biết hết về nó là một sự hiểu biết chuẩn xác nhất hiện tại. Điều đó đặt ra con đường mà chúng ta phải tiếp tục bước tới: tập trung mọi nguồn lực chống dịch, nâng cao mức cảnh giác và sẵn sàng đón nhận cái gì đến sẽ đến… trong tư thế chủ động.
Thông tin ông Patrick Vallance - Cố vấn khoa học chính phủ Anh - nói rằng để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trước mắt cũng như những đợt bùng phát trong tương lai, sẽ cần khoảng 60% dân số, tương đương hơn 40 triệu người Anh, nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 nhằm tạo ra “miễn dịch cộng đồng”. Theo vị này, đây là biện pháp gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm được tạo ra khi một tỷ lệ lớn dân chúng đã có miễn dịch, khiến vi-rút gây bệnh khó lây lan hơn. Bằng cách này, ngoài mục tiêu dập dịch, Patrick hy vọng dù cho có quay lại, COVID-19 cũng sẽ trở nên “yếu” như cúm mùa mà thôi (?).
Số ca nhiễm COVID-19 tại Ý đã vượt quá 21.000 người
Thật ra “lý thuyết” của Patrick dựa trên quy luật mang tính giáo khoa của kiểm soát dịch bệnh liên quan miễn dịch cộng đồng mà Báo Phụ Nữ TPHCM đã từng đề cập nhiều lần.
Về mặt dịch tễ học, theo một chuyên gia của Trường đại học Y Dược TPHCM, điều mà Cố vấn khoa học chính phủ Anh “tin”, là không hoàn toàn chính xác và dễ đưa đến sai lầm. Trong nghiên cứu, đặt giả thiết nếu tình hình dịch bệnh không chịu ảnh hưởng bởi môi trường, khi đã lây lan 60-70% dân số, tức đạt đến đỉnh dịch, sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng và vi-rút sẽ thoái lui.
Tuy nhiên, vấn đề chính là mục tiêu chống dịch ở đây là gì? Người ta có một biểu đồ kinh điển gồm hai đường cong hình “chữ U ngược” biểu thị cho hai mục tiêu chống dịch khác nhau. Một, “chữ U ngược” thon cao, tức “cố” đạt đến mức đỉnh dịch 60-70% dân số mắc trong thời gian thật ngắn, trong vòng 3 tháng chẳng hạn. Mục tiêu thứ hai, “chữ U ngược” thoai thoải, là tìm cách kéo dài thời gian chạm đỉnh càng lâu càng tốt, có thể lên đến 18 tháng hoặc 3 năm.
Như thế, ở mục tiêu thứ nhất, đạt đỉnh thật nhanh, dịch lui và hậu quả là tỷ lệ tử vong sẽ cực cao. Ngược lại, mục tiêu thứ hai, dịch kéo dài nhưng giảm thiểu tối đa số người chết.
Mục tiêu thứ hai đang là cách mà Việt Nam và các nước đang chống dịch. Làm mọi cách để số người nhiễm càng thấp càng tốt, hòng làm chậm thời gian chạm đỉnh. Càng chậm bao nhiêu thì lại đạt được hai vấn đề. Trước hết, ta có đủ thời gian và sự chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với những trường hợp nhẹ cũng như nặng. Thứ đến, dịch chậm lên đỉnh để có điều kiện tìm hoặc chờ những phương tiện, thuốc men có khả năng điều trị cao hơn mà trong hiện tại chưa có, cũng như hy vọng vào giải pháp vắc-xin. Và đó cũng là cách hiệu quả kéo giảm tỷ lệ tử vong.
Đây là một sự ngây thơ trong đối phó với COVID-19 hay là một toan tính của các nhà chính trị? Bởi chọn cách để đỉnh dịch tới càng mau, đồng nghĩa không cần làm bất cứ biện pháp phòng dịch nào hết. Các biện pháp cách ly, phong tỏa, cô lập, đóng cửa khẩu, biên giới, đóng cửa trường học, đóng cửa các khu vui chơi giải trí… ai cũng biết sẽ gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế. Lẽ nào để cứu vãn kinh tế trước mắt, người ta có thể sẵn sàng “bỏ rơi” các đối tượng nguy cơ (lớn tuổi, bệnh lý nền…) đang rất mong manh trước đại dịch? Con số tử vong thật sự sẽ rất khủng khiếp khi chọn con đường để đỉnh dịch đến thật nhanh hầu tạo ra cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Bởi trước khi có miễn dịch cộng đồng, số người già nhiễm vi-rút sẽ chết rất cao. Nên nhớ, tỷ lệ người già trên 80 tuổi ở châu Âu cao hơn hẳn châu Á. Hy sinh như vậy là vô nhân đạo.
Chưa hết, trong lúc miễn dịch cộng đồng còn nằm trên lý thuyết và dự đoán, thì có thể thấy vi-rút COVID-19 có biến dị, vì thế độ tuổi có nguy cơ tử vong cao sẽ còn thấp xuống. Và cũng không nên nghĩ rằng, vi-rút sẽ ngày càng giảm độc lực. Về nguyên tắc, nó chỉ giảm sau khi đã… tăng.
“Tư duy” của Patrick Vallance gặp phải sự chỉ trích của cộng đồng khoa học thế giới, trong đó có cả cựu Bộ trưởng Y tế Anh quốc Jeremy Hunt.
Dù vẫn có một số chuyên gia Việt Nam tỏ ra “chia sẻ” với “chiến lược” của cố vấn khoa học trong nội các Boris Johnson, tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Chí Kiên (Pháp) cho hay, muốn có trạng thái miễn dịch với một bệnh lý trong một cộng đồng nào đó, thì miễn dịch cộng đồng còn là kết quả của việc tiêm chủng với một tỷ lệ lớn.
Gần 30.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang cách ly Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 21g15 ngày 15/3, Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp mắc, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện; 40 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện. Tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ 3.803. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 102 (trong đó số mới trong ngày là 83, số cũ đang theo dõi là 19). Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 29.929. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 2.784; cách ly tập trung tại cơ sở khác 5.320; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 21.825. Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn 7.515 (số mẫu dương tính 53, số mẫu âm tính 7.462). Thế giới đã ghi nhận 157.291 trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại 153 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 5.844 trường hợp tử vong (Trung Quốc 3.199 và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác 2.645). Số trường hợp mắc ghi nhận tại Trung Quốc là 80.844 tại 31/31 tỉnh, thành phố, chiếm 51,4% tổng số trường hợp mắc trên toàn thế giới. Số mắc tại các quốc gia khác là 76.447 trường hợp mắc (trong đó số mắc cao là Italia 21.157, Iran 12.729, Hàn Quốc 8.162, Tây Ban Nha 6.391). |
“Miễn dịch cộng đồng chỉ xảy ra sau một quá trình tiêm chủng hàng loạt hoặc xảy ra sau một dịch bệnh ảnh hưởng đến một số lượng lớn dân số của cộng đồng nào đó và hệ miễn dịch của mỗi cá thể bị nhiễm đó tạo ra được một lượng kháng thể có thể chống lại vi-rút lần sau”, bác sĩ Kiên nói.
“Miễn dịch cộng đồng chỉ xảy ra sau một quá trình tiêm chủng hàng loạt hoặc xảy ra sau một dịch bệnh ảnh hưởng đến một số lượng lớn dân số của cộng đồng nào đó và hệ miễn dịch của mỗi cá thể bị nhiễm đó tạo ra được một lượng kháng thể có thể chống lại vi-rút lần sau”, bác sĩ Kiên nói.
Vậy dựa vào vế thứ hai của định nghĩa miễn dịch cộng đồng, phát biểu của ông cố vấn khoa học kia có vẻ hợp lý, nếu có một số lượng lớn công dân Anh nhiễm bệnh. “Nhưng liệu rằng với đợt nhiễm bệnh này lượng kháng thể của mỗi cá thể sẽ là bao nhiêu? Liệu rằng với lượng kháng thể đó có đủ đảm bảo chống bệnh hay không? Đó là lý do tôi không đồng ý với phát ngôn của ông Patrick”, ông Kiên cho hay.
Mặt khác, nếu cho rằng vi-rút SARS-CoV-2 này giống như vi-rút cúm mùa, như thế có nghĩa là khả năng lượng kháng thể trong cơ thể bệnh nhân còn sống sót sẽ không phải là hằng định.
“Bởi hằng năm, chúng ta đều phải tiêm nhắc lại cho đối tượng phải chích ngừa với bệnh dịch nào đó. Chưa nói đến các thông tin rằng SARS-CoV-2 có nhiều khả năng đột biến, thì lượng kháng thể có sẵn trong cơ thể không thể nhận biết vi-rút đã đột biến này. Liệu rằng khi tìm được vắc-xin thì việc chích ngừa sẽ phải tiến hành như thế nào, nhắc lại bao nhiêu lần để cơ thể có một lượng kháng thể có thể chống lại căn bệnh này ở lần dịch sau, giống như chúng ta vẫn chích ngừa bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà… phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần” - bác sĩ Kiên đặt vấn đề.
Ông cũng nhận định: “Cá nhân tôi cho rằng, phát ngôn của ông cố vấn này chỉ là bao biện cho ngành y tế ở Anh đang bất lực trước việc ngăn chặn COVID-19, bởi vì không ngành y tế nào lại chấp nhận đánh đổi mạng sống của con người như vậy để có được miễn dịch cộng đồng”.
COVID-19 đã lan đến châu Phi. Nhân viên y tế Kenya mặc đồ bảo hộ đến khử trùng nơi cư trú của trường hợp nhiễm COVID-19 tại quốc gia này
Bác sĩ Kiên nhắc lại, khoa học chưa biết hết về vi-rút này. Vì vậy, chấp nhận rằng ta chưa biết hết là một sự hiểu biết chuẩn nhất, rõ ràng nhất hiện nay. Điều đó đặt ra việc chúng ta nâng cao mức cảnh giác, phòng ngừa tối đa để sẵn sàng đón nhận cái gì đến sẽ đến trong sự chủ động và niềm hy vọng đẩy lùi dịch bệnh, mà không phải “hy sinh” dù chỉ một ai cho cái gọi là miễn dịch cộng đồng đang được bao biện bằng những áp lực kinh tế.
Việt Nam đang tích cực làm mọi cách đẩy lùi sự lây lan theo mục tiêu hình “chữ U ngược” thoai thoải, kéo dài thời gian dịch chạm đỉnh để hy vọng kéo dãn số ca mắc hầu có thêm điều kiện chăm sóc giảm nhẹ tốt, có thêm các thuốc men, phương tiện điều trị tiên tiến và vắc-xin, giảm tỷ lệ tử vong tối đa. Đó cũng là chọn lựa nhân đạo hòng cố gắng giữ được mạng sống của những đối tượng già cả, bệnh lý nền… trong nhân dân.
Đến nay, dù đã ở giai đoạn hai của dịch, nhưng về cơ bản chúng ta vẫn chưa có ca mắc từ cộng đồng (ca không thể biết được nguồn lây), đó là tín hiệu vui và có thể là may mắn. Thế nhưng, không thể phủ nhận điều đó phải dựa trên quyết tâm và khả năng khống chế, phòng ngự bền bỉ của “chú lính chì” Việt Nam trước đại dịch COVID-19.
Chúng ta đang chọn “đường hẹp” và như thế phải hy sinh nhiều công sức, phương tiện, kinh tế chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nhưng về lâu dài điều sẽ đạt được không có gì lớn lao hơn là niềm tin trở lại. Niềm tin của nhân dân sẽ làm nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế cùng nhiều mặt khác vào thời hậu COVID-19.
Ngày 14/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành công văn số 1272/BC-BCĐ về tổ chức cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch. Qua nắm bắt thông tin, dự kiến trong những ngày tới sẽ có rất nhiều học sinh, sinh viên, người lao động, người nhập cảnh vào Việt Nam về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. Trước mắt, các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 bao gồm các nước thuộc khu vực Schengen (Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ), Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran. Để tổ chức cách ly y tế hiệu quả đối với người nhập cảnh từ vùng có dịch, Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị các bộ có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai các nội dung liên quan đến việc tổ chức cách ly phòng chống dịch COVID-19 một cách hiệu quả.
Bộ Giao thông Vận tải thông báo kịp thời số lượng chuyến bay, số lượng và thông tin hành khách, thời gian dự kiến hạ cánh, địa điểm hạ cánh các chuyến bay về từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 cho các bộ có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện việc tiếp nhận và tổ chức cách ly theo quy định. Yêu cầu các hãng hàng không thông báo tới hành khách về việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, bệnh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Bộ Quốc phòng tổ chức khu cách ly và bố trí phương tiện vận chuyển để đón toàn bộ người nhập cảnh về từ hoặc từng đi qua các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 trong vòng 14 ngày về khu vực cách ly tập trung. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết tại khu vực cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Lên phương án chuyển các trường hợp cách ly tập trung về các đơn vị cách ly khác của các tỉnh, thành phố lân cận trong trường hợp quá tải tại các khu vực cách ly tập trung của quân đội. Bộ Công an nghiên cứu phương án để rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập cảnh hoặc hoàn thiện thủ tục nhập cảnh sau để tránh tình trạng quá tải, tập trung đông người tại sân bay khi các máy bay hạ cánh. Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao theo dõi diễn biến tình hình dịch trên thế giới để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục cập nhật danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19. UBND tỉnh, thành phố thực hiện tiếp nhận, theo dõi, giám sát, tổ chức cách ly y tế và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19: + Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển ngay đến các cơ sở y tế để được cách ly, điều trị kịp thời; + Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 cách ly tập trung đến khi đủ 14 ngày; - Bố trí địa điểm với đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp cách ly trong trường hợp các khu cách ly của quân đội bị quá tải; - Lập danh sách các cơ sở cách ly tại địa phương và báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, ngõ 135 Núi Trúc, Hà Nội) trước 16g ngày 15/3/2020; + Các cơ sở hiện đang sử dụng làm khu cách ly tập trung và dự kiến số lượng người có khả năng thu dung vào cách ly tập trung; + Các cơ sở có thể trưng dụng làm khu cách ly tập trung và dự kiến khả năng số lượng người có thể cách ly tập trung tại các khu vực này. |
Những ngày qua, “miễn dịch cộng đồng” là một vấn đề được nhắc nhiều giữa lúc các quốc gia tích cực chống chọi với sự lây lan của COVID-19. Khái niệm đó có phù hợp với nước ta?
Theo nhà báo Robert Peston của ITV (Anh quốc), chính phủ muốn hạn chế tác động của COVID-19, cho phép vi-rút lan truyền toàn bộ dân cư để có khả năng miễn dịch cộng đồng, nhưng với tốc độ chậm để cứu những người phát triển triệu chứng nặng nhất, tránh gây quá tải cho hệ thống y tế.
Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern - giải thích các biện pháp “trì hoãn” dịch trước khi đưa ra quyết định cách ly bắt buộc 14 ngày với mọi du khách đến nước này
Trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh, chuyên gia Patrick Vallance, nói rằng cần khoảng 60% dân số Anh nhiễm COVID-19 (khoảng 40 triệu người) để đạt mục tiêu “miễn dịch cộng đồng”. Theo lý thuyết, đây có vẻ như là một chiến lược hợp lý, nhưng chính xác thì một quốc gia phải đánh đổi những gì?
Cơ thể chúng ta chống lại các bệnh truyền nhiễm thông qua phản ứng từ hệ thống miễn dịch. Khi hồi phục, cơ thể thường giữ lại “ký ức” miễn dịch về căn bệnh, cho phép chống lại căn bệnh tương tự trong tương lai. Đây là cách vắc-xin hoạt động, tạo ra bộ nhớ miễn dịch mà không cần phải mắc bệnh.
Đối với COVID-19 và các chủng vi-rút corona khác xuất hiện trong vòng 20 năm qua, thế giới không có vắc-xin ngăn ngừa. Nhưng nếu đủ người phát triển miễn dịch thì căn bệnh sẽ ngừng lan rộng, bởi lúc đó, những cá nhân chưa nhiễm sẽ được bảo vệ gián tiếp bởi những người đã bình phục xung quanh. Đây là khả năng miễn dịch cộng đồng và nó là một cách rất hiệu quả để bảo vệ toàn bộ dân số chống lại bệnh truyền nhiễm.
Nếu tính đến tỷ lệ tử vong trung bình của căn bệnh hiện là 2,3% và tỷ lệ bệnh nặng 19%, phương án có thể dẫn đến cái chết của hơn 1 triệu người với hơn 8 triệu ca nhiễm nặng cần được chăm sóc y tế tích cực.
Chiến lược trì hoãn khi kết hợp với giám sát và ngăn chặn, theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO), là phương án rất hiệu quả trong việc chống lại sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, nếu chỉ làm chậm sự lây lan của vi-rút dựa vào khả năng miễn dịch của cộng đồng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, hàng triệu người vẫn sẽ nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong cho phần dân số khỏe mạnh là khoảng 0,5% hoặc cao hơn. Điều này có nghĩa, ngay cả trong trường hợp tốt nhất là bảo vệ được nhóm già yếu, nước Anh vẫn phải hy sinh 236.000 người.
Ngược lại, bằng các biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa, cô lập và đóng băng hoạt động trên diện rộng, Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của COVID-19 mà không cần đến miễn dịch cộng đồng (chỉ 0,0056% dân số bị nhiễm bệnh). Đây cũng là phương án mà hầu như toàn bộ thế giới đều lựa chọn, bao gồm nước Ý sau hơn một tháng ban bố tình trạng khẩn cấp và thất bại trong giai đoạn “kiềm chế” và Mỹ - nơi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 13/3 khiến nhiều trường học, khu vui chơi đóng cửa, hạn chế xuất nhập cảnh và hủy bỏ nhiều sự kiện đông người.
Tại Việt Nam, ngày 11/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 - đã bác bỏ quan điểm về “miễn dịch cộng đồng”. Lý do là, hệ thống y tế sẽ không đủ chống chọi với số ca nhiễm tăng đột biến, cũng như “tam tứ đại đồng đường” là bản chất xã hội của nhóm nước Á Đông (khác với các nước phương Tây, khi cộng đồng người cao tuổi tập trung ở các viện dưỡng lão). Vì vậy, cách ly, phong tỏa, rửa tay, đeo khẩu trang và khai báo bệnh hiện là phương án duy nhất để chống dịch, nếu không muốn bỏ lại bất kỳ một ai ở phía sau.
________________
Quốc Ngọc, Tấn Vĩ
Ảnh: Shutterstock
Kỹ thuật: Ngô Tới