ứt tiếng đàn, anh buông tay nhìn tôi như cố nhấn nhá thêm một lần nữa nỗi nghẹn ức thay vì lời nói. 

- Anh nghe có khác không?

- Có.

- Đó, nhấn xuống thì khác, mà đánh thẳng tay thì khác, nhưng nó cứ vậy mà đánh tới chứ có thèm nhấn nhá chi mô.

- Có ai dạy không?

- Ai biết mà dạy, mà cần chi dạy, họ giỏi hết mà. 

Trách móc. Dỗi hờn. Không phải. Đó là tiếng cứa buốt lòng. “Anh thấy chưa, phải kẹp miệng loa giữa hai gối, cần đánh tiếng to thì nhả gối, còn nếu ép tiếng thì khép, lắc. Còn nữa, phải kẹp “con ngựa” (phần cuối của  đàn sau loa), kèm nó mới phát ra tiếng mình cần. Bây giờ anh ngó mà coi, họ kéo đờn đâu có kẹp như xưa mà cứ ngồi vắt chân chữ ngũ, bầu đàn để bên hông, tôi đảm bảo hai lối cầm đàn cho ra hai thanh khác nhau hoàn toàn”. Anh thị phạm lần nữa. Cái kiểu “văn minh” nhạt như nước hến, còn cái trướn mình lắc gối cổ xưa như tiếng nấc kín mà đau…

Trời không nóng mà gian phòng bức bối bởi những câu hỏi lúc gay gắt, lúc chua chát rồi tự trả lời của chủ nhân. Chiều sẩm tối. Căn nhà thấp, nằm sâu xuống dưới mặt đường chừng nửa mét ở đường Tăng Bạt Hổ, TP.Huế, mà theo anh là do người ta nâng đường, còn nhà mình xây sớm quá nên đành chịu, bóng tối như tụ hết vào. Tôi ngó quanh tường. Những bức ảnh, cái đã hoen ố, cái còn tươi màu ghi dấu những phách nhịp nối nhau. Bốn thế hệ rồi mà. Khi tôi bước vào nhà, nhìn bức ảnh một nhạc công già khăn áo kiểu cung đình đang chơi nhạc, sững lại, ngờ ngợ rồi buột miệng thì anh cười to: “Tôi là Lữ Hữu Ngọc, gọi ông là ông nội”.

Nhạc công Lữ Hữu Ngọc

Nhạc công Lữ Hữu Ngọc

Nhạc công Lữ Hữu Ngọc

“Ông” chính là nhạc công cự phách Lữ Hữu Thi của nhã nhạc cung đình triều Nguyễn, người hiếm hoi còn sót lại sau những vàng son một thuở. Năm 2003, khi nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO xướng danh “Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại”, thì cũng là lúc cụ Thi và vài bạn đồng tuế đồng nghề được mời vô “nội” (kinh thành), sống lại cái thuở nhã nhạc được xem là quốc nhạc. Bữa tôi tìm tới cụ Thi, thấy ông ngồi trên chiếc ghế phô tơi đã cũ nát, không nói một lời, mắt nhìn vô định.

Lần đó, chỉ có tôi hỏi han vài điều với người cháu nội. Phút hội ngộ ngắn ngủi mà như đi qua một giấc mơ dài, bởi tiếng vỡ rất khẽ của thời gian sắp chạm vào ông rồi. Khi Hàn Quốc tặng cho Huế dàn Biên chung, Biên khánh - một thứ khí nhạc trong dàn nhạc cụ của nhã nhạc, nay đã thất truyền - thì duy nhất cụ Thi được mời đến để thẩm âm, bởi một lẽ cụ có tham gia lễ tế Giao cuối cùng ở đàn Nam Giao để rồi sau đó triều Nguyễn chấm dứt vai trò lịch sử… Một thời gian ngắn sau, ông thành người thiên cổ.

Ông nội, cha của anh, rồi anh, em trai, con trai, con gái anh đều chơi nhã nhạc trong Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Anh là tay trống chính của ban nhạc, biểu diễn ca vũ, làm nhạc tuồng. Đi nước ngoài cũng vài lần, hân hạnh biểu diễn hai lần cho Nhật hoàng và hoàng hậu Nhật Bản khi họ sang Huế thăm thú… Nhưng mọi thứ trở nên như một nhịp buông trơ ra mà trĩu nặng. Anh nói rằng, cái nghệ sĩ cần là nghệ thuật lên tiếng với những phách, nhịp, quãng, khúc rơi đúng chỗ, miên man trong một chữ “đồng”, ngoài ra tiền tài, danh vọng đều vô nghĩa. Theo anh, hiện nhã nhạc cung đình phục vụ khách khoảng 50 người,  sáng - chiều 4 suất, trong đó tiểu nhạc có 10 người, đại nhạc 6 người.

“Vậy có bao nhiêu người đánh “cứng” tay?”. “Nếu đúng, không quá 15 người”. “Vì sao?”, “Thì học bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Mình đồng ý là bây giờ đào tạo nhã nhạc khó, ít người theo học, nhưng đã đánh nhã nhạc, giới thiệu với người ta là kiệt tác, thì phải đánh đàng hoàng. Đừng nghĩ người ta vào xem, nghe không biết, lỡ họ nghe được mình đánh bậy thì nói sao đây? Tôi là tay trống chính, mà phải kèm một đứa lẹt xẹt cho xong”. “Không lẽ học chuyên đánh nhạc mà “trật” à?”. Nụ cười chua chát hiện ra ngay. “Chỉ cần họ đánh cho ngay ngắn, chính xác cho tôi hai bản Điếu khách, Nam ai là mừng lắm rồi. Thưa với anh, không phải dễ mô. UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu, tức là thứ không sách vở, phải thị phạm từng chữ, nói từng tiếng rồi ghi vô, chứ không dạy kiểu trải tổng phổ doremifasol mà đánh, nghe như tiếng mèo kêu!”.

Để đánh cho ra “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời”, nào phải sớm chiều mà có được, mà nhất định phải “bốn dây rõ máu năm đầu ngón tay” (Kiều - Nguyễn Du), mất ăn mất ngủ, nhừ nát cả người chưa nên cơm cháo gì, có như thế tinh hoa mới hiện tồn. Như đọc được điều tôi nghĩ, anh nói như vừa băng qua nỗi nhớ những ân cần nghiêm khắc của ông nội: “Bây giờ họ học một tuần là xong một bài, chứ hồi đó, ông tôi dạy bài Long ngâm, hai năm ròng rã, mấy chữ Ồ, U, Y, Ý, Xang, ổng nói, tôi đánh, sai là sửa ngay, còn bị nạt nữa, cốt làm sao đánh cho chữ phải “chín”, nhấn, nhá, chứ không phải lỏng leo, vỗ về. Hồi đó tôi theo ông đi đám đi tế, ông bày từng nốt, từng chữ, ông đánh trống, tôi đánh mõ mà không ngó cái chân ông nhịp, đánh “non” một cái là dùi trống bay dính đầu liền”.

“Thế muốn rành cơ bản, phải học bao lâu?”. “Ít nhất 5 năm, dạy chữ nào học chữ nấy. Bây giờ ở nhạc viện, đưa ra tổng phổ, tôi đố biết chỗ nào nhấn chỗ nào không. Cứ thế tuồn tuột. Bài Dạo khách đàn nguyệt, nhiều người nhấn không nhấn, chẻ nhịp cũng không, cứ thẳng tay như xe bon bon trên đường cao tốc. Tôi nhắc lại với anh rằng, đây là truyền khẩu, không bày thì không biết, nhưng có lẽ vì thứ này đặc biệt, phải dân rành nghề mới phân biệt được, nên nhiều người làm qua loa đại khái…”. 

Trong không gian dịu ảo, huyền hoặc ấy, mỗi tiếng phách, nhịp cung thương là tiếng lòng của người nghệ nhân đã lỡ vương lấy một chữ “đồng”

Trong không gian dịu ảo, huyền hoặc ấy, mỗi tiếng phách, nhịp cung thương là tiếng lòng của người nghệ nhân đã lỡ vương lấy một chữ “đồng”

Trong không gian dịu ảo, huyền hoặc ấy, mỗi tiếng phách, nhịp cung thương là tiếng lòng của người nghệ nhân đã lỡ vương lấy một chữ “đồng”

Khói thuốc lá như phủ kín gương mặt mệt mỏi của người đàn ông vừa qua tuổi 50. Khi tôi hỏi rằng sao anh không nhắc nhở, bày vẽ cho anh em đi sau, anh lắc đầu rằng họ không thèm học, thậm chí còn chửi mình. “Con trai lớn tôi cũng chơi ở đó, nó mất năm ngoái, tôi nản, nên thôi anh à, tôi xin nghỉ nhưng họ chưa cho, thằng con kế tôi không cho chơi nhã nhạc nữa, đến ngang đời tôi là được rồi, dù cả nhà tôi, nội ngoại có tới 20 người chơi được”. Tôi cố gạn thêm, không nghĩ đây là lời chia tay.

Sẽ có ai đó e hèm, rằng “không có mợ thì chợ cũng đông”, ừ, chợ cứ đông, người cứ đến, nhưng hàng hóa có tươi, có ngon không, lại là chuyện khác, bởi vẫn thường nghe những tiếc nuối rằng, thế hệ vàng trong âm nhạc đã vắng rồi, biết bao giờ trở lại ngày xưa; rằng chợ đó ngày đó, có bà đó bán món đó ngon nhức răng, sau ni cũng có mà phiên phiến chứ không bằng. Tinh hoa là thứ trời cho, khiếu đã đành, nhưng phải khổ luyện, không thì làm sao có những tuyệt đỉnh công phu. Tôi không dám nói anh Ngọc tài như lứa ông nội anh, bởi chính anh khi tôi hỏi, thừa nhận rằng mình có luyện trời cũng không bằng, chỉ cần nghe tiếng kèn của mấy ông vừa điềm đạm vừa ai oán, bao nhiêu thứ tham giận trong lòng bị chôn vùi liền…

Dàn nhạc Nhã nhạc cung đình Huế biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế - ảnh: internet

Dàn nhạc Nhã nhạc cung đình Huế biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế - ảnh: internet

Dàn nhạc Nhã nhạc cung đình Huế biểu diễn tại Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế - ảnh: internet

Tôi vẫn tin rằng người nghệ sĩ đích thực là kẻ luôn bóc mình ra, không ngừng đào đến cuối cùng cái lõi của khao khát nguyên thủy làm nên những giá trị nghệ thuật chứ không phải là màu mè son phấn. Tôi đọc được trả lời của NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, nơi anh Ngọc đang làm việc, rằng nhà hát luôn tạo điều kiện cho anh em hoạt động, nâng cao chuyên môn, phát huy giá trị, nhưng anh Ngọc thì nói khác, rằng anh cũng như những ai đang đau đáu cho nhịp, phách không rụng rơi lạc lõng, mong phát huy chuyên môn cho tốt, hay hơn, chứ có phải làm mới, đẻ ra cái khác đâu. Chúng tôi cần lắm những người quản lý nghệ thuật hiểu anh em nghệ sĩ, hiểu nghệ thuật…

“Đánh nhạc là thứ không có bằng chứng, cả dàn nhạc tấu lên, biết ai hay dở, nên khi muốn chơi cho đã, anh em tụi tui rủ nhau về nhà ai đó, dứt khoát không cầm lộn đàn, mõ, không lộn xộn, ai sở trường nấy, đánh cho mê tơi…”.  Tôi nghe đến đây, nhớ những gánh hát lang thang, những ban nhạc du mục. Ở đó, chỉ có gió bụi nắng mưa, chất ngất thăng hoa, có nước mắt, niềm đau, nỗi hân hoan và tình nghệ sĩ. Bao giờ câu chuyện hành chính và sự tự do ở nghệ sĩ, nghệ thuật mới cùng một phách “hòa”?

Rồi nhớ, trong bút ký Mười ngày ở Huế của học giả Phạm Quỳnh, khi chứng kiến lễ tế Giao, ông không giấu được cảm xúc, rằng  “cảnh giao đàn ban đêm như cảnh trong mộng, đèn thắp sáng trong đàn thành từng dãy dọc, dãy ngang, trông xa như một chữ triện lớn viết bằng những nét chấm sáng mà treo lưng chừng trời. Tiếng đàn, tiếng sáo thì như nước chảy, suối reo, tiếng hát như tiếng thiên thần…”.

Lời anh như rụng rơi xuống mặt chiếc đàn. Trong nỗi chán chường ấy, tôi nghe thấu nỗi thiết tha của loài chim bay ngược gió muốn mang phấn hoa trao gửi trên cánh đồng mà mầm xanh trở nên ít ỏi. Làm sao cho mấy cung lưu luyến ấy như nước reo mạn thuyền… 

Mộc Miên
Chia sẻ bài viết: