Đêm cuối năm 2017, thả bộ dọc theo đại lộ Nguyễn Huệ, dưới hàng đèn bồ công anh dìu dịu, vui mắt, chị hỏi, đố em biết hàng này nhập từ đâu? Tôi lắc đầu. Chị cười cười: hàng Trung Quốc đó, cũng đẹp mà giá rất rẻ, tiết kiệm được cả mớ tiền, dành để chăm lo tết cho bà con nghèo.


Thế mà đâu giữa năm 2017, giữa những lùm xùm khiếu nại về vụ đấu thầu máy xạ trị gia tốc tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, trước áp lực truyền thông, ngay thời điểm tổ công tác của Bộ Y tế vào thành phố, phối hợp cùng UBND thành phố kiểm tra, xác minh vụ việc, chị vẫn cứ trước sau như một: hễ là máy móc, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân thì chất lượng phải tốt nhất, miễn cò kè, không dè xẻn. Đó là ý chí, là quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy. Tốt như thế nào thì phải dựa vào ý kiến của hội đồng chuyên gia, các bác sĩ uy tín hàng đầu, góp ý, phản biện, đánh giá công khai, minh bạch. Buổi làm việc với tổ công tác, người thuyết minh, bảo vệ máy không ai khác chính là giáo sư Nguyễn Chấn Hùng.

Cuối cùng, khiếu nại kia bất thành, kết quả đấu thầu được thông qua, hai hệ thống máy xạ trị gia tốc TrueBeam xuất xứ từ châu Âu ngay lập tức được Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đưa vào vận hành, phục vụ người dân đến khám chữa bệnh.

Một tháng sau, chị dẫn đầu đoàn đi thăm và chúc tết các cơ sở cai nghiện ma túy, tặng tiền và nhiều vật phẩm tết cho các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trực tết cũng như học viên cai nghiện. Ai nấy xúc động, phấn khởi. Nhiều học viên khoe, vô đây mới biết thế nào là ăn tết, lì xì tết đó cô. Chị cười, xoa đầu mấy đứa nhỏ. Tôi chợt nhớ hàng đèn bồ công anh đẹp mà rẻ của chị. Rồi nghĩ, có phải từ những ngày tháng lặn lội trong khu chợ Hòa Bình, lăn lộn với chị em tiểu thương quận 5, Chợ Lớn, sẵn bài học đầu đời, “bố chị dạy con cái trong nhà, muốn làm ăn sinh sống thì phải dựng nhà gần chợ”, cái tư duy đẹp mà rẻ, đắt giá mà chất lượng ấy luôn rạch ròi, mạch lạc và tất nhiên, phải hiệu quả trong chị. Để đến những dự án, chương trình có quy mô lớn, vẫn trên nền tảng tư duy ấy, chị nhanh chóng tính toán, đặt để, quyết định một cách cụ thể, thực tế, có lợi cho dân, có ích cho Nhà nước.

Thừa hưởng cái khéo tay của cô thợ may gốc Lai Vung lạc qua xứ Tây Đô ngày ấy, là má, chị học may và may đẹp. Thế là may miễn phí cho anh em quận đoàn. Thời cả nước thiếu ăn, vậy mà mỗi tháng, chị cùng anh em vận động tiểu thương, lo được cho mấy trẻ lang thang có bữa cơm thịt. Sau này, vẫn thế, chị như một “đại cái bang” đi xin của người giàu, người hảo tâm để san sẻ cho người nghèo, kém may mắn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các huyện ngoại thành… đâu đâu cũng níu áo chị. Hôm vào hè 2018, chúng tôi tổ chức bữa tiệc nhỏ cho 100 trẻ mồ côi, tôi ngửa tay, thế là chị cho ngay 50 triệu, cảm ơn không hết, chị cười, thì chị cũng đi xin của các anh chị khác cho mấy đứa nhỏ thôi em!

***

Chị đã không ngờ tới những triệu chứng đầu tiên - có thể là chỉ dấu của cái tế bào quái ác kia - khi cứ hay sốt giữa giờ làm việc hoặc cuối ngày.

Chị đã không hề nao núng, không một ý nghĩ buông xuôi trong cuộc chiến sinh tử những ngày qua. Quá lắm chỉ là cái nhíu mày, bật lên tiếng kêu rất khẽ, đau lắm, rồi thôi. Có khi giỡn, có lúc dặn dò, rồi cảm ơn, rồi biểu mọi người về nghỉ. Nhìn sự sống đang cạn dần nơi ánh mắt vẫn lóe lên chất cương nghị, cái khóe môi thỉnh thoảng nhếch một chút cười với ai đó, chị chẳng khác nào một Arthur “Ruồi Trâu” - mà sự ngạo nghễ không phải để thách thức, giành giật Chúa Trời của Đức Hồng y Montanelli - chị gan lì, thách đố cái chết đang tới; chị tận hưởng niềm vui ngay trong phút giây nằm xuống, mình sẽ mặc chiếc áo dài may để dành cho ngày khánh thành Đường hoa Nguyễn Huệ mà chưa kịp; chị ân cần chào hỏi mỗi người và tiếng tích tắc cuối cùng chị chọn rơi vào đúng 14g40, ngày 20/2/2019.

Trước cái chết cận kề, còn bình tĩnh, ngạo nghễ thách đố, thì những đúng - sai, được - mất đâu dễ gì cho Con Người ấy thỏa hiệp, khuất tất, đánh đổi. Chị đã sống trọn vẹn với những gì tốt đẹp nhất, hào hiệp nhất, ý nghĩa nhất với con đường mà chị chọn lựa, dấn thân.

Chiều nay, chị đã được về nhà sớm, được ăn một bữa cơm nóng trong cái nhìn ấm áp của má, của cô Ba, của hai thằng con trai chị đỡ đầu. Đêm nay, chị sẽ ngủ một giấc tròn, không đau đớn, không mộng mị. Rồi ngày kia, chị sẽ được về nằm cạnh cha, trong ngôi vườn rợp bóng cây xanh ở Lai Vung, Đồng Tháp. Nhưng, ai sẽ thay được Út để lấp đầy cái khoảng trống mà má đã chắt chiu, quen thuộc từ mấy chục năm nay? Ai sẽ thắp lên ngọn lửa nồng ấm, rộn ràng cho cả căn nhà 51? Nhưng... biết đâu trong phẩm chất di truyền ấy, sự mạnh mẽ, can trường của con là lọt lòng từ má. Người ở lại chắc sẽ tha thứ cho đứa con đã vội vã ra đi, người tóc trắng hẳn thể tất cho kẻ đầu xanh mà tiếp tục cuộc sum - vầy - đơn - độc…

Ái Mỹ
Ảnh: A.M, Dư Hải
Thiết kế: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: