á tôi cứ kể chuyện nầy hoài, coi bộ bà khoái: “Hồi nó còn nhỏ xíu, tui với ông chồng tui hay dẫn nó vô Sở thú chơi, cho nó coi con khỉ, con cọp, con voi, con cù lần… Sở thú thì ai ở Sài Gòn cũng biết. Chỗ đó mát mẻ đông người, ai làm cha mẹ hay ông nội, bà ngoại cũng hay dẫn mấy đứa con nít vô chạy chơi cho mát. Thằng Can nầy là con tui nên tui biết ý nó, nó coi vậy mà phá giàn trời, cho nên lúc nào vô đó tui cũng nắm chặt tay nó, thiếu điều muốn lấy sợi dây cột nó cho chắc. Sơ ý là nó chạy mất tiêu. Khổ ghê!

Vậy mà nó “duột” khỏi tay tôi hồi nào không biết. Tui với ba nó lòng vòng kiếm nó muốn chết. Tui thì khóc, còn ổng cứ la tôi hoài: “Con còn nhỏ mà không biết giữ, khóc khóc cái gì”. Kiếm cả ngày, gặp bà con cô bác nào, tụi tui tả chân tướng nó rồi hỏi: “Thấy cái thằng khỉ đó đâu không mấy chú mấy cô?”. Chiều tối, tui với ba nó từ Sở thú lội bộ ra tới cầu Thị Nghè hồi nào không hay. Gần sáng bét, tụi tui lang thang tới chân cầu Sài Gòn.

Ba nó hỏi ông gác cầu: “Ông ơi, ông có thấy thằng nhỏ nào cái mặt buồn buồn mà coi tức cười, đi lạc ra đây hông?”. Ông gác cầu cười cười nói: “A, ông là nhà ảo thuật Lê Văn Quý phải hông? Có có, một thằng nhỏ cái mặt, cái tướng… giống y như ông đi lạc tới đây”. Tui mừng muốn xỉu luôn. Rồi nghe nói tiếp: “Tôi giữ nó dưới kia, cho nó ăn cơm rồi, ông bà đi theo tôi xuống coi phải cái thằng buồn buồn nầy không?”.

Ông tui với tui đi theo xuống gầm cầu Sài Gòn. Thằng Can thấy tui với ổng, nó chạy ra: “Ba, ba!”. Ông gác cầu nhìn nhìn ông xã tui nói: “Ông đúng là nhà ảo thuật Lê Văn Quý rồi, tôi biết ông, ông giống nó quá. Vậy nó là con ông con bà”. Ba nó mừng húm, ổng cám ơn ông gác cầu, đi ra kêu chiếc xích lô máy chở tui với ổng và thằng Can về nhà ở đường Trần Bình Trọng bên cạnh nhà thờ Chợ Quán. Hú hồn! May mà tìm được nó”.

Có phải bây giờ đâu, hồi nhỏ xíu, tôi đã thích đi chơi lang thang rồi. Nhà thờ Chợ Quán là nơi có cái trường học mà ông nội tôi cho tôi vô học lớp Một. Lớn tướng rồi tôi mới được đi học, chỉ được ba năm. Ba tôi lại lập gánh hát ảo thuật lang thang khắp xứ, tôi đi theo làm hề vì má tôi nói: “Cái mặt thằng Can nầy nó buồn buồn mà nhìn lâu thấy… vui vui tức cười”. Đúng vậy, khi lớn lên cái mặt tôi cũng y chang không khác. Gánh hát của ba tôi là gánh Nghệ Tinh, ý nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Nhưng vinh đâu không thấy, ba tôi suốt đời rạt gáo, có cái nhà nào ổng bán cái nấy lấy vốn làm gánh hát. Thành ra tôi phải ở nhiều nơi khắp Sài Gòn. Nguyên quán tôi ở Bạc Liêu, sinh ra trên sông Tiền, Mỹ Tho, nhưng từ nhỏ lại sống ở Sài Gòn là chính, lập thân lập nghiệp nơi miền đất tử tế với nhiều tay giang hồ phiêu bạt. Sống ở đây từ nhỏ tới già, nhưng Sài Gòn quen thuộc với tôi vẫn là những hang cùng ngõ hẻm. Có thời gian tôi ngủ ở bến đò chợ Cầu Ông Lãnh với ông bạn làm ảo thuật bán kẹo kéo tên là Sạc-lô Minh Đức, một người bình dân tốt bụng. Do sống lang thang nên tôi biết ở chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối hoặc trong khu Dân Sinh, bên cạnh bót cảnh sát quận Nhì thường bị coi là “cứ điểm” của dân anh chị, nhưng đó là những con người chất phác, ai cũng ngay thẳng, thấy chuyện bất bình chẳng tha và vui tánh. Ngay cả “dân khó chơi” thường tụ tập cạnh rạp chiếu bóng Ca Thay nhưng tôi thấy họ tốt tính lắm.

Lang thang là niềm vui của tôi. Hằng đêm tôi với Sạc-lô Minh Đức chèo xuồng qua bên Khánh Hội lấy nước “phông ten” - chỗ nhà máy thuốc lá MIC. Sáng lại bán cho mấy người buôn cá, sống được. Mấy bà bán cá mang tiếng là hung dữ nhưng chỉ khi bị sốc thì mới như vậy, thiệt ra hung dữ chanh chua cũng hiếm khi. Quy là em gái của anh Đức, cũng bán cá nhưng nhỏ nhẹ hiền khô. Tôi không biết cô để ý thương cái thằng bụi đời cóc cắn như tôi. Tôi thường đổ nước “phông ten” cho Quy bán cá, rảnh rỗi tôi đi vào chợ, nơi sáng sớm xe tải từ lục tỉnh lên bỏ mối rau củ. Quy chỉ nghề cho tôi là đi “lụm” củ hành tím bị dạt, ngồi gọt mỏng để trong cái rổ, sáng bán cho các bà bếp hay những tiệm hủ tíu. Cũng dễ sống nếu chịu khó “lụm” củ hành thúi hay chèo xuồng qua sông hứng nước “phông ten”.

ánh tôi hay lang thang là một lẽ, ngộ nhứt là tôi tò mò muốn biết coi người mình, nhất là người nghèo làm sao sống, sống ra sao. Suốt đời tôi “lặn lội”, tò mò, nhờ đó mà về sau tôi bước qua công việc khác không ngờ, đó là làm quen với một anh nhà báo. Anh chàng ký giả kịch trường có bút hiệu Thanh Y Dạ Khách - tức người áo xanh đi đêm. Hút thuốc phà khói như xe lửa vô ga. Lúc tôi tạm biệt anh Sạc-lô Đức, Quy khóc sướt mướt vì tôi tò mò theo “thầy áo xanh” học nghề báo chí. Nhờ theo “thầy” tập tành viết lách, lần hồi tôi quen dần mặt chữ. Xuống hàng viết hoa, biết chấm phết, dấu hỏi, dấu ngã…

Khi đó do lang thang, lại có tướng mạo “không đàng hoàng” nên tôi thường bị cảnh sát hỏi thăm giấy tờ tùy thân. Phải ở tù vài ngày là vậy. Một hôm vô tình tôi ngồi chơi ở khu Phạm Ngũ Lão, nơi có nhiều nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san. Người phụ trách bán nguyệt san Thời Nay mời tôi viết một bài về ảo thuật, tôi liền viết truyện ngắn Ảo thuật trong tù, khá cảm động, nhờ kinh nghiệm bản thân. Đó cũng là truyện ngắn đầu tiên của tôi “ra mắt” làng văn Sài Gòn. Rồi tôi không viết gì thêm mà chuyển qua chụp hình, với cái máy ảnh Pentax cơ cũ mèm... Và vẫn theo nghề diễn ảo thuật hài trong các quán bar, tiệm cà phê, nhà hàng khiêu vũ, kiếm sống qua ngày.

Sài Gòn nuôi tôi và là nơi tôi sống được. Tôi không có nhà, chọn đường phố và các rạp chiếu bóng làm chốn nương thân. Sài Gòn bấy giờ có khá nhiều rạp chiếu bóng, nay thì không còn mấy. Nơi đó các đôi tình nhân rụt rè nắm tay nhau, hay gởi nụ hôn đầu đời. Rạp Đại Nam, rạp Vĩnh Lợi, rạp Lê Lợi chẳng hạn, là nơi “cư trú” của những trái tim một thời ngây thơ và nông nổi.

Tôi thường ngủ trưa ở đó sau khi đã dằn bụng một ổ bánh mì. Nhất là rạp Eden có máy lạnh, còn được xem phim thường trực mà tiền vé không bao nhiêu. Eden với tôi là vườn địa đàng. Truyện ngắn Quyên khoai tây chiên là nói về Quyên - mối tình đầu e ấp của tôi, và cô là người con gái dám rủ tôi đi xem phim ma đầu tiên ở Eden.

Có lẽ tới một lúc nào đó tôi sẽ quên mọi thứ, nhưng đường phố Sài Gòn với những cơn mưa nhẹ làm rơi những chiếc lá thì không bao giờ quên. Tôi có dịp chạy show ra nước ngoài, khi lang thang trên những con phố xứ lạ quê người, dù nó sang trọng tới đâu, nhưng nơi đó không phải của mình. Hàng cây, lòng lề đường, vỉa hè đẹp nhưng không có kỷ niệm gì như ở quê nhà. Lúc đó, tim tôi nhói đau và vội vã trở về. Sau bao nhiêu năm cố gắng theo nghề biểu diễn, đóng phim, viết kịch, tập tành viết lách; giờ thì, dù tôi không dám tự nhận là nghệ sĩ hay nhà văn, nhưng Sài Gòn vốn hào phóng, rộng lượng, đã trao tặng cho tôi các điều thiêng liêng đó.

Từ một thằng nhỏ trôi sông lạc chợ khi còn trẻ, bây giờ tôi là ông già cô độc vui tánh. Vui hơn vì tôi trở thành một người biết sống có ích. Cám ơn Sài Gòn và mọi người, dù trẻ tuổi hay cố cựu vẫn bộc trực, thẳng tánh, hiền lành, vui vẻ, dễ thương. Dù có đi khắp bốn phương trời, biết nhiều thành phố khác lộng lẫy hơn nhưng vẫn nhớ Sài Gòn. Trong tâm can tôi, Sài Gòn vẫn là nơi đáng sống nhất trên đời như tôi đang vui sống.

Mạc Can
Ngô Tới
Phùng Huy, Brian Brickham
Chia sẻ bài viết: