Ngồi trong căn nhà gỗ, bên ngoài lác đác mưa, anh Tư Phương ngân nga mấy câu hát nao lòng: “Mùa nước lên, con sóng dâng đầy/ Anh Sáu giăng câu cá linh bầy theo lưới.../ Canh chua đồng ngoại nấu, mà thơm ngọt dòng phù sa”. Chưa dứt câu ca, anh Tư đã buông tiếng thở dài. Hết tháng Bảy âm lịch rồi mà nước sông chưa dâng đầy nên đâu có cá linh theo lưới. Năm nay, đất Chín Rồng đang xác xơ chờ mùa nước nổi.

Cuối tháng 8/2019, theo lời hẹn, chúng tôi về miền Tây Nam bộ tìm gặp anh Bùi Văn Sơn ở xã Hòa Lạc, H.Phú Tân, tỉnh An Giang - để được anh chiêu đãi các sản vật mùa nước nổi. Thế nhưng, vừa gặp chúng tôi, anh Sơn buông tiếng thở dài: “Tui thất hứa với mấy anh rồi, mùa nước nổi chưa về, tìm đỏ mắt không ra con cá linh”. Như để thanh minh, anh Sơn kéo tủ lấy ra gần chục tay lưới được gói trong mấy bao bóng. Hơn một năm rồi, nước lũ chưa về nên lưới vẫn còn nằm im trong hộc tủ.

Đã cuối tháng 8 nhưng lũ vẫn chưa về, nhiều cánh đồng ở miền Tây vẫn còn cạn khô

Đã cuối tháng 8 nhưng lũ vẫn chưa về, nhiều cánh đồng ở miền Tây vẫn còn cạn khô

Mùa nước nổi năm ngoái, với chục tay lưới, mỗi ngày, anh Sơn kiếm được gần 1 triệu đồng. Người ta nói, tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ, nhưng năm nay đã hết tháng Bảy từ lâu rồi mà cánh đồng Hòa Lạc vẫn khô queo, những người kiếm sống thời vụ vào mùa nước nổi như anh Sơn đành thất nghiệp. “Cỡ tuổi như tui trở xuống, người ta bỏ đi Bình Dương hết rồi. Tui kẹt mấy đứa nhỏ nên mới ráng ở lại, thời tiết bây giờ ngộ quá” - anh Sơn than.

Cả đời bám trụ ở đất Phú Tân, gần sông Tiền lẫn sông Hậu, ông Ba Chúng (ở xã Hòa Lạc) đã quá quen với mùa nước nổi. Thế nhưng, gần chục năm nay, con nước thất thường, những người giàu kinh nghiệm sông nước như ông cũng không thể nào đoán nổi. Nhắc đến sản vật mùa nước nổi, ông Ba Chúng lắc đầu chua chát: “Còn đâu nữa mà gọi là sản vật”. 

Những năm gần đây, sản vật mùa nước nổi mỗi năm một ít đi, người dân không đủ sống. Nghề truyền đời như đi bỏ lẳng (một loại bẫy để bắt cá) cũng bỗng dưng biến mất trên đất Phú Tân. Mấy năm trước, người ta nghỉ mùa lúa, đi làm cá là đủ sống; còn bây giờ, nghỉ mùa lúa thì chỉ còn đường đi Bình Dương. Người dân miền Tây bị thất nghiệp ngay trên mảnh đất được mệnh danh là vùng trù phú nhất cả nước. Chỉ cần nghĩ đến điều đó, những lão nông như ông Ba Chúng đã rưng rưng.

Lũ không về nên cuộc sống của nhiều gia đình ở miền Tây cũng kiệt quệ theo.

Lũ không về nên cuộc sống của nhiều gia đình ở miền Tây cũng kiệt quệ theo.

Ngược về H.An Phú, chúng tôi tìm đến nhà anh Tư Phương ở xã Vĩnh Hội Đông. Ngồi trong căn nhà gỗ, bên ngoài lác đác mưa, anh Tư Phương ngân nga mấy câu nhạc buồn: “Mùa nước lên, con sông dâng đầy/ Anh Sáu giăng câu cá linh bầy theo lưới.../ Canh chua đồng ngoại nấu, mà thơm ngọt dòng phù sa”. Chưa dứt câu ca, anh Tư Phương đã buông tiếng thở dài. Không thở dài sao được khi tháng Chín dương lịch rồi mà mấy trăm cái lọp bắt cá chạch của anh vẫn nằm chỏng chơ sau mái hiên. Nước lũ không về, đám lọp trở nên vô dụng.

Cuối tháng Bảy năm ngoái, khi chúng tôi đến, cánh đồng Vĩnh Hội Đông trắng một màu nước, nông dân phải thu hoạch vội hoa màu để chạy lũ. Còn bây giờ, cánh đồng vẫn trơ trọi với màu xanh cỏ dại. Từ lâu rồi, cuộc sống của những nông dân như anh Phương phụ thuộc rất lớn vào con nước, lũ về thì tất tả thu hoạch chạy lũ nhưng không có lũ thì... đói.

Qua vùng Tân Châu (tỉnh An Giang) hay Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), chúng tôi gặp hàng trăm nhà dân đang “treo lưới chờ thời”. Nhiều người chờ không nổi, đã bán rẻ ngư cụ, đi xứ khác làm ăn. Anh Nguyễn Hoàng Anh - quê ở H.Hồng Ngự - cho biết, mọi năm, 3 tháng nước nổi có thể nuôi sống gia đình anh cả năm vì mỗi ký cá linh cũng bán được 250.000-300.000 đồng. Gồng mình hai tháng nay chờ lũ, cả nhà anh “xất bất xang bang”.

“Cả đời gắn bó với sông nước, tui chưa bao giờ nghĩ đến cảnh mình phải lên thành phố kiếm việc khác mưu sinh. Nhưng giờ nước lũ không về, tui không biết lấy gì sống, thôi đành đi tìm việc khác vậy” - anh Hoàng Anh buồn rầu.

Trong những ngày người dân miền Tây mỏi mòn chờ mùa nước nổi, tôi đến chợ Lê Hồng Phong tìm gặp chị Mai - chủ tiệm Tư Xê chuyên bán đặc sản Biển Hồ - để hỏi xem nguồn cá từ Campuchia ra sao. Mọi năm, cứ vào khoảng tháng Bảy, tiệm Tư Xê bắt đầu mang sản vật của sông nước Biển Hồ về Sài Gòn. Đó là những con khô cá trèn, cá leo và cá tra... treo lủng lẳng, nhìn rất bắt mắt. Năm nay, cảm giác như những món cá khô đặc sản ở sạp Tư Xê giảm đáng kể. 

Cảm nhận được tâm trạng của tôi, chị Mai nói ngay: “Chưa có đặc sản mùa nước nổi”. Theo chị Mai, do cá ở Biển Hồ ngày một ít nên nguồn cung về cho sạp của chị cũng giảm đáng kể. “Năm nay, nghe đâu Biển Hồ đang thiếu nước, các loại cá đặc sản mùa lũ cũng rất hiếm, không có hàng để bán” - chị Mai bộc bạch. Thông tin chị Mai cung cấp cũng trùng khớp với thông tin chúng tôi tiếp nhận được từ một số nhà khoa học chuyên theo dõi tình hình lũ trên dòng Mê Kông. Giữa tháng 7/2019, Biển Hồ vẫn trong tình trạng “trơ đáy” nên lượng cá đánh bắt được rất ít.

Về H.An Phú, tỉnh An Giang cuối tháng Tám, chúng tôi tìm đỏ mắt vẫn không thấy chợ cá Kinh Ruột ở cánh đồng Phú Hội. Năm ngoái, khi ghé ngang khu chợ này, chúng tôi choáng ngợp bởi hình ảnh ghe xuồng chở theo cá linh, cua đồng, rắn bông súng, cá sặc, cá rô, mua bán tấp nập. Năm nay, ở ngã tư sông Kinh Ruột, không có đặc sản mùa nước nổi, cũng chẳng có ghe thuyền.

Không có mùa nước nổi, nhiều thanh niên ở miền Tây Nam bộ bỏ quê lên Sài Gòn, Bình Dương kiếm việc làm, phần lớn người ở lại là người già và trẻ em

Không có mùa nước nổi, nhiều thanh niên ở miền Tây Nam bộ bỏ quê lên Sài Gòn, Bình Dương kiếm việc làm, phần lớn người ở lại là người già và trẻ em

Cảm nhận được tâm trạng của tôi, chị Mai nói ngay: “Chưa có đặc sản mùa nước nổi”. Theo chị Mai, do cá ở Biển Hồ ngày một ít nên nguồn cung về cho sạp của chị cũng giảm đáng kể. “Năm nay, nghe đâu Biển Hồ đang thiếu nước, các loại cá đặc sản mùa lũ cũng rất hiếm, không có hàng để bán” - chị Mai bộc bạch. Thông tin chị Mai cung cấp cũng trùng khớp với thông tin chúng tôi tiếp nhận được từ một số nhà khoa học chuyên theo dõi tình hình lũ trên dòng Mê Kông. Giữa tháng 7/2019, Biển Hồ vẫn trong tình trạng “trơ đáy” nên lượng cá đánh bắt được rất ít.

Về H.An Phú, tỉnh An Giang cuối tháng Tám, chúng tôi tìm đỏ mắt vẫn không thấy chợ cá Kinh Ruột ở cánh đồng Phú Hội. Năm ngoái, khi ghé ngang khu chợ này, chúng tôi choáng ngợp bởi hình ảnh ghe xuồng chở theo cá linh, cua đồng, rắn bông súng, cá sặc, cá rô, mua bán tấp nập. Năm nay, ở ngã tư sông Kinh Ruột, không có đặc sản mùa nước nổi, cũng chẳng có ghe thuyền.

Ông Lê Văn Hên - ở H.An Phú - cho biết, chợ cá Kinh Ruột đã có từ mấy chục năm qua; năm nay, nước nổi không về, chợ cá “biến mất”. Vắng chợ, những người cao niên như ông bỗng thấy buồn. Chợ cá Kinh Ruột không chỉ là điểm mưu sinh mà còn là nét văn hóa mùa nước nổi của người dân An Giang. Một thực tế mà những người như ông Hên giật mình nhận ra là, mùa nước nổi đang biến mất ở miền Tây. Ông luôn tự hỏi, nếu đất Chín Rồng không còn mùa nước nổi, những người cả đời bám trụ sông nước như ông có sống nổi không?

Nước lũ không về, dân Đồng Tháp Mười buồn nẫu ruột. Năm nay, chị Tư Kim - ở H.Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có mấy chục năm làm nghề thu mua đặc sản mùa nước nổi - gần như thất nghiệp. Mọi năm, vào mùa nước nổi, mỗi ngày chị đều có một chuyến xe chở đặc sản về bán cho người Sài Gòn. Còn bây giờ, cá cũng chỉ là cá nuôi, rau là rau trồng, không còn những đồ “rặt đồng” mà người Sài Gòn ưa thích, chị Tư Kim cũng bỏ nghề.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề “săn” đặc sản nước nổi, chị Tư Kim nhận ra, có một miền Tây đang rất khác. Ở đó, con nước không còn dâng lên cánh đồng, không còn những chiếc ghe chở đầy đặc sản. Những người “thợ săn” mùa nước nổi bây giờ đang là công nhân trong những nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Những phiên chợ mùa nước nổi năm nào, giờ chỉ còn trong câu hát... 

Sông cạn kiệt phù sa, mùa màng thất bát, cát sỏi bị khai thác quá mức dẫn đến sạt lở triền miên khiến cuộc sống của người dân miền Tây vốn sống dựa vào sông nước ngày càng bấp bênh, vô định.

Từ 3g sáng, bà Tho - 45 tuổi, ở xã Bình Phú, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - đã lục tục chuẩn bị đi làm. Bà dậy sớm không phải vì việc đồng áng mà để di chuyển một quãng đường gần 200km tới Sài Gòn làm công nhân. Ngày nào, bà Tho cũng rời nhà từ tờ mờ sáng, theo xe đưa rước công nhân lên khu công nghiệp PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TP.HCM) làm việc rồi trở về nhà khi đêm đã gần khuya. 

Từ năm 2016, khi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hứng chịu đợt khô hạn kéo dài kỷ lục, bà Tho quyết định từ bỏ nghề nông, chuyển sang làm công nhân cho một công ty giày da ở khu công nghiệp PouYuen Việt Nam.

“Thiếu nước ngọt, lúa trồng năng suất không cao nên người ta thuê nhân công cũng rất rẻ, ngày làm thuê chỉ được cỡ năm chục ngàn nên tui thấy đi làm công nhân tốt hơn. Sáng đi sớm, tối về muộn, tuy vất vả nhưng lương gần 6 triệu đồng/tháng, kể ra cũng đáng” - bà Tho bộc bạch.  

Bà Tho không phải là trường hợp cá biệt. Những năm gần đây, tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, rất nhiều người dân từ bỏ việc đồng áng để đến TP.HCM, Bình Dương tìm kiếm việc làm. Chỉ tính riêng khu công nghiệp PouYuen Việt Nam, mỗi ngày, có hàng ngàn người miền Tây theo xe đưa rước vào đây làm việc. Đa phần họ làm gia công cho các công ty như may mặc, giày da với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 5-6 triệu đồng. 

Tình trạng sạt lở gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long khiến cuộc sống của người dân vốn đã khốn khó càng thêm lao đao Tình trạng sạt lở gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long khiến cuộc sống của người dân vốn đã khốn khó càng thêm lao đao

Dù thu nhập có tăng nhưng những người dân bỏ quê lên phố làm công nhân vẫn cảm thấy cuộc sống rất bấp bênh. “Lên Sài Gòn làm công nhân, chấp nhận khổ cực, không chăm sóc được con cái nhưng lương tháng mấy triệu đồng cũng chỉ đủ chi tiêu qua ngày. Tui làm công nhân hơn 4 năm rồi vẫn chưa dành dụm được gì. Không biết mai mốt, khi sức khỏe yếu đi, người ta không thuê làm công nhân nữa thì mình sẽ làm gì” - một phụ nữ lớn tuổi quê ở Tiền Giang, đi cùng chuyến xe chở bà Tho lên khu công nghiệp PouYuen Việt Nam làm việc, bày tỏ sự lo lắng.

Theo Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8, khu vực hạ nguồn sông Mê Kông - thực tế chỉ còn cao hơn mực nước biển trung bình 0,8m, chênh lệch gần 2m so với các dữ liệu vệ tinh thường được nêu ra, vốn không chính xác khi ước lượng cao độ thẳng của các khu vực trũng (2,6m).

Với tốc độ chìm như trên, trong 57 năm tới nước biển sẽ “xóa” khoảng cách 0,8m này, đồng nghĩa số người dân chịu ảnh hưởng bởi nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó.

ĐBSCL được hình thành từ lớp phù sa mềm tích tụ qua hàng ngàn năm, dễ nén và dễ chìm. Tình trạng sụt lún có thể diễn ra nhanh hơn khi các con đập trên thượng nguồn chặn dòng phù sa, hoặc khi nước ngầm, khí đốt... bị rút khỏi lòng đất.

Việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường sá... cũng làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất, khiến các túi nước nâng đỡ vùng đất không kịp phục hồi.
Tất cả yếu tố trên là những gì đã và đang diễn ra ở ĐBSCL trong vài chục năm qua…

Cũng bỏ quê lên phố vì không sống nổi với nghề nông, dù đang làm cho công ty may mặc có thương hiệu lớn ở TP.HCM, anh Hùng cảm thấy chưa có tương lai: “Mình quê Đồng Tháp, nhà gần khu bảo tồn Tràm Chim Tam Nông. Lúc trước, mình sống bằng nghề đánh bắt cá. Do cá, tôm ngày càng ít nên thu nhập không đủ sống, phải lên Sài Gòn làm công nhân. Trước đây nếu tăng ca liên tục, thu nhập mỗi tháng cũng được gần 10 triệu đồng. Hai năm nay, tiền lương giảm đáng kể, tháng nào cũng tăng ca mà thu nhập chỉ chừng 6-7 triệu đồng. Có lúc, mình cũng muốn về lại quê hương nhưng bây giờ về dưới cũng không biết mần chi. Như mọi năm, giờ này nước lũ đã về, cá, tôm nhà mình đã gửi lên đầy nhóc, nhưng năm nay, đã qua tháng Chín rồi mà nghe nói nước vẫn chưa lên”.

Trong khi cuộc sống của người nông dân vùng đất Chín Rồng ngày càng bấp bênh do chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng như việc xây đập thủy điện chặn dòng trên thượng nguồn sông Mê Kông, những nơi ít chịu tác động nhất, cuộc sống của người dân cũng rơi vào cảnh lao đao. Đó là những vùng trồng mía, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đường. 

Trên lý thuyết, khi khô hạn kéo dài, đất đai thiếu nước thì việc trồng mía là phù hợp (vì mía chịu hạn tốt), nhưng vào những ngày cuối tháng 8/2019, tại vùng trồng mía nguyên liệu gần nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ) ở H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nhiều nông dân ở đây cũng thở dài thườn thượt.

Những dòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt cá, tôm khiến cuộc sống của những người dân sống dựa vào sông nước cũng bấp bênh theo

Những dòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng cạn kiệt cá, tôm khiến cuộc sống của những người dân sống dựa vào sông nước cũng bấp bênh theo

Ông Nguyễn Văn Lắm - người trồng mía có tiếng ở xã Tân Phước Hưng, H.Phụng Hiệp - nói với chúng tôi với vẻ não nùng: “Còn mấy ngày nữa là thu hoạch mía được rồi nhưng chán quá nên tui chưa chuẩn bị gì. Năm nay, giá thu mua thấp quá nên lại lỗ nữa. Tui trồng tới 2 héc-ta mà lỗ hoài nên chẳng muốn trồng mía nữa. Nếu nhà máy không nâng giá thu mua lên, chắc tui phải tính đường khác”.

Cũng từng là người trồng mía nổi tiếng ở thị trấn Búng Tàu, H.Phụng Hiệp nhưng ông Lê Văn Dậu đã giảm diện tích trồng mía: “Giá mía nhà máy thu mua thấp nên tính ra không có lời. Trồng mía lỗ miết nên mấy năm nay, tui chuyển dần sang trồng tràm. Cây tràm cũng bấp bênh lắm, nên không biết có thắng hay không” - ông Dậu tâm tư.

Ông Hồ Thanh Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật, Nhà máy đường Phụng Hiệp - cho biết, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ có hai nhà máy đường (Phụng Hiệp và Vị Thanh). Năm nay, do vùng trồng mía nguyên liệu của công ty giảm đáng kể nên một nhà máy phải tạm dừng hoạt động vì không có nguyên liệu. Về việc người trồng mía phản ánh giá thu mua thấp, ông Hòa giải thích: “Công ty cũng muốn nâng giá thu mua lên để khuyến khích người dân trồng mía, nhưng do đường bán ra thị trường không có lời nên giá mua cũng ảnh hưởng theo”.

Nhiều lần theo ghe ngược dòng sông Tiền, sông Hậu, qua các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, chúng tôi nhận thấy, số người đánh bắt cá trên sông ngày càng ít, trong khi các phương tiện khai thác cát lại nhiều vô kể. Dọc bờ sông, hầu như chỗ nào cũng thấy cảnh sạt lở, nhất là những đoạn có dự án nạo vét luồng sông, tận thu cát với số lượng lớn.

Đứng trên bờ chỉ ra phía mặt sông cách xa cả trăm thước, ông Thắm - nhà gần khúc sông bị sạt lở dữ dội thuộc xã Long Thuận, H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - chau mày: “Lúc trước, nhà tui xây ở tận ngoài đó, giờ sạt tới trong này rồi. Sông sạt lở miết mà họ cứ cho xáng cạp nạo vét lấy cát cả ngày lẫn đêm thì sao không sạt cho được”. Cả xã Long Thuận chỉ có khoảng 5.000 hộ dân nhưng trong mấy năm qua, tình trạng sạt lở xảy ra liên tiếp khiến hơn 1.000 hộ dân ven sông phải di dời đi nơi khác.

Dù được cho là ít chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, cuộc sống của người dân trồng mía cũng bấp bênh - Ảnh: HOÀNG NHIÊN

Dù được cho là ít chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, cuộc sống của người dân trồng mía cũng bấp bênh - Ảnh: HOÀNG NHIÊN

Từng tham gia nghiên cứu về tác động của BĐKH đến khu vực hạ nguồn sông Mê Kông, ông Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH, thuộc Trường đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, những tác động của BĐKH đến ĐBSCL đang ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân.

“Theo tác động mang tính dây chuyền, khi nước trên thượng nguồn sông Mê Kông về ít, tình trạng xâm nhập mặn sẽ tăng lên. Người trồng lúa ở miền Tây sẽ phải tìm cách thích nghi như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hoặc trồng những giống lúa có khả năng thích nghi với hạn mặn. Nếu không thích nghi được, họ buộc phải đi nơi khác tìm kế mưu sinh” - ông Phi phân tích.

Theo ông Phi, người dân ĐBSCL chủ yếu sống bằng nghề nông và phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sông nước. Do đó, khi sông cạn kiệt phù sa và tình trạng nhiễm mặn gia tăng, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

“Lâu nay, ĐBSCL được biết đến là vùng đất trù phú. Do được thiên nhiên ưu đãi nên người dân có cuộc sống dư giả, phóng khoáng. Nhưng qua các đợt khảo sát thực tế và so sánh các số liệu thống kê, chúng tôi nhận thấy, mức sống của người dân ở ĐBSCL rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2015, khi khảo sát 3.000 hộ dân ở khu vực bị ảnh hưởng của BĐKH ở tỉnh Bến Tre, chúng tôi ghi nhận, có đến 70%  hộ dân đang mắc nợ” - ông Phi chia sẻ thêm. 

Chưa có số liệu đầy đủ về di dân 

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng di dân ở ĐBSCL, nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu về tác động của BĐKH đến khu vực này cho rằng, do ảnh hưởng của các đập thủy điện dày đặc trên thượng nguồn sông Mê Kông, đặc biệt là của Trung Quốc, nên ĐBSCL bị khô hạn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp, nhất là đối với nghề trồng lúa. Vì vậy, di dân cũng tăng lên đáng kể. “Vài năm gần đây, nhìn tình trạng kẹt xe trên trục Quốc lộ 1A vào các đợt nghỉ lễ, dễ nhận thấy lượng người dân ở miền Tây đến TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương làm việc tăng như thế nào” - một chuyên gia dẫn chứng. 

Dù vậy, hiện chưa thấy đơn vị nào công bố số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về tình trạng di dân ở miền Tây, giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Từng tham gia nghiên cứu nhiều đề tài về tác động của BĐKH đến khu vực ĐBSCL, ông Hồ Long Phi cho biết, việc tìm kiếm số liệu thống kê về tình trạng di dân rất khó vì không có dữ liệu chính xác: “Rất khó thống kê về tình trạng di dân trên diện rộng vì quy mô quá lớn. Hy vọng qua đợt điều tra dân số toàn quốc năm 2019, Tổng cục Thống kê Việt Nam sẽ có đủ tư liệu để phân tích, đánh giá về tình trạng di dân ở ĐBSCL”.

 

Ở thượng nguồn, nước về ít; ở hạ nguồn, nước biển lại dâng lên khiến đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị nhốt chết trong những nguồn xả thải ô nhiễm.

“Mùa khô năm nay, có thời điểm nắng nóng đến mức sinh viên của tôi bỏ trứng gà vào thau cát mang ra đường phố Cần Thơ để một lúc, trứng chín luôn. Tình trạng vòi rồng xuất hiện ven biển cũng ngày càng nhiều” - phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) thuộc Trường đại học Cần Thơ, đưa ra những dẫn chứng cho thấy tác động của BĐKH đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng rõ rệt.

Nhiều năm nghiên cứu về tác động của BĐKH đến khu vực ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, tình trạng khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng rất lớn đến khu vực này. “Dù vậy, đến nay vẫn còn có những quan điểm không đồng nhất về ứng phó và thích ứng với ĐBKH. Như về tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn, có những khu vực, các nhà khoa học đã nghiên cứu rất kỹ và chỉ ra rằng không nên xây dựng những công trình kiên cố để ngăn mặn vì sẽ gây ra hậu quả nặng nề, nhưng không hiểu sao, các dự án đó vẫn được triển khai” - ông Tuấn bày tỏ. 

Nhiều nguồn xả thải ở đồng bằng sông Cửu Long chưa được kiểm soát, gây nguy cơ ô nhiễm trên diện rộng - Ảnh: Trung Thanh

Nhiều nguồn xả thải ở đồng bằng sông Cửu Long chưa được kiểm soát, gây nguy cơ ô nhiễm trên diện rộng - Ảnh: Trung Thanh

Thêm một vấn đề khác mà vị PGS-TS này lo ngại, đó là việc phát triển năng lượng sạch - năng lượng tái tạo ở ĐBSCL quá ít, trong khi các nhà máy nhiệt điện than lại mọc lên quá nhiều.

Từng được xem là một trong những công trình tái tạo năng lượng sạch điển hình ở ĐBSCL nhưng hiện nay, nhà máy sản xuất đường kết hợp với đốt bã mía phát điện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) lại hoạt động trong tình trạng bấp bênh. Tiếp xúc với chúng tôi vào cuối tháng 8/2019, ông Hồ Thanh Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ - cho biết - hiện nhà máy đang hoạt động cầm chừng do nguyên liệu không đảm bảo. Theo ông Hòa, nhiều năm qua, việc tận dụng bã mía thải để đốt phát điện giúp nhà máy tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng/năm. 

Trong lúc nhà máy điện sạch ở thượng nguồn sông Hậu đang hoạt động phập phù, ở hạ lưu, các nhà máy nhiệt than lại mọc lên như nấm. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, dọc dòng sông Hậu, từ Cần Thơ đến Trà Vinh, chỉ khoảng 80km đường sông nhưng có gần 10 nhà máy nhiệt điện than. “Ngoài các nhà máy dọc theo sông Hậu, ở ĐBSCL, còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng tại Long An, Bạc Liêu và Cà Mau. Theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có đến 14 nhà máy nhiệt điện than. Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, ĐBSCL sẽ là nơi có mật độ nhà máy nhiệt điện dày đặc” - PGS-TS Lê Anh Tuấn bày tỏ lo ngại. 

Nhà máy nhiệt điện than quá nhiều ở ĐBSCL đang gây lo ngại về ô nhiễm không khí lẫn tác hại đến hệ sinh thái – môi trường sông nước

Nhà máy nhiệt điện than quá nhiều ở ĐBSCL đang gây lo ngại về ô nhiễm không khí lẫn tác hại đến hệ sinh thái – môi trường sông nước

Trên thực tế, tại cụm nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), từ đầu năm 2016, khi các nhà máy bắt đầu vận hành thử nghiệm, người dân sống xung quanh đã không chịu thấu cảnh khói bụi mù trời. Nằm cách xa nhà máy nhiệt điện hàng cây số, nhưng đồng muối Cồn Cù (xã Đông Hải, H.Duyên Hải) cũng bị nhuộm bụi đen. Hơn 100 hộ dân ở đồng muối nổi tiếng này đã khiếu nại về tình trạng muối bị nhuộm đen nhưng chẳng có đơn vị nào đứng ra bồi thường.

Trong nhiều lần trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Sinh - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng Tạo Xanh (GreenID, thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) - cho rằng, quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than vùng ĐBSCL quá dày đặc, trong khi đây là công nghệ có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngưng sử dụng loại nhiên liệu này. “Hầu hết nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam dùng than làm nguyên liệu đốt nên nguy cơ ô nhiễm từ xỉ than rất cao. Cụ thể, xỉ chiếm khoảng 1/3 khối lượng than, nên một nhà máy sử dụng 4 triệu tấn than/năm thì phát sinh khoảng 1,3 triệu tấn xỉ/năm. ĐBSCL là vùng trũng thấp, không thể xây dựng các bãi chứa xỉ cao, nên các bãi chứa xỉ sẽ chiếm diện tích đất lớn. Để đáp ứng yêu cầu này, phải thu hồi đất nhiều và người dân địa phương sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề” - ông Sinh phân tích.

Người dân đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với cuộc sống bấp bênh, khắc nghiệt Người dân đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với cuộc sống bấp bênh, khắc nghiệt

Một vấn nạn khác từ các nhà máy nhiệt điện than là, lượng nước khổng lồ từ các nhà máy này thải ra sẽ làm cho hệ sinh thái xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Do các nhà máy nhiệt điện than thường sử dụng một lượng nước lớn để làm mát máy nên khi lượng nước giải nhiệt khổng lồ này thải ra môi trường, sẽ gây tác động khôn lường đến hệ sinh thái.

Cụ thể, nhiệt độ từ nước thải của các nhà máy nhiệt điện có khi lên đến 400C; khi ra môi trường, nhiệt độ có thể giảm nhưng vẫn làm các loại thủy sinh, cá, tôm xung quanh khó sinh sống được. Ví dụ, một cụm nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200MW sẽ sử dụng khoảng 4,7 triệu m3/nước ngày đêm và 95% lượng nước này được dùng làm mát máy. Với lượng nước thải ra lớn như vậy, mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn” - một chuyên gia về lĩnh vực nhiệt điện than giải thích.

Mối lo ô nhiễm trên diện rộng từ nhiều nguồn xả thải ra sông ở ĐBSCL đã bắt đầu hiển hiện khi mới đây, một đoạn sông rộng lớn và dài hàng cây số ở tỉnh Hậu Giang bất ngờ chuyển sang màu đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đó là sông Cái Lớn, đoạn chảy qua địa bàn H.Long Mỹ và thị xã Long Mỹ. Tình trạng ô nhiễm chưa từng thấy và kéo dài gần cả tháng 4/2019 trên đoạn sông này khiến các loài thủy hải sản của người dân nuôi ven sông chết sạch. Nguồn nước sông ô nhiễm nghiêm trọng cũng làm cho nhà máy nước thị xã Long Mỹ dừng lấy nước sông Cái Lớn, chuyển sang khai thác nước ngầm. 

Người dân ĐBSCL đang đối mặt với cuộc sống bấp bênh, khắc nghiệt

Người dân ĐBSCL đang đối mặt với cuộc sống bấp bênh, khắc nghiệt

Theo xác định của cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, đoạn sông Cái Lớn bị ô nhiễm do tiếp nhận nguồn xả thải từ nhà máy đường gần đó cùng nhiều loại nước thải ô nhiễm khác như các cơ sở xay lúa, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, nước thải đô thị…

TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường, thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM - cho rằng, tình trạng ô nhiễm trầm trọng đoạn sông Cái Lớn ở Hậu Giang sẽ trở thành vấn nạn ở nhiều tỉnh thành khác, nếu không có những giải pháp kịp thời.

Ông phân tích: “Theo kịch bản về BĐKH, do ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng Mê Kông, lượng nước từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL ít dần. Trong khi đó, nước biển lại dâng cao, xâm nhập sâu vào nội đồng khiến tốc độ dòng chảy trên sông ở ĐBSCL chậm lại, không đẩy được nguồn nước ô nhiễm ra biển như trước đây. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm cục bộ ở ĐBSCL đã và đang gia tăng, nhưng các nguồn thải từ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp cũng như nước thải đô thị hầu hết không được thu gom, xử lý. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì ĐBSCL phụ thuộc vào sông nước. Nguồn nước ô nhiễm trên diện rộng sẽ khiến hậu quả rất nặng nề”. 

Ông Phan Thanh Tĩnh - cán bộ dự án Tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho khu vực ĐBSCL (dự án do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ thực hiện) - cũng cho rằng, ngoài vấn đề xâm nhập mặn và sạt lở, ô nhiễm năng lượng, xả thải cũng sẽ là thách thức lớn đối với ĐBSCL. “Trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện chương trình thích ứng với BĐKH, chúng tôi sẽ hỗ trợ kỹ thuật, giúp các địa phương đưa ra những phương án ứng phó phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ thực hiện các chương trình về quản lý nước thải, phát triển năng lượng sạch cho ĐBSCL” - ông Tĩnh nói. 

Ông Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng, những tác động của BĐKH đến đời sống của người dân ở ĐBSCL đã hiển hiện. Do đó, trong khi chờ đợi các giải pháp quy mô lớn, người dân cũng phải chủ động thích nghi với những biến đổi; nếu không, sẽ phải đối mặt với những hậu quả đáng buồn. “Qua nhiều năm nghiên cứu khu vực chịu tác động nặng nề bởi tình trạng BĐKH ở tỉnh Bến Tre, chúng tôi nhận thấy, người dân vẫn còn sống kiểu “vô tư” như trước đây. Có rất nhiều hộ dân mắc nợ do việc trồng trọt hoa màu, nuôi cá tôm thất bát nhưng khi khảo sát, chúng tôi hỏi nếu có tiền sẽ làm gì, đa số đều nói sẽ dùng tiền để mua sắm điện thoại xịn, xe tay ga” - ông Phi dẫn chứng.

Theo ông Phi, các chương trình, dự án về ứng phó với BĐKH khu vực ĐBSCL nên tiếp cận thêm ở góc độ xã hội học để giúp người dân nhận thức được các khó khăn, chủ động thích nghi với điều kiện sống đang ngày càng khắc nghiệt: “Chúng ta phải đánh giá được người dân có muốn thích nghi hay không. Nếu muốn, mình sẽ giúp họ thích nghi như thế nào; nếu họ không muốn thích nghi mà muốn di cư đến nơi khác thì mình giúp họ những gì”.

 

________________

Hoàng Nhiên, Trung Thanh, Sơn Vinh, Lê Nguyễn

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: