Những ngày này, bùn đất ngổn ngang khắp các đường liên thôn của xã Hiền Ninh, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nghe hỏi nhà ông Võ Văn Bình lái đò, một phụ nữ trung niên nhiệt tình chỉ đường, còn nhắn: “Gặp ông ấy thì cho tui gửi lời cảm ơn lần nữa. Không có hai ông cháu chắc nhà tui khó qua khỏi trận lụt này”.

Ngay cây cầu nhỏ nối vào chợ Hiền Ninh, một chiếc đò tôn gãy quặp giữa thân nằm chỏng chơ bên bờ kênh đầy bùn đất nhão. Cạnh đó, một ông lão lui cui cào bùn mở lối đi trong khi những nhà bên cạnh đã cào xong từ mấy ngày trước. Đó là ông Bình, người được dân trong xã gọi là “lão lái đò anh hùng”.

Dựng vội cái cuốc cạnh hàng rào, ông Bình cười tươi: “Chờ chút nghe, hôm nay mới thấy khỏe để dọn dẹp chứ mấy ngày trước còn mệt vì ngâm nước”. Dẫn khách vào nhà, ông như phân bua: “Nhà không còn chi cả, chỉ còn mấy cái ghế nhựa mà cũng chưa kịp dọn nữa”. Nhà ông trống hoác. Tài sản quý giá nhất là chiếc máy đò bị ngâm nước nay đã hỏng, nồi cơm điện dính đầy bùn đất, vài bao gạo, mấy thùng mì tôm, hai đòn bánh tét cùng vài hộp sữa vừa được các nhà hảo tâm tiếp tế.

Mấy ngày sau, con gái ông Bình đang đi làm ăn xa, theo dõi mạng xã hội, thấy nhiều người dân quê mình kêu cứu nên đã đăng trên Facebook dòng trạng thái: “Nhà có đò máy, ai cần cứu gấp, hãy gọi số điện thoại 0944.869.673”. Ngay sau đó, chiếc điện thoại “cùi bắp” của ông lão lái đò liên tục nhận được cuộc gọi xin cứu giúp. “Họ gọi xin cứu, nước cao lắm rồi, không còn chỗ nào tránh nữa mà tôi thấy như lửa đốt. Phải đi ngay thôi vì thời gian gấp lắm”.

 Ông nói như không: “Nhiều người gọi thảm thiết quá, ai gọi thì cứ chạy thôi, cứ nhà nào gọi trước thì chạy trước, ai ít cần kíp hơn thì ghé sau”. Trong suốt hai ngày, hai ông cháu xoay vần trên mặt nước và hỗ trợ được hơn 100 người quanh vùng đến nơi an toàn, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em. Cũng trong hai ngày đó, ông Bình và cháu ngoại không tìm được miếng cơm nào bỏ bụng. Mì tôm lúc đó cũng không, lương khô cũng không, chỉ có lạnh lẽo bao quanh.

“Ai được an toàn rồi thì họ tìm cách nhận hỗ trợ lương thực từ những người từ thiện đi phát, chỉ riêng hai ông cháu nhà này lại quay đầu đi tìm người để cứu” - bà Lan, một người đi chợ Hiền Ninh, ghé ngang góp chuyện. Ông Bình nhớ lại: “Lúc đó, nghe người ta kêu cứu thì ông cháu tôi cứ lên đò đi thôi, không nghĩ ngợi nhiều vì càng chậm chút nào, họ càng nguy hiểm thêm. Nếu ở nhà thì thật không yên lòng”.

Thanh - cậu bé 14 tuổi theo ông ngoại cứu người - rụt rè: “Lúc ông ngoại kêu “lên đò đi con, người ta chờ tội lắm”, con cũng sợ sợ, không dám đi. Nhưng ông ngoại đi một mình như rứa thì không yên tâm nên con nhảy lên đò. Lạ cái là lên đò thì không còn sợ chi nữa, chỉ sợ đò chạy không kịp thôi”.

Người dân xóm chợ Hiền Vinh đùa rằng, đò ông chạy bằng nước lũ hay sao mà ai muốn gửi tiền cảm ơn, ông cũng không nhận, để khi về nhà thì cái nồi cơm điện cũng không xài được, áo quần không có mà thay. Ông trả lời: “Về đến nhà thì đúng là không còn gì thật, chiếc đò, cái máy cũng hư rồi. Nhưng giúp được mọi người trong cơn hoạn nạn là lòng vui lắm, không cần gì thêm”.

Từ nhỏ, Thanh được ông ngoại nuôi dưỡng, do hoàn cảnh khó khăn nên đã nghỉ học từ năm lớp Bảy và phụ giúp ông ngoại mưu sinh. “Giờ em muốn được đi học nghề đầu bếp để giúp ông ngoại gầy dựng lại quán ăn” - Thanh nêu nguyện vọng. 

Khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam nằm ở ngã ba sông Thu Bồn, chìm trong nước. Đã quá quen với cảnh này nên anh Nguyễn Thanh Quang (46 tuổi) nghĩ ngay đến việc đưa đò miễn phí như một cách để chia sẻ với bà con. 

Ý tưởng Chuyến đò 0 đồng xuất phát từ việc anh từng mở một cửa hàng 0 đồng mini khi dịch COVID-19 hoành hành. “Cửa hàng của mình có đầy đủ nhu yếu phẩm từ nước mắm, gạo, muối cho đến cá, thịt, gà để phục vụ những người khó khăn bán vé số dạo, bán ve chai. Cửa hàng mở cửa vào thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần. Mỗi người được lấy số hàng với trị giá từ 120.000-150.000 đồng” - anh nói. 

Tối 11/10, điện thoại của anh rung lên, đầu dây bên kia là người nhà của anh Nguyễn Tấn Bình - 35 tuổi, ở phường Nam Diêu, TP. Hội An - thông báo anh Bình đang lên cơn co giật mạnh, cần đưa đi cấp cứu gấp. Ngay lập tức, anh Quang cùng hai người khác len lỏi theo con nước để đến nhà anh Bình, vượt 1km nước sang cuối đường Trường Chinh, đưa anh Bình lên xe cấp cứu, từ đó đưa vào bệnh viện. Do được cấp cứu kịp thời nên anh Bình mau chóng hồi phục, xuất viện. Cũng trong khuya đó, anh Quang dùng ghe máy đưa cụ ông 90 tuổi bị tai biến cùng hai cháu bé bị chấn thương trong khối phố vượt lũ đi cấp cứu. 

Với hai ghe máy, anh Quang, anh Hải và Lê Nhật đã quần đảo khắp khối phố. Trên mỗi phương tiện, họ dán tấm bảng ghi Chuyến đò 0 đồng, tức là vận chuyển bà con hoàn toàn miễn phí, kèm theo số điện thoại để mọi người liên lạc. Đã có hơn mười trường hợp đi cấp cứu và hai thai phụ chuyển dạ được Chuyến đò 0 đồng đưa đến bệnh viện. Lũ rút, các thành viên Chuyến đò 0 đồng lại chở miễn phí lương thực cứu trợ. Hỏi bao giờ thì hết 0 đồng, anh Quang đáp: “Mình còn sức, còn giúp được bà con chừng nào thì hay chừng đó”.

Chỉ tay về phía con sông Ngàn Mọ vẫn đang chảy cuồn cuộn, anh Lê Văn Thành - 38 tuổi, trú thôn Trần Phú, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh - kể chiều tối 18/10, khi anh đang thả lưới ở sông Ngàn Mọ thì nước lên nhanh nên vội quay về nhà kê tài sản, phòng lũ lớn ập về. Lúc này, nhiều người vẫn lấy mốc cơn lũ năm 2010 làm thước đo để kê cao tài sản.

Tối đến, trời mưa xối xả, nước lũ dồn dập đổ về khiến nhiều người không kịp trở tay, nhà ngập sâu cả mét. Anh Thành vội dùng thuyền máy đánh cá chở bố mẹ và cậu con trai bốn tuổi lên trụ sở UBND xã tránh lũ, vợ anh cùng cậu con trai 15 tuổi ở nhà di chuyển đồ đạc lên cao. Trên đường về, nghe tiếng kêu “có ai không, cứu với”, anh liền quay thuyền đón họ, đưa đến nơi an toàn.

Chỉ trong chốc lát, nước lũ đã tràn vào hàng trăm căn nhà ở xã Cẩm Duệ, nhiều nhà bị ngập sâu sát mái. Sẵn có thuyền máy, kinh nghiệm gần chục năm hành nghề đánh cá, anh liền gọi cậu em trai là Lê Văn Công (37 tuổi) và hai người khác là anh Đậu Văn Hoàng (27 tuổi), anh Phạm Văn Đồng (36 tuổi) cùng đến hỗ trợ, tức tốc đi cứu người.

Về nhà, thấy tài sản đã ngập trong nước, vợ con đang ngồi lắc lư trên chiếc thuyền nhỏ trong nhà, anh Thành gãi đầu nói: “Người dân họ kêu cứu gấp quá, anh không bỏ được”. Thấy vợ trách sao gọi anh không được rồi òa khóc, anh từ từ lái thuyền vào nhà an ủi: “Anh đã an toàn về nhà rồi đây. Nhà mình có thuyền, anh biết mẹ con em tự lo liệu được”. Nghe chồng nói vậy, chị Nguyễn Thị Tĩnh - 36 tuổi, vợ anh Thành - cũng nguôi ngoai, lấy mì tôm cho chồng ăn rồi cả nhà cùng chợp mắt ngay trên thuyền khi những cơn mưa xối xả vẫn đang trút xuống. 

Cứu được người, nhưng giàn lưới trị giá 60 triệu đồng của anh lại bị trôi mất. Điện thoại vẫn tiếp tục rung kèm lời “cứu tôi với”. Chị Nga kể: “Tôi kịp sang nhà hai tầng của hàng xóm nên tránh được, nhưng bố mẹ và con gái tôi vẫn mắc kẹt ở nhà, đã ngập gần 2 mét, liên lạc không được. May là họ được thuyền anh Thành cứu. Vợ con anh Công cũng thế”.

“Nước lớn quá, anh sợ không?”. Giọng anh Thành trầm xuống: “Anh em chúng tôi đã quen với con nước, nếu không đi cứu người thì ai đi? Nói thật là sợ, sợ nếu thuyền bị lật lúc chở người thì mình sẽ ân hận cả đời”. Hơn 300 người đã được nhóm anh Thành cứu, đưa đến nơi an toàn. 

Bài: Trương Nguyên - Nguyễn Dương - Phan Ngọc 

Thiết kế: Hoàng Triết

Chia sẻ bài viết: