“… Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn… chim bay về núi tối rồi…”.

hong vị cổ thi da diết của bài thơ Ðời đời ghi nhớ do Viễn Phương chắp bút được khắc trên tấm bia đá trong sân đền Bến Dược, tôi chỉ đọc khi quay ra từ đền chính. Gần 45.000 liệt sĩ đã gửi thân chốn này, và trong đó, không thể đếm hết những liệt sĩ vô danh. Có hay không tìm ra tên, thì nước mắt mẹ cũng tuôn rơi, tan vào đất để xương thịt con mãi ấm nóng tình thương. Dẫu vật đổi sao dời, thì chết vì nghĩa lớn, lẽ thường hậu thế sẽ cúi đầu, bởi không có người hôm qua thì làm sao có bây giờ. Chết để thành danh, hẳn không phải là sở nguyện của người anh hùng, nhưng họ khiến hậu thế mắc nợ. Mấy chục ngàn xác thân trăm miền kia tan trong đất, mong gì hơn ngoài cây xanh sẽ vươn mầm trên đất chết. Vậy câu hỏi dằng dặc mấy chục năm rồi, đất thép thành đồng Củ Chi đã trả đủ nghĩa cho người đã khuất? Không bao giờ đủ, chỉ biết không thể dừng lại, để những tiếng vọng thì thầm của đất không rơi vào quên lãng.

Mấy chục năm rồi, Củ Chi như bị lãng quên trong nhịp điệu phát triển của thành phố. Bữa tôi ghé khu du lịch Bình Mỹ, đường trầy trụa, nhỏ, cỏ dại um tùm, vắng và buồn đến không ngờ. Nó nằm sát sông Sài Gòn. Bên kia là Bình Dương. Một quãng sông ngắn, vừa thôi nước là đã tới nơi, một bên nhộn nhịp phố xá, bên này như ngơ ngác đến câm nín giữa hoang dại cỏ rác, như thể chưa từng tồn tại trên bản đồ Sài Gòn vốn nghìn nghịt nhà, xe. Khi đứng trên cầu Phú Cường nối Bình Dương và Sài Gòn, lục bình sao cứ tấp hết về phía Củ Chi trong lờ đờ con nước, dậy một câu hỏi như vệt dài buồn thăm thẳm khi nhìn xa về phía thượng nguồn rồi trải dọc miết lên tới Hóc Môn: sao như một con rạch hoang khuất nẻo đâu đó ở miền Tây vậy? Nếu không trả lời được, và không tìm ra được cái cần nhất là gì cho Củ Chi ngày mai, thì nhanh thôi, những trả giá không cưỡng lại được sẽ đến trong chớp mắt, có nuối tiếc cũng như không, khi bây giờ cơn sốt khu đô thị Tây Bắc mà Củ Chi là tâm điểm đang sôi lên.

Có nhiều lý do để vùng ngoại thành như Củ Chi không được đầu tư đúng mức. Kiến trúc sư Võ Kim Cương, khi xoáy vào câu chuyện quy hoạch khu đô thị Tây Bắc, ông cứ lặp đi lặp lại một từ: đất! “Ðất đai của người dân là điều chính quyền phải đặc biệt chú ý. Hãy tôn trọng quyền sở hữu đất của họ. Quan điểm đất đô thị tốt hơn đất nông nghiệp để rồi lấy đất nông nghiệp chuyển sang đất đô thị là không đúng, mà muốn so sánh để đi đến quyết định, thì cần phải nhìn cho ra mấy vấn đề. Làm quy hoạch đô thị, việc đầu tiên là phải có hạ tầng chứ không thể bằng mệnh lệnh hành chính, tức là phải xem nó đủ điều kiện “tạo thị” không, có sinh ra được đô thị không? Trong đó, quan trọng nhất là giao thông, phải gắn chặt với một điều kiện thứ hai là thị trường, mà cốt tử của thị trường là nhu cầu. Ðặt câu hỏi này với Củ Chi, thì ý chí đã có, nhưng hai điều kiện là còn khó khăn. Quốc lộ 22 nhỏ hẹp chưa mở được, đường cao tốc đi Tây Ninh cũng chưa, đường sắt chưa có, các trục ngang cũng không. Muốn phát triển, thì đường Xuyên Á nối với Campuchia, Ðông Nam Á bằng đường bộ, đường sắt cao tốc nối Thái Lan đón nguồn đầu tư và khách, buộc phải có. Hiện trong quy hoạch có hai đường vành đai 3 và 4, bên Bình Dương đã làm xong nhưng TP.HCM thì chưa. Phải có quyết tâm tài chính”.

- Các con đường trên đã đưa vào kế hoạch gấp rút phải thực hiện, đã được Chính phủ và Thành phố đồng ý. Nhưng chừng đó xem ra chưa đủ, thưa ông?

- Tất nhiên. Tôi nhắc lại yếu tố thị trường, khi xem quy hoạch đô thị Tây Bắc thì dường như người ta làm độc lập với các khu đô thị khác. Như vậy là không được. Nếu không kết nối thì sẽ không gắn được với dịch vụ, dân cư, vốn là xương sống của thị trường.

- Bám sông là nguyên tắc không thể bỏ qua khi quy hoạch đô thị?

- Muốn phát triển Củ Chi, thì phải làm dọc sông, nhưng có cái đáng lo ngại là đổi cả Củ Chi vẫn không làm nổi đường bởi giá đất rẻ, nhưng nếu không phát triển dọc sông thì không thể sống động được.

- Củ Chi là nông thôn, sợ nhất là nó bị băm nát, tàn phá mảng xanh, bê tông hóa hoàn toàn…

- Quy hoạch này buộc phải nghiêm túc theo tiêu chuẩn công trình xanh, đô thị sinh thái, phải sản xuất theo kiểu tái chế, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo. Xu hướng phân lô bán nền là đầu cơ đất, phá vỡ quy hoạch, lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn. Phải bảo tồn làng truyền thống; cải tạo, quy hoạch lại hạ tầng nông thôn. Các mảng xanh phải được đưa vào quy hoạch, tạo ra giãn cách giữa các đô thị bằng màu xanh chứ không phải bê tông.

Nói đến đây, ông trầm xuống: “Giữa Hóc Môn và Củ Chi có một cánh đồng, nên giữ nó lại; dọc kênh An Hạ có một công viên, phải giữ. Các nông trường nếu không hiệu quả thì chuyển đổi, làm nông nghiệp công nghệ cao. Tạo một thị trường nông nghiệp cung cấp thực phẩm sạch ở sát thành phố, có chi ưu việt hơn chứ! Ý chí là quan trọng, nhưng cái gì Nhà nước nắm giữ thì quyết giữ, còn lại để người dân hoạt động chứ đừng áp đặt. Làm quy hoạch vốn có bố cục đàng hoàng, nhưng rồi có được mấy đâu”.

Tôi hiểu nỗi buồn của ông, khi những mảng xanh ở thành phố này lần lượt biến mất, để bây giờ phải đối mặt với chát chúa ô nhiễm. Ðây là thể hiện rõ nhất tư duy ngắn hạn, chạy theo nhà đầu tư, vỡ trận trước làn sóng di cư và nhu cầu nhà ở, coi thường tự nhiên, chưa kể lợi ích nhóm, tư túi, khiến thành phố ngày càng gieo nỗi sợ hãi môi trường đến mức khủng khiếp. Bao nhiêu năm rồi, những tiếng nói lúc giận dữ, lúc tha thiết, lúc buồn bã như chuông gió đi tìm cành treo, vang lên trong nuối tiếc. Một Sài Gòn xanh, đẹp, sạch, thân thiện, bình yên, những sáng thu về, những xuân sớm còn vương heo may, những trưa sôi nóng, vẫn không mất đi khoảng trời xanh biếc trong ngần tiếng chim và lời lá hát, đâu rồi? Hoảng quá, họ đi tìm chỗ khác để sống, dẫu giây lát thôi, để lại nhớ phố phường “hồi mình còn nhỏ”, rồi trở về ngồi thừ ra. Kẻ hiểu biết và không ngừng ao ước, xòe ngón tay trí nhớ đếm, rồi, đây chưa phải hết, còn Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, làm sao mà giữ đây, bởi đâu thì cũng là quê nhà, là máu thịt, là tất cả… Cộm lên hết, ám cả cơn mơ, là nỗi lo.

***

“Tao cũng lo mày à” - ông Võ Văn Cương, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM trải lòng - “Không giữ được Củ Chi là trả giá, bởi nó ở thượng nguồn, là lá phổi xanh của thành phố”.

Là người gắn bó với Củ Chi từ thuở chiến tranh, nên ông rành đất này. Ông kể, hồi còn tại chức, thành phố đã tính quy hoạch đô thị dọc kinh Thầy Cai 3.000ha, kho bãi ở thành phố cũng chuyển ra ngoài đó, nhưng rồi có làm được gì đâu. Lý do đơn giản là hoang hóa, trũng sình, làm nông nghiệp khó. Tôi nói với ông thông tin khu đô thị Tây Bắc đang chuyển động, Củ Chi hy vọng thành trung tâm phía tây thành phố, trong quy hoạch đến năm 2020, thì tại Củ Chi đất nông nghiệp có diện tích 25.979,77ha, đất phi nông nghiệp chiếm phần diện tích còn lại với 17.516,81ha; sẽ chuyển 6.902,13ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

“Phải làm, nhưng đừng có như mấy khu khác để mai này hối hận không kịp. Ðất đó là nông nghiệp, là vành đai xanh, cung cấp thực phẩm, thì làm nông nghiệp phải xanh - sạch. Lúc thành phố cho chặt 1.000ha cao su ở nông trường Phạm Văn Cội, tao làm đơn kiến nghị, cự liền, yêu cầu trồng rừng trở lại. Làm công nghệ cao thiếu gì đất mà đi phá rừng! Hồi xưa mấy ông già trồng cao su để chống xói mòn, nay nó càng có giá trị. Ô nhiễm kiểu này thì chết sớm, nên Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ là điểm trú ẩn cuối cùng về môi trường sạch của Sài Gòn”.

- Nhưng làm đô thị thì phải lấy đất nông nghiệp thôi - tôi nói.

- Công nghiệp tạo ra ngân sách lớn, nhưng đẻ ra ô nhiễm môi trường. Vậy nếu làm thì cũng phải mức độ thôi. Mày có biết đất Củ Chi một thời là nơi có những nhà vườn trồng cây ăn trái lớn, ngon nhất Sài Gòn không, nhưng người ta coi thường, lãng quên…

Chuyện một thời hiện về theo lời ông. Thuở đó, dọc sông, bà con trồng cây, nhìn đã con mắt. Nhưng cực khổ đến nghiệt ngã, là nước tràn vào, hư hết. Bao nhiêu năm, lời bà con bám riết ông “làm sao có được cái đường đê bao ông Năm ơi, là hết cực, là giàu liền”.

“Tao nghiệm lại, dân Củ Chi nói không sai đâu mày à” - ông nghiêm giọng - “Hồi đó, năm 1986, định làm dọc sông Sài Gòn vùng cây ăn trái từ Hóc Môn lên Củ Chi, bắt đầu từ việc làm đường đê bao. Tao đưa ý tưởng này ra, chẳng ai mặn mà. Hãy tính đi, bây giờ có làm được không, sát sườn với nhu cầu người dân, đáp ứng được tiêu chuẩn sản xuất hiện đại là thân thiện môi trường. Ở đó còn mười mấy ngàn héc-ta đất chứ ít đâu. Nhà nước bỏ ra chừng một ngàn tỷ, làm đường thôi, cứ cách 2-3km, làm một đường xuống sông, kéo điện; 5 năm là xong chứ mấy đâu. Dân tức khắc đầu tư làm nhà vườn, cây trái, rau xanh, tao dám chắc như thế, bởi tao biết dân thiết tha điều đó. Nó sẽ hình thành vệt du lịch sinh thái kéo dài, gắn kết với các khu di tích lịch sử cách mạng; rau xanh cung cấp cho nội thành. Nông nghiệp ngoại thành sẽ phát triển liền. Cuối tuần dân thành phố xuống chơi, trải nghiệm, cần đi đâu xa chứ! Thử hỏi ở thành phố này, nói nhiều mà có đô thị sinh thái nào không?”. “Có bao giờ thành phố đưa ra hẳn nghị quyết chuyên đề phát triển nông nghiệp, du lịch cho ngoại thành chưa?”. “Chưa. Ðây là sai lầm. Nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế thành phố tuy nhỏ nhưng nó có ý nghĩa lớn, đừng coi thường, khi môi trường đang là vấn đề đau đầu. Chừng 20 năm trước, từng có ý tưởng quy hoạch trung tâm mua bán, dịch vụ nông nghiệp ở Củ Chi, gồm cả Tây Ninh, Bến Cát, nhưng rồi cũng bị ngó lơ”.

Nỗi lo lắng, buồn phiền ở ông, không chỉ là cái tình của người từng vào sinh ra tử đất này, mà là nỗi thiết tha khi thấy tiềm năng lớn lao bị bỏ qua, và người bị thiệt thòi nhiều nhất là dân. Họ cần bình yên sống, làm ăn khấm khá, đi lại dễ dàng, con cái được học hành. Chừng đó là đủ. Khao khát bình dị mà lớn lao như bất kỳ người nào gắn mình với đất. Trả nghĩa cho Củ Chi, đất trộn máu bao người, không phải là khẩu hiệu mỗi khi “về nguồn”, mà là một thái độ rõ ràng, quyết liệt, khoa học và ứng xử nhân văn với đất mà ở đó, bom mìn chưa hết vương vãi. “Tao sợ nhất là họ làm khác đi”, lời ông Năm Cương. Quy hoạch, thực ra là biến ý tưởng thành ứng xử thực tế để tạo dựng sự phát triển. Bài học về quy hoạch để rồi ngập nước, ô nhiễm, khiếu kiện, mất lòng dân còn nguyên đó. Người Sài Gòn, dân Củ Chi, Hóc Môn, có quyền đòi hỏi vùng ngoại thành thực sự là đô thị sinh thái, để họ nhẹ lòng, bình yên khi tìm về. Vài năm nữa, những con đường chiến lược nối cửa ngõ tây bắc với thành phố, đi các tỉnh và quốc tế sẽ thành hình, bởi mọi thứ đã bắt đầu, kéo theo cồn cào hy vọng. Tất cả sẽ là chương mới trong lịch sử phát triển của vùng đất lắm đau thương này, nhưng sẽ là lời kết cho cho giai điệu đẹp, trọn ý, trọn tình, nếu như người cầm quyền không phải một lần, mà nhiều lần cúi xuống, lắng nghe đất nói rằng đất phải thở khí lành, như lời tha thiết của ông Năm Cương: “Dân Củ Chi khổ nhiều nhưng nặng tình lắm. Phải giúp bà con làm giàu, sống tốt, thì phần nào trả nghĩa máu xương”.

Ðất Củ Chi một thời là nơi có những nhà vườn trồng cây ăn trái lớn, ngon nhất Sài Gòn - ẢNH: INTERNET

Ðất Củ Chi một thời là nơi có những nhà vườn trồng cây ăn trái lớn, ngon nhất Sài Gòn - ẢNH: INTERNET

Tôi biết, bao người yêu quý vùng đất này đang nín thở chờ. Không ai có quyền lấy đi dù chỉ một trong những giá trị làm nên Sài Gòn, như ngôi nhà xưa cha ông để lại, con cháu phải giữ bằng mọi giá chứ không phải đêm ngày rập rình toan tính âm mưu chiếm đoạt, hóa kiếp, mặc cả bán buôn. Phải giữ lấy khoảng trời xanh đó, để khi không còn sống trên cõi đời nữa, vẫn mang theo tiếng cười, rằng ân tình với đất, với cây, với trời, với mưa nắng, là thứ còn sót lại cuối cùng, mình cũng có. 

________________

Nam Khang

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: