Dù rời xa sân khấu khi tên tuổi vẫn còn rất thu hút, thậm chí đã trở thành một tượng đài trong lòng khán giả, nhưng NSND Kim Cương vẫn cho rằng quyết định dừng lại đó hoàn toàn đúng lúc. Nhưng khán giả vẫn còn tiếc nuối xót xa.

Tròn 20 năm rời xa sân khấu, Kim Cương vẫn giữ được vẻ ngoài tươi tắn, rạng rỡ cùng giọng nói sang sảng, đậm chất Nam bộ, vô cùng tình cảm. Từng câu, từng chữ khiến người đối diện cứ như được quay trở lại những ngày xưa cũ, ngày Kim Cương còn dọc ngang trên khắp các sân khấu với Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Bông hồng cài áo...

 

Mấy mươi năm ăn cơm Tổ nghiệp, sống chết vì lý tưởng nghệ thuật, Kim Cương thành công và trở thành một tượng đài trong lòng khán giả. Nhưng, chẳng có danh vọng nào không phải đổi bằng nước mắt và cả sự nhọc nhằn của một thời trẻ.

 
 

Sân khấu, ánh đèn cho người nghệ sĩ những giây phút thăng hoa nhưng cũng lấy đi của họ không ít thứ, chị có nghĩ như vậy không?

Những nghề khác, người ta có thể bắt đầu từ con số 0, đi dần đến nấc thang số 10. Càng lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm càng được trọng dụng. Trong khi đó nghệ sĩ luôn phải bắt đầu ở nấc thang số 10 rồi lùi ngược lại. Ở tuổi mười chín, đôi mươi, trẻ đẹp, hát hay thì làm đào chính. Lớn hơn một tí thì làm chị hai, chị ba. Đi thêm một đoạn nữa thì lên vai má, vai bà.

 

Cứ thế, những vai diễn sẽ dần tiễn biệt người nghệ sĩ ra khỏi thế giới lung linh, huyền ảo của sân khấu. Họ nhận được gì ngoài con số 0 tròn trĩnh kèm theo những năm tháng hiu quạnh? Tôi gọi đây là sự nghiệt ngã của những phận tằm nhả tơ.

Gần đây, tôi có được vinh danh top 50 người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất tại Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn. Tôi vui và hạnh phúc lắm nhưng tôi nghĩ đây không chỉ là vinh dự của cá nhân, mà hơn hết là danh dự cho cả một lớp nghệ sĩ.

 

Ngày má tôi còn sống (nghệ sĩ Bảy Nam – PV), bà luôn mang nỗi buồn khi nghề hát bị xem rẻ, không được coi trọng. Thực tế, phải thừa nhận có những con sâu làm rầu nồi canh, hoặc thậm chí một nồi sâu, sót lại 2, 3 cọng rau nhưng mỗi người phải biết sống sao cho hợp đời, hợp đạo để dư luận đừng xem rẻ bản thân mình và cái nghiệp mà mình đang mang.

 

Có bao giờ, chị nghĩ quyết định dừng lại của mình quá vội bởi dường như Kim Cương vẫn còn là nguồn ánh sáng rực rỡ trong mắt khán giả?

Người nghệ sĩ tỉnh táo phải biết điểm dừng. Bởi vậy, cho đến bây giờ, có người vẫn nhắc Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo... Nếu tôi còn núm níu sân khấu, huyễn hoặc về những ngày vàng son hoặc chạy theo thời cuộc để diễn tấu hài thì đâu còn là Kim Cương nữa. Tôi muốn ở một khoảng trời nào đó, khán giả vẫn còn nhớ đến Kim Cương, vẫn còn thương Kim Cương với những vở diễn trên sân khấu.

Một phần nữa, tình hình sân khấu ở Việt Nam không giống như những quốc gia phát triển. Người nghệ sĩ càng già lại phải chạy theo thời cuộc chứ khó giữ được cái riêng cho mình, từ đó cái thiêng liêng của sân khấu cũng dần mất đi. Từ cuộc đời, sự nghiệp cho đến tình yêu, tôi luôn quan niệm “Tận nhân lực, tri thiên mạng”, cứ làm hết sức mình, nếu không được thì thôi. Với Kim Cương, chưa bao giờ biết sống nửa vời, tôi trung thành, hết lòng và hết dạ vì mọi thứ. Tôi chưa bao giờ biết ngồi đong đếm, so bì thiệt hơn của mình với bất kì ai.

 

Một thời tung hoành trên sân khấu, những ngày quyết định dừng lại chắc cũng chẳng dễ dàng gì...

 

Nghệ sĩ, khó khăn nhất không phải là khi không có show, gặp trục trặc trong sự nghiệp hay đối diện với những buồn đau, hỉ, nộ, ái, ố của nghề, mà là khi rời sân khấu. Cả một cuộc đời, cả một quãng trời thanh xuân họ sống trọn vẹn cho ánh đèn, cho màn nhung, cho khán giả nên khi lui về hậu trường, đó sẽ là những ngày hụt hẫng, lắm lúc khó vượt qua.

Ở nước ngoài, không hiếm những trường hợp nghệ sĩ tự tử vì không chịu được những ngày tháng cô quạnh đó. Đó là sự thay đổi ở hai cực mà khoảng cách rất lớn, một nơi hào nhoáng, rầm rộ với khán giả, một nơi là những chuỗi ngày cô đơn, quạnh hiu, thậm chí nghèo khổ, bệnh tật.

 

Nhưng, sướng khổ ở đời đều do mỗi người lựa chọn. Điều gì trong cuộc đời này rồi cũng sẽ đổi thay. Một ngôi nhà kiên cố lắm, trăm năm cũng đổ nát, huống chi lòng người - là điều vô thường và hay đổi thay nhất. Tôi chấp nhận vì đây là quy luật của đời, của nghề, đã là phận con người thì làm sao tránh khỏi.

 

Ngày ở đỉnh vinh quang sự nghiệp, chị có bao giờ nghĩ xa xôi đến việc dọn đường để lui về hậu trường hay không, bởi như chị nói thời gian nổi tiếng của một người nghệ sĩ không kéo dài?

Tôi không hề chuẩn bị bất kì kịch bản nào cho cuộc đời mình. Khi tôi rời sân khấu, hoàn cảnh đẩy đưa cũng khá nhiều. Má tôi thuở ấy bị bệnh, mà mỗi lần đi hát phải hàng tháng trời, để má một mình tôi không yên tâm. Phần nữa, sức khoẻ của tôi không đảm bảo để tiếp tục đứng trên sân khấu. Thôi thì chọn cách lui về, chứ còn đứng diễn mà nửa vời, tôi có tội với mọi người lắm.

Thời đó, một mình tôi vừa phải diễn, viết kịch bản, đạo diễn, chạy lo tiền nong cho anh em trong đoàn... mọi thứ đều quá sức với một người phụ nữ. Tôi còn nhớ như in những năm sau giải phóng, hoá trang anh em toàn lấy sơn màu pha xong rồi vẽ lên, da mặt lở lói. Đến giờ, mỗi khi nhớ lại vẫn còn thương và xót lòng xót dạ lắm. Một quãng đời, tôi dành cho sân khấu, cho khán giả rồi, phần còn lại tôi dành cho công việc thiện nguyện và một ít cho mình.

Những giá trị về nghệ thuật ít nhiều đã bị thay đổi trong mắt người trẻ bây giờ. Có bao giờ nghệ sĩ Kim Cương đau lòng khi phải nhìn, phải nghĩ về thực tế như thế hay chưa?

20 năm rồi, tôi không còn đứng trên sân khấu nữa, mà nghệ thuật thì thay đổi hàng giờ, hàng ngày nên tôi không dám bình phẩm, nhận xét về ai, càng cấm kị chuyện lên án, chê bai một cá nhân nào đó.

 

Khổng Tử có một câu rất hay “Làm một người thầy thuốc dở chết một mạng người/ Làm một người lãnh đạo dở chết một nước/ Làm một nhà văn hoá dở chết cả thế hệ”. Đến nay, câu nói này vẫn còn nguyên giá trị. Nghề viết, sai một dấu, một chữ, thay đổi cả vận mạng một con người. Nghề hát cũng tương tự như vậy. Lên sân khấu, người nghệ sĩ phải chỉn chu, đứng đắn, đừng có chuyện hát bậy, nói tục. Làm một điều gì đó có ảnh hưởng đến xã hội, phải nghĩ cho người và nghĩ cả cho mình.

Khán giả trẻ lớn lên, chúng chẳng biết điều gì là đúng, là sai cả, như một cục bột, một tờ giấy trắng vậy. Mở tivi lên, toàn thấy những cảnh không hay nhưng người ta lại ngồi cười hả hê. Vô hình trung, các hành động lệch lạc, tiêu cực ấy lại trở thành quy chuẩn chung trong cách nhìn đời của những người trẻ, hư cả một thế hệ.

 

Trách nhiệm của người nghệ sĩ quan trọng lắm trong việc định hướng xã hội đi lên. Nhưng, thực tế làm người xấu bao giờ cũng dễ hơn làm người tốt, đưa xã hội đi lên bao giờ cũng khó hơn việc đẩy xã hội đi xuống.