Qua khỏi ngã tư Nguyễn Thái Sơn - Phan Văn Trị khá sầm uất, đánh dấu bằng “mô hình” vui chơi ăn uống Vincom là con đường nhỏ, rẽ lối xuống bến đò An Phú Ðông, chỏng chơ mấy con phà trên khúc sông đâu chừng bốn, năm chục mét. Muốn đi lộ lớn, xe hơi vô ra thì vòng qua ngã tư Bình Phước, xa lắc; còn không, từ bên này Gò Vấp sang bên kia bờ là quận 12, một người một xe (gắn máy) thì hai lượt qua về trọn gói 4.000 đồng. Nào đồng phục công sở, trường học dập dìu lên xuống bến, mấy tấm áo phao máng làm cảnh, chủ yếu để đối phó cái bảng tiêu chuẩn nhếch nhác bụi, nổi bật dòng slogan “Bến khách ngang sông an toàn, tiện nghi”.

Xuống phà, tôi ghé thăm nhà bà Tư, căn nhà cũ, chỉ có phần mộ của ông cố vừa được sơn phết lại, nằm ở một góc vườn, giữa mấy chục cội mai già. Tư vừa đi chợ về, tấm lưng còng theo hai mùa kháng chiến - tôi nhác thấy hai tấm bằng huân chương hạng nhất, nhì treo trên tường. Tiếng cháu con lao xao, lần này chắc xây cầu thiệt rồi Tư ơi, có thông báo luôn rồi nè, là cầu tạm, đang hoàn chỉnh thủ tục, dự kiến khởi công ngày 1/12/2019. “Ðất mặc sức mà lên vù vù cho coi”, “Ờ, muốn ngon thì chuyển hết nông nghiệp lên thổ cư, được giá” - tiếng chép lưỡi, tiếng bàn qua nói lại của ai đó.

Hơn 40 năm nay, những chiếc phà cứ đều đặn đưa rước người qua lại bến đò An Phú Ðông - ẢNH: NGÂN LOAN

Hơn 40 năm nay, những chiếc phà cứ đều đặn đưa rước người qua lại bến đò An Phú Ðông - ẢNH: NGÂN LOAN

Tư không nói gì, như mọi khi. Cả một đời bám mảnh đất này, nuôi giấu bao lớp cháu con ngày ấy lần lượt đi kháng chiến, mặc mưa bom bão đạn, Tư vẫn không rời nửa tấc. Ðất ngày ấy che chở từng mạng người, có đứa đi còn được trở về, có đứa đi rồi biền biệt, như thằng em trai thứ sáu, phải ba mươi năm sau Tư mới có tin báo về. Cả nhà làm giỗ cho nó theo ngày ghi trên giấy. Vậy mà đêm đó nó “về” nói, nó chết không phải ngày đó nhưng nhà làm giỗ cho nó ngày 27/7, để đồng đội còn về. Bởi có nhiều đứa ngày ấy ăn cơm Tư nấu, chỉ muốn được đưa xác nó về chôn ở đất này cũng tìm không ra, ở đó mà bây giờ đất “nông nghiệp” với “thổ cư”.

44 năm rồi, một cây cầu còn chưa bắc nổi, giờ may ra được lắp cầu tạm, liệu có còn kịp? Kịp để còn nhìn thấy ngọn đèn tuổi 90 ấy lay lắt niềm vui, kịp để không thể muộn hơn cái ơn nghĩa phải trả cho mảnh đất này, cho những con người dạ sắt lòng son ở cù lao An Phú Ðông này…

Sài Gòn thênh thang nhưng không dễ lạc. Cứ men theo những nhánh sông là tìm ra đường đi. Hôm tôi về Bình Mỹ, đứng trên bờ ấp 6, nhìn ra con sông Rạch Tra, mà mường tượng một dòng sông máu, năm 1968, Mỹ dùng máy bay ném bom, dội pháo cối xuống khu vực đóng quân của Ðội phẫu thuật tiền phương Y4, nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân viên quân y đã hy sinh. Ngay trong những ngày kỷ niệm 50 năm chiến dịch xuân Mậu Thân, người sống tìm được 7 người chết, nửa thế kỷ các anh, các chị mới được trở về. Ðã quá trưa nhưng những bàn tay vẫn tiếp tục cào cấu vào đất, biết đâu sẽ còn nữa, một chiếc dép cao su hay một chiếc lược sừng đã gãy cũng đủ cho một cuộc trùng phùng… Cuối cùng, cũng chỉ dừng lại ở con số 7.

Hơn 50 năm sau, tại Suối Sâu, Tây Ninh, bà Út Cấn gặp lại đứa con gái của người đồng đội đã hy sinh - ẢNH: ÁI MỸ

Hơn 50 năm sau, tại Suối Sâu, Tây Ninh, bà Út Cấn gặp lại đứa con gái của người đồng đội đã hy sinh - ẢNH: ÁI MỸ

Hơn 50 năm trước, bà cùng đồng đội, chờ cho trời tối hẳn rồi tìm cách vào Bình Mỹ, đưa xác đồng đội về. Bà hoạt động trong liên cụm Gò Vấp - quận 12 - Hóc Môn - Củ Chi, lên luôn miệt Trảng Bàng. Chồng bà hy sinh ngay tại Suối Sâu, Tây Ninh khi con gái mới tròn tám tháng tuổi. Nhớ hôm theo bà về Suối Sâu, đi giữa vùng “tam giác sắt” Củ Chi - Trảng Bàng - Dầu Tiếng của một thời lửa đạn, ghé vào đâu cũng thân thuộc đến lạ lùng. Ðây là nhà bà Út, cả khoảnh sân rộng dành để phơi lúa, nơi góc bờ rào, có cái giếng nước, ngày trước là hầm bí mật, bà và đồng đội về trú ở đó. Ði vài bước đã qua tới nhà má Sáu, Mẹ Việt Nam anh hùng, một người ơn của cánh Liên quân 4. “Rồi ngày đó cô Tư làm gì ở đây?” - tôi vẫn không hình dung được giữa cái vùng thênh thang đất, thưa thớt người này, cuộc đấu tranh để duy trì sự sống đã từng như thế nào. “Vận chuyển tài liệu, đưa đón cán bộ, nắm bắt tình hình phía địch, nhận chỉ thị… Bà con thấy có mình qua lại, ẩn hiện mà yên tâm, càng tin vào cách mạng”.

Như một thói quen, sau này, khi đảm nhận chủ tịch rồi bí thư Gò Vấp, quận Tư, bà vẫn thường xuyên “qua lại” với bà con, giữ cái giềng mối ơn nghĩa đó cho cả cháu con sau này. Nghĩa tình đâu chỉ là chuyện ngày một ngày hai, huống hồ bà còn phải làm luôn cả phần cho đồng đội, cho chính chồng bà. Mà có khi bây giờ, mình năng về với bà con, không chỉ như ngày xưa để bà con yên tâm tin vào cách mạng, mà để mình giữ vững chính niềm tin cho mình, nhờ bà con.

Từ địa đạo Củ Chi, tôi vòng qua Phước Hiệp, đường vào nhà má Tám Rành xanh mướt những hàng cây. Không hiểu sao, trước những tượng đài bất tử, tôi luôn muốn… một mình, càng không muốn dội lại bất cứ âm thanh nào để giới thiệu, thuyết minh, tụng niệm, ngợi ca. Như bao lần về Phước Hiệp, tôi thích đi loanh quanh trong khuôn viên nhà má Tám, nghe trong lao xao hàng tre lộng gió là những bước chân, là tiếng đào hầm, là sự vô thanh đến từ mười cuộc sinh ly tử biệt mà một người mẹ, người bà, có ai thấu cảm, chẳng ai gánh bớt nỗi đau.

Giữa bao biến thiên dâu bể, vùng đất Tây Bắc vẫn giữ lại một màu xanh điệp trùng - ẢNH: TRUNG THANH

Giữa bao biến thiên dâu bể, vùng đất Tây Bắc vẫn giữ lại một màu xanh điệp trùng - ẢNH: TRUNG THANH

Năm 1976, ông Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) về thăm má Tám, thấy căn nhà trống trước dột sau, ông Sáu ngay lập tức cho xây cất lại, có lẽ đó là ngôi nhà tình nghĩa đầu tiên của thành phố. Mấy ngàn mét vuông đất, sau ngày má nằm xuống, cháu con bán dần, cho đến khi Thành ủy TP.HCM chỉ đạo Hội LHPN thành phố phải mua lại, tôn tạo và cất lên một nhà tưởng niệm khang trang, giản dị như bây giờ, trên chính nền căn nhà của má Tám ngày xưa. Ngay ở lối vào, là hai căn nhà được cất dành cho hai cháu ngoại còn lại của má.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành là một trong những người tham gia đào hầm, trực tiếp chiến đấu; và hiến dâng cho Tổ quốc tám người con trai và hai cháu ngoại, nội.

Len giữa những lối đi địa đạo, có nắm từng miếng “đất thép” đầy đá, khô cằn mới phần nào hiểu cái chất “thành đồng” nơi những con người vùng Tây Bắc thành phố này. Không ai khác, không một lực lượng cơ giới hiện đại nào khác, ngoài họ, 30 năm đào hết 250.000km đường ngầm. Chính họ đưa sự sống, tổ chức một cuộc sống ngay trong lòng đất. Trời, rồi cũng thu vào đất, thành một thế giới trong lòng địa đạo. Ðể rồi, một ngày, từ đất ấy, bước ra, ngẩng lên, là bầu trời xanh; là vĩ thanh vang lên thời hậu chiến: tầng tháp cao 39m, một trong những biểu tượng tại đền Bến Dược, hàng hàng lớp lớp bia mộ, nơi yên nghỉ của gần 45.000 người con ưu tú của Tổ quốc. Giữa một rừng cây xanh thẳm, Bến Dược hiện lên như một bó nhang trầm, xông vào trời đất linh thiêng, hiến tế một niềm tin vĩnh cửu, rằng “đất nước nghiêng mình, đời đời nhớ ơn”…

Tôi đọc thấy thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho TP.HCM chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp dịch vụ, nếu đem đấu giá thì sơ bộ sẽ thu về 1,5 triệu tỷ đồng cho thành phố. Hẳn là tin vui cho nhiều người.

Tôi dự họp và nghe Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đưa ra con số dự báo, năm 2025, Củ Chi còn khoảng 32% đất nông nghiệp, 0,4% hộ dân Củ Chi làm nghề nông. Hẳn phải tính tới chuyển đổi cơ cấu đất và ngành nghề.

Ðó là hai tín hiệu tích cực nằm trong thuộc tính “kinh tế” của đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất. Và tôi muốn lắng nghe thêm, thấu cảm hơn cái thuộc tính sinh tồn của đất, nó không chỉ là một thứ tài nguyên không thể sinh thêm; mà vì không thể sản sinh thêm nên rất cần một tầm nhìn, khả năng định đoán khai thác, phát triển trong thể bảo tồn cho một môi trường cộng sinh từ xưa đến nay, từ quá khứ sang vị lai, giữa thiên nhiên với con người…

Với Củ Chi, với vùng Tây Bắc thành phố, nối dài lên Trảng Bàng - Dầu Tiếng, qua Bình Dương, kéo lên Mộc Hóa, đất lại thêm một “thuộc tính”: vùng đất trả nghĩa.

________________

Ái Mỹ

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: