Hết cao tốc, tôi cho xe vòng lại phía đàn bò. Mùi quê ngai ngái, cảnh quê hiền hòa với đồng ruộng, hoa sen, hoa súng, chuồng bò, mương nước… Ba phụ nữ trạc tứ tuần dừng xe trước một ao sen để chụp ảnh. Họ muốn có vài đóa sen. Anh nông dân lội bùn hái sen cho họ. Rồi anh khoát tay: “Có chi đâu! Tôi không hái cho các cô thì để nó cũng tàn”.

“Khi còn chưa quá muộn, sao không giữ lại cái hồn quê để con cháu mình, bây giờ và mai sau, chẳng phải đi đâu xa mới biết cánh cò, ruộng lúa, bờ tre.”

Men theo con đường đất dọc mương nước đi sâu vào bên trong, dãy chuồng bò dựng tạm bằng cây lá tuềnh toàng. Mùi đất, mùi nước, mùi rơm rạ, hèm rượu, phân bò và mùi khói đốt đồng hòa quyện thành mùi quê quen thuộc. Dưới mặt nước, hoa sen, hoa súng bung cánh đón nắng. Gần chục căn chòi lá được cất trên mặt ao để phục vụ những người yêu hương đồng gió nội, thích những món ăn dân dã. Cuối con đường đất, nơi có đám ruộng bồn bồn, năm bảy thanh niên đang ngồi thả câu.

Khu vực tôi đang nói đến nằm cạnh đường cao tốc, thuộc địa bàn P.An Phú, Q.2, TP.HCM, do “được” quy hoạch nên ruộng đồng bị bỏ hoang hơn chục năm nay, nhiều nông dân đã tận dụng đồng cỏ để chăn nuôi gia súc.

Anh Út, chủ bầy bò gần 40 con, kể, dạo trước, đồng cỏ còn nhiều, đàn gia súc của khu vực gồm bò, trâu, dê lên đến hàng trăm con. Gần đây, sau thời gian dài đắp chiếu, nhiều dự án đã khởi động trở lại, đồng cỏ bị thu hẹp dần nên nhiều bầy gia súc đã được chủ lùa đến những vùng đất mới, giờ chỉ còn khoảng sáu bảy chục con. 

Theo chỉ dẫn của anh Út, 7g sáng tôi gọi điện cho ông Trần Văn Rây (thường gọi là ông Năm), 68 tuổi, chủ bầy trâu 40 con, trị giá gần một tỷ đồng. Ông Năm chỉ đường cho tôi: “Từ Bắc Rạch Chiếc đi thẳng vào chừng cây số, qua cầu xây, nhìn bên trái, thấy cây liễu to là nơi tôi ở”. Tôi đã nhìn thấy cây liễu to, nhưng phải quanh co hồi lâu mới tìm được đường vào. Bầy trâu và căn chòi của ông Năm nằm lọt thỏm giữa đồng cỏ ngập đầu người, bên cạnh một vũng nước tự nhiên rộng hơn ngàn mét vuông, kề bên sông Rạch Chiếc và cách đường cao tốc non cây số. Gần chục chú chó chạy ra sủa khách lạ khiến bầy gà tao tác trên nóc chòi. Bầy trâu chen chúc nhau đứng dậy, những con to nhất vươn ra phía trước. Con trâu đực đầu đàn quơ đầu mài sừng vào cổng chắn nghe sồn sột.

Sau hồi trò chuyện, ông Năm sực nhớ và cất tiếng “ui”, đàn trâu nối đuôi theo con đầu đàn ra khỏi cổng chắn, qua cây liễu to rồi khuất dần vào đồng cỏ. Một con trâu cái tách đàn đi sau cùng. Ông Năm nói với vợ: “Con này cong đuôi muốn đẻ rồi đây bà. Từ giờ tới chiều thế nào cũng đẻ à”. Bà Năm bâng quơ: “Ra đồng ông nhớ để ý nó!”. Ông Năm máng bình nước uống vào xe máy, vơ lấy chiếc gậy tầm vông rồi tà tà theo đàn trâu. Ðằng đông, mặt trời đỏ ối trên ngọn cây gòn soi bóng xuống sông Rạch Chiếc.

Dừng lại trên cầu để quan sát đàn trâu đang di chuyển, ông Năm đưa tay chỉ vạt ruộng 6ha trải dài từ chân cầu qua khỏi trụ điện cao thế của nhà mình ngày trước. Dòng họ ông đã năm đời làm ruộng trên mảnh đất này. Trước đây, mỗi nhà chỉ nuôi vài ba con trâu, vài ba con bò để kéo xe, cày ruộng. Bò cày ruộng cạn, trâu cày ruộng sâu. Từ năm 2003, ruộng bị quy hoạch, phân lô bán nền, rồi để cỏ mọc. Tiếc đồng cỏ hoang nên ông Năm gầy dần bốn con trâu cày thành đàn trâu đông đúc, mỗi năm xuất chuồng trên dưới chục con, bỏ túi hơn 200 triệu đồng. Nhờ đó mà kinh tế của hai vợ chồng già rất chủ động.

Thu nhập ấy gấp ba bốn lần thu nhập của một công chức danh giá. Tôi thầm thán phục. Nhưng ông bảo: “Không dễ đâu à! Nhiều người nuôi trâu thất bại rồi. Mình phải kiên nhẫn với công việc và đặc biệt phải biết thương yêu con trâu, nó mới cho mình”. Và theo cái thuyết “yêu thương - cho nhận” ấy, chẳng bao giờ ông Năm ngược đãi con trâu. Ông nhớ mặt, biết ý từng con. Tối về chuồng thiếu con nào ông nhận ra ngay. Có con, chiều không về theo đàn mà trốn lại ngoài đồng. Biết ý, ông để cổng chờ. Có con hễ đẻ là giấu con ngoài bụi ông cũng biết. “Làm như nó biết nghe lời mẹ nó à. Cả đêm nó không kêu. Mình đi tìm, “nghé” um sùm nó cũng không ra, nhưng sáng hôm sau, mẹ nó “nghé” một tiếng là nó chạy ra bú liền” - ông Năm kể.

Mặt trời đứng bóng, đàn trâu đã ăn được nửa bụng, ông Năm lùa ra vũng nước cho chúng vùng vẫy thỏa thích. Ðàn cò trắng từ đâu sà xuống lưng trâu…

Suốt năm, dường như ông Năm chẳng bỏ đàn trâu ngày nào, trừ những ngày có đám tiệc tối quan trọng. Là vì giao đàn trâu cho người khác ông chẳng yên tâm. Dãi nắng, dầm mưa nhưng ông thấy mình khỏe ra. Còn bỏ đàn trâu, bỏ đồng cỏ một ngày là ông nhớ, bỏ nhiều ngày ông sinh bệnh. 

Người đàn ông lội bùn hái sen cho ba phụ nữ là anh Nguyễn Tấn Dũng, 50 tuổi, một nông dân sinh ra và lớn lên ở vùng bưng sáu xã, 13 tuổi đã thạo việc đồng áng và gắn bó với con trâu, con bò. Mãi đến năm ngoái anh Dũng vẫn còn nuôi đàn bò hơn 30 con. Rồi nghe lời vợ, anh bán bầy bò để tìm công việc khác nhẹ nhàng, văn minh hơn. Thế nhưng khi làm công việc khác anh lại quay quắt nhớ đàn bò. Ðã một năm, tuy đi làm nhân viên bảo vệ ở chung cư Văn Minh, nhưng cứ 6g sáng, xuống ca, là người đàn ông này lại đạp xe về ruộng, nơi có căn chòi lá với bộ ván dừa cũ kỹ để nấu nước pha trà. Uống hết ấm trà, anh xuống ao hái sen, hái súng. Còn thời giờ thì giăng lưới bắt cá hay giong xuồng cắt cỏ, tắm bò phụ giúp anh em. 

Buổi trưa, anh về nhà ăn cơm với vợ con rồi lại trở ra ruộng trước khi vào ca. Người nông dân gốc rạ không đủ chữ để cắt nghĩa tại sao, chỉ nói là mình thích, mình ghiền, mình thương yêu, đam mê đồng ruộng và nhớ đàn bò. Có lẽ chừng ấy đủ giải thích vì sao những nông dân khác đã bán ruộng để lên bờ, còn anh có nhà trên bờ nhưng nhất định không bán ruộng để có chỗ trở về.

Tôi ngửi thấy có mùi khói rơm rạ thoang thoảng quanh đây, thơm đến lạ, và mơ hồ hiểu vì sao đã là “người nhà quê” thì khó lòng bỏ quê để ra tỉnh.

“Trong số những mùi của nhà quê thì mùi phân trâu bò và mùi khói rơm rạ là đặc trưng nhất”, tôi tỏ ra hiểu biết. Có người đồng cảm, những kỷ niệm về cuộc đời cắt cỏ chăn trâu của anh Dũng ùa về, trong đó có câu chuyện buồn rơi nước mắt: mùng Một tết năm ấy anh thả bò ra đồng. Chiều muộn, một con bò bị rắn độc cắn. Nọc độc phát tác khiến nó không thể đứng dậy. Nó nhìn anh, ánh mắt như van lơn, cầu cứu. Nước mắt anh trào ra. Anh chạy đi tìm lá thuốc về đắp vết thương cho nó, nhưng đã quá muộn.

Trời về chiều, trên đường cao tốc xe cộ vẫn ngược xuôi; phía dưới gầm, đàn bò đã lưng nửa bụng, nằm chờ chủ lùa ra vũng nước

Trời về chiều, trên đường cao tốc xe cộ vẫn ngược xuôi; phía dưới gầm, đàn bò đã lưng nửa bụng, nằm chờ chủ lùa ra vũng nước

Trong miên man câu chuyện về ngày xưa, anh Dũng sực tỉnh và quay về với hiện tại: “Trước đây ruộng đồng bát ngát, đẹp biết bao. Giờ đưa vào quy hoạch, san lấp và bê tông hóa đến vô hồn. Nhiều người bán ruộng lên gò, tiêu hết tiền lại trở về kiếm sống nơi ruộng hoang. Mươi, mười lăm năm nữa con cháu mình chẳng còn biết ruộng đồng là gì nữa”.

Cũng ở vùng bưng sáu xã, phía dưới đường cao tốc ồn ào, trong căn chòi lá ở phường Long Trường, vợ chồng lão nông Lê Văn Phùng, thường gọi là Hai Phùng, 70 tuổi, đang tính chuyện bán đàn bò hơn 20 con để hồi hương Hậu Giang sau 19 năm “du mục”. Ông Hai Phùng nhìn nhận: “Sự phát triển là điều ai cũng mong, nhưng phát triển như thế nào mới là chuyện. Tôi vẫn nói với tụi nhỏ rằng, cho tui cái nhà cao tầng để bán thì tui lấy, chứ cho để ở thì xin thôi. Buồn lắm, nông dân mà không còn đất thì biết làm gì. Những người lớn tuổi như tôi vẫn thường ước ao về một đô thị có nhà cao tầng, có phố xá tấp nập hài hòa bên cạnh những vùng nông thôn, để ai muốn nhộn nhịp thì lên phố, ai thích bình yên thì về đồng”.

“Tôi vẫn thường ước ao về một đô thị có nhà cao tầng,  có phố xá tấp nập hài hòa bên cạnh những vùng  nông thôn, để ai muốn nhộn nhịp thì lên phố, ai thích bình yên thì về đồng” - lời của lão nông Lê Văn Phùng

“Tôi vẫn thường ước ao về một đô thị có nhà cao tầng, có phố xá tấp nập hài hòa bên cạnh những vùng nông thôn, để ai muốn nhộn nhịp thì lên phố, ai thích bình yên thì về đồng” - lời của lão nông Lê Văn Phùng

Mơ ước của ông Hai Phùng khiến tôi chợt nghĩ, biết đâu sau này khi đã ngột thở giữa bốn bề bê tông sắt thép của thành phố, người ta lại mơ ước được trở về với cái điều mà ông Hai Phùng đã nghĩ hôm nay. Nó tựa như chuyện lấp hết ruộng đồng, kênh rạch rồi đi đào hồ chứa nước! Vậy thì ngay bây giờ, khi còn chưa quá muộn, sao không giữ lại cái hồn quê để con cháu mình, bây giờ và mai sau, chẳng phải đi đâu xa mới biết cánh cò, ruộng lúa, bờ tre; để chúng biết được nơi phố xá phồn hoa chúng đang ở được mọc lên từ những cánh đồng cùng với sự hy sinh của bao người nông dân…

Trời về chiều, nắng đã nhạt dần, trên đường cao tốc xe cộ vẫn ngược xuôi. Phía dưới, những chiếc chòi lá đang chuẩn bị đón những người-thành-phố vương vấn đồng quê, thèm cuộc sống ruộng đồng với các món còng rang, cá lóc canh chua, lươn đồng nấu bồn bồn, tép đồng cuốn bánh tráng… Xa xa, tứ bề bủa vây, những tòa nhà chọc trời đang nhấp nháy ánh đèn như những gã khổng lồ với sức mạnh và quyền uy vô đối đang nheo mắt bỡn cợt nhân gian. Mặt trời như con mắt đỏ hoe, buồn bã nhìn về phía ruộng đồng nơi có những đàn bò, đàn trâu đang đủng đỉnh theo nhau về chuồng và những đụn khói đốt đồng mong manh trong gió.

________________

Minh Nhật

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: