Bao năm ký thác chút xương tàn cho đất, dẫu người thân đâu đó không tìm về, thì cõi dương thế cũng thắp trên mộ họ chút lửa ấm của tình người. Và như sự nối tiếp của sinh thành - hủy diệt, vòng luân hồi hiện hữu bằng lẽ giản đơn là chết để nhường chỗ cho sự sống lên ngôi, ngày mai ngày kia, một câu chuyện mới sẽ được viết trên vùng đất dày đặc mộ chí, rằng những nấm mồ vô định không biết sẽ xiêu lạc về đâu, sẽ đưa yên nghỉ trong khói nhang của đạo lý và khao khát đổi thay.

 
 

Sắp mưa. Tôi đi sau chị và thằng nhỏ, như thấy mẹ con chị mất hút và nhòa đi trong lô nhô những khối bê tông đã không còn chỗ bạc nữa lẫn nham nhở cát đá. Đường vô nghĩa trang Sông Sơn nhầy nhụa bùn nước. Không có gió mà hình như những tán cây lớn như tuổi thọ khó tính của nghĩa trang này cũng lay lá, như cái chào lạnh lùng. “Chỗ này đây anh”. Chị nói và ngồi xuống. Vệt dài hố thẳm như giăng ra trước mắt tôi, cái hố che chở cho một quãng đời tủi khổ, mà không có nó, biết đâu mẹ con chị đã mờ mờ nhân ảnh.

Tôi ngó căn chòi nát mà tấm che cái đứng cái nằm, xỉn như màu xương cốt. Ngay sát cửa là hai mộ, một đã bốc, cái kia còn đó. Từ đó lùi ra chừng năm thước, là vô thiên lủng hàng hàng lớp lớp những tên và không tên mặc định gương mặt ai đó đã cựa quậy và bất động trốn dương gian về âm phủ. Gió bắt đầu rít, lá bay lả tả chỗ tôi ngồi, chỗ mẹ con chị, đọng trên những tấm bia, lăn lóc cạnh những nhấp nhô xám ngoét một thước ngang hai thước dọc.

Chín năm trước, mẹ con chị Kiều Thị Ánh Liên từ Bình Phước bồng bế nhau về đây. Tứ cố vô thân, có người thấy thương vì họ có cái chòi ở đó để canh mộ người thân, bèn cho mẹ con tá túc. “Lúc đó em mừng quá trời, nhưng sợ run, thằng Út mới sáu tháng tuổi”. Tôi nhìn nó, nghe chị nói học giỏi nhưng mẹ cực quá, nên ở nhà phụ việc. Chín năm, mẹ quần quật làm lụng ban ngày, ban đêm thì về với con, còn tuổi thơ của nó cùng hai thằng anh, là làm bạn với những ngôi mộ.

 

“Khổ lắm anh. Hồi đó ở đây toàn xì ke, chích hút liệng kim tiêm loạn đầy, rồi đánh nhau la hét, chính quyền có rượt đuổi mấy cũng không hết. Em sợ nhất là mấy đứa con bị xúi giục theo đám đó. Mùa nắng thì như lửa, nhưng đỡ hơn mưa, nước ngập tới ống chân, rắn rít mò vô tận gầm giường, cứ soi đèn đốt đuốc đuổi chứ ngủ được đâu, rồi sợ nhứt trời giông sét, mẹ con ôm nhau chạy núp ở những mộ có nhà bia”. Giọng chị khô khốc.

 

Đoạn đường đã đi qua bao tủi nhục giờ không còn những ấm lạnh nữa, mà nó như khô đét lại, rút vào người thành những tiếng kêu không thanh âm mà vang vọng xa xôi cái tên là bể ải kiếp người. Nhưng bất chợt chị đưa tay quờ lên tấm ảnh một phụ nữ dán trên bia sát cửa chòi: “Như mộ này, từ lúc em ở đến năm ngoái khi đi, không ai hương khói”. Mộ có tên Nguyễn Thị Tới-Dũng Kim-Hà Nam. Hàng chữ dưới mờ không đọc được. “Nhiều lắm anh, không tết nào em về quê, nên  mộ nào có thân nhân đến thắp nhang em đều biết. Thương lắm, nên em nói mấy đứa con, cứ ra tết mà không ai coi sóc thì mình nhổ cỏ, thắp nhang”.

Trên đường qua Bình Hưng Hòa A, hai bên đường mộ chí nối nhau. Bao câu chuyện đau thương lẫn rùng rợn từ chốn này đã lan truyền. Người chết sống với kẻ đang quần quật áo cơm, nương vào nhau, như mẹ con chị Liên vậy. Chị kể ở xa hút trong kia, cũng có gia đình chị Cúc, nhân tâm cựa quậy không thể đứng nhìn những hình hài dẫu bặt im trong đất nhưng như mở đôi mắt nhìn kẻ đang sống lướt qua mình, nên tháng ngày cũng thắp nhang, dẫu họ không máu mủ ruột rà.

 

Đó là cái tình đồng loại, là nước mắt xót đau kiếp cát bụi, như xót chính mình rồi có ngày cũng về với đất. Sấp ngửa gì rồi cũng trăm năm. Và ngày kia, mẹ con chị được chính quyền vận động ra ngoài ở, vì ở đây sắp di dời. Địa phương hỗ trợ chị mấy tháng thuê nhà. Chị tìm được một chân phụ việc ở quận 12. Đồng lương ít ỏi mẹ con cơm cháo qua ngày. Còn những ngày sắp tới ra sao, làm sao biết được, nhưng cũng khá hơn bởi một chốn dung thân nhìn quanh không thấy tử khí.

Ừ, đã tính cả rồi, bởi cái đạo lý của người mình, thì mọi linh hồn đều được đưa tiễn. Ông Lại Phú Cường, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân không giấu được mỏi mệt khi nói về chuyện di dời những mộ không có thân nhân. Từ 2005 đến nay, bao lần đại hội đảng bộ quận đều đặt vấn đề đó. Chủ trương đóng cửa nghĩa trang có từ năm 2010. Từ đó, quận bắt đầu phát thông báo cho ai có người thân đang nằm ở đây, phối hợp với chính quyền để tính bàn di dời.

 

Tôi không ngạc nhiên khi ông nói rằng, một thống kê cho thấy có 24 tỉnh thành cả nước có người chết tại các nghĩa trang của Bình Hưng Hòa. Sài Gòn-TP.HCM là đất trăm miền tụ về. Thông tin cho người thân họ, đâu chỉ đăng báo, đài, mà văn bản đưa về tận xã phường các tỉnh đó, với tần suất liên tục. Tôi hiểu sự kiên nhẫn của nhà chức trách. Ai cũng có người thân đã mất. Đụng đến bia mộ là đụng đến một phần hồn vía trong tâm tư người Việt, nên cái tình đặt lên hàng đầu. “Quy trình tụi tôi làm đúng hết, nhưng trên hết vẫn là mong muốn người có thân nhân đến nhận về tống táng, chứ nghĩ không có ai, tủi thân lắm” - ông thở dài. Mà nào có dễ. Đủ thứ mộ ở đó: mộ đất, bia, không bia, mà có đến 1/3 là mộ đất.

“Đến giờ phút này, tôi khẳng định đã hết người kê khai rồi”. Hết rồi, như nhát vẽ ra những bấp bênh đời người. Họ đến, ở rồi chết. Người thân, lớp ly tán, lớp chết, rời thành phố, lớp về quê… Bao nhiêu gia đình là bấy nhiêu câu chuyện cuộc đời, nên bỏ họ lại chơ vơ chốn này. Giọng ông xót xa: “Mộ sơ sinh rất nhiều, con số đó chiếm đến 20% mộ không chủ”.

Mùa mưa đã đến. Câu chuyện này dùng dằng bao năm, khi người ta cứ hỏi nhau: nhiều mộ như thế, chỗ nào mà cải táng, cất giữ, rồi chạm đến bao điều. Nhưng chưa kết chuyện. Với những ai đăng ký bốc, họ sẽ mua đất ở đâu, giá cả ra sao, khi đất nghĩa trang hiện giờ rất đắt? “Người ta nói với tôi, là đất ở Đa Phước, cả phần đất chôn và xây cho một mộ là 40 triệu, tụi tôi nghèo làm sao đủ tiền cải táng? Tôi đau đầu chuyện này lắm, bởi trong khi quy định hiện nay thì hỗ trợ từ 8-10 triệu cho một lần bốc, rồi giá đất nghĩa trang bằng 40% giá đất ở - ông Cường xua tay như phân bua - góc độ cá nhân, tôi cho rằng với chuyện di dời mồ mả, đừng xem đưa tiền để tính chi phí mua đất là xong, mà hãy tính chuyện quy hoạch chỗ nào đó, bán lại cho người ta theo giá hỗ trợ, với quy định ví dụ như chôn mới thì tính 100%, cải táng thì 70%. Ở đời, mua nhà thì có thể nhấc lên hạ xuống, chứ mua huyệt mộ ai đi cò kè mặc cả, bao nhiêu tiền cũng phải mua mà chôn”.

 

Ngổn ngang trăm mối, nào phải chuyện chơi. Bài toán cực khó đang đặt ra cho chính quyền. Cực chẳng đã mới di dời mộ. Mồ mả là tài sản không mang tính thừa kế, nhưng nó lại đi vào đời sống tâm linh người Việt bằng cái câu đóng đinh “sống có nhà, chết có mồ”. Nói thẳng ra đây là câu chuyện rất nhạy cảm. Đã từng có gia đình than phiền rằng, từ ngày phải bốc mộ, gia đình họ xáo xào lên. Ai cũng có lý do, cái lý nào cũng xem ra có lý, bởi cái lý siêu hình là không sờ nắm được. Rồi có chuyện, con đời trước lên đăng ký bốc mộ cha nhưng không làm; con của người đời sau bốc thì bị con lớn kia kiện...

Tôi đứng giữa nghĩa trang chiều, dòng người chạy mưa ùn nghẹt ngoài kia. Thành phố ngày một phình ra bởi người và xe, nhưng đất thì cũng chỉ có bấy nhiêu. Đất luôn im lặng, cưu mang cho kẻ sống có mái nhà, cho người chết có chỗ yên nghỉ, và đất dành phần suy tính sống chết cho người, hãy tự xử với nhau. Chết là hết. Ai theo chúa, phật thì lên thiên đàng, về tây phương cực lạc, ai thờ ông bà thì theo tổ tiên, dưới đất sâu kia là nắm xương, qua năm qua tháng cũng chỉ còn nắm tro. Người chết không tranh phần kẻ sống. Chỉ có người sống chọn lựa hai đường, cạnh tranh hay nhường nhịn nhau trong hành xử về thân cốt của người đã rời dương thế.

Một xã hội văn minh, thì chết là hỏa táng, để dành đất cho người sống, cũng tránh được nạn ô nhiễm mà người hưởng chính là con cháu mình. Chết, để người khác được sống, đó là hành xử nhân văn để đời sống luôn lao về phía trước mà bớt đi những bất an. Tôi chạm tay vào một ngôi mộ không tên. Rồi đây, những công trình, những lớp người mới sẽ về đây sinh sống, làm lụng, xây tương lai trên nền đất cũ, nghĩ người sống như là hóa thân hiện tồn của cha mẹ ông bà xa xưa của họ, và như thế, ra đi là để trở về...

Ông Lại Phú Cường nói: “Thông tin đưa ra là đến tháng 11/2017, những mộ vô chủ, kê khai mà không đăng ký bốc, sẽ được di dời cải táng. Chính quyền đã tính hỏa táng những mộ vô chủ, đem gửi chùa Di Lặc ở Bình Hưng Hòa và Nhà tang lễ quận Gò Vấp, còn lại nếu không còn chỗ, sẽ có phương án dự phòng.

 

Tôi hiểu sự kiên nhẫn của nhà chức trách. Ai cũng có người thân đã mất. Đụng đến bia mộ là đụng đến một phần hồn vía trong tâm tư người Việt, nên cái tình đặt lên hàng đầu. “Quy trình tụi tôi làm đúng hết, nhưng trên hết vẫn là mong muốn người có thân nhân đến nhận về tống táng, chứ nghĩ không có ai, tủi thân lắm” - ông Cường thở dài.

 

Nghĩa trang Bình Hưng hòa có diện tích 44,5ha với 75 ngàn ngôi mộ. Giai đoạn 1 của dự án giải tỏa, di dời mộ (2013-2017) là 12,9ha. Từ năm 2013, phương án bồi thường đã được duyệt, đến nay đã có 16.479 mộ được đưa vào danh sách, trong đó 12.428 mộ đã được bốc. Số còn lại là 4.021 mộ, thì có 539 mộ có thân nhân kê khai, 3.512 mộ chưa có thân nhân kê khai. Tổng chi phí cho thực hiện giai đoạn 1 là hơn 700 tỷ đồng.

Trung Việt - Sơn Vinh
Lê Hưng, Sơn Vinh
Tùng Neo
Chia sẻ bài viết: