Nhà cửa xập xệ, thấm dột, ẩm thấp. Nhiều nhà mái tôn gỉ sét, rách nát nhưng không thể thay mới. Tường nhà thấm nứt nhưng không thể xây lại. Không ít nhà diện tích chưa tới 10m2 nhưng có đến hai, ba thế hệ gia đình với gần chục người chen chúc sinh sống... Đó là cuộc sống khốn khổ của gần 1.500 hộ dân ở ngay trung tâm Q.1, TP.HCM, thuộc khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu dân cư Mả Lạng) sau 17 năm quy hoạch “treo”.

 

Khu dân cư Mả Lạng được bao bọc bởi bốn tuyến đường: Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1). Xung quanh khu dân cư Mả Lạng là những tòa nhà cao chọc trời, tráng lệ nhưng ít ai biết bên trong là hàng nghìn phận người phải sống cảnh chui rúc trong những căn nhà hộp diêm.

Từ đầu hẻm 117 Cống Quỳnh đi vào khu dân cư Mả Lạng ngoằn ngoèo như mê cung. Nhiều con hẻm chỉ đủ một chiếc xe máy chen vào, thậm chí ánh sáng ban ngày không đủ khoảng trống để lọt vào hết. Phần lớn nhà cửa hai bên đường đều chật hẹp.

 

Nhiều căn nhà chỉ khoảng 5-6 m2 nhưng phải cưu mang gần chục người sinh sống. Họ chia nhau từng chỗ ngủ. Người ngủ đêm đi làm ngày, người ngủ ngày thì tìm công việc làm đêm.

Để tiết kiệm diện tích, nhà vệ sinh cũng không thể thiết kế trong nhà. Tất cả phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Có những gia đình chưa bao giờ được quây quần cùng nhau bên mâm cơm chỉ vì ngôi nhà quá chật hẹp, không đủ chỗ ngồi.

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Gái, rộng chưa tới 10m2. Trong nhà, mọi vật dụng đều được treo, máng chật kín trên tường để nhường chỗ cho không gian chung. Thế nhưng, con của chị Gái cũng không có được góc học tập đàng hoàng.

Đứa bé 8 tuổi, học lớp 3, kê chiếc “ghế súp” ngồi viết bài, thỉnh thoảng 15 - 30 phút lại nằm sấp xuống sàn nhà để trở thế cho bớt mỏi. Ngôi nhà hầu như lúc nào cũng phải mở đèn vì ánh sáng tự nhiên đối với người dân nơi đây gần như quá xa xỉ.

 

Cách đó khoảng 50m là nhà bà Nguyễn Thị Đẹp rộng chỉ 6m2. Nhà quá chật hẹp, chồng bà Đẹp phải cơi nới thêm gác lửng bên trên để làm chỗ ngủ cho hai vợ chồng con trai bà vừa mới cưới vợ. Phía dưới, chỗ ăn cũng đồng thời là chỗ ngủ của vợ chồng bà.

“Sắp tới vợ chồng nó có con rồi không biết ngủ đâu nữa. Chúng tôi cũng muốn di dời cho xong. Thế nhưng nghe chính quyền địa phương nói hoài mà không biết đến bao giờ được đi” - bà Đẹp nói.

 

Suốt 17 năm sống trong cảnh quy hoạch “treo”, phần lớn nhà cửa của người dân khu dân cư Mả Lạng đều rơi vào cảnh rách nát. Nhà cửa xiêu vẹo, tường nứt, mái tôn gỉ sét... Nhiều nhà lợp mái tôn thủng khắp nơi nhưng không thể thay mới đành phủ chồng hai, ba lớp bạt lên mái nhà che đỡ nắng, mưa.

“Nhà tôi xiêu vẹo hơn ba năm nay. Tôi muốn xây lại nhưng chính quyền địa phương nói chỉ cấp phép cho làm tạm, khi giải tỏa không bồi thường. Chúng tôi nghèo mà nghe họ nói vậy, ai dám làm?” - ông Nguyễn Văn Bá than.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2000, khu đất được lập dự án thu hồi giao Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn thực hiện. Thế nhưng, 6 năm sau dự án vẫn “án binh bất động”. Cuộc sống người dân ngày càng khốn khổ: nhà cửa xuống cấp không được sửa chữa, nâng cấp; có đất không được xây; nhà, đất bán không ai mua, mang cầm cố vay vốn ngân hàng làm ăn cũng không ai nhận...

 

Trước bức xúc của người dân, năm 2006, dự án được thành phố chuyển giao cho Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng - trung tâm thương mại - căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị.

Cứ tưởng khu dân cư sắp được thoát “treo”, nhưng người dân chờ hết năm này sang năm khác dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”. “Thỉnh thoảng cán bộ phường, quận đến thống kê, đo đạc rồi về. Tôi thấy suốt 17 năm qua, tiến độ dự án chỉ thực hiện tới đó. Tôi hỏi, họ nói sắp giải tỏa, mà không biết đến bao giờ” - chị Nguyễn Thị Phấn ngán ngẩm.

 

Ông Tuấn Anh than: “Hàng chục năm qua chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì không biết dự án khi nào làm. Nhà cửa tạm bợ, xập xệ không dám sửa chữa, xây mới vì không biết dự án triển khai lúc nào. Thành phố nợ chúng tôi một lời xin lỗi”.

Trong khi đó, ông Khá trách: “Đáng lẽ chính quyền và chủ đầu tư phải báo cho dân biết kế hoạch giải tỏa, thực hiện dự án. Họ không thể hứng lên thì nói, hứng lên thì làm mà không cần biết người dân khổ thế nào”.

Ngoài kế hoạch thực hiện, vấn đề người dân nơi đây lo lắng nhất là giá đền bù, chỗ tái định cư, nhưng đến nay họ vẫn mù tịt. “Chủ đầu tư phải công khai giá đền bù, tái định cư cho dân ở đâu. Nếu nhận nhà thì giá bán thế nào, còn nhận tiền thì giá đền bù ra sao?” - bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung đề nghị.

Chị Nguyễn Thị Thu lo: “Trước khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải bàn bạc với dân để thỏa thuận giá đền bù chứ không đứng “sau lưng” chính quyền thúc ép dân được”.

 

Tại buổi đối thoại với người dân khu dân cư Mả Lạng ngày 3/7, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch UBND quận 1, thay mặt chính quyền xin lỗi người dân vì để vì để dự án chậm trễ. Ông Hải cam kết: “Chính quyền luôn lắng nghe dân. Nếu chủ đầu tư làm không đúng luật, không đủ năng lực, quận sẽ kiến nghị thành phố loại ngay. Còn cán bộ nào làm khó, nhũng nhiễu trong quá trình làm dự án, người dân cứ báo đến tôi. Quận sẽ kiểm tra, nếu đúng sẽ kỷ luật nghiêm”.

Về công tác đền bù, giải tỏa, ông Hải khẳng định: “Giá bồi thường sẽ được cơ quan có trách nhiệm thẩm định theo giá thị trường. Sắp tới cơ quan chức năng sẽ đến làm việc trực tiếp với từng hộ dân”.

Theo ông Hải, trước khi triển khai thực hiện dự án, lãnh đạo thành phố và UBND quận 1 đã rà soát rất kỹ: “Chúng tôi sẽ không vì lợi ích cá nhân mà đứng về phía chủ đầu tư làm thiệt thòi quyền lợi của dân. Công tác đền bù sẽ được giải quyết có tình, có lý”.

 

Bài: Minh Thanh - Hùng Phan

Ảnh, video: Minh Thanh

Design: Tùng Neo

 

 

Chia sẻ bài viết: