Từ biển đảo vọng về đất liền, thấm vào dòng mạch chữ S, để từ hơn 80 năm trước, từ làng Dưỡng Mong, cậu thiếu niên Lê Đức Anh đã đặt chân lên Huế, mang theo điệu hò vong quốc mà chạnh lòng nước non…


Những ngày cuối tháng Tư, cách nay 89 năm, một đứa trẻ lên mười, lần đầu tiên nhìn thấy lá cờ búa liềm, biết tìm cách giấu lấy nó để rạng sáng 1/5/1930, đã trao cho “người đại diện” cách mạng (anh Hoàng Văn Viễn, tức Huỳnh Văn Viết) treo lên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang.

Nay, giữa bốn bề sông nước Tam Giang, từ đầm Cầu Hai, ngược lên Bạch Mã, phủ cả tầm mắt về con sông Truồi, nghe như có tiếng phi lao rào rạt, tiếng chân bước trên cát bỏng ran rát của cậu bé Lê Văn Giác tới Trường An Lương Đông học chữ Quốc ngữ.

Cũng là 80 năm tròn, từ cái đêm rét căm cuối năm 1939, Lê Văn Giác, lúc này đã được thầy giáo đổi tên thành Lê Đức Anh, bí mật ra đi giữa cơn bố ráp của địch; cùng lời dặn của thân sinh, “con phải tự lo cho bản thân và sức khỏe. Ba má và gia đình rất tin tưởng con”.

Quãng đời xa quê bắt đầu từ đó.

Quãng đường thiên lý cùng nghiệp nhà binh đã đưa ông đi qua mọi miền của đất nước để sau 80 năm, ông gửi lời chào vạn nẻo bởi muôn dặm chiến chinh, với người lính, nơi đâu cũng là quê nhà, là ruột thịt.

***

“Dấu chân người lính” Lê Đức Anh đã in đậm trên khắp chiến trường miền Nam, từ năm 1964 đến ngày chiến thắng, 30/4/1975; trước đó ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê nhà, vào đến Lộc Ninh, Hớn Quản, Thủ Dầu Một… Là vị chỉ huy của đội quân tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia từ năm 1979-1986, là người ổn định tình hình biên giới phía Bắc thời điểm 1986-1989. Để thấy rằng, binh nghiệp là sự đặt để thời cuộc lên ông. Có chọn lựa nào cho ông, nếu theo nghề làm thuốc Đông y của ông bà nội (nuôi) đã đành, hay tiếng hò mái nhì mái đẩy đã khiến “lòng nước non” thổn thức mà thắp dậy hai tiếng lên đàng, dấn thân vào hành trình cách mạng.

Với tư tưởng tuyệt đối trung thành, nhất quán; với tư duy khoa học, thực tiễn; với tầm nhìn viễn kiến, sâu sắc và đặc biệt với nửa thế kỷ trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ huy chiến trường, ông là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà cầm quân tài ba thao lược của các chiến trường, kể cả chiến-trường-không-tiếng-súng.

* Chuẩn bị cho việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tháng 7/1991, ông là phái viên của Bộ Chính trị được cử sang Trung Quốc. Trước giờ hội đàm chính thức, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân đã có ít phút gặp riêng. Ông Giang Trạch Dân nói:

“- Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung - Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm tổng bí thư. Trước chưa biết nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết Nam Sa (tức Trường Sa) là của Trung Quốc.

Nghe vậy tôi liền nói:

- Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương, có dịp nghiên cứu lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể.

Nghe vậy, đồng chí Giang Trạch Dân không nói gì nữa, chỉ cười thôi. Rồi ông bảo:

- Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!”.

Trước đó, tháng 3/1987, ông đã bay vào TP.HCM, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, nói chuyện với một số người đại diện và có uy tín trong cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn. Rồi ông bay ra lại Hà Nội mời cơm Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy tại trụ sở Bộ Quốc phòng. Ông khẳng định Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình của Trung Quốc trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ông cũng xác định: “Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột? Việc này không phải do nhân dân và bộ đội gây ra”.

Ngày 5/11/1991, Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa mối quan hệ sau hơn 10 năm gián đoạn.

Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu tại đảo Trường Sa Lớn, ngày 7/5/1988

* Chuẩn bị xúc tiến bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch có đề nghị ông làm bước mở đầu. Một lần nữa, ông là người mở đường bằng cách “tiếp cận từ khoa học”. Ông cử Thiếu tướng - bác sĩ Nguyễn Huy Phan, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình, Viện Quân y 108 sang Paris dự hội nghị khoa học quốc tế. Từ đây, giáo sư Nguyễn Huy Phan được các nhà khoa học Mỹ mời sang Mỹ, các nhà khoa học Mỹ bày tỏ muốn làm điều gì đó cho Việt Nam. Một đoàn bác sĩ phẫu thuật nụ cười sau đó đã chính thức sang Việt Nam.

Chiếc cầu nối đã được bắc những nhịp đầu tiên như thế!

Tiếp đến, vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh (POW/MIA), ông dứt khoát “là vấn đề nhân đạo, thuần túy nhân đạo, không gắn với chính trị”.

Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.

Ngày 12/7/1995, Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao.

* Ông đã có 4 lần vào thị sát vùng vịnh Cam Ranh, trong đó, với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông trực tiếp chỉ đạo giải quyết với Liên Xô về Cam Ranh trên cơ sở “có tình có lý, có pháp lý”. Ngoài những nội dung đã ký kết thì tuân thủ, còn phần bổ sung, phía ta chấp thuận cho gia đình của các sĩ quan vào ở bãi Cam Ranh nhưng dứt khoát từ chối nếu phía bạn đưa tàu ngầm và các chiến hạm mang đầu đạn hạt nhân vào quân cảng Cam Ranh.

Khi thị sát, thấy phía Liên Xô khai thác đá, cát trong vịnh để xây dựng kho và hầm ngầm, ông đã chỉ đạo cho dừng lại. Đại sứ Liên Xô xin gặp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, tại cuộc gặp này, ông bảo vệ quan điểm “trong hiệp ước không có chuyện hạt nhân, tên lửa và không khai thác đá, cát trong vịnh Cam Ranh”.

Sau đó, ông chỉ đạo làm một con đường dài 30km vào khai thác đá núi trong đất liền chở ra. Khi Liên Xô tan rã, Nga thay thế tiếp tục thực hiện hiệp định, dĩ nhiên, tàu ngầm và chiến hạm Liên Xô không còn ở Cam Ranh.

Và tiếng “xin thề” vang rền khắp biển cả

* Khoảng năm 1979, xảy ra bạo loạn ở Trà Vinh. Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh đề nghị quân khu đưa lực lượng xuống. Ông, với tư cách là Tư lệnh Quân khu 9 đã trả lời: “Không được, thậm chí nếu để mất chính quyền một huyện tôi cũng không đưa. Bạo loạn cũng tại các anh. Các anh phải tìm hiểu và thấy rõ những lệch lạc mà sửa, chủ động xử lý, chứ đưa quân đội xuống là làm to chuyện”.

Và Tỉnh ủy Trà Vinh đã xử lý dứt điểm vụ bạo loạn, ổn định tình hình chính trị tại địa phương sau đó.

Thời gian ông là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ở trong nước, toàn quân thực hiện Nghị quyết 07, tức bỏ chế độ đảng ủy, bỏ chức chính ủy, chính trị viên, thay bằng cơ chế “Một người chỉ huy”. Trưởng đoàn cố vấn Liên Xô sang gặp ông tại Campuchia thấy ông chưa thực hiện theo cơ chế mới bèn hỏi. Ông trả lời, trong quân đội, chỉ huy và những người lãnh đạo đều phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Quan điểm này, sau đó, một lần nữa ông xác tín trước Tổng bí thư Lê Duẩn và các lãnh đạo cao cấp khác: một chủ trương quân sự, một hoạt động quân sự không bao giờ là quân sự đơn thuần, mà hoạt động quân sự là hoạt động chính trị, phục vụ mục đích chính trị... Người chỉ huy quân sự là làm chính trị, phục vụ chính trị, phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của tổ chức đảng.

***

Giữa những ngày thầm lặng đưa tiễn ông, tôi lại đi tìm đọc Dấu chân người lính. Tôi như thấy lại từng dấu chân ông trong mỗi trang sách hay chính cuộc đời chinh chiến của ông, như bao người lính đã đi suốt dặm dài đất nước, chiến đấu, bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc là chất liệu cho ngòi bút tài hoa Nguyễn Minh Châu. Lời thề rền vang nơi vùng núi Tà Cơn của đại đội 6 sau phát biểu của chính ủy Kinh, người chỉ còn một con mắt bên phải nhưng lại hiểu rõ tâm tính từng chiến sĩ, tường tận mỗi chiến hào như một cuộc mô phỏng tài tình từ vị tướng đã kinh qua bao trận mạc, để đến ngày 7/5/1988, giữa trời cao, biển rộng, “trước anh linh tổ tiên và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”, hai tiếng “xin thề” một lần nữa vang rền khắp biển đảo.

Từ biển đảo, vọng về đất liền, thấm vào dòng mạch chữ S, để từ hơn 80 năm trước, từ làng Dưỡng Mong, cậu thiếu niên Lê Đức Anh đã đặt chân lên Huế, mang theo điệu hò vong quốc mà chạnh lòng nước non…

Gần một thế kỷ sau, nước non lại tiễn đưa người, chạnh lòng thương tiếc.

* Bài viết có trích dẫn tư liệu từ hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh - nhà xuất bản Chính trị Quốc gia

Lê Huyền Ái Mỹ
Thiết kế: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: