Có nhiều quan niệm về hạnh phúc, nhưng đối với tôi, hạnh phúc nhất là được về nhà mỗi tuần với cha mẹ. Về nhà, là chạy ra vườn coi bầu - bí - mướp đã lớn chưa; về nhà là ra vườn coi cây cỏ có thêm hoa, thêm trái chưa; về nhà là “cha mẹ có chi ăn không?”. Về nhà, đôi khi quên cả hỏi thăm “cha mẹ ngày ni có khỏe không?”, bởi vì quá quen thuộc, quá gần gũi, cứ nghĩ mình vẫn ở với cha mẹ mỗi ngày như thuở nhỏ.

Cha mẹ sinh ra tôi và các em tôi ở Huế, trong một ngôi nhà vườn cạnh bờ sông Bến Ngự. Ngày đem tôi về nhà, cha mẹ còn trồng một cây vải và chôn cái nhau dưới gốc để đánh dấu nơi “chôn nhau cắt rốn” của tôi. Cha mẹ còn dặn cây vải rằng, phải chờ đến lúc Bé chị lấy chồng có con mới được ra trái nghe chưa, và quả nhiên, đến tận 30 năm sau, cây vải của tôi mới cho đợt trái đầu tiên. Nhưng tôi và cha mẹ không có diễm phúc được thưởng thức những trái vải “đầu tay” ấy; có lẽ vì vậy, nên tôi vẫn đau đáu nhớ về ngôi nhà xưa, thuộc lòng từng gốc cây ngọn cỏ.

“bứng” nhà rời khỏi Huế, cha mẹ tôi lại tạo nên một khu vườn, gieo trồng rau trái Việt ngay giữa tiểu bang Texas - Hoa Kỳ

“bứng” nhà rời khỏi Huế, cha mẹ tôi lại tạo nên một khu vườn, gieo trồng rau trái Việt ngay giữa tiểu bang Texas - Hoa Kỳ

“bứng” nhà rời khỏi Huế, cha mẹ tôi lại tạo nên một khu vườn, gieo trồng rau trái Việt ngay giữa tiểu bang Texas - Hoa Kỳ

Ở cạnh bếp là một cây khế rất to và năm nào cũng trĩu quả. Chị em tôi còn gói từng gói muối ớt đem treo sẵn trên cây, để mỗi lần trèo lên hái khế thì ngồi luôn trên đó ăn khế chấm muối ớt. Phía bên kia bếp là cây mãng cầu mà tôi là đứa luôn phát hiện ra những trái vừa mới nhú. Phía sau nhà là ổi là đào, đặc biệt còn có một cây hồng.  Phía trước là cây nhãn, cây vải.

Ngoài hiên, trên bể cạn có cá bảy màu do bọn trẻ con chúng tôi nuôi là những vòm lá măng tây xanh mướt; tiếp đó là hoa, đủ loại, từ hồng kiêu sa, đồng tiền rực rỡ, đến cánh bướm hoang dã. Dưới chân hoa là su bắp, xà lách và các loại rau. Tôi nhớ mùa thu hoạch su bắp, cả nhà kéo một chiếc xe đẩy chở ra bỏ mối cho các mệ bán rau ngoài chợ Bến Ngự; cha tôi kéo đằng trước, mẹ và tôi đẩy đằng sau, trên xe là su bắp và ba đứa em nhỏ.

Cả xe “nông sản” chỉ đổi được ít bó rau muống và mấy cái trứng vịt, nhưng niềm vui của chúng tôi lúc đó là vô biên. Mùa me đất mọc đầy sân là bọn trẻ con chúng tôi “trúng mánh”, vì mỗi bó me đất đổi được hai viên kẹo gừng thơm phưng phức.  Tuổi thơ của tôi ở Huế chỉ có hai cái quần và hai cái áo để mặc đi học, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình thiếu thốn hay nghèo khó, ngược lại còn cảm thấy quá đầy đủ trong sự yêu thương của cha mẹ mình. Nói cách khác, cha mẹ tôi chưa bao giờ cho tôi cảm giác thiếu thốn hay thua thiệt trong cuộc sống.

Rồi cha mẹ tôi “bứng” nhà rời khỏi Huế một ngày cuối tháng Mười cách đây 26 năm. Mọi sự khởi đầu đều rất vất vả và khó khăn, nhưng cha mẹ tôi đã cố gắng làm lại cho chúng tôi một ngôi nhà trên xứ nắng nóng của tiểu bang Texas ở Mỹ. Mẹ tôi trồng cây ăn trái, trồng hoa, trồng rau theo mùa. Mùa đông lạnh giá làm bao nhiêu cây ăn trái như khế, mận ngất đi, thì qua mùa xuân mẹ tôi lại chăm sóc vun xới cho bọn chúng lên lại. Cây cam của nhà cha mẹ tôi được trồng từ cái hột mà chúng tôi ăn từ 20 năm trước đến nay vẫn cho chúng tôi rất nhiều trái.

Mùa xuân thì trăm hoa đua nở, từ mộc lan cho tới tỉ muội; đây cũng là mùa bận rộn, mẹ tôi chuẩn bị gieo hạt bầu bí, mướp ngọt, mướp đắng. Hè về thì bọn tôi lại khèo khế, hái cóc, bắt đầu đếm bao nhiêu trái bầu, trái mướp đã tượng hình. Cuối thu là lúc chuẩn bị dọn dẹp vườn rau, giàn mướp để chuẩn bị cho mùa sau. Bọn chúng tôi thường hay nói đùa rằng vườn cha mẹ không có chỗ nào trống, vì mẹ tôi nếu thấy có một khoảnh đất “thừa” trong vườn thì sẽ trồng ngay một cây chi đó. Mẹ nói rằng rau dền, rau lang không cần đất nhiều, cho nên cứ nhét cây này cạnh gốc cây kia, bọn chúng vẫn lớn cùng nhau thôi. Vì vậy, quanh năm suốt tháng chúng tôi luôn có rau tươi, quả tốt để ăn.

Về nhà, nhà của cha mẹ, bên mâm cơm “có chi ăn nấy” đã là may mắn và hạnh phúc của những đứa con...

Về nhà, nhà của cha mẹ, bên mâm cơm “có chi ăn nấy” đã là may mắn và hạnh phúc của những đứa con...

Về nhà, nhà của cha mẹ, bên mâm cơm “có chi ăn nấy” đã là may mắn và hạnh phúc của những đứa con...

Về nhà, cha mẹ hỏi “con ăn chi chưa?”, tôi nói “có chi ăn nấy đi mẹ”, rồi ra vườn hái nắm rau đem vô luộc. Có khi là mớ rau đủ loại, có khi chỉ một ít rau dền, rau lang hay đọt bí, đọt mướp. Thỉnh thoảng mẹ có sẵn dưa cải muối hay tôm chua Huế vừa chín, luộc thêm miếng thịt nạc rồi ăn chung. Bữa nào “sang” hơn thì còn có cả món canh cá nấu me đất làm bọn bạn ở Huế trố mắt “ở bên nớ có me đất á? Ở Huế chừ hiếm lắm...”.  Người Huế cho dù ở đâu vẫn là người Huế, ăn cơm Huế, nói giọng Huế, đi đứng như người Huế, vậy mới là con cháu đất Thần Kinh.

Có nhà để về là một sự may mắn; có nhà có cha mẹ để về còn may mắn hơn. Cha mẹ tôi vẫn luôn nói với tôi rằng, nhà to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là làm sao để cái nhà nó ra cái “nhà”, để đến khi con cái của tôi lớn lên, bọn chúng sẽ có nơi để về. Thiết nghĩ, kiếp này được làm con có một lần thôi, thì dù giàu sang phú quý đến mấy cũng không bằng được ngồi cùng mâm cơm “có chi ăn nấy” với cha mẹ; cho nên “về nhà”, về nhà thôi! 

Hoàng Dung
Chia sẻ bài viết: