Phóng viên: Thưa chị, vìsao đến tận 20 năm sau khi làm luận văn cao học, chị mới “chịu” đứng tên tác giả sách trong chính công trình nghiên cứu của mình?

Nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Thị Thanh Thủy: Việc thực hiện cuốn sách là một quá trình dài: nghiên cứu một chuyên đề, dụng công cho phần tài liệu, “ngồi đồng” tra cứu trong các thư viện, gặp gỡ tác giả và những nhà nghiên cứu, những bạn văn của nhà văn Sơn Nam... Sau đó tôi tập hợp, phân loại, tổng hợp theo vấn đề, bóc tách để đặt vào các “rổ” tư liệu, lập và chỉnh lý đề cương… Cuối cùng, tôi tập trung viết, đọc lại, sửa chữa; xong chương nào gửi thầy hướng dẫn đọc duyệt, viết lại, hiệu chỉnh… Tôi thực hiện luận văn “Văn hóa và con người Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” trong 6 tháng (4 tháng làm tư liệu và 2 tháng vừa viết vừa hoàn thiện). Nhưng đến 20 năm sau khi bảo vệ luận văn, cuốn sách nhan đề “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” mới ra mắt bạn đọc. Có lẽ cuốn sách được xuất bản nhờ đủ duyên, đúng thời điểm.

Năm 2004, việc xuất bản sách đối với một tổ chức còn khó khăn, chưa kể đến cá nhân. Tôi làm xong luận văn, nộp Thư viện Khoa học Tổng hợp theo quy định là đã thấy mình có đóng góp lớn lao cho giới nghiên cứu rồi.

Hơn 10 năm sau, tôi công tác tại Nhà xuất bản Tổng hợp. Quá trình tiếp xúc với các tác giả, đọc và tìm kiếm khai thác thảo, tôi có gửi luận văn của mình cho biên tập viên nhà xuất bản đọc, thẩm định. Các bạn đồng nghiệp đã đề nghị đưa vào kế hoạch xuất bản. Nhưng tôi cứ lấy ra rồi cất vào; không phải băn khoăn nội dung mà đắn đo việc kinh doanh phát hành dòng sách ít sức hút đối với thị trường.

Ngoài ra, việc vừa đứng tên tác giả xem ra thật không hay, xem ra mình “lạm dụng” chức quyền ấy! Bạn sẽ hỏi, thế sao không gửi Nhà xuất bản khác? Có đó, nhưng câu trả lời là: bản thảo hay, nhưng mà khó bán.

Nay, cuốn sách được xuất bản phải kể đến công của rất nhiều người. Vậy là sau 20 năm hoàn tất luận văn, trong đó có 8 năm gắn bó với ngành sách, tôi mới quyết định xuất bản cuốn sách của mình. Một kỷ niệm dành cho chính mình. Một kỷ niệm với bạn bè, đồng nghiệp trong tư cách một tác giả.

Tôi cũng nhận thấy khí chất Nam Bộ trong con người mình: có sự khiêm tốn, lòng nhân ái, vị tha, có lúc thông minh (chứ chưa đến mức tài giỏi). Sự khiêm tốn khiến tôi cất lại bản thảo nhiều năm. Lòng nhân ái khiến tôi tự dặn mình không được gây khó cho những người xung quanh. Sự vị tha giúp lòng tôi luôn bình tâm, không ghét giận. Sự thông minh tạo cái duyên trong giao tiếp cho bản thân mình.

Trẻ em vùng sông nước Nam Bộ - ảnh Vương Đình Khang

Trẻ em vùng sông nước Nam Bộ - ảnh Vương Đình Khang

Cuốn sách là công trình nghiên cứu tâm huyết của chị với đất và con người Nam Bộ, đây có phải là cách đáp đền ơn nghĩa của chị với quê hương?

Đúng vậy. Tôi đúc kết 3 điều tâm đắc từ công trình nghiên cứu này. Một là, tôi đã thử sức mình để vượt qua những yêu cầu tự đặt ra cho bản thân: lên kế hoạch và thời gian hoàn thành; truy tìm cho ra những mấu chốt, manh mối tư liệu được giới thiệu. Tư liệu không chỉ ở trong tàng thư mà ẩn tàng trong dân. Hai là, tôi hoàn thành cơ bản nhiệm vụ cơ quan “đặt hàng” khi cử đi học: nghiên cứu về các nhà văn, nhà văn hóa Nam Bộ (quá trình đó tôi đã chọn Sơn Nam). Ba là, tôi đã góp chút công sức để “tìm lại”, thống kê danh mục tác phẩm (bao gồm cả sáng tác và khảo cứu) trong cuộc đời đi, quan sát, chiêm nghiệm và ghi chép của nhà văn Sơn Nam.

Tôi là dân ở vùng đất nằm bên bờ sông Tiền. Tôi học hành và trưởng thành ở đất Sài Gòn. Nhưng tôi đã lớn lên, biết yêu thương từ ký ức những kỳ nghỉ hè được cha mẹ gửi về quê nội. Những bụi ô rô, cóc kèn, những con cá bống dừa ẩn theo bập dừa nước; sự háo hức khi phát hiện gò nấm mối; những đêm đốt đuốc lá dừa đi đặt trúm, giở nò… đã được tái hiện khi đọc lại từng trang tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam.

Nói đây là cách đền ơn đáp nghĩa với quê hương là rất đúng. Nói đây là cách trở về tuổi thơ của chính mình lại càng đúng.

Nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy (bìa trái) cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, bà Ông Thị Ngọc Linh - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, và anh Trung Nghĩa - đại sứ văn hóa đọc Tp.HCM 2023 - 2024 chụp ảnh tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024- ảnh: Thuận Văn

Nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy (bìa trái) cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, bà Ông Thị Ngọc Linh - Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, và anh Trung Nghĩa - đại sứ văn hóa đọc Tp.HCM 2023 - 2024 chụp ảnh tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024- ảnh: Thuận Văn

“Cái nôi” Nam Bộ đã nuôi dưỡng, định hình nên cá tính của chị như thế nào?

Khí chất Nam Bộ, ngẫm lại có ảnh hưởng nhiều trong tác phong làm việc của tôi. Tính cách thẳng thắn, bộc trực, rạch ròi, tôn trọng sự thật không cho phép tôi nói vòng vo, nói dối mọi người. Làm được là kiên trì, vượt khó mà làm, làm không được thì không nhận lời.

Tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc giúp tôi cùng Nhà xuất bản quyết tâm, bền bỉ theo đuổi dòng sách lịch sử - văn hóa, yêu nước cách mạng. Dòng sách này tạo nên thương hiệu riêng của NXB Tổng hợp, đàng hoàng và mạnh mẽ. Chúng tôi biết phải chuyển mình, trở bộ khai thác dòng sách thị trường để tự doanh. Nhưng chúng tôi khẳng định không từ bỏ giá trị cao đẹp của dòng sách chính luận. Doanh thu, rất cần. Lợi nhuận, bài toán phải tính. Nhưng tôi chọn lợi nhuận ít một chút mà giá trị của dòng sách mang lại cao hơn.

Dũng khí, nghĩa khí Nam Bộ cũng khiến tôi tự tin, quyết đoán trong việc đỡ đầu rất nhiều cuốn sách giá trị của các tác giả viết về những biến thiên của Sài Gòn qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm. Đầu tư làm sách khó (khó nhằn, khó bán) nhưng thật sự có giá trị. Nếu không ai tiếp sức thì những tác phẩm đó mãi chỉ ở dạng bản thảo. Tri thức không có cơ hội ghi lại và phổ biến trong đời sống. Đó là công việc lặng thầm của Nhà xuất bản. Hỗ trợ tác giả trẻ (trẻ tuổi đời và tuổi nghề) xuất bản cuốn sách tâm huyết, tạo động lực sáng tạo cho các tác giả nếu có thể, tạo điều kiện khuyến đọc, phát triển xã hội học tập; đó là công việc nên làm của những người làm sách vở. 

Là người miền Tây nhưng công việc và đời sống của chị gắn liền với đất Sài Gòn. Theo chị, cá tính của thành phố này có sự tương đồng và khác biệt nào so với cá tính chung của người Nam Bộ?

Cũng từ nghiên cứu các tác phẩm của Sơn Nam, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và cá tính của con người ở thành phố này trong cơ chế giao lưu, lan truyền, tiếp nhận, tiếp biến, hội nhập văn hóa, đều có chung các biến đổi văn hóa miền Nam. Đó là một quá trình thay đổi để thích nghi tồn tại, bao dung để độc lập về văn hóa, nhưng vẫn nằm trong chỉnh thể văn hóa có bản sắc dân tộc Việt Nam.

Sự khác biệt nằm ở điều kiện sống của một thương cảng, chịu thêm sự tác động mang yếu tố giao thương, trao đổi: người sang không quá kỳ thị kẻ hèn, lúc vinh hiển không quên tìm giúp người khốn khó.

Những điều đó có phải là mấu chốt để đưa thành phố ngày càng phát triển mà không bị “biến dạng văn hóa, cá tính Nam Bộ”?

Văn hóa Nam Bộ, khí chất Nam Bộ đã tiếp thêm cho mỗi người đến đây một sức sống mới, sức sáng tạo mới trên nền văn hóa Việt. Nó bảo tồn những giá trị đã ổn định, kế thừa, biến đổi những yếu tố mới phù hợp, tạo nét riêng bản địa, biểu hiện tính đa dạng trong sự thống nhất.

Lễ cúng Kỳ Yên đình An Hội (Bến Tre) - phần lễ tế Tiền Hiền, Hậu Hiền - ảnh Nguyễn Thế Bảo

Lễ cúng Kỳ Yên đình An Hội (Bến Tre) - phần lễ tế Tiền Hiền, Hậu Hiền - ảnh Nguyễn Thế Bảo

Đời sống chúng ta đang bị chi phối rất nhiều bởi công nghệ, mạng xã hội và sự xâm lấn của văn hóa hiện đại từ nhiều nước, là một nhà nghiên cứu chị có trăn trở gì trước hiện tượng này?

Tôi băn khoăn nhiều. Bản thân tôi vẫn còn loay hoay kiếm tìm giải pháp. Xã hội đang bị mai một khá nhiều phong tục truyền thống. Giới trẻ đang bị cuốn hút bởi dòng chảy văn hóa hiện đại từ các nước. Song sau khi dòng chảy này tràn qua, tôi đã nhìn thấy phù sa lắng lại. Chính các bạn trẻ bắt đầu nhận ra văn hóa Việt có nhiều điểm rất đáng tự hào để đọ sức, sánh vai cùng văn hóa nước bạn. Họ đã kịp tiếp cận công nghệ hiện đại, đang sáng tạo nhiều sản phẩm ở các lĩnh vực khác nhau trong thời đại công nghiệp văn hóa. Những bộ sách chuyên chở giá trị lịch sử, văn hóa Việt theo cách kể mới, thiết kế bắt mắt, gãy gọn, giàu trí tưởng tượng… dần định hình, lôi cuốn thế hệ Z, thế hệ Alpha.

Chắc chắn đến lúc các bạn sẽ tìm về nguồn cội văn hóa dân tộc trong một tâm thế mới, cách làm mới.

Đám cưới - nét văn hóa của con người vùng sông nước Nam Bộ - ảnh Vương Đình Khang

Đám cưới - nét văn hóa của con người vùng sông nước Nam Bộ - ảnh Vương Đình Khang

Theo chị, chúng ta cần làm gì để giúp lớp trẻ có thể nắm rõ các giá trị đẹp đẽ, góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa và cá tính Nam Bộ?

Chúng ta cần tiếp tục tích lũy kiến thức, giữ gìn tri thức lịch sử - văn hóa trong kho tàng sách giấy, trong dữ liệu điện tử. Ta làm một cách nghiêm cẩn, trung thực, đàng hoàng, tử tế. Và ta tin vào ngày “trở về” đầy sáng tạo của thế hệ tiếp theo sau chúng ta!

Xin cảm ơn chị đã chia sẻ!

Một số đầu sách nổi bật Nhà nguyên cứu văn hóa Đinh Thị Thanh Thủy đã xuất bản như: Các bảo tàng và di tích nổi tiếng tại TPHCM, Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Vai trò của nghiên cứu và giáo dục…

Chia sẻ bài viết: