Khoác vỏ bọc “đầu tư, hợp tác”, hàng loạt dự án thuê đất ở nước ngoài theo kiểu “đôi bên cùng có lợi” thực chất chỉ mang đến lợi ích đơn phương cho Trung Quốc, trong khi kinh tế, an ninh và ổn định chính trị của các quốc gia về lâu dài bị đe dọa nghiêm trọng.

5 USD/ha và cuộc “xâm lăng” thầm lặng

Năm 2015, Trung Quốc gây chú ý với kế hoạch thuê đất vùng Siberia, vùng lãnh thổ lớn nhất của Nga. Trung Quốc hiểu rõ lợi thế 1,35 tỷ dân áp đảo dân số 144 triệu người của Nga, với tỷ lệ tương quan 10:1.

Ở khu vực thuộc biên giới Nga giáp Trung Quốc tại vùng Siberia, dân số người Nga là 6 triệu người trong khi dân số Trung Quốc là 90 triệu người. Giao lưu kinh tế, thương mại tại khu vực biên giới qua nhiều thế hệ từ lâu đã tạo nên nếp nghĩ của người Siberia tại đây rằng họ gần Bắc Kinh hơn cả Moscow.

Một người đàn ông Trung Quốc bán hàng tại một chợ ở thị trấn Vladivostok (Viễn Đông Nga). Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam, hiện ước tính có khoảng 300.000 - 500.000 người Trung Quốc ở Nga

Thập niên 1980, quan hệ tốt đẹp giữa Bắc Kinh và Moscow đã thúc đẩy hoạt động trao đổi nguyên liệu từ Siberia xuống Trung Quốc và đưa các mặt hàng của Trung Quốc vào Nga. Song song đó là sự dịch chuyển người Trung Quốc đến Siberia. Từ năm 1995, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Pavel Grachev cảnh báo: “Người Trung Quốc đang trong quá trình tiến hành cuộc chinh phục hòa bình vùng Viễn Đông Nga”. Điều mà ông Pavel Grachev lo ngại chính là tiến trình xâm lược dân số từ Trung Quốc vào Nga.

Theo truyền thông Nga, vào thời điểm đó có ít nhất 5 triệu người Trung Quốc đang sống ở vùng Siberia, phần lớn đến đây không có giấy tờ hợp pháp. Tiến trình giao lưu đã được đẩy lên nấc thang mới với những cái gật đầu đồng ý cho người Trung Quốc thuê đất ở người dân khu vực Siberia.

Mãi đến năm 2011, Nga mới thật sự đưa vấn đề người Trung Quốc thuê đất lên bàn nghị sự, khi chính các lãnh đạo ở Nga có sự mâu thuẫn về quan điểm.

Công nhân đang xây dựng cầu cao tốc Heihe-Blagoveshchensk ở biên giới Trung Quốc và Nga. Cây cầu cao tốc này dài 19.9km trải từ Heihe, một biên trấn ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc), đến thành phố Blagoveshchensk của Nga. Chiếc cầu cao tốc này dự kiến được thông vào tháng 10/2019

Nhiều thống đốc ở khu vực Viễn Đông ở thời điểm ấy sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư Trung Quốc đến thuê đất đai sản xuất nông sản. Người dân ở đây tin rằng người Trung Quốc biết cách làm “sống dậy” những mảnh đất nông nghiệp hoang phế. Thế nhưng, việc thuê đất của người Trung Quốc lại diễn ra khá ngắn hạn, chỉ mang đến kết quả tốt đẹp trong vài năm với những vụ thu đạt kỷ lục. Khi người Trung Quốc rời đi cũng là lúc đất đai để lại hóa thành đồng cỏ dại, không gì có thể mọc lên được nữa.

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg năm 2014, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều lúc ấy công khai đòi Nga cho phép dân Trung Quốc di cư sang Siberia. Dư luận Nga sôi sục với lời đề cập thẳng thắn này. Điều này càng khiến các chính trị gia không thể ngó lơ và phải đã có những phản ứng rõ ràng.

Thế mà chính quyền vùng Trans-Baikal hồi giữa tháng 6/2015 vẫn đồng ý cho công ty Huae Sinban của Trung Quốc thuê 115.000 ha đất trong 49 năm với giá “bọt bèo” 5 USD/ha và sẽ thuê tiếp 200.000 ha đất trong thời gian sau đó. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền vùng Trans-Baikal gạt bỏ qua mối lo ngại để cho người lao động Trung Quốc ồ ạt sang vùng đất này làm việc.

Hơn một tuần sau đó, Hạ viện Nga đã bác đề xuất này.

Đất nông nghiệp ở Trans-Baikal được Trung Quốc nhắm đến.

Các chính trị gia Nga đặt câu hỏi vì sao người Trung Quốc lại chọn địa thế không thuận lợi về điều kiện sống như vùng Viễn Đông Nga để đổ dồn đầu tư? Lý giải hợp lý nhất, được nhiều quan chức Nga đồng tình đó là những thỏa thuận thuê đất là bước quan trọng có thể dẫn đến nguy cơ đối với an ninh quốc gia Nga cũng như hậu quả về địa chính trị.

Họ nhìn thấy được viễn cảnh có thể có nhiều người Trung Quốc sang Siberia sinh sống hơn người Nga. Những gia đình đa chủng tộc có thể dẫn đến việc người Trung Quốc có cơ hội được bầu vào chính quyền địa phương. Rồi 20-30 năm nữa, người Trung Quốc tuyên bố đây là vũng lãnh thổ của họ. Đây là lập luận của Trung Quốc mà nhiều chính trị gia thế giới đã quá quen thuộc.

Tuy vậy, thực trạng này tiếp tục xảy ra ở Tỉnh tự trị Do Thái, thuộc miền Viễn Đông của Nga. Thống đốc nơi này, ông Aleksandr Liventhal năm 2016 tiết lộ khoảng 85% đất đai ở đây giáp với tỉnh Hắc Long Giang do người Trung Quốc kiểm soát. Họ trồng bắp, đậu nành bằng những hóa chất đã khiến vùng đất “chết” dần.

Lãnh đạo vùng Siberia đã không lường trước được việc các nhà đầu tư Trung Quốc tận dụng diện tích đất đai rộng lớn nhưng chẳng phải của mình để sử dụng tỷ lệ phân bón hóa học quá mức cho phép, thậm chí dùng cả những loại hóa chất bị cấm. Đất đai bị thoái hóa và nguy cơ gây hại sức khỏe người dân dần lộ rõ với lượng nitrate trong trái cây, rau củ ở mức cao bất thường.

Người Nga sống ở vùng Viễn Đông còn bất ngờ với cả những trang trại mà người Trung Quốc nuôi heo lấy thịt. Đàn heo tăng trưởng với tốc độ “thần kỳ” tới một kích cỡ cũng không kém “kinh ngạc”, nhờ các chất kích thích trong danh sách đen.

Các bước đi như vậy tiếp tục lặp lại tại châu lục đen giàu tài nguyên nhưng khó khăn về hạ tầng cũng như tài chính. Châu Phi từ lâu đã nằm trong kế hoạch “tấn công” đất nông nghiệp mà Trung Quốc vạch sẵn. Lần lượt các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Angola, Mozambique, Zimbabwe… trở thành nguồn cung lương thực, thực phẩm bù đắp cho Trung Quốc khi giá lương thực leo thang.

Trung Quốc từ lâu đã nhắm đến châu Phi là nguồn cung lương thực bù đắp thiếu hụt lương thực do dân số quá lớn của nước này.

Ngược lại, người dân ở các quốc gia này vẫn phải đối diện với nạn đói hoành hành.

Không chỉ dừng lại ở mục đích bù đắp lương thực trong nước, việc thuê/mua đất nông nghiệp nước ngoài nằm trong lộ trình dài với những bước đi bài bản của Trung Quốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - chính trị - xã hội của quốc gia mục tiêu.

Tàu cá Trung Quốc đang vét cạn biển Tây Phi. Các đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu của Trung Quốc đang kéo sang vùng biển Tây Phi, 2/3 trong số đó được cho là hoạt động phi pháp.

Hiểm họa chính trị

Câu chuyện thuê bất động sản, tranh thủ quyền sử dụng đất không mới nhưng với mỗi chiến lược và sự tinh toán, Trung Quốc có từng cách tiếp cận thích hợp với thời điểm đã được dự liệu.

Đầu năm nay, cựu Tổng thống Maldives, Mohamed Nasheed lên tiếng cáo buộc Trung Quốc chiếm đất ở quần đảo này thông qua kế hoạch chuẩn bị bài bản: Ban đầu là thuê bất động sản và xây dựng cơ sở, sau đó tiến tới đe dọa chủ quyền quốc gia.

Trung Quốc đã thuê ít nhất 16 trong số 1.192 đảo san hô của Maldives và tiến hành xây dựng hàng loạt cảng biển, đặt tên “Chuỗi Ngọc trai” cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác. Theo ông Mohamed Nasheed, người Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn ở Maldives, và mở rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đã thuê ít nhất 16 trong số 1.192 đảo san hô của Maldives.

Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed gọi hành động của Trung Quốc là “chiếm đất”. Ông kêu gọi các quốc gia trong khu vực cùng lên tiếng chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Lo lắng của ông Mohamed Nasheed dựa vào thực tế Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Maldives, với khoản nợ lên đến 2 tỷ USD. Vì thế, viễn cảnh Maldives phải nhượng bộ cho Trung Quốc là điều dễ hiểu, vì nhiều khả năng Maldvies không thể trả nợ khi đến hạn vào giai đoạn năm 2019-2020.

Một nỗi lo khác xuất hiện ở Maldives là liệu có hay không kế hoạch biến các cảng biển thành các quân cảng dưới sự kiểm soát của lực lượng được gọi là nhà đầu tư Trung Quốc. Đây cũng là câu hỏi mà phía Ấn Độ đặt ra. Điều lo lắng này không phải không có cơ sở. “Quy trình” tương tự cũng đã được tiến hành ở quốc gia Đông Phi Djibouti. Đây là quốc gia đầu tiên Trung Quốc đặt căn cứ quân sự.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc liên tục bác bỏ khả năng xây dựng cảng quân sự ở Maldives. Trung Quốc khẳng định họ chỉ muốn đầu tư vào Maldives để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” tại nơi vốn được mệnh danh là “thiên đường du lịch”.

Maldives là một khu vực quan trọng tại vùng Ấn Độ Dương trong chiến lược “Một vành đai một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nơi này còn là điểm giao của nhiều tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Vì vậy, không khó hiểu khi Trung Quốc “bỏ vốn” đầu tư vào chuỗi đảo này.

Bài: Thiên Như
Nguồn: New York Times, Telegraph, SCMP, Euromaidan Press
Ảnh: AFP, Tân Hoa Xã, Green Peace
Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: