Thật thú vị, trong vòng quay tiêu dùng, sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên lại lên ngôi. Từ thị trường Tây Âu, Nhật Bản, Mỹ, hàng thủ công mỹ nghệ “made in Việt Nam” men theo dòng chảy ngược để về với thị trường Việt. Và cũng thật mừng khi lác đác những cá nhân gầy dựng lại nghề cũ, móc nối, thu gom, để mây tre lá đi thẳng vào không gian Việt, chạm vào tay người Việt.

Tôi có nhiều ngày hè, kỳ nghỉ tết lọt thỏm trong không gian của mây tre lá. Nhà ngoại tôi là một “gia đình rổ rá” đích thực, sống hoàn toàn bằng nghề đan lát. Tôi còn nhớ những giấc ngủ chìm trong tiếng vót tre nứa ràn rạt. Đêm hè, tre mây các loại đánh đống khắp sân. Hàng hiên lúc nào cũng trắng lóa nan và lạt đã chẻ. Mùa đông rét mướt, chúng tôi vào phía trong, những đứa trẻ con cậu, con dì leo lên giường ngồi đan, buồn ngủ thì lăn ra ngủ.

Mùa làm hàng tết, ông tôi, các cậu tôi thức thâu đêm, mắt ai cũng trũng sâu. Tôi ngủ lơ mơ trên tấm đệm cói, tỉnh dậy lúc nào cũng nghe lao xao nói cười. Mẹ tôi giải thích, đan là công việc đều đều buồn tẻ, nếu không nghĩ ra chuyện cười mà bông đùa nhau thì mắt sập mất, đan nhầm; chẻ lạt, vót song lẹm vào tay như bỡn.

Bếp nhà ngoại tôi rất rộng, đó là một... thế giới lủng lẳng. Bên dưới cũng có hai cái kiềng lớn đun rơm, đun củi bình thường, nhưng đứng lên là có thể đụng đầu cơ man nào rổ - rá - nong - nia, thúng - mủng - dần - sàng... Từ đồ gia dụng tới đồ làm ruộng, bắt cua bắt cá như sọt, giỏ, hom, lờ, đó... Nói chung là tất cả những món làm từ tre nứa, mây, cói, đót... mà người nhà quê ai cũng biết.

Chùm hàng nào mới treo bắt khói còn sáng màu, gọi là non khói, cái treo càng lâu thì càng ngả vàng. Tre cật mà ám khói sẽ bóng lưỡng, óng lên, không thứ verni của thế giới công nghệ nào có thể cho màu “êm” bằng. Có những món đắt tiền như chiếc nôi mây, được gác năm này qua tháng khác. Thứ ấy thì siêu bền, bất chấp mối mọt, thời tiết. Anh chị em tôi đứa nào cũng trải qua thời kỳ nằm nôi tre, nôi mây. Lót thêm tấm đệm bàng vào lòng nôi thì tha hồ thoáng mát, tha hồ… đái dầm mà không hôi bí như nệm bông, nệm cao su bây giờ.

Sản phẩm mây tre lá của người nhà quê là một phần của cuộc sống thôn dã hoàn toàn thiên nhiên, không hề có chút hóa chất tạo màu, chất chống mối mọt. Nhân công rẻ, nguyên liệu tre, cói, bàng… thì mọc tự nhiên bạt ngàn các làng mạc. Nếu có trồng, cũng nhanh chóng ra thành phẩm, chứ không phải phá rừng như chất liệu gỗ, hay gây hại môi trường như chất liệu nhựa…

Thế nhưng cuộc đời của sản phẩm người nhà quê chỉ bình yên trong câu chuyện Tấm Cám với chiếc giỏ tre bắt cá, hay trong bài học lịch sử Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt. Tôi lên tiểu học thì đồ nhựa Thái Lan chen vào phố thị. Tôi vào cấp II, các rổ rá nhựa, thùng rác, ngay cả cây chổi nhựa, bông nhựa Trung Quốc cũng về tới miệt quê. Gian hàng nhựa phình ra tới đâu thì gian tre mây của bà ngoại tôi teo tóp tới đó. Người ta đã chuyển hết sang dùng sản phẩm nhựa, sắc màu phong phú và độ chịu nước cao hơn.

Bà tôi vượt phà sang sông để qua chợ thành phố, bày tấm cói nhỏ ngồi bán. Bữa được bữa thua, có những hôm mưa trắng trời, bà qua phà chỉ còn vài đồng lẻ mua vé, chân bước thấp bước cao, sau lưng là gánh rổ rá.

Những năm sau đó, hàng tre lá ngày càng ế. Các cậu tôi chuyển dần nghề hàng seo, hàng xá (bán thịt heo, bán gạo), cậu cả tôi chuyển sang trồng cây cảnh. Các dì tôi người ra thủ đô làm nghề giúp việc, người vào Đồng Nai làm bún. Ai cũng dần dà ổn định cuộc sống, chỉ bà tôi khi tóc đã bạc phơ vẫn không chịu ở nhà. Ngày nào cũng vậy, tầm năm giờ sáng, bà chống gậy ra chợ xã, dọn gian hàng tí teo góc chợ, bày đôi rế tre, dăm ba cái quạt, vài cây chổi đót. Bà nghĩ khách của bà có ai đó vẫn cần. Bà ngồi miệt mài cho tới khi bệnh nặng, không thể ra chợ, rồi mất...

Lâu lâu đi giữa phố xá Sài Gòn, tôi vô thức chạy theo một xe đạp chở mây tre lá. Mấy năm trước, hàng rong còn vào tận đường Pasteur, dừng ở khúc công viên 30/4, quanh quanh nhà thờ Đức Bà. Đôi ba chiếc xe cồng kềnh cái trước cái sau tạo thành hình ảnh đặc biệt điểm trang cho thành phố, giống như một cuộc chơi ngồ ngộ của người nhà quê vào phố. 

Mấy cô công sở quận Nhất thấy cái rá xinh xinh, cái mẹt nho nhỏ thì xuýt xoa “cưng quá” mua về đựng trái cây, rau củ. Du khách thì dừng lại chọn cái quạt nan, quạt cói cầm theo phe phẩy. Đồng nghiệp của tôi có hôm đăng hình khoe chiếc nồi inox cao cấp sáng bóng trên chiếc rế tre. Úp chiếc lồng bàn tre lên những thố thủy tinh chịu nhiệt cao cấp, nhà bếp hiện đại trở nên thanh cảnh và “thần thái” lạ thường. 

Sau này, trật tự đô thị lập lại, bị đuổi gắt, tôi ít gặp những xe đồ mây tre đan trong phố. Những cặp cần xé, cặp chổi đót nằm khiêm tốn đâu đó trong hàng đồ nhựa các chợ là dấu tích ít ỏi của sản phẩm mây tre lá. Nhựa Thái Lan, nhựa Nhật Bản, nhựa Việt và Trung Quốc đua nhau tràn vào gia đình. Chưa kể vô số các chất liệu mới như silicon, inox, cao su càng lúc càng đẹp, càng tiện ích. Hiếm có nhà nào còn hàng mây tre lá trong bếp.

Vậy nhưng, ở tận trời Âu, Nhật, Mỹ, Úc, Hồng Kông… vẫn có một làn sóng tiêu dùng sản phẩm mây tre đan rất mạnh mẽ. Người ta nói không với nhựa, chất tạo màu, chất bảo quản… nói không với những nhà máy xả khói trắng trời gây hại tầng ozon và yêu thích những gì thuộc về thiên nhiên để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe. Hơn nữa còn vì chúng rất đẹp.
Tôi hay la cà gian hàng đồ nội thất mây tre lá. Trên các trang bán hàng online cũng có những shop bán hàng mây tre đan xuất khẩu vốn là hàng gia công cho các đế chế hàng tiêu dùng và nội thất như Ikea (Thụy Điển), Wal Mart (Mỹ)…

Ngoài một số doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu đang mở bán thêm cho khách trong nước, đa số các shop gom hàng từ nhiều cơ sở nhỏ lẻ không tên tuổi. Chị Mai, người bán hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Sản phẩm trong cửa hàng chủ yếu là những sản phẩm làm mẫu, hàng “rớt cont” (hàng bị lỗi, khách trả lại). Đồ có thể không chuẩn như hàng tại thị trường nước ngoài, nhưng các tiêu chí an toàn với sức khỏe, môi trường thì phải đảm bảo”. 

Tôi ngắm mà mê. Mấy cái sọt tre vẫn đan kiểu mắt cáo thuở tôi còn nhỏ, giờ thêm chút sơn trắng, bên trong lót lớp vải cotton. Vẫn mấy cái hom, giỏ tre biến ảo dưới hình hài của nhiều thiết kế tinh tế thành những chiếc đèn ngủ. Thanh nhã sang trọng, nhìn mà dậy lên ham muốn sở hữu.

Cũng kiểu nan chuốt đan rá ngày xưa tôi hay ngồi đan, giờ kẹp thêm gọng kim loại, hoặc kết hợp với khung sắt, thành những thùng đựng đồ chơi cho trẻ, rổ đựng mỹ phẩm, giỏ đựng áo quần... Các thiết kế của hàng mây tre lá đẹp quá. Cái đẹp ẩn chứa hồn vía và sự chăm chút của người thiết kế, người đan. Cái đẹp có cả hồn vía người mua về sử dụng, nâng niu gìn giữ, say mê sắp đặt…

Vậy nhưng, theo thống kê của Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ, số các điểm làm nghề đan tre, bện lá xưa kia của người Việt khắp đất nước giờ chỉ còn chừng 1.000 cơ sở, quá ít ỏi, và mỗi lúc một rụng rơi dần so với đất nước “ngàn năm mây tre lá” của chúng ta. Lượng hàng xuất khẩu của người Việt được các thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng chỉ đạt 3% tổng lượng hàng thủ công mỹ nghệ thế giới, thua xa các nguồn cung khác.

Đám bạn gái điệu đà của tôi qua mùa hè 2018 mỗi người đã sắm một túi chất liệu cói, lục bình đi làm. Sang trọng thì túi H&M, Zara, hàng trung trung thì túi Mai Home khá đẹp của Việt Nam. Có cô kia ăn vận model nhất hội, lại chỉ xài túi mấy chục ngàn, đúng cái túi hồi tôi được tặng khi đi thủ đô mua bộ chén Bát Tràng.

Tất nhiên khi “lên tầm cao mới”, để thuyết phục người dùng, cói cũng phải khác, trau chuốt mình cho tinh tế, thiết kế phải tiện dụng, mỹ thuật chứ không thể dân dã hồn nhiên như chiếc túi đựng tam bành lục tặc ngoài chợ. Cói vào tay phụ nữ sành điệu, cói lên sàn thời trang, như cô Thắm ra thị thành thi hoa hậu, rất nhanh chóng chỉnh đốn mình để mỗi ngày bớt xù xì, thô kệch. Cô bạn model nói với tôi rằng, cô mua túi trên mạng, từ cơ sở Chợ quê tử tế nhỏ xíu của bà chủ tên Hồng xứ Hóc Môn (TP.HCM). Túi chưa mỹ miều như hàng hiệu, nhưng cỏ bàng (một loại cỏ thuộc họ cói) thì rất “nuột”, nhìn mà mê.

Nụ cười của những người đàn bà một đời đương bàng, lát làm nên những đồ dùng thủ công mỹ nghệ chu du xứ người - Ảnh: Phùng Huy

Nụ cười của những người đàn bà một đời đương bàng, lát làm nên những đồ dùng thủ công mỹ nghệ chu du xứ người - Ảnh: Phùng Huy

Nụ cười của những người đàn bà một đời đương bàng, lát làm nên những đồ dùng thủ công mỹ nghệ chu du xứ người - Ảnh: Phùng Huy

Sài Gòn ngày cuối năm vẫn nắng rát, nhìn chiếc túi cói dịu mắt, tôi lại dậy lên ham muốn mua cho con gái chiếc túi đeo vai đựng đồ đi chơi. Tôi mở đường link bạn đưa, lật giở những tấm hình của Hồng trên Facebook. Khung hình không chỉ là nắng vàng, chúng còn màu xanh ánh của những tấm đệm bàng của Hồng, một trời ký ức của tôi ào tới. Từ chiếc điện thoại, như thoảng lên một mùi hương dân dã. Cái mùi nhè nhẹ mà những ai từng nằm đệm bàng, hít hà hương bàng, hương cói trong giấc ngủ lơ mơ mới biết. 

Trò chuyện nhiều lần với Hồng, tôi được biết cô mới nghỉ việc một năm nay để ở nhà chuyên tâm làm mẹ bỉm sữa. Ngày đẹp trời nọ, bà mẹ bỉm sữa ấy quyết định khởi nghiệp kinh doanh online với sản phẩm mây tre lá đang mai một ở xứ Hóc Môn. Hồng nói, cô sợ một ngày nào đó, những nghệ nhân tóc bạc sẽ khuất núi, nghề đươn (đan) bàng cũng không còn. Và thiệt thòi nhất, sẽ không có những đứa trẻ được nằm hít hà, lăn lộn trên những tấm đệm cỏ bàng êm ái. Không có những cô cậu học trò được đeo túi cói tới trường, không có ai đan lồng bàn tre, rổ cật loại chất lượng tốt cho người yêu tuổi thơ rơm rạ...

Những người mẫu tóc bạc của Hồng nay đều đã U80. Các bà ngồi đương (đan) những sợi bàng, sợi cói với nụ cười hạnh phúc. Tôi nhớ nụ cười, mái tóc bà ngoại tôi. Những ngày ngủ lơ mơ hé mắt nhìn bà, nghe lao xao tiếng kể chuyện tiếu lâm của các dì các cậu. Mới đó đã qua nửa đời người…

Tôi nhắn tin với Hồng, đặt mua chiếc đệm cỏ bàng. Tết này, con tôi sẽ có tấm đệm 100% thiên nhiên để lăn lộn trong hương cỏ mát. 

Hồng Phương
Chia sẻ bài viết: