Tôi thấy họ khi đang thả bộ ra sông. Lúc ấy tầm 5g chiều, lễ hội làng gốm Thanh Hà (Hội An) như đang vào nhịp nghỉ. Nắng muộn vẫn còn đâu đó, hắt thứ ánh vàng phai nhạt xuống ngôi làng đang xáo xác chuẩn bị cho buổi trình diễn thời trang gốm vào ban đêm. Ðường dẫn ra sông cũng được trưng dụng cho lễ hội, xếp dọc hai bên từng gian hàng của các làng nghề gốm khắp cả nước.

 

Hai người đàn bà im lặng ngồi ở cuối gian trưng bày một loại gốm đen tuyền lạ mắt. Tôi bị hút lại bởi cái dáng ngồi xổm cùng ánh nhìn hun hút vừa như đang nghỉ ngơi, vô định, vừa riết róng niềm suy tư nào đó đằng sau gương mặt sơn nữ tuổi xế chiều. Họ là người M'Nông. Bộ váy tay dài, nổi bật những đường kẻ ngang màu xanh lá thổ cẩm trên nền vải đen cho tôi biết điều đó. Chắc chắn họ có liên quan gì đó với những món đồ gốm đen tuyền lạ mắt trên kệ. Nhưng dáng vẻ của cả hai người phụ nữ ấy như đang tách rời khỏi nơi này. Nó khiến buổi chiều như cũng ngậm buồn giữa một trời lưu lạc nào đó từng thấy trong đôi mắt người Sơn Tây.

U uẩn chiều luân lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây.

Giữa sắc đỏ kinh điển của đất nung nhiều phong cách đang phủ khắp lễ hội, những kệ gốm đen tuyền lại trở nên nổi bật. Mấy kệ trưng bày dài không có đồ gốm mỹ nghệ. Từng món đồ óng ả được xếp đặt có chủ ý như những “nhân vật chính” ở đó đều là đồ gia dụng: nồi, ché, bộ chõ, cái bát… Phần trang trí trên thân gốm hầu hết là những nét vẽ đơn, viền một đường quanh thân vật dụng. Phép trang trí công phu nhất hầu như chỉ có ở cái ché mẹ bồng con, gồm nét vẽ và những chấm tròn nổi quanh thân. Màu đen nhất quán ở mọi sản phẩm, trong mọi chi tiết. Có lúc cái óng ả láng bóng khiến từng món đồ trông giống một khối kim loại. Chỉ khác, là trên bề mặt tưởng mịn màng hoàn hảo đó vẫn li ti vài vết rỗ, giống như bề mặt của mọi loại gốm thô vẫn còn đôi chút rạn vỡ trong sức thiêu đốt của lửa nung.

Anh Kiệt, chủ nhân gian hàng nhận ra mối quan tâm của tôi, liền nói: “Hai cô đang nhớ nhà. Ở trên đó dù có đi đâu thì chiều cũng về buôn làng, chưa bao giờ cô đi xa như vậy”. Lúc này, người phụ nữ trẻ hơn mới gượng cười, nói bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Ðồ này ở trên buôn dùng nấu bếp. Cháo hay cơm cũng nấu bằng nồi này, thơm mùi khói lắm”. “Trên buôn”, tức là trên mạn đông bắc của hồ Lắk và bên con sông mẹ Krông Ana huyền thoại của người M'Nông RLâm (tại buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Ðắk Lắk). Từ Yang Tao đến Hội An là 600 cây số. Hai người phụ nữ M'Nông có mặt ở đây là H'Lưm Phiết (68 tuổi) và H'Lưm Uông (58 tuổi). Họ lần đầu rời làng, mang nghề gốm thủ công của đồng bào đến giới thiệu ở lễ hội làng gốm Thanh Hà.

Tôi thử nhấc một bộ chõ cỡ lớn lên. Nhẹ bẫng. Màu đen óng ánh như phát tiết từ bên trong của từng món đồ gốm vốn gợi cảm giác rắn chắc. Nó như màu của một khối vật chất được tích hợp từ nhiều thành phần, rồi nén đến tận cùng. Nhưng lúc này, những liên tưởng đó đã bị rũ sạch. Cũng là màu đen thôi, nhưng sự nhẹ bẫng vừa rồi lại như một dấu báo về cái màu đen của sự nguyên sơ, trinh bạch, nhẹ nhõm, hư vô…

Câu nói dài lơ lớ những thanh sắc mơ hồ của H'Lưm Uông chợt khơi lên một manh mối về cái cảm thức vẫn bảng lảng đâu đó quanh gian hàng này. Mùi khói, buổi chiều, những nồi chõ quen thuộc, màu đen tuyền đang phủ lên và lan ra từ những món đồ trưng bày nọ… đều hiu hắt cái nhịp sống ngàn đời của bản quán xa xôi và ngược đường đó.

Người M'Nông ở Yang Tao không làm rẫy. Linh hồn nông nghiệp của buôn làng là lúa nước. Hạt lúa là của quý. Ðến bây giờ, M'Nông vẫn không giữ tiền. Mọi gia đình đều tích cóp của cải bằng lúa. Tội trộm lúa bị xem nặng như tội giết người. Lúa được dùng để làm quà mừng đám cưới, để chia sẻ trong ma chay. Muốn biết một món đồ giá trị thế nào với người trong buôn thì có thể xem cách họ quy đổi món đồ đó ra lúa. Và đến bây giờ, mỗi món đồ gốm được làm thủ công ở làng đều được đổi ngang với lúa. Một cái bát gốm đổi về một bát lúa. Trước khi hàng nhôm nhựa giá rẻ tràn lên miền thượng, đồ gốm vẫn được dùng trong mọi gia đình người M'Nông. Ðến bây giờ, những gia đình M'Nông có người lớn tuổi ở Yang Tao đều chỉ một mực dùng đồ gốm cho nhà bếp. Với thế hệ còn khá nguyên vẹn những tập quán lâu đời ấy, chỉ khi làm từ thứ đất sét ở chân núi Chư Yang Sin nung khô, nồi và chõ mới luôn đủ rỗng rang để khiến mọi bữa cơm đơn sơ còn thơm mùi khói bếp.

Cũng là đất, là gốm, nhưng có món đồ là linh hồn bữa cơm của mọi gia đình M'Nông xưa cũ, có cái là vật thiêng - cách dân làng một trời ngưỡng vọng. Thuở H'Lưm Phiết còn nhỏ, người dân thường ở Yang Tao không bao giờ được chạm tay vào ché mẹ bồng con, trừ những người thợ gốm. Ðược nặn bằng gốm như mọi cái chén, cái bát, nhưng ché mẹ bồng con lại là vật thiêng, chỉ những gia đình giàu có mới dám sở hữu. Tại những nhà giàu, cái ché mẹ bồng con được xích vào cây cột, phủ khăn cẩn thận. Khi có khách quý, chủ nhà mới giở tấm khăn, mời khách xem cái ché như xem một gia bảo. Người M'Nông tin rằng, cái ché phải được gìn giữ kín đáo, vững chãi. Một khi ché ngã, tức là điềm báo không hay.

Thế nhưng, gian bếp của người M'Nông RLâm giờ đã khác. Nhôm nhựa tràn vào chợ. Phần đông gia đình trẻ đã vứt đi mảnh vỡ của những cái bát gốm cuối cùng. Người ta bắt đầu làm bếp, ăn cơm bằng đồ nhựa đại trà, đồ sứ Trung Quốc. Thợ gốm vốn chỉ rải rác ở vài buôn làng, giờ cũng bỏ nghề gần hết. Chỉ riêng cái cách làm ra những món đồ từ đất này, thì ngàn năm vẫn thế.

Thế nhưng, gian bếp của người M'Nông RLâm giờ đã khác. Nhôm nhựa tràn vào chợ. Phần đông gia đình trẻ đã vứt đi mảnh vỡ của những cái bát gốm cuối cùng. Người ta bắt đầu làm bếp, ăn cơm bằng đồ nhựa đại trà, đồ sứ Trung Quốc. Thợ gốm vốn chỉ rải rác ở vài buôn làng, giờ cũng bỏ nghề gần hết. Chỉ riêng cái cách làm ra những món đồ từ đất này, thì ngàn năm vẫn thế.

“Ngàn năm” không phải là một ước lệ, mà là một ước tính nghiêm túc về độ tuổi của kỹ thuật gốm M'Nông từ giới nghiên cứu nghề gốm có mặt ở Hội An trong lễ hội lần đó. Ngày xưa, mà… không có “ngày xưa”. Bởi, độ tuổi kỹ thuật của gốm M'Nông hẳn phải hàng ngàn năm. Tức là, nếu ngàn năm trước tiền nhân M'Nông từng làm gốm, thì họ chắc chắn cũng sẽ làm bằng cái cách thô sơ mà hậu duệ họ đang làm.

Mỏ đất nằm ở chân núi Chư Yang Sin, cách buôn Dơng Bắk tầm 5 cây số với những con đường mòn băng qua cánh đồng bạt ngàn, heo hút. Khi vừa chạm chân núi, điểm đến đã hiện ra như một cái hang đất nhỏ ghi dấu vết bao lần đào bới của người Yang Tao. Ðất làm gốm ở đó là một thứ đất sét nâu sậm khác với màu đỏ hay thấy ở đất sét thông thường. Mà khác nhất, là ở huyền thoại. Khi đi lấy đất, người phụ nữ M'Nông RLâm phải ăn vận sạch sẽ, và phải đi vào sáng sớm, không được lấy đất vào buổi chiều. Ðất sét ở đây chỉ được lấy vừa đầy cái gùi mang trên vai. Những lần lấy đất phải cách nhau vài ngày. Nếu đã lấy đất một lần mà ngày mai quay lại thì dễ đi về tay không vì… hết đất. Phải ít nhất ba ngày, cái hang đất nọ mới kịp đầy lên đủ cho người đến sau.

Ðất sét mang về được duy trì độ ẩm bằng cách ủ bạt, thỉnh thoảng châm vào một chút nước để bù lại lượng nước đã bốc hơi. Việc làm gốm được bắt đầu bằng công đoạn đập đất. Người ta dùng một khúc cây, đập sơ cho đến khi cảm nhận được độ dẻo của đất, loại bỏ những hạt cát to có thể cảm nhận được, là bắt đầu nặn. Lần trích lấy đất để nặn gốm cũng giống như một nghi thức. Cứ mỗi lần làm một món đồ thì người thợ có một lần trích đất, suốt quá trình nhào nặn không hề gia giảm. Kích thước của thành phẩm phụ thuộc lượng đất được lấy trong một lần duy nhất đó. Từ phần đất đó, thợ gốm nặn và đắp thành hình tròn cơ bản, rồi dùng tay móc đất ở tâm trụ ra đắp bên ngoài cho đến khi chiều cao vừa đủ. Khi kết cấu của món đồ tạm ổn, người thợ gốm lại dùng hai bàn tay đặt lên bề mặt món đồ, đi xung quanh cho đến khi tạo cho phôi gốm một đường tròn hoàn hảo. Khi đã xong phần tạo hình với vài nét vẽ trang trí đơn giản, phôi gốm được để khô tầm tám phần là bắt đầu dùng sỏi để cọ lên bề mặt. Cọ càng kỹ lưỡng, bề mặt của món đồ gốm thành phẩm càng láng bóng.

Phôi gốm được phơi khô với chừng ba ngày nắng to, rồi đem nung lộ thiên tầm 30 phút giữa. Ðồ gốm vừa nung xong tiếp tục được vùi vào trấu để nhuộm đen bằng những tàn tro của vỏ trấu. Tất cả dụng cụ được bày ra ít ỏi, thô sơ với một khúc cây (để đập đất), cây đót hoặc lông nhím (để vẽ trang trí) và một viên sỏi. Không bàn chuốc, không dây cắt đất hay một lò nung dù thô sơ nhất. Hình như, mọi cuộc “giao thoa văn hóa”, mọi dâu bể thời gian đều chưa từng chạm đến cách mà bao thế hệ người M'Nông thực hành với đất.

Từng thán phục đến ngỡ ngàng những món đồ gốm “như bước ra từ quá khứ”, Lê Anh Kiệt - người sáng lập Exquisite Cultural Gallery (Hội An) đã kiên quyết níu giữ và muốn lan tỏa vẻ đẹp của gốm M'Nông. Anh động viên nghệ nhân, bao tiêu sản phẩm và miệt mài giới thiệu những món đồ gốm đó ở mọi cuộc giao lưu văn hóa mà anh có mặt. Thế nhưng, ngay giữa cái lễ hội mà anh lần đầu đưa được hai người phụ nữ M'Nông rời làng để tham gia, Kiệt lại ái ngại, “sợ cuộc giao lưu với những kỹ thuật làm gốm thuận tiện và đỡ nhọc công hơn sẽ khiến các cô đánh mất bản sắc ngàn năm của gốm M'Nông”. Niềm ái ngại của Kiệt, cũng giống như trạng thái tiến thoái lưỡng nan của những ai vừa muốn gìn giữ bản sắc, vừa muốn lan tỏa văn hóa. Nó khiến người ta giật mình mà khẽ khàng hơn khi chạm vào những giá trị ngàn đời.

Thế nhưng, có thật rằng bản sắc là một điều gì yếu đuối và mong manh đến thế? Và cái mỹ cảm đơn thuần, cái kỹ thuật thô sơ nọ phải chăng chỉ vô tình được rừng sâu gìn giữ, mà chưa từng được lưu truyền bởi một sức mạnh tinh thần nào? Ðể mà ta ái ngại rằng một cuộc xuống núi, rời khỏi bàn tay của rừng, sẽ khiến nó phôi phai?

Dường như, những chi tiết đơn thuần trong kỹ thuật làm gốm M'Nông không nhiều thông tin cho người ta giải mã tinh thần văn hóa của nó. Cái màu đen tuyền óng ả tưởng là thành quả của sự sáng tạo trong pha trộn nguyên liệu, nhưng không, nó chỉ là sản phẩm của công đoạn chà bóng bằng sỏi. Cái tạo dáng ngàn năm của từng vật dụng tưởng sẽ đổi khác qua từng thời kỳ, in bóng từng buổi trưởng thành của tộc người - nhưng muôn thuở vẫn chỉ là những dáng hình kinh điển. Phép trang trí trên sản phẩm cũng vậy - tưởng sẽ là những nét vẽ ghi dấu từng bước ngoặt thẩm mỹ của buôn làng đã sinh ra nó, nhưng bao đời vẫn chỉ là những nét vẽ, những nhào nặn quen thuộc.

Lẽ nào, sự thuần túy là giá trị duy nhất của ngón nghề đã gìn giữ hàng thế kỷ ở buôn làng này? Dường như, có một động lực rất thống nhất trong tất cả điều thuần túy đến lạ lùng của làng gốm M'Nông. Cầm một chiếc nồi gốm trên tay, mới thấy, chỉ có những tô điểm đơn sơ ở phần trang trí là tín hiệu duy nhất của sự “vẽ vời hoa mỹ”, còn lại, toàn bộ quy trình làm nên loại gốm kỳ bí này, đều giống một cách tương tác chân phương, trịnh trọng và bền bỉ của người M'Nông, với đất. Có thể nói, sản phẩm gốm của người M'Nông là sản phẩm hoàn hảo bậc nhất của đất nung, trong những điều kiện đơn sơ, tự nhiên nhất. Nó là đất - nguyên sơ, thuần khiết - trong một trạng thái và hình hài khác. Và cái nhẹ tênh khác thường của nó, cũng không liên quan đến kỹ thuật, mà lại là một đặc trưng của đất sét xứ này. Ðã vậy, ngay từ khâu nguyên liệu đã thấy những khẽ khàng, trịnh trọng của nghệ nhân. Họ lấy đất như thực hành một nghi lễ, dùng đất như dùng một báu vật của trời. Những “nguyên tắc” trích lấy nguyên liệu nghe như một sự dè xẻn ngây thơ. Nhưng một khi đã sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, thì còn cách nào khác để người ta “phải phép” với tự nhiên, hơn là dè xẻn? Viết đến đây, chợt thấy, những giá trị như văn hóa làm gốm của người M'Nông có lẽ đã thuận với lẽ tự nhiên hơn là những lý lẽ của nền văn minh kinh tế thị trường.

Chợt nhớ lời kể vu vơ của H'Lưm Uông về đứa con trai mình. Rằng thằng Kim 17 tuổi, lớn lên với những lớp học ở trường làng. Năm rồi, nó ôm mộng xuống khu công nghiệp, xin vào làm công nhân. Nhưng xuống đến nơi, thấy những “đồng nghiệp” cùng trang lứa nhuộm tóc xanh tóc đỏ, nghe nhạc xập xình, nó sốc quá, bỏ về. Câu chuyện ngắn ngủi, và buồn như nỗi buồn trong đôi mắt của hai người đàn bà M'Nông tôi gặp lần đầu tại lễ hội làng nghề. Nó đăm đắm lưu lạc. Nó hiển hiện một cuộc trở về sắp sửa trong người vừa ra đi.

Ðã có một Lê Anh Kiệt với làng gốm của người M'Nông RLâm, với từng bước đi thận trọng và khiêm nhường, quyết liệt mà cũng đầy suy tư. Trong cuộc níu kéo và “phục hưng” đó, hoạt động lan tỏa giá trị của gốm chỉ nhằm mục đích tìm kiếm đầu ra để tạo động lực cho sản xuất. Còn ta, những người tự nhận mình có điều kiện hơn trong việc nắm bắt những cơ hội cho văn hóa thiểu số, đã từng có cách nào để duy trì những giá trị ở vùng sâu hơn - là thiệt tâm cố gắng… mang nó ra khỏi rừng?

________________

Minh Trâm

Ảnh: Lê Anh Kiệt

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: