năm son trẻ và tự tình trong cuộc mở cõi, bình định và phát triển của vùng đất phương Nam, nghệ thuật ca kịch cải lương là cuộc tiếp biến văn hóa ngoạn mục từ đờn ca tài tử và kho tàng văn hóa dân gian.

Ngược về phương Bắc, có phần muộn mằn hơn, đêm 22/10/1921, Chén thuốc độc trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khai sinh kịch nói Việt Nam.

Từ đó, là cuộc đồng hành và phụng sự dân tộc trên từng bước đi uyển chuyển, trong nỗi ưu tư, thao thức thời cuộc. Để trong mỗi lời kịch, vở tuồng kia, đâu chỉ khúc “mua vui” mà là tiếng trăm năm gửi vào hồn non nước…

Diễn từ nhận giải văn hóa Phan Châu Trinh năm 2017 của giáo sư Cao Huy Thuần có đoạn: “Dân tộc là sự giao thoa của hai thỏa thuận song song: thỏa thuận giữa người dân với nhau cùng sống cùng chết trên cùng mảnh đất của tổ tiên; thỏa thuận giữa người dân với chính quyền để cùng nhau đảm đương việc nước. Một bước. Cả vận mệnh nằm trong một bước. Bước đi. Cái “tôi” của ngày nay, cái “ta” kiêu hùng, cả tổ tiên nằm trong một bước”. 

Sao không là tuyết, là trăng, là hoa cứ bàng bạc, âu yếm, tha thiết, như trong diễn từ nhận giải Nobel của Kawabata tại Thụy Điển cách nay tròn 50 năm? Nhưng nhà văn Ngàn cánh hạc đã trân trọng tuyên bố ngay trong thời khắc vinh quang ấy: “Tôi thuộc về vẻ đẹp Nhật Bản”. 

Như cái nguyên lý ban sơ nhất, mỗi người dân thuộc về dân tộc họ, nắm giữ vận mệnh dân tộc mình. Bởi nếu không thế, thì cả trăm năm trước, trong cơn chập choạng, quay quắt lần hồi cái tinh - thần - lập - quốc, học giả Phạm Quỳnh đã chẳng phải thốt lên: “Có đất có người mà cái hồn chung ấy không có thời nên chưa thể thành một nước được. Một nước quý không ở đất rộng người nhiều, mà ở cái quốc - hồn tỉnh táo, mạnh mẽ”. 

Mạnh mẽ để nghe lời thật, tỉnh táo để chọn việc đúng, như cảnh báo từ gần 10 năm trước, trong nguyên tác Vua thánh triều Lê - tác giả Lê Duy Hạnh: “Đánh giặc thù ra khỏi đất nước, vua quan lại đánh vào dân. Vua quan giàu có bội phần, chúng dân nghèo hèn mạt kiếp. Vua quan xây dinh thự đền đài nối tiếp, chúng dân bị mất đất mất nhà triền miên. 

Mất nơi ở, người dân thành kẻ lưu cư. Mất đạo lý, thế đời trở nên điên đảo. Mất văn hiến, vận nước như thuyền không lái. Mất giống nòi, dân tộc như nước không nguồn”. 

Tôi đã có những ngày ngược lên Yên Bái, Đồng Văn, leo qua dốc đèo, núi non hùng vĩ. Xe chầm chậm khi hai bên đường những đứa trẻ chân trần tím tái, một bọc sinh ra nhưng không đồng ngôn ngữ, giao tiếp duy nhất là ánh mắt, là đôi bàn tay bé xíu, không phải xin nhưng sẵn lòng nhận. Thế mà giữa hoang vu khốn khó ấy, vẫn cứ mọc biệt phủ trên đồi. Đạo lý làm quan ở đâu xa, ngay chính trong dân. 

Cũng là ngòi bút của dự cảm thời cuộc ấy, ông viết trong Hoàng hậu của hai vua: “Ông trung thành với tiên vương với ấu chúa nhất, bởi vì hơn ai hết ông phải bảo vệ ngai vàng cho dòng họ nhà Đinh. Nhưng việc thống nhất giang sơn không phải chỉ một mình họ Đinh làm được, huống chi bây giờ lo cho dân cho nước để trăm họ được nhờ lại càng không phải chỉ có một họ Đinh”. 

Ấy thế mà nhan nhản chỗ này chốn nọ, chồng vợ, cha con, anh chị em ruột, dâu rể, họ hàng… tha hồ bổ nhiệm, tiến cử làm quan. Xưa, một người làm quan, cả họ được nhờ. Nay cả họ làm quan, hỏi ai được nhờ, hay lại là cái họa của làng nước vậy. 

Nhưng muôn đời, “dân đến với vua mới khó. Còn vua đến với dân chuyện quá dễ dàng. Những cách ngăn là do quy định của vua quan. Còn chúng dân, lòng rộng như biển khơi, muốn đến nơi nào cũng được” (Vua thánh triều Lê). 

Vậy mà đường trở về ấy cũng không dễ. Lời sám hối trước tòa, có người xin lỗi chân thành, có người ra vẻ lụy nhưng là che thói ngụy… ngôn: “Tạo hóa cho tôi bộ não quá bé nhưng lại cho ước mơ quá lớn, cho nên tạo ra một sự tham vọng trên nền tảng nhận thức bé nhỏ… tôi thành thật xin lỗi”. Hay quan bà một thời, tay trái bút phê chủ trương có lợi cho công ty của chồng, tay phải tham gia điều hành công ty, vẫn cố mà bám víu...

Đau xót thay, chữ nghĩa lại vẽ nên thời cuộc, đến những mấy mươi năm sau. Năm 1995, trong Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Lê Duy Hạnh viết: “Thái sư chỉ quanh quẩn chốn triều trung nên am tường lễ nghi phép tắc. Còn Xuân này, chỉ cần biết ai là ta, ai là giặc. Xuân căm ghét bọn người lập lờ nửa giặc nửa ta. Mầm loạn trong đầu chẳng chịu nói ra. Cho nên thời nhiễu nhương, người tưởng của ta mà lòng đà theo giặc”. 

Giặc thời nay, đâu chỉ là ngoại bang lăm le nơi vùng biên giới hải đảo, giặc ở ngay trong thói cửa quyền tham nhũng, trong phè phỡn trác táng, trong giả chân che đậy sự yếu kém mà thích quyền cao, trọng chức tước, lấy phẩm hàm làm cuộc đổi chác, bán mua. “Ta” hay “giặc” - có khi còn không phân định, có lúc đồng hóa trong sự dị biệt vẽ vời. 

Luận anh hùng và thời thế, mấy ai nghĩ có ngày chuyện xảy ra ngay trước mắt: “Ở chốn cung đình, ông tài giỏi hơn người khác mà không biết kết bè cánh để tạo thế lực. Tài giỏi mà đơn độc ở chốn cung đình là tự rước họa vào thân. Chính sự cả tin vào nhân nghĩa, yên dân, điếu phạt, trừ bạo đã giết chết ông. Vậy là ông tự giết mình”. 

Luận Bình Ngô đại cáo cách gần 600 năm trước: “Việc nhân nghĩa rõ ràng nên để yên dân. Quân điếu phạt có chính danh nên trừ được bạo. Còn thời bây giờ, việc nhân nghĩa mờ mờ ảo ảo. Biết làm cách nào để được yên dân? Điếu phạt ai khi không có chiến chinh? Ai phạt ai, làm sao trừ bạo?”. 

Những “đánh thức” nhân tâm ấy, là liều thuốc đắng cho muôn đời, để “dã” những sai lầm, trả giá mà phục sinh chính nghĩa, chân tâm. Bởi tận cùng, tất cả sẽ đi trên một con đường, trôi theo dòng chảy “sở hữu một di sản ký ức chung phong phú; đồng thuận trong hiện tại, khát vọng sống chung” - ấy là định nghĩa về dân tộc của Ernest Renan gần 150 năm trước. Để ngọn gió Nam Phạm Quỳnh (chữ dùng của nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy) lấy đó mà bàn rằng: “Cái nguyên tố đưa ra một nước không phải chỉ ở thổ - địa nhân - dân mà thôi, cốt là ở cái ý - nguyện chung của người ta muốn cùng nhau sum - vầy sinh - hoạt, cùng nhau cộng - thích đồng - hưu, nhìn về phía trước thời cùng nhau chung một cuộc lịch - sử để - tào - gian - nan, ngó về sau thời cùng nhau chung một lòng hy vọng vẻ - vang rực - rỡ” (Nam Phong, số 194, tháng 7/1931).

Ngẫm, xưa lấy tinh thần lập quốc là “mối thiêng - liêng” mà cũng là “mối sinh - hoạt”. Nó nối dài, phát triển và củng cố bền chặt để nay, là tinh thần trị quốc - giữ nước từ lúc nước chưa nguy, trị quốc để an dân, an dân là kế sách bình thiên hạ. Bài học ấy, mạo muội trước đèn, cảo thơm lần giở…

Huyền Tuyến
Chia sẻ bài viết: