Trong đêm 24/9/1945, đường Catinat chứng kiến những chuyến cứu hỏa cấp tập trong nỗ lực phá tan vòng vây của địch, mở đầu cuộc Nam Bộ kháng chiến. Sáng 22/9/2020, con đường Đồng Khởi (Catinat xưa) chứng kiến cuộc triển lãm ảnh Sáng mãi danh hiệu vẻ vang Thành đồng tổ quốc (Công viên Lam Sơn) và lễ kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (Nhà hát thành phố).

Trên con đường đang kể chuyện xưa, hình ảnh thanh bình của những người con phương nam vào buổi sáng tháng 9/2020 lại lồng ghép những chi tiết nhất quán nhất suốt hàng thế kỷ về cuộc sinh tồn mãnh liệt trên mảnh đất phương Nam này. 

Trong phần phát biểu mở đầu lễ kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM kể: “Khắp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đều có Phòng Nam Bộ để ghi tên những người tình nguyện vào Nam giết giặc. Các đội quân Nam tiến được khẩn trương thành lập. Những cán bộ và chiến sĩ ưu tú, những vũ khí và đồ trang bị tốt lúc bấy giờ đều được dành cho bộ đội Nam tiến. Các chi đội Nam tiến đã vào đến chiến trường kịp thời, đặc biệt góp thêm sức mạnh về tinh thần và bổ sung cán bộ, chiến sĩ cho cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ”.

Câu chuyện đó diễn ra trong bối cảnh miền Nam một lần nữa rơi vào tay thực dân Pháp sau hơn 20 ngày độc lập.

Đêm 22, rạng sáng 23/9/1945, thực dân Pháp tấn công Tòa Thị chính Sài Gòn, nơi làm việc của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.

Sáng 23/9/1945, trong một hội nghị quan trọng tại phố Cây Mai - Chợ Lớn, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập, do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch.

Đồng thời với việc gửi điện cấp báo ra Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin chỉ thị, đồng chí Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi: “Độc lập tự do hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược...”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu, người Sài Gòn tiến hành “không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực mà tìm diệt, đốt phá cơ sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của thực dân. Biến Sài Gòn bị Pháp chiếm thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm”...

Chuyện đã 75 năm. Người Việt thời bình có thể đã được nghe nhiều về những diễn biến trọng đại đó, nhưng nghe trong tâm thế ôn lại lịch sử. Chỉ đến khi ông Nguyễn Thành Phong nhắc đến cái tên “phòng Nam Bộ” được mở ra khắp các tỉnh Bắc và Trung Bộ - mới chợt thấy chuyện năm xưa không chỉ là chuyện thời cuộc.

Chiến tranh chỉ là một sắc mặt của phương Nam. Nhưng, trong bối cảnh ngặt nghèo đó, chợt thấy dù thử thách qua trăm ngàn sắc thái - phương Nam vẫn kể nhất quán một câu chuyện của sự quy tụ, của nỗ lực sinh tồn. “Phòng Nam Bộ” đâu phải chuyện năm xưa. Bây giờ, “Phòng Nam Bộ” thời bình có trong lòng của hầu hết người con nước Việt.

Nhưng, người “ghi danh” không phải để “tham chiến”. Trước, người ta từng xuôi phương Nam để mở cõi, tìm đất sống. Thì nay, khi Sài Gòn sạch bóng quân thù, người ta vẫn xuôi phương Nam, mưu cầu một cơ hội thịnh vượng.

Dù sau hay trước, việc “nam tiến” cũng là biểu hiện đỉnh cao của sức mạnh sinh tồn - dù là sinh tồn trong cái ngặt nghèo của điều kiện sống, hay trong nghịch cảnh ngoại xâm. 

Và TPHCM chứng kiến đầy đủ nhất cuộc nam tiến đó. Bấy giờ, người ta hay lý giải lực hấp dẫn của TPHCM bằng thành ngữ “đất lành chim đậu”. Nhưng, đất lành thời thế kỷ XXI không còn là căn tính của đất. Lực hấp dẫn của một vùng đất thời hậu chiến, thời kinh tế thị trường không đơn thuần là không gian trồng trọt, điều kiện khí hậu, nguồn nước… Nó chắc chắn phải là những thiết chế xã hội, những tiện nghi được kiến tạo và duy trì bởi khối óc, và bàn tay con người.

Không khó để lý giải câu chuyện Nam tiến miệt mài của người Việt sau cả thiên niên kỷ mở cõi. Điều mà ông Nguyễn Thành Phong nói “kế tục sự nghiệp cách mạng của các thế hệ đi trước”, vô tình, cũng là lực hấp dẫn đương thời của TPHCM.

Với số dân nhập cư khổng lồ, nhập cư là thuộc tính cư dân xuyên suốt của thành phố này. Nhưng, ở TPHCM, nhập cư dường như không phải là một vấn đề xã hội, nó là một “bộ phận cư dân”. Tất cả những trăn trở của chính quyền TPHCM về người nhập cư dường như chỉ quy về duy nhất một mục đích: làm sao để chia sẻ không gian sống tiện nghi nhất cho người đã chọn sống và làm việc tại thành phố.

Nhiều năm qua, trong mọi cuộc họp về phát triển thành phố, bài toán nhà ở cho người dân không ngừng được truy tìm lời giải. Dân tăng, nhưng quỹ đất… vẫn vậy. Việc gia tăng dân số cũng tạo ra một “thế khó” cho cán cân cung cầu về nhà ở. Nhưng, làm sao để mọi người dân tại TPHCM đều có cơ hội sở hữu một mái nhà? Hàng loạt phương án tìm kiếm để cho ra những đáp án tròn vẹn nhất.

Các dự án nhà ở xã hội được thúc đẩy, quy hoạch vùng “vệ tinh” được chú trọng. Khi quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông - tạm đặt tên là Thành phố Thủ Đức (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức), thành phố đặt ra yêu cầu 15 phút - thời gian tối đa chạy xe máy từ nhà đến chỗ làm, nhà ở đến trường học của con, nhà ở đến chợ. Thiết kế được quy hoạch nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Cũng nằm trong sự phục vụ, với chủ đích lấy người dân làm trung tâm, trong thời gian qua, đồng loạt các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó ghi nhận, tôn trọng và đảm bảo sự phục vụ đem lại nhiều tiện ích, tiết kiệm nhất cho người dân. Hàng loạt “app” trực tuyến được triển khai nhằm cung cấp thông tin, lược giản tối đa các thủ tục hành chính, đi lại.

Thành phố là một trong các địa phương đầu tiên của cả nước nghiên cứu, triển khai xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh và đã đạt được một số kết quả giai đoạn 1 như xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; thành lập trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội…

Còn nhớ, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri, có người dân đề cập đến những đứa trẻ trong những gia đình nhập cư, chưa có hộ khẩu TPHCM nhưng đã đến tuổi đi học. Trước trăn trở đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân quả quyết: “Mọi trẻ em sinh sống ở thành phố này đều sẽ được đi học”.

Ông đồng thời yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM phối hợp với từng địa phương rà soát, gỡ khó cho người dân, làm sao để mọi đứa trẻ đến tuổi nhập học, đều được đến trường.

Trong đợt ứng phó với COVID-19, TPHCM có lẽ là địa phương chứng kiến nhiều nhất số lao động thất nghiệp. Thành phố nổi tiếng với cơ hội làm ăn, kiếm sống, dĩ nhiên cũng trở thành nơi “sốc” nặng nhất với COVID-19. Nhưng, trước “cú sốc ngoại cảnh” đó, TPHCM lập tức bộc lộ sức sống của mình.

Ngoài gói hỗ trợ của chính phủ, thành phố lập tức triển khai gói hỗ trợ riêng. Khi làn sóng dịch bệnh trở lại, thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, các lãnh đạo quả quyết sự cần thiết sẽ tiếp tục gói hỗ trợ thứ hai của riêng thành phố, đảm bảo không người dân nào lâm cảnh lao đao vì mất đi nguồn thu nhập.

Cũng trong sáng 22/9, TPHCM tổ chức khai mạc triển lãm ảnh tại ba địa điểm, trong đó Công viên Lam Sơn với triển lãm ảnh mang chủ đề Sáng mãi danh hiệu vẻ vang Thành đồng tổ quốc. Sau một thời gian được tháo dỡ để phục vụ cho việc xây dựng Ga Nhà hát Thành phố, thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); Công viên Lam Sơn đã được khôi phục quy mô ban đầu nhằm làm tăng giá trị cảnh quan cho trung tâm thành phố. 

Trong tháng Mười này, tàu metro sẽ nhập cảnh. Tuyến metro số 1 là một trong hàng loạt dự án, công trình trọng điểm của thành phố.

Nhiều năm qua, thành phố không ngừng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ cho công cuộc hội nhập, thu hút đầu tư. Mà mọi “con đường” đều đổ về mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân…

Lực hấp dẫn của một vùng đất không còn là những thuộc tính siêu hình. Trong lời chia sẻ về sức mạnh thời Nam Bộ kháng chiến, ông Nguyễn Thành Phong mấy lần nhắc lại “tinh thần Nam Bộ mà cũng là tinh thần của dân tộc Việt Nam”.

Có lẽ, không nơi đâu nhiều cơ hội bộc lộ sức mạnh của dân tộc Việt bằng một vùng đất mới, nhiều gánh nặng dân số như đất phương Nam.

Ngày ôn lại hào hùng xưa cũng là ngày chuẩn bị cho đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Trong cái ngoái nhìn lịch sử, người ta sẽ thấy mình có quyền hy vọng mảnh đất này sẽ tiếp tục chọn được cho mình những con người xứng đáng. Người xây phương Nam, đã, đang và hy vọng sẽ luôn là những người đủ tầm vóc với những người đã chọn phương Nam. 

________________

Tuyết Dân - Thanh Tân

Ảnh: Tam Nguyên

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: