Sự cầu thị, lắng nghe và quyết liệt giúp dân của những nữ lãnh đạo ấy xuất phát từ chỗ họ nhận thức được rằng họ là đại biểu của dân, là cán bộ của dân, ăn cơm của dân, nếu thấy tồn tại mà không tháo gỡ là có lỗi với dân.

Còn nhớ, vào sáng 21/4/2020 giữa mùa dịch COVID-19, bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - dẫn đầu đoàn công tác đến thăm các chủ nhà trọ đã cùng chung tay phòng, chống dịch, hỗ trợ cho những người lao động khó khăn. Chuyến đi âm thầm giữa những ngày giãn cách xã hội. Bà Phù Nhật Phượng - Chủ nhiệm câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ ở P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, cũng là chủ khu trọ công nhân hơn 70 phòng trên đường Bờ Sông bất ngờ khi thấy “sếp lớn” đến nhà.

Chị kể lại: “Bà ấy hỏi tôi lý do vì sao đồng loạt giảm giá thuê phòng? Hỏi thăm sức khỏe của những người trong gia đình rồi cảm ơn về việc tôi đã tặng quà, tặng gạo cho công nhân mất việc vì dịch bệnh”. 

Hôm ấy, bà Dung đến các khu nhà trọ ở các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú… Bà lắng nghe từng câu chuyện của người dân, quan tâm đến mọi chuyện lớn nhỏ trong đời sống mùa dịch như việc làm, lương bổng, chiếc khẩu trang, nước rửa tay cho từng khu trọ… Đấy cũng là lần cuối bà Dung về các khu trọ công nhân trên cương vị Phó bí thư Thành ủy trước khi nghỉ hưu. 

Chúng tôi vẫn còn nhớ những bước chân nhanh nhẹn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM - khi về Bình Chánh, Thủ Đức khảo sát nước sạch vào tháng 5/2015. Trong một buổi giám sát về nguồn nước tại H.Bình Chánh, bà Quyết Tâm - đã phản ứng gay gắt khi thấy nguồn nước tại một trạm cấp nước tư nhân bị đóng rong rêu nhưng ngành y tế dự phòng lại cho là “đạt chuẩn”. Chỉ mấy ngày sau đó, tại Q.Thủ Đức, bà Quyết Tâm cùng lãnh đạo các ban của HĐND thành phố đã có những chuyến giám sát đến từng con hẻm, từng khu dân cư, vào tận nhà dân để kiểm tra chất lượng nước mà người dân đang sử dụng, tình trạng thiếu nước sạch và lắng nghe nguyện vọng của dân.

Ngay sau những chuyến đi thực tế ấy, toàn bộ các đề xuất mà đoàn ghi nhận đã được các ban liên quan của HĐND thành phố thảo luận và đưa ra biện pháp tháo gỡ. Các công ty cấp nước cũng không thể viện cớ để chần chừ gắn đồng hồ nước cho dân. Nhờ sự quyết liệt của các nữ lãnh đạo mà cuối nhiệm kỳ 2015-2020, ở Thủ Đức và Bình Chánh, tỷ lệ người dân dùng nước sạch đã đạt gần 100%. 

Nhắc đến các nữ lãnh đạo, ông Lê Văn Lâm, một cán bộ về hưu ở P.Hiệp Thành, Q.12 nói: “Tôi thích nhất bà hội đồng Trương Thị Ánh (nguyên Phó chủ tịch HĐND TP.HCM). Nhờ bà ấy mà cái bô rác trung chuyển tại P.Hiệp Thành đã được cải tạo sạch sẽ, vệ sinh. Mười mấy năm sống ở đây, hai năm nay tôi mới được hít thở không khí trong lành”.

Chuyện ông Lâm kể chỉ là kết quả của một trong những chuyến khảo sát của bà Trương Thị Ánh. Trong chuyến ấy (vào tháng 3 và tháng 4/2018) bà Ánh đã vào từng con hẻm, xem từng nơi để rác của dân, ghé từng tiệm tạp hóa, từng trường mầm non để tìm hiểu và chia sẻ những khó khăn về phân loại rác… Nhưng điều quan trọng là sau khi lắng nghe, ghi nhận, các vị nữ lãnh đạo ấy đã hành động “ngay và luôn” để giúp dân.

Như trong năm 2019, sau những buổi giám sát, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM Thi Thị Tuyết Nhung đã có bản kiến nghị gửi đến Quốc hội trình bày không ít vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng về các vụ án xâm hại trẻ em. Bà chỉ ra nhiều sai sót của các cấp từ xã/phường đến quận/huyện trong giải quyết vấn đề. Để đưa ra được những kiến nghị ấy, bà đã phải tâm tư rất nhiều trước những vụ việc đau lòng và bỏ nhiều tâm sức để tìm ra bản chất vấn đề.

Trong buổi giám sát về thực trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn H.Củ Chi, bà Nhung đã chỉ ra những vụ án có quá trình tố tụng kéo dài khiến người dân phải trông chờ trong vô vọng. Bà nói: “Các anh hãy đặt mình vào vị trí người mẹ, người cha có con em bị xâm hại để biết sự khắc khoải, đau lòng, cũng như tuyệt vọng và ám ảnh ra sao rồi cân nhắc đến những quyết định của mình. Quyền của công an là được “im lặng” trong quá trình thụ lý vụ án, nhưng người dân lại có “quyền được thông tin” khi tố giác tội phạm. Ở đây cần một sự hài hòa”.

Sự cầu thị, lắng nghe và quyết liệt giúp dân của những nữ lãnh đạo ấy xuất phát từ chỗ họ nhận thức được rằng họ là đại biểu của dân, là cán bộ của dân, ăn cơm của dân, nếu thấy tồn tại mà không tháo gỡ là có lỗi với dân.

Về những phụ nữ tham chính, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại EU - nói rằng: mỗi phụ nữ đều là những viên ngọc, phần lấp lánh sẽ tỏa sáng khi được nhìn ra, mài giũa đúng cách. 

Công tác cán bộ là một trong những nội dung được chú trọng đặc biệt tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến diễn ra từ ngày 14 - 18/10/2020. Hướng tới đại hội, Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM - xoay quanh nội dung này.

Phóng viên: Hãy cứ đi về phía nhân dân là tập sách được bà cho ra mắt nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó gửi gắm thông điệp “nhân dân chính là mạch nguồn vô tận của cuộc sống”. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, bà có những nhắn gửi nào khác?

Bà Phạm Phương Thảo: Tôi đang chuẩn bị xuất bản một cuốn sách về đẩy mạnh hoạt động văn hóa. Cuốn sách này phù hợp với chủ đề năm 2020 - Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị và với đại hội đảng sắp tới, cuốn sách cũng có đôi lời nhắn gửi: trong xây dựng cán bộ, xây dựng con người, đảng cần lưu tâm lãnh đạo lĩnh vực văn hóa vì nếu không, sẽ không có sự cân bằng và phát triển bền vững. Muốn phát triển bền vững, phải quan tâm xây dựng con người. Chúng ta không chỉ chăm chăm vào kinh tế, theo đuổi các mục tiêu về tăng trưởng GDP mà bỏ qua “GDP văn hóa”. 

* Theo bà, công tác cán bộ có ý nghĩa thế nào trong cải cách hành chính?

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng phải gắn với cuộc sống của người dân, gắn với thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn nữa. Hệ thống hành chính phải có sự chuyển mình, sự thay đổi về chất lượng để phục vụ người dân tốt hơn. Nhìn chung, trong cải cách hành chính, việc tổ chức thực hiện còn e dè, chậm chạp lắm. Để người dân thực sự hài lòng, cán bộ phải tự đòi hỏi cao hơn. 

Đơn cử, mình nói nhiều về công trình đột phá trong cải cách hành chính nhưng thực tế, sự đột phá có đem lại lợi ích cho người dân nhiều hơn không? Những mục tiêu như ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục liệu có đem lại hài lòng, sự thuận tiện cho người dân hay cứ muốn nâng tỷ lệ ứng dụng công nghệ lên để đạt chỉ tiêu trong khi một bộ phận người dân lại muốn đem giấy tờ đến phường làm? Việc thực hiện thủ công lại có khi còn nhanh hơn và người dân cũng đã quen và cảm thấy gần gũi hơn với các hoạt động ở phường? Mình bắt người dân phải nộp giấy tờ qua mạng trong khi họ không có điều kiện hoặc còn lóng ngóng, liệu có đúng không?

Tôi cho rằng, với tinh thần phục vụ dân, cán bộ, đảng viên cần đáp ứng nhanh chóng, tiện lợi, phù hợp mong muốn của người dân; ngược lại, người dân cũng không thể dừng lại ở các thói quen cũ mà cần phải vươn lên, vượt qua rào cản để hòa nhập, hội nhập. Như vậy, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi và đội ngũ công chức, viên chức cần phải hướng dẫn tận tình để người dân cảm thấy thoải mái và chấp nhận ứng dụng công nghệ.

* Theo bà, cán bộ phải làm gì để tròn chức phận của mình, đáp ứng mong muốn của người dân?

- Muốn làm tốt công tác, cán bộ phải luôn gắn với thực tế cuộc sống, gắn với dân, tăng cường tiếp dân, tăng cường đi thực địa, sâu sát với cuộc sống. Thực tế cuộc sống chỉ cho mình rất nhiều điều. Đơn đặt hàng đến từ thực tiễn cuộc sống và lời giải cũng có trong thực tiễn cuộc sống. Có những bài toán rất khó nhưng thực tiễn cũng có sẵn lời giải, chỉ cần sâu sát cơ sở và chịu khó lắng nghe. Các cô chú ngày xưa thường có những chỉ đạo sâu sát xuất phát từ thực tiễn. Khi cán bộ biết lắng nghe, sẽ nhận được những chỉ dẫn, những mách bảo, những thông tin bổ ích, cần thiết từ cuộc sống của người dân. 

* Bà nhận định thế nào về việc cán bộ lắng nghe và “xuống với dân” trong nhiệm kỳ vừa qua?

- Tôi cho rằng, nội dung này cũng được quan tâm, cán bộ lãnh đạo cũng đã có những cuộc gặp gỡ, giao lưu, đối thoại, đi cơ sở, nhưng có lẽ cần phải nhiều hơn nữa, nhuần nhuyễn và thực chất hơn nữa. Cán bộ lãnh đạo các cấp cần có ý thức về việc lắng nghe và xuống với dân. Có ý thức thì sẽ làm được. Chỗ nào khó khăn nhất cũng cần biết tường tận để chia sẻ, tháo gỡ, chỗ nào người ta làm giỏi, làm hay cũng nên đi để đúc rút, nhân rộng. Quan trọng là tránh hình thức, phô trương, kiểu cho có, lấy lệ.

* Tại hội nghị lần thứ 49 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nói về công tác nhân sự chuẩn bị đại hội, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhắc rằng, “nếu xây dựng đảng là then chốt thì then chốt của then chốt là công tác cán bộ”. Trong nhiệm kỳ vừa qua, TPHCM có khá nhiều cán bộ sai phạm. Bà có gửi gắm gì với đại hội lần này về công tác cán bộ?

- Chúng ta cần phát hiện, phát huy những cán bộ giỏi, có năng lực và phẩm chất từ cơ sở. Trong thực tế, việc phát hiện của mình chưa nhiều, có lẽ do chưa thực sự sâu sát, lắng nghe đa chiều. Trong việc đánh giá cán bộ, cần nhìn nhận họ thông qua cách họ giải quyết công việc, hiệu quả chứ không phải qua lời nói hay bằng việc xây dựng mối quan hệ. Nếu phát hiện được nhân tố mới thì cần nhanh chóng đưa họ vào những vị trí cần thiết để họ sớm khẳng định và trưởng thành. Song song đó, cần bảo vệ cán bộ giỏi, bảo vệ người tài, những người dám nghĩ, dám làm...

* Từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, bà vẫn cho ra mắt gần 10 đầu sách. Nhờ đâu mà bà làm được điều đó?

- Đó là do sự thôi thúc từ bên trong lẫn bên ngoài. Đến giờ, tôi vẫn có nhiều trăn trở, quan tâm và cũng muốn chia sẻ cái nhìn, những cảm nhận, những trải nghiệm cho người trẻ.

* Bây giờ, khi không còn gắn với chức vụ, bà vẫn miệt mài làm việc. Vậy, bà dành thời gian cho đời sống riêng của mình thế nào?

- Thực sự, bây giờ tôi cũng không có thời gian, không hiểu vì sao cứ không có thời gian mãi (cười). Ngày xưa như vậy mà giờ cũng vậy, nhưng bây giờ đỡ làm những việc “sự vụ” hơn. Việc nhà nhiều nhưng việc được đặt hàng cũng nhiều. Tuy vậy, trong mọi công việc, mình có quyền lựa chọn, cân nhắc ưu tiên làm cái này hay cái kia và cứ thế xử lý.

* Phụ nữ luôn có sự hy sinh nhất định khi gánh vác trách nhiệm với xã hội. Bà nghĩ gì khi tỷ lệ cán bộ nữ của TPHCM ngày càng tăng?

- Tỷ lệ cán bộ nữ ở TPHCM nhiệm kỳ 2015-2020 có tăng. Nhiều quận, huyện đạt 27-28% cán bộ là nữ. Việc tăng tỷ lệ cán bộ nữ là phù hợp với yêu cầu và nghị quyết cũng có nêu là phải đạt trên 25%. Tỷ lệ thực tế hiện nay cho thấy sự phấn đấu rất nhiều của cán bộ nữ. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn - nhất là gánh nặng gia đình - để học hành, rèn luyện, đầu tư cho sự nghiệp, nâng cao trình độ và luôn nỗ lực đáp ứng các đòi hỏi của công việc, thời cuộc.

Có điều, họ vẫn chưa thể hiện đúng tiềm năng của mình. Có thể trong công tác cán bộ, họ chưa được nhìn thấy một cách rõ nét, chưa được hiểu và chưa được lắng nghe để được khích lệ nhiều hơn. Trên mặt báo, trên nhiều diễn đàn, vẫn ít thấy gương mặt cán bộ nữ xuất hiện. Tôi cho rằng, dù không “bày ra” nhưng chưa chắc họ thua kém hơn thế hệ phụ nữ trước. Nếu nói họ không bằng thế hệ trước thì thật thiệt thòi cho họ. Thiết nghĩ, họ cần phải được khắc họa đậm nét hơn để xã hội nhìn thấy và thừa nhận. 

* Theo bà, TPHCM cần có những chính sách nào để phát hiện, tạo cơ hội hơn nữa cho cán bộ nữ phát triển?

- Công tác cán bộ nữ cần được quan tâm hơn nữa. Cần mạnh dạn hơn nữa trong việc bố trí cán bộ nữ vào những vị trí chủ chốt. Cả nước hiện nay không có bộ trưởng nữ; riêng ở TPHCM, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo tuy có khá hơn nhiều nơi nhưng vẫn chưa tương xứng. Cần xem xét, bố trí cán bộ nữ tham gia lãnh đạo nhiều hơn, nhất là ở cấp hoạch định chính sách. Điều đó hợp với lẽ công bằng và sẽ góp phần để TPHCM phát triển bền vững.
* Xin cảm ơn bà. 

________________

Tác giả: Nghi Anh, Tuyết Dân

Ảnh: Hoài An, Hạnh Chi

Thiết kế: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: