Hiếm làng nghề truyền thống nào trên dải đất hình chữ S lại có lịch sử thăng trầm, biến thiên kỳ lạ như làng Tò he Xuân La. Kỳ lạ đến độ ngay cái tên “tò he” đã là sự “chết danh” từ trên trời rơi xuống. Cũng hiếm làng nghề nào vừa thích nghi được với đời sống đương đại, vừa ngược dòng phục dựng lại “phong cách” gốc của làng. Bây giờ người Xuân La đã bước từ hình ảnh “bệ rạc nơi đầu đường xó chợ” thành những nghệ sĩ trình diễn trong khách sạn, nhà hàng sang trọng; thậm chí trở thành người thầy vừa hướng dẫn nặn, vừa chuyển tải văn hóa qua câu chuyện tò he cho nhiều lứa học sinh trên đất kinh kỳ.


 

BƯỚC RA KHỎI LŨY TRE LÀNG

Trong gian gác nhỏ chon von như tổ chim giữa làng Xuân La (xã Phượng Dực, H.Phú Xuyên, TP.Hà Nội), lão nghệ nhân tuổi 90 Đặng Văn Hạ bần thần, đôi mắt đùng đục dõi cái nhìn sương khói lơ mơ. Tôi bước vào từ phía ngược sáng, cụ Hạ nheo nheo mắt; vừa cất tiếng chào, cụ đã nói như reo: “Cái Ngọc! Lâu quá rồi! Lần trước cháu về, cách đây dễ đến chục năm ấy nhỉ…”. Nói rồi cụ day day đầu gối: “Mắt vẫn xỏ kim được, tai vẫn thính, tay vẫn làm được các việc; mà hai chân thì cứng quèo vì bệnh gout, suốt ngày chỉ ngồi trên giường thôi”.

Trong số các nghệ nhân khôi phục nghề truyền thống của làng, bây giờ chỉ còn cụ Hạ; cụ Thống Hàng, cụ Tố đã “cưỡi tò he” về chầu tiên tổ từ lâu. Khởi thủy của làng là loại bánh chim cò bằng bột tẻ pha bột nếp hoặc bột dong, người Xuân La làm mỗi dịp rằm tháng Tám. Xưa trẻ con trong vùng chỉ có vài món đồ chơi giản đơn tự tạo, nên bánh chim cò như món quà đặc biệt để bù đắp những thiếu thốn ấy. Bấy giờ còn đói nghèo, nên các cụ đã nghĩ ra loại bánh sau khi chơi xong có thể bỏ vào miệng ăn ngon lành cho đỡ phí. Chiến tranh ly loạn, nghề nặn con bột ở Xuân La cũng dần chìm trong những hố bom. Hơn ba mươi năm trước, không muốn thấy nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, cụ Hạ, cụ Thống Hàng, cụ Tố đã bàn nhau đưa bánh chim cò thoát khỏi phạm vi mùa Trung thu hạn hẹp. Thế là bắt đầu xuất hiện thuyền Cô, thuyền Cậu trong các giá hầu đồng; 12 con giáp cúng giải hạn; mâm ngũ quả hoặc mâm trầu cau để cúng rằm hay giỗ chạp.

Bộ “tam đa” ấy còn quyết định làm một cuộc thiên di khỏi lũy tre làng cho những con bánh bột quê mình. Các ông bàn nhau làm bánh, để cánh đàn bà con gái trong làng quẩy đi khắp các chợ ngoài Hà Nội và các tỉnh xung quanh. Quãng thời gian ấy, tuổi thơ thế hệ 8X của chúng tôi luôn ngóng chờ ngày chợ phiên để đòi bà, đòi mẹ dắt ra cái mẹt xanh đỏ sặc sỡ. Trước những con giống bé xinh, ngộ nghĩnh, giá chỉ 200 đồng một con mà đứa trẻ nào cũng mắt tròn mắt dẹt hấp ha hấp háy đầy thèm thuồng. Cũng từ đó, vì việc mang bán con bánh ở khắp nơi mà cụ Hạ hí tiếu gọi công việc của những người làm nghề truyền thống quê mình là “đầu đường xó chợ”.

BẰNG MỌI CÁCH TÌM RA “LỐI RẼ”

Dưới nhà, anh em Đặng Văn Tiên, Đặng Văn Hậu đang chăm chú véo bột, tỉa những nét tài hoa lên từng chú tò he. Hậu và Tiên là hai trong đàn cháu nội ngoại nối nghề cụ Hạ. Hậu là nghệ nhân trẻ tuổi nhất làng, còn Tiên là đại diện duy nhất của thủ đô mới được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc”. Tôi thường nửa đùa nửa thật, không biết có phải vì được hưởng cái gen nhanh nhạy từ ông, mà các cháu của cụ Hạ đã “theo chân” ông mình làm một cuộc “thiên di” khác đầy ngoạn mục: gần mười năm trước, anh Tiên, anh Hậu, anh Khang, anh Kha là những người trẻ đầu tiên của làng Xuân La mang tò he đi “tiếp thị” ở những khách sạn, nhà hàng có nhiều du khách nước ngoài thường xuyên lui tới.

Anh em Tiên - Hậu thổn thức khi nhắc lại quãng thời gian ấy, khi cả làng loay hoay không biết sống sao với nghề truyền thống đặc biệt này. Bấy giờ làng có hai người được Nhà nước phong tặng nghệ nhân là cụ Tố và ông Hải, song một người khuất núi, người còn lại thì gác đồ nghề rẽ ngang đi hát chầu văn thuê cho các giá đồng. Câu lạc bộ Tò he chưa đầy ba chục người, số thực sự sống được bằng nghề chỉ đếm được vài mống. Đến tài hoa như anh Hậu, mười năm trước tôi gặp đã vừa làm tò he vừa làm tranh giấy thủ công. Xót xa trước cảnh nghề của làng có dấu hiệu lụn bại, cụ Hạ tập hợp đàn cháu: “Ngày mai họ nhà mình có đám cỗ to. Giờ ông lên phố, nhất định tối nay sẽ mang được hai trăm ngàn về bỏ phong bì để ông bà đi ăn cưới”. Cuối ngày, cụ Hạ về, móc túi ngồi đếm mớ tiền lẻ trước mặt đàn cháu, được gần ba trăm. Từ bấy, các cháu của cụ không ai bảo ai mà vỡ vạc ra được nhiều điều. Anh Tiên nói: “Ông lúc đó tám mươi tuổi vẫn sống được với nghề. Mình còn trẻ, cũng ít nhiều nhiệt huyết mà không làm được như ông thì đáng… xếp xó. Nên anh em tôi phải bằng mọi cách để tìm ra “lối rẽ”, như thế mới duy trì công việc thường xuyên, và quan trọng là quảng bá được nghề truyền thống của làng”.

Tám - chín năm trước, người cháu khác của cụ Hạ là anh Khang bày khay bột xanh đỏ trước cổng một trường học ở Q.Hà Đông. Tình cờ cô hiệu phó của trường đi qua, nhìn anh nặn Tôn Ngộ Không, thủy thủ mặt trăng như đang phù phép. Thấy cô giáo chăm chú nhìn, anh Khang ngẫu hứng… ngắm lại cô rồi loáng cái, cô hiệu phó với tóc huyền ngang vai, áo dài tha thướt bỗng nằm gọn trên tay anh. Cô giáo đón nhận chân dung mình đầy kinh ngạc và khâm phục, thế là cô nảy ý tưởng mời anh cắp thúng bột đứng giữa sân trường “trình diễn” cho học sinh trong giờ ngoại khóa. Từ bấy, đàn cháu của cụ Hạ thêm một lần “thiên di” cho tò he; rũ bỏ hình ảnh bệ rạc “đầu đường xó chợ”, họ mặc áo the, đội khăn xếp, có khi bận áo quần nâu đất chân quê trình diễn nặn tò he trong các khách sạn, nhà hàng; làm gia sư, giảng viên ngoại khóa cho nhiều lứa học sinh khắp đất kinh kỳ.

CHUYỂN TẢI VĂN HÓA QUA CÂU CHUYỆN “TÒ HE”

Nhanh nhạy, hoạt bát, anh Tiên cười giòn tan: “Làng Tò he là cái tên… từ trên trời rơi xuống. Gần ba mươi năm trước, con bánh bột Xuân La lần đầu tiên được đi hội chợ. Cụ Tố ngồi vểnh râu trổ hoa tay trước sự thán phục của đông đảo khách tham quan. Có người hỏi “đây là con tò he phải không cụ?”, vừa làm việc vừa phải tiếp khách, nên cụ Tố không để ý lắm, cụ ậm ừ cho xong chuyện. Chẳng ngờ từ đó, con giống bột của Xuân La “chết danh” là tò he; làng Xuân La cũng trở thành làng Tò he… bất đắc dĩ”.

Anh Hậu vẫn thâm trầm như mười năm trước. Không ồn ào, náo nhiệt như các anh em trong họ, người cháu út nối nghề tò he này của cụ Hạ chọn hướng chuyển tải văn hóa vào mỗi cuộc trình diễn, hướng dẫn nặn tò he. Anh vừa giảng vừa kể cho bọn trẻ nghe về các “trường phái” nặn con bột của Hà Nội. Cô bé Trâm láng giềng cắp khay tò he chạy sang “trả hàng cho chú Hậu” khoe: “Có chú Hậu vừa kể chuyện vừa dạy nên cháu mới hiểu và thấy được cái hay, độc đáo của nghề truyền thống quê mình. Nhờ vậy mà cháu học nhanh lắm, sau một tuần học cháu đã được chú Hậu trả lương. Cháu còn biết ngoài Xuân La, ở Hà Nội có dòng con bột phố Khách của những người gốc Hoa, các lò con giống này trước đây tập trung ở phố Mã Mây, Hàng Buồm; con bột Đồng Xuân thường do các bà, các cô nặn vào dịp lễ, tết. Mà Đồng Xuân thường tái hiện các loài vật nuôi gắn bó với con người: trâu, ngựa, dê, chó, gà và lợn, gọi chung là lục súc. Màu sắc của con bột trên phố tuân theo nguyên tắc ngũ hành gồm trắng, xanh lam hoặc tím (thay cho màu đen vì kiêng kỵ), xanh lục, đỏ và vàng” - Trâm vừa giới thiệu với tôi những chú tò he do chính tay mình nặn vừa say sưa giải thích.

Anh Hậu ngồi bên lặng im tập trung vào những đường nét trên chú Tễu trầm màu, khác hẳn với gam sặc sỡ thường thấy của tò he. Chú Tễu hiện lên với từng hốc mắt, khóe miệng vô cùng sinh động. Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm giữa mùa đông, anh Hậu bảo mình đang theo đuổi dòng tò he mang đậm giá trị văn hóa và mỹ thuật: “Tôi tự nảy ra ý tưởng rồi mày mò. Làm loại “hàng kỹ” này mất rất nhiều công, người ta làm tượng gỗ hay tượng đất còn đẽo gọt được; chứ làm tò he phải dứt khoát, làm đâu được đấy, không thể chỉnh sửa. Thời gian để “họa” một hốc mắt tò he “hàng kỹ” lâu gấp mấy chục lần thao tác “dán mắt” vào tò he thông thường. Mệt và tốn công, song mang đến cho tò he thêm một diện mạo mới, thú thực là trong lòng cũng thấy tự hào”.

Cụ Hạ cầm trên tay chú Tễu, ngắm nghía khuôn miệng cười toe, sắc nét của chú, khóe miệng nhăn nheo của cụ nở nụ cười hạnh phúc: “Bọn trẻ vực dậy được nghề truyền thống của làng là tôi mãn nguyện rồi. Khi nào đi gặp cụ Tố, cụ Thống Hàng, nhất định tôi phải mang anh Tễu này đi khoe, để các cụ ấy biết tò he Xuân La bây giờ đã “thiên di” từ “hàng chợ” sang mặt hàng đậm tính văn hóa và thẩm mỹ”. Nói đoạn cụ lim dim vuốt chòm râu trắng tinh như một lọn mây. Tết này, đàn cháu của cụ sẽ mang sắc màu tươi mới của tò he tỏa đi bốn phương, hòa vào sức xuân đầy nhựa sống.

 

Uông Ngọc

Ảnh: Phùng Huy

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: