Hàng trăm phụ nữ người Rohingya sống trong các trại tị nạn Bangladesh đang trông chờ đến ngày khai hoa nở nhụy. Đứa trẻ sắp chào đời ấy là giọt máu từ cơn ác mộng bị làm nhục, đã được chọn giữ lại vì sự sống thiêng liêng.

 

Các trại tị nạn Bangladesh luôn trong tình trạng quá tải. Thứ duy nhất vực dậy không khí ảm đạm bao trùm chính là hi vọng mãnh liệt rằng ngày mai sẽ khác. Hơn 2.700 nạn nhân của bạo lực tình dục may mắn sống sót. Có người đau đớn mang trong mình giọt máu của người đàn ông chưa chắc họ có thể gặp lại.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc tháng 11/2017 yêu cầu chính quyền Myanmar tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn người Rohingya theo đạo Hồi trở về quê hương, sau khi họ phải lánh nạn tại quốc gia láng giềng Bangladesh. Thế giới gọi những gì đang diễn ra ở bang Rakhine là một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Khi mọi lý lẽ chưa thể giúp cuộc khủng hoảng lắng dịu thì thân phận của hàng ngàn phụ nữ người Rohingya với nỗi đau thể xác bị dày vò, tinh thần bị chà đạp từng ngày vẫn bị đe dọa. Điều duy nhất giúp họ bấu víu chính là niềm tin cùng mơ ước tương lai tươi sáng hơn cho bọn trẻ.

Tháng Tư và tháng Năm vừa qua, nhiếp ảnh gia người Mỹ Brian Sokol đã đến khu tị nạn dành cho người Rohingya ở Bangladesh. Anh tìm gặp những phụ nữ đang trải qua những ngày tháng tăm tối nhất cuộc đời chỉ để lắng nghe câu chuyện của họ. Có người vẫn còn nguyên vẹn tâm lý chấn động, có người xấu hổ, tự thấy ô nhục bởi hành vi sai trái chẳng phải do họ gây ra.

Dẫu buồn đau thế nào, khi nhắc đến bào thai đã thành hình và chuẩn bị đến ngày chào đón khúc ruột mình mang nặng, những người mẹ sáng bừng hi vọng. Chín tháng mầu nhiệm đã tiếp cho họ nghị lực sống, để không bị nhấn chìm giữa hố sâu tăm tối.

SHOFIKA (15 TUỔI, TÊN NHÂN VẬT ĐÃ ĐƯỢC THAY ĐỔI)

Đó là một ngày bình thường như mọi ngày, Shofika khi ấy mới 14 tuổi và em đang ngồi xay ớt bột. Đây là công việc kiếm sống của hai mẹ con em, những tưởng như thế đã đủ bình yên nhưng nào ngờ tai họa ập đến.

Một buổi sáng nọ, nhóm người trong trang phục quân đội ập vào sân và bắn điên cuồng. Mẹ Shofika lúc ấy không có nhà. Dù cố gắng thoát thân như lời mẹ dặn trước đó nhưng cô bé không kịp xoay xở. Hai người đàn ông mang súng vồ lấy Shofika và giở trò đồi bại.

Tàn nhẫn hơn, họ giết chết chồng Shofika ngay trước mặt em, rồi thản nhiên bỏ đi như chưa từng gây tội ác. Giữa khung cảnh tán loạn lúc ấy, điều duy nhất Shofika kịp làm là gom vội quần áo tìm đường đến Bangladesh. Bất chấp nguy hiểm, cô bé bơi vượt qua con sông gần nhà.

Rồi em tạm lánh trong lều tị nạn, nơi mẹ con em đoàn tụ cùng nhau. Cả hai hiểu rằng không còn những ngày tháng yên bình nữa. Họ chờ 15 ngày sau đó mới được chuyển đến trại tị nạn ở Bangladesh dành cho người Rohingya.

Shofika và mẹ là hai trong số 700.000 người Rohingya rời bỏ quê nhà vì tình trạng bạo lực bủa vây bang Rakhine từ tháng 8/2017.

Cô bé ra đi không chỉ mang theo nỗi ám ảnh đau buồn mà còn mang theo đứa con trong bụng mà cô chắc chắn cha nó là một trong những kẻ đã cưỡng hiếp mình. Shafika từng có lúc nghĩ quẫn muốn bỏ con nhưng các nhân viên y tế ở trại tị nạn khuyên cô không nên làm thế, vì sẽ nguy hiểm đến sức khỏe.

Trải qua bao cảm xúc đắng cay, đấu tranh trong tâm tưởng, Shofika giờ đây đang trông mong đến ngày con mình chào đời. Đứa bé không có cha nhưng đứa bé sẽ được bảo bọc trong vòng tay và dòng sữa lành của người mẹ.

AZARA (20 TUỔI)

Cô gái nhớ lại cảnh tượng hãi hùng chứng kiến quân đội tràn vào ngôi làng Azara và xả súng vào dân làng, thiêu rụi nhà cửa.

Azara cùng nhiều phụ nữ bị bao vây và bị đưa đến những tòa nhà gần đó. Tất cả đều bị xâm hại. Sau cơn thỏa mãn của nhóm người ấy, Azara nửa tỉnh nửa mê kịp nhìn thấy thân thể trần trụi và chung quanh cô là những phụ nữ trong hoàn cảnh tương tự.

Khi đến được trại tị nạn ở Bangladesh, Azara may mắn gặp lại chồng mình nhưng cuộc hội ngộ chẳng thể trọn vẹn. Khi biết vợ mang thai đứa con chắc chắn không phải của mình, chồng Azara ép cô bỏ đứa bé. Anh thậm chí điên cuồng đánh vợ, nhưng Azara nhất quyết không bỏ rơi đứa bé vô tội.

Azara sống với giọt máu mà cô chẳng thể dứt bỏ, từng ngày chờ đợi đứa con chào đời vì cô tin đứa bé đến với mình là một phép màu, là sự xoa dịu sau cơn cùng cực.

Azara xem đứa bé là người thân, là điểm cô neo tựa khi cô đã mất hết tất cả, người thân và cả người chồng. Cô may mắn được các tình nguyện viên hỗ trợ, tư vấn và chăm sóc y tế. Họ hướng dẫn Azara cách chăm sóc bản thân suốt thai kỳ.Với Azara, như thế là quá đủ để cô tiếp tục sống và hi vọng.

MANOSHI (NHÂN VẬT GIẤU TUỔI THẬT)

Một buổi sáng tháng Tám năm ngoái đã khiến cuộc đời Manoshi rẽ bước ngoặt cô chẳng hề mong muốn. Ngôi làng Manoshi sống bị bao vây và cô tận mắt nhìn thấy cảnh tượng đổ máu 1.000 người Rohingya bị giết chết.

Cô kể lại: “Anh trai và bốn chị gái của tôi bị giết. Cha tôi cũng chẳng sống sót nổi trong một trận tấn công khác. Chỉ còn mẹ và tôi”.

Điều ám ảnh Manoshi nhất là lúc những người đàn ông có vũ trang ép cô đi vào nhà khi cô toan chạy thoát thân. Họ dùng tất cả sức mạnh khống chế cô và cưỡng bức. Chồng Manoshi bị giết ngay sau đó.

Cô đang mang trong bụng đứa trẻ của một trong những kẻ đã xâm hại mình. Manoshi vẫn đang phải đấu tranh với chính mình. Cô chưa thoát khỏi cảm giác ê chề. Mọi buồn đau như mới xảy ra hôm qua.

Manoshi giữ lại đứa bé vì cô tin cô sẽ giáo dục con mình nên người. Mầm sống là niềm hi vọng cho Manoshi, giúp cô hiểu mình cần hiện diện trên cõi đời này để chăm sóc cho một thiên thần.

SUPRITI (30 TUỔI)

Supriti đang sống cùng con gái 10 tuổi ở trại tị nạn dành cho người Rohingya tại Bangladesh. Chỉ vỏn vẹn hai mẹ con nương tựa nhau. Supriti đã mất chồng và ba đứa con trong cuộc tấn công.

Chị không mang trong mình đứa con của kẻ đã cưỡng hiếp nhưng chính cơn dày xéo thân thể không thương tiếc đã khiến chị Supriti sẩy mất đứa con đang mang trong bụng. Supriti sợ nhất là chị sẽ mất con gái duy nhất còn lại bên mình.

Supriti lo những kẻ buôn người sẽ thừa cơ trà trộn vào trại tị nạn dụ dỗ, xâm hại hay bắt mất người thân còn sót lại. Ngày ngày, chị sống trong tâm trạng nơm nớp. Chị dặn dò con gái kỹ lưỡng không được trò chuyện với người lạ và cũng không nhận bất cứ thứ gì ai đó cho không rõ nguyên do.

Lối thoát dành cho con gái mà Supriti nghĩ ra là cho con lấy chồng. Chị cho rằng có tấm chồng, con chị sẽ được bảo vệ. Nhưng chẳng ai chắc chắn cho chị điều ấy.

CÒN ĐÓ NGHỊ LỰC VÀ HI VỌNG

Mahmooda Begum không bị cưỡng hiếp nhưng chị là nhân chứng sống của màn cưỡng hiếp tập thể những trẻ em gái 12-13 tuổi trong một đợt tấn công ở ngôi làng nơi chị sinh sống tại bang Rakhine.

Begum nói: “Tôi rời đi vì nơi ấy không an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết khoảng 700.000 người Rohingya đã chạy đến Bangladesh lánh nạn. Hơn 6.7000 người Rohingya đã bị giết chết ở bang Rakhine trong khoảng thời gian từ 25/8 đến 24/9. Đây được cho là giai đoạn tàn khốc nhất ở nơi đây.

Amena Khatu (18 tuổi), một trong những người tị nạn ở quận Cox’s Bazar. Chị kể: “Đến đây, tôi được cười vui, được tôn trọng, được học cách chăm sóc tinh thần của con mình, được trò chuyện với những phụ nữ khác”. Nơi này chứng kiến những phụ nữ học cách yêu bản thân, và bấy nhiêu đủ để họ yêu lấy chính mình và yêu cuộc đời.

LHQ cho biết phần lớn những phụ nữ và trẻ em gái tị nạn từng nhiều lần chứng kiến những vụ cưỡng hiếp, là nạn nhân của cưỡng hiếp hoặc những hành vi tấn công bạo lực tình dục.

Người tị nạn ở Bangladesh không phải ai cũng sống trong an toàn tuyệt đối. Nơi đây cũng chứa đầy rủi ro khi những kẻ buôn người không ngừng rình rập.

Những trại tị nạn hiếm hoi an toàn dành cho người Rohingya ở Bangladesh là nhóm chín trại ở vùng ngoại ô quận Cox’s Bazar. Nhóm trại tị nạn đặc biệt thân thiện với phụ nữ, được Quỹ Dân số LHQ bố trí và quản lý. Những nhân viên hỗ trợ tại đây là nhóm người tình nguyện Rohingya đã được đào tạo kỹ năng tham vấn trị liệu tâm lý.

Mahmooda Begum là một trong số đó. Công việc của chị ở đây là lắng nghe, xoa dịu nỗi đau của những phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi ký ức đen tối của những vụ cưỡng bức, xâm hại

Chị Begum nói về công việc của mình: “Tôi yêu những gì mình đang góp sức. Nơi này có hàng ngàn phụ nữ từng bị hãm hiếp. Họ không có nơi nào khác để đi. Họ xứng đáng hạnh phúc khi đến đây”.

Thực hiện: Thiên Như (Theo CNN, Lily)

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: