Khi để mặc cho ký ức trôi như một dòng chảy tự do, tôi nhận ra có những thứ mình đã không còn giữ lại trong từng đó nếp gấp thời gian. Có những thứ chắp vá, nhặt nhạnh không còn tròn trịa; cũng có những thứ mất hẳn một đoạn đời như quyển tiểu thuyết bị khuyết mất vài trang vì lý do nào đó. Duy chỉ có ký ức về bếp là còn vẹn nguyên hình hài. Nó đậm đà đến nỗi tôi có thể nhớ rõ mồn một cái chỗ ngồi của mình trong gian bếp nhỏ ngày xưa. Từ chỗ tôi ngồi, có thể phóng tầm mắt của một đứa trẻ lên năm, lên bảy nhìn ra cây gòn sừng sững nhà bên cạnh. Trong trí nhớ của tôi, nó là cây bông gòn to nhất thành phố này. Tôi từng ngồi đó suốt nhiều buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, chỉ để kể cho cái cây nghe rằng mẹ tôi là người đổ bánh xèo ngon nhất thế giới…

Tuổi thơ của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn những năm 80 thì làm gì có cơ hội được biết mùi bồ hóng ám khói tỏa ra từ gác bếp. Cái mùi bếp tôi còn nhớ là mùi dầu hôi nồng nặc xộc lên mỗi bận mẹ tắt bếp bằng cách hạ tim xuống, rồi vẩy một nhúm nước cho cái leo lét bên trong biến mất. Một làn khói mỏng manh bay lên rồi tan loãng vào thinh không, để lại gian bếp nguội lạnh như thể trước đó chưa từng đỏ lửa. Cũng vì điều đó mà tôi không thích bếp dầu, mặc dù những gì tôi còn nhớ về nó là một loại công cụ làm bếp tiện dụng hơn hẳn những loại bếp củi, bếp rơm, bếp trấu trước đó.

Khi chúng ta không còn là một đứa trẻ, sẽ có những thứ men theo ký ức để theo chân mình đến cuộc đời hiện tại, để gặp lại nhau ở đâu đó, để cùng vỡ òa theo một cách nào đó, với nỗi hân hoan được sống lại một đoạn đời đã cũ nhưng rất giá trị với bản thân. Như tôi của cái hôm lạc vào nhà ông ký giả Thiên Ân của nguyệt san Thời Nay những năm trước giải phóng, và gần như reo lên khi nhận ra ở bất kỳ ngóc ngách nào của ngôi nhà này, cũng có thể bắt gặp những muôn năm cũ ngủ yên bên dưới lớp bụi thời gian.

Với tất cả sự cẩn trọng, chỉn chu, ông già 80 tuổi run rẩy lôi ra những món đồ nhà bếp mà ông còn lưu giữ: cái niêu, cái hỏa lò bằng đất, cái chảo gang, cái liễn bằng gốm, cái cối đá, cái thớt gỗ, cái cân bằng đồng… cùng cơ man nào là rổ, rá, sàng, nia, chén, bát, đũa, muỗng. Tất cả hối hả xôn xao lần giở tầng tầng lớp lớp tháng năm, để trở về tràn ngập trong ký ức cụ ông có mái tóc bạc trắng như cước, trước mặt tôi. Thời gian dường như không còn làm cái công việc gõ nhịp nhàm chán đều đặn. Nó dừng lại rồi, ở một gian bếp cũ nào đó trong trí nhớ xập xệ của người già.

Cụ Ân còn nhớ nơi nấu bếp thường có kiềng ba chân là chỗ đặt nồi. Những chiếc kiềng có thể bằng gang hoặc bằng sắt. Từ bếp nhìn lên theo chiều thẳng đứng sẽ thấy một cái gác dựa hay còn gọi là gác bếp. Ðó là một cái sàn to cỡ chiếc giường được kết bằng thanh tre treo lên mái bếp. Trên đó để đủ thứ linh tinh, từ bó lạt đến các ống tre đựng đỗ, hành, tiêu, tỏi, ớt. Một cái rổ để mấy chiếc mộc nhĩ. Trong rổ còn có sẹo bò, có thể còn có cả mấy con ốc nhồi đang thiu thiu ngủ…

Câu chuyện về những con ốc nhồi khiến bất cứ ai ở thời này nghe qua cũng không giấu được vẻ thích thú. Chúng được các bà, các mẹ bắt về trong những buổi làm đồng. Mỗi buổi chừng dăm ba con, họ bỏ vào một cái rổ tre, đặt trên gác bếp. Lũ ốc cứ nằm yên ở đó, có khi phải hàng mấy tháng trời, trong trạng thái ngủ đông. Ðợi đến khi đầy một nồi lủ khủ, lũ ốc sẽ được mang xuống làm món canh bún, ốc luộc lá chanh…

Cụ Ân cẩn trọng lau chùi từng vật dụng làm bếp từ cách đây nhiều thập niên mà cụ còn lưu giữ

Cụ Ân cẩn trọng lau chùi từng vật dụng làm bếp từ cách đây nhiều thập niên mà cụ còn lưu giữ

Cụ Ân lẩm cẩm không còn nhớ cái gác hứng khói bếp qua thời gian dài sẽ tạo thành “bồ hóng” hay “mồ hóng”. Nhưng cụ nhớ mài mại là nó có thể trộn với vôi, ớt, muối thành một hỗn hợp, gói lại bằng một miếng vải xô, buộc vào đầu một que tre để làm “mồi” đánh đỉa. Mỗi khi lội xuống đồng mà có cái que “thần thánh” này, người nông dân không còn sợ đỉa bu đầy để lại chi chít vết sẹo trên chân. Có người còn bày trộn chút bồ hóng với muối hạt, dùng vải xô gói lại rồi cho vào miệng ngậm suốt đêm, ai đang khan tiếng thì sáng hôm sau giọng sẽ trong veo trở lại. Tôi nhận ra trong căn bếp của người xưa, không có cái gì là thừa thãi. Ngay cả những sợi rơm vàng óng sau một mùa gặt, được phơi khô, gom lại thành đống ngoài vườn để dành đun lửa cho đến tận mùa lúa mới. Cả vỏ trấu thải ra sau khi lúa được mang đi chà gạo cũng trở thành một nguồn chất đốt hữu dụng. Ðến khi đã oằn mình cháy đến tận cùng, thành một đống tro tàn, thì tro vẫn còn được tích trữ để bón cho xanh đồng tốt lúa, để nằm lại với đất muôn đời.

Khi tôi ngỏ ý chụp lại những vật dụng làm bếp xưa cũ trong nhà, cụ Ân lập cập đưa tôi một miếng vải ẩm, bảo cháu lau qua đi cho đỡ bụi. Tôi đặt cái cân đĩa cổ xưa ra một góc và bắt đầu lau chùi một cách thận trọng. Màu đồng thau của cái cán cân ánh lên sau khi lớp bụi dày trôi đi, mùi ngai ngái của tháng năm xộc lên phảng phất, nghe như lời người xưa đang rì rầm kể câu chuyện “tám lạng nửa cân”. Thực chất, đơn vị đo lường xưa kia quy định một cân có đến mười sáu lạng chứ không phải mười lạng như bây giờ. Nên nửa cân sẽ được tính là tám lạng. Mười sáu lạng tương ứng với Bắc Ðẩu thất tinh, Nam Ðẩu lục tinh, cộng với tam tinh Phúc, Lộc, Thọ là vừa đúng mười sáu tinh. Chư thần trên trời nhìn thấy tất cả những việc ở hạ giới, “người đang làm, thần đang nhìn”, nên người bán nếu cân thiếu dù chỉ một lạng, thì cũng sẽ bị trừ bớt một tinh phúc đức tương ứng. Cán cân mười sáu lạng năm xưa nhắc con người không làm chuyện gì trái với lương tâm, là vậy. Chuẩn mực đạo đức đó theo thời gian vẫn còn vẹn nguyên giá trị, cho đến tận bây giờ.

Cụ Ân không phải người sưu tầm cổ vật, những gì cụ còn lưu giữ chỉ là vì yêu thương một vùng kỷ niệm của cha ông. Dẫu sau này, trong căn bếp nhà cụ, có những món đồ bằng nhôm đã thay cho đồ đồng, đồ đất, đồ gỗ nguyên bản, bởi lẽ tính tiện dụng, rẻ, bền, nhẹ, dễ sử dụng và mang nhiều hơi thở thời đại, nhưng cụ cười bảo: chúng kém sang. Ðó chỉ là một phần lý do vì sao những món đồ xưa vẫn quanh quất trong vuông nhà cũ của cụ, ở đúng vị trí của nó, một cách trang trọng và không thể hợp lý hơn. Một phần lý do còn lại, nằm trong tâm tưởng của cụ già tóc bạc da mồi, cụ chỉ cần có chúng bên mình, chỉ cần quơ tay là chạm được tháng năm…

Dòng chảy lịch sử cuốn các lớp vật chất theo mạch xu thế từng thời đại, khi pha loãng bớt, khi lắng đọng các trầm tích vật thể và phi vật thể. Các thế hệ sau tùy theo quan điểm mà lựa chọn xu thế sống cho riêng mình, song con người vẫn cảm thấy cuộc đời mình giá trị hơn khi nhìn thấy những dấu vết của tiền nhân được bảo tồn, gìn giữ.

Ngay chính trong căn bếp thời nay, không ít lần tôi được trông thấy những chiếc niêu đất, những cái chảo gang, những cái mâm đồng, những nong, nia, rổ, rá bằng mây tre lá được gia chủ sử dụng như một thứ điểm xuyết trầm lắng giữa không gian hiện đại tinh tươm. Một lần được làm khách ở nhà ông Nam trong một khu biệt thự Thủ Ðức, tôi có dịp ngồi hàng giờ nghe ông mải miết kể về những cái đĩa gốm Bát Tràng xưa mà ông sưu tập được, về ngọn đèn dầu có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, thỉnh thoảng vẫn được thắp lên trong căn bếp sang trọng, sáng choang. Hay trong căn bếp giản dị nhưng rất Tây của vợ chồng nhà Len’s Decor, tôi bắt gặp cái chảo gang mà Len dùng để chiên cơm. Cũng chiếc chảo gang ấy trên cái bếp từ hiện đại, mười lăm phút trước, nó vừa được dùng để làm món lạc rang. Mùi vỏ lụa cháy xém thơm lừng. Nhưng tuyệt nhiên không ám mùi, ám khói lên tường, lên trần nhà, để người nay mơ giấc mơ có mùi bồ hóng của người xưa nữa. Bếp bây giờ thỏa sức sơn màu trắng theo đúng ý thích của chủ nhân. Cái màu trắng sạch tinh đóng vai trò như một cái nền chủ đạo, làm nổi bật những chum, những vại muối dưa cà bằng sành theo cách truyền thống ngày xưa của bà, của mẹ. Cái vại dưa xưa khi đặt trong không gian bếp nay, nó không còn là vật dụng làm ra một món ăn gợi nhớ ký ức khó nghèo nhưng hạnh phúc của những đứa trẻ đi chân đất trên những cánh đồng trơ gốc rạ, mà đang trở thành chứng nhân cho ý thức bảo tồn gìn giữ những giá trị xưa cũ đang dần bị thời gian làm cho mai một.

Một cô gái mà tôi từng biết, những ngày còn ở Việt Nam, không quá thiết tha với căn bếp, cũng chưa từng vào bếp nấu một mâm cơm Việt truyền thống. Nhưng khi đã trở thành một cô dâu ở xứ sở sương mù, cô gái ấp ủ giấc mơ mang cả quê hương vào gian bếp Tây xa lạ, nơi cô có thể biến nó thành một góc Việt Nam của riêng mình. Và cô bắt đầu nhặt nhạnh từng chút một trong những chuyến đi. Những chum, những vại, những nồi niêu đất, những ấm chén sành, những rổ, rá, nong, nia, lồng bàn, mâm vuông, mâm tròn bằng mây tre, lục bình… làm một cuộc di cư nho nhỏ, sang đến đất nước mà cô đang sống trở nên những thức quà giá trị theo đúng nghĩa của từ đắt đỏ. Nhưng đáng giá hơn, là cuộc di cư theo tâm tưởng của những người con xa quê. Cô mang theo những món ăn, những nghi thức cúng kiếng theo tập tục nguồn cội. Thì đất cũng đã theo người.

Bên mái hiên bếp ở tận trời Âu, trông ra một vuông sân nhỏ, cô thả xuống vạt đất một ít mầm cây. Từ đất trổ lên một bụi chuối xanh mướt, xung quanh là rau răm, húng quế, diếp cá, hành, hẹ, sả, ớt… Còn có cả một cây trà. Chiều chiều, bếp nhà cô lại đỏ lửa, thứ lửa cháy từ than và thỉnh thoảng, cô lại làm cho nó bùng lên bằng một cái quạt nan thổi gió trực tiếp vào miệng lò. Ngọn lửa đó làm chín một mâm cơm Việt. Làm sôi một ít nước dùng để pha trà. Làm ấm lòng một người con xa xứ. Làm nỗi nhớ quê hương cũng bớt cồn cào mỗi khi chồng đi làm, chỉ còn lại cô thui thủi trong gian bếp ấm.

Còn lại cô và bếp. Như thế vẫn còn đỡ hơn phải nghĩ rằng chỉ còn lại một mình.

________________

Hồng Hạnh

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: