Họ đều trẻ, chọn những hành trình khác nhau nhưng chung một lối về với trẻ thơ; cùng đi gieo nụ cười, tiếng hát, niềm tin, yêu thương và giấc mơ cho trẻ nhỏ trên khắp mọi miền đất nước. Đinh Chí Trung (sinh năm 1988) với dự án 100 câu chuyện trẻ em Việt Nam, Phiên Nghiên (tên thật Nguyễn Thúy Phương, sinh năm 1987) với hành trình Gieo xuyên Việt và nhà văn trẻ Văn Thành Lê (sinh năm 1986) với những chuyến mang sách về trường đầy ý nghĩa.

Trung đeo máy ảnh, len lỏi theo Vàng Mí Chạ xuống dốc đá tai mèo, đi lấy củi. Suốt buổi chiều, Trung dành thời gian trò chuyện, làm quen với cậu bé H’Mông 12 tuổi này. Chạ chỉ học đến lớp Năm, không nói được tiếng Kinh, mọi trao đổi phải qua người dẫn đường phiên dịch. Chạ không hiểu hết ý nghĩa dự án, chỉ nghĩ đơn giản mình có một người bạn mới đến từ “dưới xuôi”. Khác là buổi lấy củi xôn xao hơn thường ngày vì Chạ được chụp ảnh. Trung không bỏ qua khoảnh khắc nào của em, cái dáng thoăn thoắt, chặt, bó, vác củi về nhà; kể cả khi Chạ vào bếp giúp mẹ nấu bữa chiều, đàn em đứng lích nhích ríu ran bên cạnh. Nhà Chạ không có gạo, thịt, thức ăn chủ yếu được chế biến từ ngô, bí đỏ... Bếp lửa hồng làm ấm gian nhà đất đặc trưng của đồng bào H’Mông ở Hà Giang.

Chạ là đứa trẻ hiếm hoi ở cao nguyên đá say mê học thổi khèn từ khi còn rất nhỏ. Chiếc khèn được bố mượn về, mỗi ngày đều dành một ít thời gian dạy con trai. Cuộc sống bội phần vất vả, nhưng bố Chạ không muốn nhạc cụ truyền thống của người H’Mông bị lãng quên. Tiếng khèn của Vàng Mí Chạ còn vụng, nhưng tiếng khèn - cũng như Chạ - rất đáng nhớ, đáng khích lệ. Thanh âm ấy còn là tình yêu, sự trân trọng Chạ dành cho những giai điệu giữ hồn buôn làng, hồn núi.

“Tôi không chỉ chụp ảnh những đứa trẻ nghèo, mà còn cố gắng tìm thấy ở các em một hình ảnh văn hóa đặc trưng của miền đất” - Trung chia sẻ. Đó cũng là động lực lớn để chàng trai phương Nam quen với nắng ấm có thể vượt qua hàng trăm cây số đường núi trong mưa lạnh, qua cả những đoạn đường đất lở nguy hiểm. Mệt mỏi, lạnh giá, đau ốm không còn quan trọng. Ấm lòng là khi Trung mang về những bức ảnh đẹp. Nhớ hoài giọt nước mắt của Vàng Mí Chạ trước phút chia tay. Trung không dám hứa ngày trở lại, chỉ tin rằng những bức ảnh đẹp của tuổi thơ Chạ sẽ còn được lưu giữ mãi và lan tỏa, cho đến ngày Chạ trưởng thành…

Nếu không có dự án của Trung, những đứa trẻ ở khắp mọi miền vẫn sống cuộc đời lặng lẽ hồn nhiên. Nhưng hành trình chàng trai yêu nhiếp ảnh quê ở Bình Phước này đã kể cho mọi người những câu chuyện - những cuộc đời, về thế giới trẻ thơ nhiều gam màu, nhiều cảm xúc. Ống kính của Trung tìm thấy bé Ngà sống trong căn chòi xiêu vẹo bên bãi rác (Phú Quốc), bé Vân bán rau trong mưa bão (Nghệ An), bé Thiết sống trên nhà nổi (Bình Phước), bé Cường tiếp tục giấc mơ biển cả của cha ông (ấp đảo Thiềng Liềng, Cần Giờ), bé Tiến mỗi ngày là một chuyến phiêu lưu trên cát đi bắt còng biển (Phú Yên), bé Uyên làm nón ở làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội)… Đã có những đứa trẻ nhờ dự án mà nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng. Như bé Thiết được hỗ trợ chi phí đến trường, Ngà được làm giấy khai sinh và cho đi học mẫu giáo, bé Điểu Sỹ (trẻ S’tiêng, Bình Phước) trở thành nhân vật truyền cảm hứng cho chiến dịch giáo dục thói quen rửa tay với xà phòng cho trẻ em, Hiếu mồ côi ở Quảng Nam lên chương trình Chung tay vì người nghèo của VTV và nhận được sự hỗ từ của các nhà hảo tâm… Cuộc sống của các em - nhờ ống kính của “chú Trung” - đã hoàn toàn thay đổi.

Câu nói “đi sẽ đến, tìm sẽ thấy” có lẽ rất đúng với hành trình của Đinh Chí Trung. Những chuyến đi không có gì ngoài niềm tin, tình yêu thương và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Bắt đầu từ quê nhà Bình Phước, đến giờ, dự án ảnh 100 câu chuyện trẻ em Việt Nam, chủ đề Chuyện kể của con đã có được 12 bộ ảnh. Hành trình ấy đang tiếp tục…

Bé Như (lớp Bốn, Trường tiểu học An Bình, xã đảo An Bình) dắt Phiên Nghiên lên đồi cao “bí mật” nhìn thẳng ra biển - địa điểm mỗi khi buồn bé trốn lên đó ngồi một mình - bảo: “Cô ngắm đi!”. Con bé hào hứng giới thiệu vẻ đẹp của từng loại cây, mỗi mùa cây đẹp mỗi khác. Đi bắt ốc, bé khiến cho người đi cùng phải ngạc nhiên vì cách sống hòa mình với tự nhiên, tôn trọng biển cả và muôn loài. “Chỉ bắt đủ mình ăn thôi, ốc cỡ này thì ăn được, còn nhỏ quá thì mình quăng cho nó về với biển” - bé Như giải thích.

Những đứa trẻ trên đảo An Bình (còn gọi là đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đều có chung tình yêu thiên nhiên trong vắt, những kinh nghiệm tuyệt vời với tự nhiên. Đảo Bé là “đảo trong đảo”, từ cảng Sa Kỳ đi tàu qua đảo Lý Sơn, đi thêm một chặng tàu khoảng 20 phút nữa mới đến nơi. Diện tích đảo chỉ 0,69km2, với hơn 100 hộ dân sinh sống, chủ yếu trồng hành, tỏi và đánh bắt thủy hải sản. Từng có nhiều đoàn từ thiện ra đảo tặng quà, quần áo, bánh kẹo… Nhưng chưa có “nhóm người kỳ lạ” nào đến chỉ mang theo giấy, viết, cọ vẽ, màu như nhóm Toa tàu của Phiên Nghiên. Khi băng-rôn Ngày chơi rực rỡ căng lên, Trường tiểu học An Bình - ngôi trường duy nhất trên đảo dành cho trẻ mẫu giáo và cấp I - trở nên rộn ràng. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng quây quần chơi cùng. Tất cả được vẽ tranh, tô màu, viết ra những giấc mộng về nơi muốn đến, người muốn trở thành… Khoảnh khắc ấy, chỉ còn niềm vui và tiếng cười - đó cũng là mục đích của hành trình “gieo ngàn yêu thương, gặt ngàn câu chuyện” của nhóm Toa tàu với hành trình Gieo xuyên Việt.

Một hành trình hết sức kỳ lạ, đi chỉ để… bày trò chơi và tạo cơ hội cho mọi người kể chuyện. Vậy mà mỗi lần rời đi cả nhóm đều ở lại trong nỗi nhớ và tình thương của bọn trẻ. Như những chiếc huy hiệu Nhà thám hiểm tài ba, Kho báu là em đã ở lại cùng trẻ con làng Kh’mer ở Sóc Trăng. Như những bông hoa của sẻ chia và tinh thần tích cực ở lại cùng bọn trẻ làng Đưng K’nớ (Lâm Đồng) - nơi trẻ con đến trường phải đi qua mấy quả đồi. Như tình yêu thương ngọt ngào mà các bệnh nhi Bệnh viện Trung ương Huế được một ngày tận hưởng vui đùa cùng các anh chị. Hay tủ sách còn thơm mùi giấy mới ở lại cùng trẻ con đảo Bé… “Tôi học được từ trẻ con rất nhiều. Chúng dạy tôi sự tập trung, kiên nhẫn và hết sức cẩn thận trong mọi việc. Chúng cho tôi biết cách sống hòa mình với tự nhiên. Chúng nhắc tôi nhớ đừng bao giờ hứa với trẻ nhỏ điều gì không thể thực hiện. Chúng để tôi hiểu những đứa trẻ của chúng ta, thật ra luôn cần người lớn xem chúng là bạn, cần được chia sẻ và thấu hiểu” - Phiên Nghiên chia sẻ.

Suốt hơn hai năm qua, nơi nào Gieo đến nơi đó có tiếng cười, kết nối mọi tâm hồn từ người nông dân làng nghề đan bóng mò o (Phú Yên) đến làng dệt chiếu (Đồng Tháp), làng dệt vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc K’ho Chill (Lâm Đồng) rồi ra Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ngãi…

“Ta khơi mùi tuổi thơ trên giấy thơm thật là thơm

Ta gieo mùi rừng xanh qua những ô màu trẻ con

Ta gieo lời em hát…” - tiếng hát của Lê Cát Trọng Lý trong những giai điệu viết tặng chương trình Gieo, đẹp đến thánh thót, trong ngần.

Cơn mưa không ngớt ở Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM) vào một chiều cuối năm khiến cho bọn trẻ không thể nào tập trung ngoài sân giao lưu với “chú nhà văn trẻ”. Vậy là trường chia thành từng tốp, buổi sinh hoạt ngoại khóa diễn ra trong hành lang. Mặc mưa gió, những đôi mắt trẻ vẫn say mê, hào hứng nghe chuyện về sách. “Chú diễn giả” cũng vì thế mà phải giao lưu nhiều lần, cho đến khi nào hết những nhóm khán giả đang ngồi đợi đến lượt trong phòng học. Nhà văn trẻ Văn Thành Lê nói đó là một trong những chuyến về trường “nhớ đời” trong hành trình theo nhà xuất bản Kim Đồng đến các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành suốt mấy năm qua. Bây giờ, anh được gọi vui là “ông Google” của bọn trẻ.

Văn Thành Lê viết nhiều thể loại, nhưng anh rất có duyên với trẻ con, hoạt ngôn, hài hước và nhiều kiến thức khiến bọn nhỏ dễ gần gũi, tin cậy. Anh kể cho học trò nay nghe những chuyện tinh nghịch về tuổi thơ xưa (trong các tác phẩm Ông mặt trời và mùi hương của mẹ và Trên đồi, mở mắt và mơ). Nhà văn 8x này đến với các em học sinh không chỉ giới thiệu tác phẩm của mình, mà còn truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ nhỏ. “Có đi tôi mới hiểu rằng còn rất nhiều trẻ không có cơ hội tiếp cận sách. Mở đầu buổi giao lưu nào tôi cũng thường nhờ các bé chia sẻ khoảng ba tựa sách đã đọc, hoặc được cha mẹ đọc cho nghe. Nhiều trường có khoảng 30-40% trả lời được, nhưng cũng có những trường rất thiếu sách, nhất là trường ở các tỉnh vùng sâu vùng xa. Thậm chí thư viện chỉ có sách tài trợ, in từ năm 2000 trở về trước” - nhà văn Văn Thành Lê cho biết. Anh nhìn thấy trẻ con say mê đọc những cuốn sách về danh nhân văn hóa Việt Nam, Đất rừng phương Nam, Dế Mèn phiêu lưu ký, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Vũ Hùng… Nhưng anh cũng xót xa khi có những đứa trẻ quê nghèo lần đầu tiên được thấy sách có tranh minh họa màu. Những ngôi trường nằm giữa cánh đồng thiếu thốn đủ bề thì sách mới còn là một ước mơ xa xỉ.

“Tôi rất nhớ câu nói này: nếu tuổi thơ mà thiếu những quyển sách thì đó là tuổi thơ khuyết thiếu, chưa trọn vẹn. Ngày bé, quê tôi là huyện miền núi, cũng nghèo, thiếu thốn sách báo. Nhưng may mắn được gần tủ sách của ông ngoại, mỗi khi hè về tôi thỏa thích đọc từ sách triết đến những tác phẩm văn học kinh điển. Dù không hiểu mấy mà vẫn thích. Luôn thèm được đọc. Thật ra, thói quen đọc sách của trẻ nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào cách người lớn quan tâm gầy dựng. Chúng ta hay nghĩ trẻ con bây giờ có quá nhiều kênh giải trí nên chúng không mê sách. Không hẳn thế, chỉ là trẻ chưa thật sự được cha mẹ định hướng tốt. Còn một khi đã thích, chúng sẽ tìm cho được quyển sách yêu thích” - Văn Thành Lê bộc bạch.

Yêu trẻ, viết sách cho trẻ và cũng hiểu được tâm tư của những độc giả nhí, Văn Thành Lê đang dần trở thành nhà văn truyền cảm hứng tích cực cho bọn trẻ. Trước đây cũng có nhiều chuyến về trường của các cây bút - theo chương trình của những đơn vị làm sách. Nhưng đều đặn và định kỳ qua bao năm chỉ có mỗi Văn Thành Lê. Những chuyến về trường lúc tờ mờ sáng cho kịp lễ chào cờ, hay những chiều muộn ngồi với mưa đều để lại những giá trị như đốm lửa nhỏ thắp lên trong lòng trẻ. Sách mở ra những chân trời mới, và “ông Google” Văn Thành Lê thì giúp bọn trẻ mở ra những trang sách của đời mình…

Mai này, bọn trẻ lớn lên sẽ thấy tuổi thơ mình trên những bức ảnh kể chuyện của Đinh Chí Trung. Sẽ ép chặt bông hoa tin yêu vào cuộc sống mà Phiên Nghiên đã trao tặng. Rồi có thể đâu đó sách làm thay đổi số phận con người… Tôi vẫn tin, những tấm lòng sẽ luôn kết nối những tấm lòng. Mọi giá trị mà mỗi người để lại trong cuộc đời đều sẽ đẹp lóng lánh như những giấc mộng. Và cũng bởi vì, sống là để cho đi…

Bùi Tiểu Quyên

Ảnh: Đinh Chí Trung, nhân vật cung cấp

Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: