Có những show diễn “xiếc mới” đã thật sự mang lại cho khán giả cảm xúc hào hứng, thổn thức và cả dư vị lâng lâng. Diễn viên kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như kịch câm, tuồng cổ, đờn ca tài tử với xiếc nhào lộn, đu dây, tung hứng, tạo hình… một cách nhuần nhuyễn, hợp lý và dí dỏm.

 


 

Dù chỉ gói gọn trong hơn một giờ mỗi suất diễn, nhưng Làng tôi, À ỐTeh Dar đã đưa văn hóa truyền thống đến với người xem một cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần hào hứng, cả khách trong và ngoài nước.

Những chương trình xiếc mới độc đáo

“Người nước ngoài rất quan tâm đến văn hóa Việt Nam, nên những buổi biểu diễn lạ và ấn tượng của chúng tôi đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt khi lưu diễn ở nước ngoài. Còn đối với một số đối tác là các nhà hát quốc gia ở Pháp, Đức, Áo… thì Làng tôi, À ỐTeh Dar là những sự kiện nghệ thuật đặc sắc hiếm có từ trước đến nay mà khán giả ở châu Âu mong chờ. Tháng 6/2019, À Ố show sẽ lên đường lưu diễn tại Nhà hát con sò Sydney Opera House - một trung tâm nghệ thuật mà không phải đoàn nghệ thuật quốc tế nào cũng có cơ hội được mời”, Tuấn Lê, đạo diễn của các chương trình xiếc mới cho biết.

Đạo diễn Tuấn Lê

Đạo diễn Tuấn Lê

Đạo diễn Tuấn Lê

Tuấn Lê là một nghệ sĩ xiếc định cư ở Đức và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài từ lúc hơn 10 tuổi. Năm 2005, anh về nước cùng đạo diễn Nhất Lý làm chương trình Làng tôi cùng Đoàn xiếc Việt Nam với thể loại xiếc mới - chương trình phức hợp các bộ môn nghệ thuật, trong đó diễn viên xiếc vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa là khán giả cho các đồng nghiệp khác diễn. “Những buổi biểu diễn đầu tiên không có khán giả, thật là thảm họa. Khán giả trong nước mong chờ chương trình xiếc sẽ có những chú hề và xiếc thú nữa”, đạo diễn Tuấn Lê kể. Nhưng sau khi lưu diễn ở Đức và Pháp trở về, Làng tôi bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng mà chủ yếu là truyền miệng.

Khi được đưa vào Làng tôi, tre trở thành một công cụ có sức liên tưởng lớn, tre là cột chống trời, là thuyền thúng chinh phục đại dương, là phố phường, nếp nhà, gánh lúa, vầng trăng... Cây tre bỗng trở nên sống động trong sự điều khiển nhịp nhàng, khéo léo và điêu luyện của các nghệ sĩ. Kết hợp với tiếng đàn, tiếng sáo... cây tre không chỉ là một loài thực vật vô tri vô giác, mà gần như là một thực thể sống, biết yêu thương và buồn vui, tái hiện lại cảnh làng quê quyến rũ, chân chất, rất quen thuộc với mỗi tâm hồn người Việt mà lại lạ lẫm và ấn tượng với du khách nước ngoài. 

Đến năm 2013, đạo diễn Tuấn Lê và ê-kíp lại tiếp tục cho ra đời show diễn À Ố, cũng là thể loại kịch xiếc kiểu mới. Nếu như Làng tôi là một bức tranh về vùng nông thôn yên bình thì À Ố thể hiện bức tranh đô thị với nhịp sống hiện đại. Cũng như Làng tôi, À Ố show làm giàu ngôn ngữ xiếc bằng cách xây dựng các tiết mục múa xiếc, nhạc xiếc, kịch xiếc…nhưng được xây dựng để trở thành một sản phẩm nghệ thuật được công diễn lâu dài như Cirque du Soleil - show thành công vang dội ở châu Âu những năm 1980.

Đạo diễn Tuấn Lê cho biết: “Ngay từ khi xây dựng chương trình, các nhà đầu tư muốn tạo nên một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc dành cho du khách nước ngoài và đưa vào tour của các công ty du lịch. Thời điểm đó, các chương trình nghệ thuật trong nước còn đầu tư sơ sài, kém hấp dẫn du khách. Trong khi khán giả thế giới đòi hỏi cao về nghệ thuật xây dựng chương trình lẫn biểu diễn”. Và chương trình này đã nhanh chóng gây ấn tượng với thế giới, ông Jean-Michel Puiffe, Giám đốc Nhà hát Sénart (Pháp) nhận định: “Chương trình này độc đáo từ ý tưởng đến âm nhạc, việc sử dụng đạo cụ từ tre một cách sáng tạo đã làm nên những màn biểu diễn tuyệt vời. Chương trình này theo tôi là một bước tiến mới của nghệ thuật xiếc đương đại”.

À Ố show đã nhận được một khoản đầu tư 50.000 USD từ nhà hát này để nâng cấp nội dung chương trình cùng lời mời lưu diễn trong ba năm liên tiếp, đưa chương trình nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc văn hóa Việt này ra thế giới. À Ố show trở thành vở xiếc tre đầu tiên của Việt Nam tham gia các liên hoan nghệ thuật quốc tế tại Úc, Brazil, Nhật Bản, New Zealand, Oman và Đài Loan (Trung Quốc)... 

Chưa dừng lại ở đó. Khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đạo diễn Tuấn Lê cùng ê-kíp đã hiện thực hóa ước mơ đưa cồng chiêng đến với khán giả trong và ngoài nước bằng chương trình kịch xiếc Teh Dar. Nếu như với Làng tôiÀ Ố, khán giả như được dạo qua những vùng đồng bằng, duyên hải, từ cồn cát yên ả miền Trung đến sông nước miền Tây hay khung cảnh gần gũi của thành phố... thì Teh Dar lại tái dựng cuộc sống giản dị, văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người. Xiếc mới vẫn là nghệ thuật chủ đạo kết hợp với nghệ thuật dàn dựng, sắp đặt, kỹ thuật trình diễn đa năng của nghệ sĩ hòa với âm thanh, ánh sáng… cùng các loại nhạc cụ nổi tiếng vùng Tây Nguyên.

“Có những chiếc chiêng trống, đàn cổ là kỷ vật mà ê-kíp phải “thỉnh” về bằng những lễ nghi hết sức thiêng liêng. Khán giả có thể không hiểu hết những câu chuyện về dân tộc thiểu số từ vùng cao cùng những giá trị nhân văn của vở diễn nhưng họ vẫn bị thuyết phục bởi khả năng phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt của diễn viên cùng với những đạo cụ rất thô sơ, chỉ là thúng, gùi, cây tre… Tiếng cồng chiêng mộc mạc đã thể hiện khả năng đánh thức thiên nhiên, đồng thời khơi dậy những cảm xúc vui, buồn mãnh liệt trong lòng người xem. Khán giả nước ngoài hầu như không cảm thấy xa lạ với sinh hoạt, nghi thức thể hiện trong Teh Dar vì các nhóm dân tộc ít người có mặt ở khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Và câu chuyện bảo tồn văn hóa của các nhóm dân tộc này trở thành đề tài mà mọi người đều quan tâm”, Tuấn Lê chia sẻ. 

Gánh xiếc nhỏ với ước mơ lớn

Hiện nay, đoàn biểu diễn cả ba chương trình Làng tôi, À ỐTeh Dar có hơn 100 diễn viên, chủ yếu đến từ các đoàn nghệ thuật, đoàn xiếc trên cả nước, trong đó cũng có những nhạc công, ca sĩ đến từ Tây Nguyên. Sự tài tình, uyển chuyển của diễn viên cùng với âm thanh, bố cục và màu sắc đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo, khiến người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu. Họ vừa bị cuốn vào cảm xúc kịch, lại vừa thót tim với những pha nhào lộn, tung hứng. Một cách vô thức, khán giả cũng nhịp chân theo nhạc hay nghiêng theo bước xoay người trên không của diễn viên...

Rất nhiều đánh giá, khen ngợi dành cho Làng tôi, À ỐTeh Dar bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, Nhật… vẫn lưu lại trong sổ lưu bút mà ê-kíp của Tuấn Lê còn giữ. Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius viết: “Tuyệt vời! Tất cả cho thấy biểu tượng của Việt Nam, thành phố lẫn miền quê. Khán giả sẽ có những tình cảm sâu sắc về Việt Nam khi xem chương trình”. Còn nữ đầu bếp người Pháp Dominique Crenn, người đạt hai sao Michelin và danh hiệu Đầu bếp nữ số 1 thế giới năm 2016 thì viết: “Cảm ơn vì những vẻ đẹp, chuyển động và cảm xúc các bạn đã đem tới.

Tôi thực sự trân trọng phần trình diễn này”...

Đạo diễn Tuấn Lê chia sẻ thêm: “Nhiều năm làm nghệ thuật ở nước ngoài, tôi học được khá nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển nghệ thuật của một quốc gia. Chúng ta không thể đầu tư một cách hời hợt, mà cần xây dựng một hệ thống sản xuất và kinh doanh nghệ thuật. Có một hệ thống như vậy, thì các đơn vị kinh doanh nghệ thuật sẽ dễ dàng hợp tác cùng phát triển hoặc cạnh tranh lành mạnh và không giẫm đạp lên nhau. Tôi trở về với mong muốn xây dựng một “gánh xiếc nhỏ” để gìn giữ và giới thiệu ra thế giới những giá trị dân tộc, dân gian mà chúng ta có thể sẽ đánh mất trong cơn lốc của sự phát triển”.

Chỉ hơn 60 phút cũng đủ để nhóm tác giả làm nên kịch xiếc À Ố show mang hồn Việt lên sân khấu hiện đại - ảnh: nhân vật cung cấp

Chỉ hơn 60 phút cũng đủ để nhóm tác giả làm nên kịch xiếc À Ố show mang hồn Việt lên sân khấu hiện đại - ảnh: nhân vật cung cấp

Chỉ hơn 60 phút cũng đủ để nhóm tác giả làm nên kịch xiếc À Ố show mang hồn Việt lên sân khấu hiện đại - ảnh: nhân vật cung cấp

Hiện nay, ngoài ba chương trình Làng tôi, À Ố Teh Dar vừa đi lưu diễn trên thế giới, vừa luân phiên trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát TP.HCM và Nhà hát Lune Hội An để phục vụ người yêu nghệ thuật trong nước cũng như du khách nước ngoài, nhóm của Tuấn Lê đang bắt tay vào dự án mới Palao - một vở múa đương đại về văn hóa Chăm. Dù với chương trình nào, nhóm của Tuấn Lê cũng đầu tư một cách nghiêm túc và đặt vào đó trách nhiệm gìn giữ “hồn dân tộc”. Thấu hiểu điều này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: “Thật là những show diễn truyền cảm hồn Việt tài tình, sáng tạo và ấn tượng. Xin cảm ơn các nghệ sĩ cùng tất cả các tổ chức, cá nhân bằng tài năng, tâm huyết đã góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam”.  

Thanh Nhã
Chia sẻ bài viết: