Tạm gác vai trò người vợ, người mẹ, những ‘bóng hồng’ của lực lượng ‘mũ nồi xanh’ Việt Nam đã sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế.

Sau gần 5 năm chuẩn bị, Bệnh viện Dã chiến Cấp 2, số 1, trực thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã hoàn thành các chương trình huấn luyện, trang bị, tổ chức cơ bản, được Liên hợp quốc chấp nhận sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Vượt qua vô số chuỗi ngày tập luyện mệt nhọc, căng thẳng tưởng chừng vắt kiệt sức lực, 10 “đóa hồng” vẫn thu hút sự chú ý của rất nhiều người tham dự bởi nụ cười tỏa nắng tại Lễ bàn giao Bệnh viện Dã chiến từ Bệnh viện quân y 175 về Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam sáng 29/9 tại Bệnh viện Quân y 175.

63 y, bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Nữ quân y - nhỏ nhắn nhưng đầy sức mạnh

Trong 63 y, bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có 10 “bóng hồng” tuổi từ 25 đến 43, đã tạm gác vai trò người vợ, người mẹ sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế.

Nữ quân y trẻ tuổi nhất, Thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thị Thùy (25 tuổi, quê tỉnh Nam Định). Dáng người nhỏ nhắn nhưng ở Thùy luôn toát lên sức mạnh, nhiệt huyết tuổi trẻ của nữ quân y thuộc đơn vị Bệnh viện Quân y 175.

Trước đó, các y, bác sĩ đã có những buổi tập luyện khắt khe về nghiệp vụ, chuyên môn, kỹ năng sinh tồn... Ảnh: Trần Chính.

Khi được thông báo có tên trong danh sách lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Thùy lo lắng vì Nam Sudan là quốc gia đang có chiến sự. Môi trường, văn hóa khác Việt Nam. Tuy nhiên, Thùy vẫn quyết tâm bước vào các kỳ huấn luyện. Càng gần đến ngày lên đường, Thùy càng hồi hộp xen lẫn háo hức.

“Tôi may mắn được bố mẹ, bạn bè ủng hộ và vượt qua các kỳ huấn luyện. Thực hiện tốt nhiệm vụ tại Sudan sẽ giúp tôi có nhiều trải nghiệm tuyệt vời, và ký ức tuyệt đẹp của tuổi trẻ. Đây là nhiệm vụ rất đáng tự hào” - nữ quân y tươi cười.

Thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thị Thùy(bìa trái), một trong ba nữ quân y nhỏ tuổi nhất.

Nhắc đến chuyện người yêu, Thùy bẽn lẽn: “Ban đầu anh ấy ngạc nhiên và hỏi rất nhiều. Nhưng đây là nhiệm vụ, tôi không thể nói cụ thể. Anh ấy không làm cùng ngành nhưng rất thông cảm. Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng nhau”.

Không chỉ giỏi chuyên môn, thuần thuộc kỹ năng quân sự, các nữ chiến sỹ quân y của Bệnh viện dã chiến còn có trọng trách giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới thông qua ứng xử, trang phục, ẩm thực,… Các chị còn háo hức mang cả nguyên liệu, dụng cụ nhà bếp sang Nam Sudan để… đón Tết cổ truyền.

Theo các nữ quân y, nhiệm vụ lần này không chỉ là vinh dự bản thân, niềm tự hào của gia đình, mà có ý nghĩa rất lớn với mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và nước bạn. Ảnh: Nguyễn Trung Trực.

Một nữ quân y tâm sự: “Tôi xa gia đình, nhưng tôi có đồng đội. họ sẽ là gia đình của tôi. Tết năm nay của chúng tôi sẽ rất đặc biệt”.

Quyết định lên đường chỉ trong 1 tiếng đồng hồ

Tranh thủ chờ Lễ bàn giao, đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo (32 tuổi, thuộc đơn vị Bệnh viện quân đoàn 4) gọi điện thoại về cho con trai 4 tuổi ở nhà, con trai khá tự lập, nhưng chị vẫn có chút chạnh lòng. Chị Thảo kể, khi được phân công nhiệm vụ, chị gọi về liền cho chồng. Quá bất ngờ, anh nói anh phải suy nghĩ và tắt máy.

Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo

“Tôi gọi lại rồi mô tả cho anh những công việc sẽ làm, ý nghĩa của nhiệm vụ. Từ trước đến nay, chồng tôi luôn ủng hộ, thông cảm cho công việc của vợ, nhưng lần này anh nói “từ từ nói chuyện sau” rồi tắt máy lần nữa. Quyết tâm làm nhiệm vụ, tôi nhắn tin cho anh, nói rằng tôi không có nhiều thời gian, đây là nhiệm vụ cấp bách, phải quyết định ngay.

Một giờ sau, anh gọi lại nói đồng ý. Tôi bước vào khóa huấn luyện. Tôi tự nhủ, sao đồng đội đi mà mình ở nhà được. Nói vậy nhưng tôi cũng hồi hộp lắm, chuyên môn, ngoại ngữ đã chuẩn bị, được tập huấn rất nhiều về các nghiệp vụ đảm bảo sức khỏe cho nhân viên của Liên hợp quốc không phải là nhiệm vụ đơn giản”, chị Thảo cười.

Thiếu tá chuyên nghiệp Bùi thị Xoa (giữa): "Con trai tự hào về tôi".

Nữ quân y “chị cả” -Thiếu tá chuyên nghiệp Bùi thị Xoa (43 tuổi, thuộc đơn vị Bệnh viện Quân y 7B) cho biết đã sẵn sàng lên đường. Mới đầu vào các kỳ huấn luyện , chị Xoa tưởng chừng như quá sức với độ tuổi của mình.

Khi được gọi tên trong danh sách của Bệnh viện Dã chiến, chị Xoa kể: “Lúc làm nhiệm vụ, cả tôi và đồng đội, ai cũng quyết tâm. Nhưng khi chuẩn bị hành trang lên đường, tôi mới giật mình, con trai tôi đang tuổi dậy thì, không có mẹ bên cạnh, chắc sẽ tủi lắm.

Khi cháu nói tự hào về tôi, tôi yên tâm lắm. Nhiệm vụ lần này không chỉ là vinh dự bản thân, niềm tự hào của gia đình, mà có ý nghĩa rất lớn với mối quan hệ tốt của nước bạn và Việt Nam”.

Sau gần 5 năm chuẩn bị, Bệnh viện Dã chiến Cấp 2, số 1, trực thuộc Bệnh viện Quân y 175 đã hoàn thành các chương trình huấn luyện, trang bị, tổ chức cơ bản, được Liên hợp quốc chấp nhận sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, ảnh Nguyễn Trung Trực.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam chuẩn bị triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được thành lập ngày 25/11/2014, trực thuộc Bệnh viện Quân y 175. Sau gần 5 năm chuẩn bị, Bệnh viện Dã chiến Cấp 2, số 1 đã hoàn thành các chương trình huấn luyện, trang bị, tổ chức cơ bản. Vượt qua các tiêu chuẩn đánh giá của Liên hợp quốc, sẵn sàng sang phái bộ Nam Sudan (Châu Phi) làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

Những "bóng hồng" lại dịu dàng trong tà áo dài

Ngày 1/10 tới đây, 10 bông hoa rực rỡ cùng 53 đồng đội thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2, số 1 sẽ tới Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ vinh quang của mình. Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Nam Sudan sẽ là lực lượng thay thế Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 của Vương Quốc Anh.

Dự kiến đoàn công tác sẽ lên đường sang Nam Sudan làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho quân nhân trong phái bộ gìn giữ hòa bình và khoảng 150.000 dân thường trong trại tị nạn trong thời gian 1 năm (từ ngày 28/9/2018 đến ngày 30/9/2019). Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là hình ảnh thiện chí vì mục đích nhân đạo của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

 

Mỗi chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến là một sứ giả hoà bình

Đó là khẳng định của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng tại lễ bàn giao Bệnh viện dã chiến Cấp 2, số 1 từ Bệnh viện quân y 175 về Trung tâm Gìn giữ hoàn bình Việt Nam ngày 29/9.

Chỉ còn 2 ngày nữa, các sĩ quan quân đội Việt Nam thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 Việt Nam sẽ xuất quân thực hiện nhiệm vụ giữ hòa bình tại phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) đã trả lời báo chí về vấn đề này.

Xin Thượng tướng cho biết tình hình ở Nam Sudan hiện giờ ra sao?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Một số nước châu Phi nói chung còn đói nghèo, mất kiểm soát về chính quyền và xung đột giữa các bộ tộc, phe phái trong một quốc gia. Nhiệm vụ của LHQ là đưa lực lượng đến ngăn chiến tranh bùng phát, giúp nước chủ nhà tham gia tái thiết. Lực lượng của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ chỉ tham gia đảm bảo hòa bình và hòa giải.

10 nữ sĩ quan chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại phái bộ LHQ ở Nam Sudan – một quốc gia ở Châu Phi

LHQ có quy định, các nước tham gia được lựa chọn nội dung công việc, địa bàn, trách nhiệm... Chúng ta tham gia trên cơ sở chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ hòa bình và quan hệ đối ngoại, không tham gia vào xung đột quân sự. Nói thế không có nghĩa là chúng ta né tránh mà đây là đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Thượng tướng có thể cho biết thành công bước đầu của lực lượng quân đội Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình LHQ?

Chúng ta thành công bước đầu ở ba nội dung lớn: hoàn thiện hệ thống pháp lý; đưa được 27 sĩ quan tham mưu giữ gìn hòa bình LHQ ở Châu Phi và chuẩn bị tốt cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường làm nhiệm vụ.

Thiếu úy Sa Minh Ngọc trao đổi với chuyên gia nước ngoài về công tác huấn luyện thực hành

Tôi tin rằng, quân đội Việt Nam sẽ mang lại thành công cho Tổ quốc, đóng góp vào hòa bình ổn định của thế giới. Nhưng việc thực hiện nhiệm vụ không đơn giản, đây là thử thách lớn, đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực để hoàn thành. Dù nhiều khó khăn và thử thách nhưng tôi khẳng định chúng ta sẽ giành được thắng lợi.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 là một sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa Việt Nam. Thượng tướng nghĩ sao về điều này?

Đúng là như thế và không chỉ là sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa, mà mỗi chiến sĩ còn là sứ giả về sức mạnh quân sự của Việt Nam. Sức mạnh này có được từ truyền thống rất nhiều năm và được phát huy trong thời bình.

Trong quá trình huấn luyện, từng cán bộ, chiến sĩ phải giỏi nghề, ngoại ngữ, thông thuộc luật pháp quốc tế và am hiểu chính trị... Tôi căn dặn anh em luôn phải tự học, tự rèn bản lĩnh, hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn chính là nơi rèn luyện tốt nhất.

Một buổi tập luyện của các nữ sỹ quan

Ý nghĩa của việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc? Thưa Thượng tướng?

Chúng ta đã tham gia vào nhiệm vụ này được 5 năm với hình thức là sĩ quan tham mưu, sĩ quan liên lạc đóng góp rất tích cực cho việc gìn giữ hòa bình LHQ, nhưng chỉ tham gia ở khía cạnh quan sát, tham mưu chứ chưa có hành động thực tế. Lần này, chúng ta đưa các chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi là chuyển từ công tác tham mưu sang hành động thực tế và điều này sẽ giúp biết năng lực sĩ quan chúng ta, kể cả về quân sự, quan hệ quốc tế và trình độ quân y.

Tôi tin LHQ rất chờ đợi chuyến đi của chúng ta, để họ thấy Việt Nam trong thời chiến tranh như vậy thì trong thời bình ra sao. Đây là một ý nghĩa to lớn để chúng ta chứng minh sự đóng góp đối với hòa bình thế giới và chứng minh cho thế giới thấy quân đội chúng ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất giỏi, nhưng bảo vệ hòa bình cũng rất tốt và rất chủ động.

Một điểm nổi bật của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi lần này là có 10 nữ sĩ quan. Đối với lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, tỷ lệ nữ thường rất thấp, họ chỉ yêu cầu 10% nhưng chúng ta đi lần này là 17%. Đây là dấu ấn, Việt Nam vừa làm tốt nghĩa vụ gìn giữ hòa bình nhưng vừa làm tốt mục tiêu bình đẳng giới của LHQ. Tôi rất trông chờ vào 10 nữ sĩ quan của chúng ta ở Châu Phi.

Phương hướng sắp tới của Bộ Quốc phòng tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ như thế nào thưa Thượng tướng?

Phương hướng chung là chúng ta tiếp tục nắm bắt thông tin, thường xuyên rút kinh nghiệm... để nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể, ngay sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi thì Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sẽ được thành lập. Một năm sau, Bệnh viện số 2 sẽ xuất quân gìn giữ hòa bình LHQ và Bệnh viện số 1 về nước và sẽ trở thành bệnh viện dã chiến cơ động của quân đội.

Hiện chúng ta cũng đang chuẩn bị đội công binh, cũng là một cam kết với LHQ. Dự kiến cuối năm 2019, đầu năm 2020, chúng ta sẽ đặt vấn đề với LHQ để đội công binh xuất quân.

Ngoài lực lượng công binh và quân y, sắp tới Bộ Quốc phòng còn đưa lực lượng nào nữa?

LHQ đề nghị Việt Nam nhiều như họ đang muốn chúng ta tham gia vào không quân trực thăng vận tải, rồi thông tin, bảo vệ và nhiều lực lượng khác. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tham gia vào những lĩnh vực phù hợp với đường lối đối ngoại phù hợp với năng lực của chúng ta. Trong đó có hai yêu cầu: phải an toàn về lực lượng và hoàn thành nhiệm vụ.

Xin cảm ơn Thượng tướng!

Thực hiện: Phạm An, Gia Hưng
Ảnh: Trung Trực, Trần Chính
Kỹ thuật: Ngô Tới

Chia sẻ bài viết: